Góp ý của Ông Vũ Thế Vậc

Thứ Hai 16:35 22-05-2006
[b]LUẬT PHÁ SẢN ĐỐI VỚI VIỆC PHÁ SẢN CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG

Luật phá sản doanh nghiệp được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá IX, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 30/12/1993, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/1994. Đây là khuôn khổ pháp lý cơ bản đối với việc phá sản doanh nghiệp nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ nợ, doanh nghiệp mắc nợ và những người có liên quan, xác định trách nhiệm của doanh nghiệp mắc nợ và những người có liên quan, xác định trách nhiệm của doanh nghiệp mắc nợ khi giải quyết phá sản doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy doanh nghiệp hoạt động kinh doanh có hiệu quả và bảo đảm trật tự, kỷ cương xã hội. Tuy nhiên, Luật phá sản doanh nghiệp còn nhiều bất cập, không phù hợp với thực tiễn khách quan, đặc biệt là đối với loại hình doanh nghiệp đặc thù như các tổ chức tín dụng. Vì vậy, chưa áp dụng được các quy định của Luật phá sản đối với việc phá sản một tổ chức tín dụng.

Kể từ khi có hai Pháp lệnh ngân hàng, cũng như hai Luật ngân hàng, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã phát triển cả về số lượng và chất lượng. Loại hình các tổ chức tín dụng cũng đa dạng hơn bao gồm các tổ chức tín dụng nhà nước, tổ chức tín dụng cổ phần, tổ chức tín dụng hợp tác và tổ chức tín dụng liên doanh và 100% vốn nước ngoài. Quá trình hình thành và phát triển cũng là quá trình đào thải các tổ chức tín dụng làm ăn thua lỗ, kém hiệu quả đứng bên bờ phá sản ra khỏi thị trường.
Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi phải nâng cao năng lực cạnh tranh của các tổ chức tín dụng Việt Nam về tài chính, công nghệ và quản lý ngân hàng. Điều đó đòi hỏi phải có sự cơ cấu lại hệ thống ngân hàng Việt Nam để có đủ năng lực về tài chính, hoạt động trên sân chơi bình đẳng. Quá trình cơ cấu cần các giải pháp sáp nhập, hợp nhất, và đóng cửa các ngân hàng. Mặc dù có những tổ chức tín dụng làm ăn thua lỗ cần đóng cửa, nhưng không thể áp dụng các quy định của Luật phá sản doanh nghiệp để phá sản một tổ chức tín dụng bởi lẽ tổ chức tín dụng có hoạt động đặc thù là thường xuyên nhận tiền gửi và sử dụng số tiền đó để cấp tín dụng, cung ứng các dịch vụ thanh toán. Đây là hoạt động khác biệt với hoạt động của các doanh nghiệp khác và chứa đựng rất nhiều rủi ro.
Theo quy định tại điều 2 Luật phá sản doanh nghiệp thì doanh nghiệp đang lâm vào tình trạng phá sản là doanh nghiệp gặp khó khăn hoặc bị thua lỗ trong hoạt động kinh doanh sau khi đã áp dụng các biện pháp tài chính cần thiết mà vẫn mất khả năng thanh toán nợ đến hạn. Quy định này không khả thi đối với tổ chức tín dụng. Bởi lẽ:

Thứ nhất, khi tổ chức tín dụng có nguy cơ mất khả năng chi trả thì đã bị đặt vào trong tình trạng kiểm soát đặc biệt mặc dù kiểm soát đặc biệt chưa được coi là dấu hiệu pháp lý để xác định một tổ chức tín dụng lâm vào tình trạng phá sản.
Thứ hai, đối với tổ chức tín dụng không chỉ căn cứ vào dấu hiệu mất khả năng thanh toán nợ đến hạn thì không phù hợp mà cần căn cứ vào các quy định liên quan đến quản lý rủi ro trong ngân hàng.
Hơn nữa, tổ chức tín dụng mất khả năng thanh toán không phải là do những khoản nợ đến hạn mà phần lớn phải trả khoản nợ trước hạn khi có sự cố bất thường. Sự cố ngân hàng ACB vừa qua cho thấy chỉ một thông tin thất thiệt đã làm cho dân chúng ồ ạt rút tiền trước hạn tại ngân hàng và hậu quả làm cho ngân hàng có nguy cơ mất khả năng chi trả. Nếu không có sự ứng cứu kịp thời của Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại khác thì ACB đã đổ bể trước khi lầm vào tình trạng phá sản.
Mặt khác, khi tổ chức tín dụng mất khả năng chi trả, thì tổ chức tín dụng trở thành con nợ của người gửi tiền đồng thời cũng là chủ nợ của những người vay tiền tổ chức tín dụng mà chưa trả nợ ngân hàng. Từ cơ sở phân tích trên đây cho thấy việc áp dụng các dấu hiệu doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản là không hợp lý đối với một tổ chức tín dụng được coi là lâm vào tình trạng phá sản.

Khách hàng của tổ chức tín dụng là rất nhiều những người gửi tiền tại tổ chức tín dụng. Do đó việc tiến hành hội nghị chủ nợ sẽ không thể thực hiện được để tiến hành các thủ tục hoà giải và các giải pháp tổ chức lại hoạt động của tổ chức tín dụng khi một người gửi tiền chỉ quan tâm đến việc rút được tiền gửi khỏi tổ chức tín dụng một cách nhanh nhất. Bởi vậy, việc hỗ trợ hết sức cần thiết của cơ quan quản lý nhà nước là Ngân hàng Nhà nước trong việc chi trả tiền gửi cho người gửi tiền thông qua các khoản cho vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước. Do đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ là người đại diện chung cho quyền lợi của người gửi tiền để giải quyết những vấn đề phức tạp về trật tự an toàn xã hội trong khi phá sản tổ chức tín dụng. Mặt khác trong quá trình chi trả tiền gửi cho dân chúng còn có sự tham gia của tổ chức bảo hiểm tiền gửi trong quá trình xử lý phá sản tổ chức tín dụng.

Quá trình giải quyết phá sản tổ chức tín dụng không thể áp dụng thủ tục phục hồi như quy định trong Luật phá sản bởi nó không phản ảnh được thực thể khách quan của quá trình xử lý những khó khăn của tổ chức tín dụng theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng. Hơn nữa, toà án cũng không đủ khả năng để xử lý các vấn đề khó khăn và phức tạp về tài chính đối với một tổ chức tín dụng trong quá trình phá sản tổ chức tín dụng. Do đó, việc quyết định mở thủ tục giải quyết tuyên bố phá sản tổ chức tín dụng phải dựa trên yêu cầu tuyên bố phá sản của cơ quan quản lý nhà nước về tiền tệ và ngân hàng là Ngân hàng Nhà nước.

Ngân hàng chính sách là một loại ngân hàng được thành lập nhằm thực hiện một số chính sách xã hội, trong những thời kỳ nhất định và hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận. Sự tồn tại và hoạt động của chúng được nhà nước bảo đảm. Vì vậy việc phá sản một ngân hàng chính sách cũng đồng nghĩa với sự phá sản sự bảo trợ của nhà nước. Do đó, không áp dụng Luật phá sản đối với loại hình ngân hàng chính sách xã hội.

Thực tiễn cho thấy hơn 9 năm thi hành Luật phá sản doanh nghiệp nhưng chưa áp dụng Luật phá sản doanh nghiệp để phá sản được một tổ chức tín dụng nào mặc dù trong 9 năm qua, Ngân hàng Nhà nước đã buộc phải thu hồi giấy phép để đóng cửa nhiều các tổ chức tín dụng hoạt động thua lỗ không có hiệu quả.

Như vậy, từ cơ sở phân tích trên đây cũng như thực tiễn cho thấy Luật phá sản doanh nghiệp không phù hợp với việc phá sản một doanh nghiệp hoạt động đặc thù như tổ chức tín dụng. Vì vậy cần phải đưa loại hình tổ chức tín dụng ra khỏi Luật phá sản doanh nghiệp và cần có những quy định riêng biệt về phá sản đối với các tổ chức tín dụng. Có như vậy thì Luật phá sản mới đi vào cuộc sống thực tiễn khách quan của xã hội.

Vũ Thế Vậc
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Các văn bản liên quan