Góp ý của TS. Vũ Tiến Lộc

Thứ Hai 16:35 22-05-2006
[size=18]XÂY DỰNG LUẬT PHÁ SẢN VÌ MÔI TRƯỜNG KINH DOANH NGÀY CÀNG THUẬN LỢI

1. Hiện nay, khi Luật Doanh nghiệp 1999 được đánh giá là tạo ra nhiều thuận lợi, gỡ bỏ các rào cản cho các nhà đầu tư gia nhập thị trường thì ở giai đoạn rút lui khỏi thị trường Luật Phá sản doanh nghiệp 1994 dường như ở thái cực ngược lại, thường được dẫn chứng như là một đạo luật điển hình của sự xa rời thực tiễn kinh doanh.

2. Nguyên nhân của thực trạng trên không phải vì pháp luật phá sản không cần thiết cho cuộc sống. Hàng nghìn doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ đã và đang được tổ chức lại. Hàng chục nghìn doanh nghiệp dân doanh mới ra đời mà không phải tất cả trong số đó đều kinh doanh có lãi. Một môi trường kinh doanh lành mạnh luôn cần đến phương thức rút lui khỏi thị trường văn minh và hiệu quả như phương thức phá sản.
Giữ vai trò như là một "công cụ huỷ diệt có tính sáng tạo", Luật Phá sản điều chỉnh việc phân bổ lại các nguồn lực trong xã hội, từ nơi không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp đến nơi có hiệu quả cao, tạo ra môi trường tin cậy để các chủ nợ, nhà đầu tư an tâm bỏ vốn làm ăn.
Luật Phá sản ngăn ngừa những "cuộc đua" hỗn loạn giữa các chủ nợ gây lãng phí cho xã hội nhằm có được tài sản hoặc phán quyết của toà đối với tài sản của công ty mắc nợ. Các cuộc chạy đua này thường dẫn đến việc tài sản của công ty mắc nợ bị chia nhỏ và bị mất mát giá trị so với việc gộp lại để giải quyết đồng thời.

3. Luật Phá sản có hai mục tiêu chủ yếu: Một là bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các chủ nợ, qua đó tạo điều kiện duy trì và phát triển thị trường vốn. Hai là bảo đảm rằng các doanh nghiệp gặp khó khăn tạm thời, cần có cơ hội để tái tổ chức, được bảo vệ và tạo điều kiện để tái phục hồi.
Bảo vệ chủ nợ là mục tiêu rất quan trọng của Luật Phá sản. Khi nhà đầu tư tiềm năng thấy phần vốn đầu tư của mình không an toàn, khó có thể đòi lại được vì những lý do phi thị trường thì nhà đầu tư sẽ không yên tâm bỏ vốn kinh doanh, cho vay nợ… Hậu quả tiếp theo là thị trường vốn cung cấp cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng. Khó có thể hình dung được một nền kinh tế thị trường mà không có được một thị trường vốn lành mạnh, phát triển.

Để bảo vệ quyền của các chủ nợ, cần tôn trọng một số nguyên tắc sau đây:
- Thủ tục phá sản cần tối đa hoá tổng tài sản nợ mà các chủ nợ sẽ nhận được.
- Thủ tục phá sản không nên quá "mềm mỏng" đối với con nợ "xấu" và cũng không nên quá khắt khe đối với con nợ "tốt". Thủ tục phá sản phải thực sự là một hình thức kỷ luật nghiêm khắc đối với người quản lý doanh nghiệp khi họ không cẩn thận đối với các khoản vay, đầu tư phiêu lưu, lãng phí. Tuy nhiên, các doanh nghiệp có thực lực về mặt kinh tế cũng có thể lâm vào tình trạng khó khăn tạm thời về tài chính và luật phá sản cần đưa ra cách thức để bảo vệ họ.
- Thủ tục phá sản cần phải bảo đảm quyền ưu tiên và những chủ nợ ưu tiên cần được thanh toán trước (như chủ nợ có bảo đảm).
- Thủ tục phá sản cần phải giảm thiểu mức độ can thiệp quá mức hoặc ngăn chặn các hành xử tự do của các ngành.

Đối chiếu với thực tế Việt Nam hiện nay, cần cân nhắc về các nguyên tắc trên trong quá trình xây dựng Luật Phá sản (sửa đổi). Trước hết, cần trao cho các chủ nợ sự chủ động và tự định đoạt trong thủ tục phục hồi, đồng thời phát huy vai trò của Toà án giám sát chặt chẽ việc thực thi các thủ tục phá sản để chống gian lận, mà không nên can thiệp quá sâu vào những quyết định của các chủ nợ.

Việc "hành chính hoá" tổ quản lý tài sản có lẽ chưa phải là một giải pháp tối ưu. Lý do vì các luật sư, kiểm toán viên, các nhà quản trị doanh nghiệp… của nước ta còn non trẻ, chưa có kinh nghiệm để không xem họ là các quản tài viên cũng chưa thực sự thuyết phục vì bản thân hệ thống toà án, thi hành án… cũng trong tình trạng thiếu người có kiến thức chuyên môn, công việc lại quá tải, chúng ta cũng chưa có toà án chuyên về phá sản như các nước. Nên chăng cần mạnh dạn thay đổi hình thức tổ quản lý tài sản của doanh nghiệp theo hướng chú trọng phát triển đội ngũ quản tài viên, thanh lý viên chuyên nghiệp lấy từ những người có kiến thức, kinh nghiệm ngoài xã hội.

4. Việc tham khảo các định chế về phá sản của các nước là việc làm cần thiết, tuy vậy, rất cần tính đến những điều kiện thực tế của Việt Nam hiện nay, có những lựa chọn thích hợp để Luật Phá sản thực sự "đi được vào cuộc sống".

Chẳng hạn trước hiện trạng không minh bạch, bưng bít thông tin tài chính phổ biến của con nợ ở Việt Nam hiện nay cần có thêm những chế định cụ thể nào để bảo vệ chủ nợ? Chế định phù hợp nào nâng cao trách nhiệm của chủ nợ trong việc thẩm định con nợ trước khi cho vay, tích cực giám sát con nợ sau khi cho vay…? Hoặc với hệ thống pháp lý còn sơ khai, bộ máy các cơ quan tư pháp còn nhiều bất cập, nên chăng thiết kế luật nên theo hướng có nhiều quy định "tự điều chỉnh", giảm thiểu việc dựa nhiều vào quyết định của thẩm phán?

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế với khu vực và thế giới, thời gian qua, mặc dù môi trường kinh doanh ở nước ta đã có những chuyển biến đáng khích lệ, tuy nhiên, môi trường này vẫn chưa thực sự lành mạnh, còn nhiều rủi ro khi mà các doanh nghiệp "có khai sinh nhưng không khai tử". Xây dựng và thực thi tốt Luật Phá sản sẽ góp phần khắc phục hạn chế này, khơi dòng chảy đồng vốn - mạch máu của nền kinh tế quốc dân - được thông suốt.

[b]TS Vũ Tiến Lộc
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

Các văn bản liên quan