Góp ý của luật sư Lê Ngô Hoài Phong

Thứ Ba 09:55 23-05-2006
MỘT SỐ Ý KIẾN ĐÓNG GÓP DỰ THẢO NGHỊ ĐỊNH CỦA CHÍNH PHỦ
Về giao, bán, khoán kinh doanh, cho thuê Công ty Nhà nước


Luật sư Lê Ngô Hoài Phong, Đà Nẵng

1. Một số ý kiến chung:

1.1. Xác định tài sản của doanh nghiệp nhà nước:
Toàn bộ nội dung của Nghị định hoàn toàn không đề cập đến giá trị tài sản vô hình. Trên thực tế đây là tài sản có giá trị khá lớn, có khi tổng giá trị tài sản hữu hình của công ty không bằng tài sản vô hình.

Tài sản vô hình chủ yếu là các giá trị tài sản về Sở hữu trí tuệ như:
- Quyền sở hữu Sáng chế
- Quyền sở hữu Kiểu dáng công nghiệp
- Quyền sở hữu Nhãn hiệu hàng hoá
...
1.2. Đảm bảo quyền lợi người lao động:
Nguyên tắc cơ bản khi chuyển đổi hình thức quản lý hay loại hình doanh nghiệp nhà nước, việc bảo vệ quyền lợi của người lao động là cần thiết và chính đáng. Tuy nhiên, nếu quá tập trung vào nguyên tắc này thì mục đích giao, bán, khoán kinh doanh, cho thuê công ty nhà nước khó có thể đi vào thực tế bởi lẽ:

Thông thường công ty nhà nước không thể cổ phần được và làm ăn thua lỗ mới chọn các hình thức chuyển đổi này. Tính không hiệu quả đó có nguyên nhân chính từ nguồn nhân lực. Vì vậy, những đối tượng khi tiếp nhận doanh nghiệp thông thường bên cạnh có chiến lược kinh doanh phù hợp còn phải có chính sách cải tổ nhận sự lớn mới mong đưa doanh nghiệp hoạt động một cách hiệu quả.

Như vậy, Nghị định không nên ràng buộc quá cứng về vấn đề lao động mà nên giao sự tự chủ về cho đối tượng tiếp nhận. Những lao động không đáp ứng được yêu cầu phải có hình thức và chính sách phù hợp để giải quyết. Nếu không giải quyết tốt về vấn đề này, theo tôi, sức ỳ của nguồn nhân sự tiếp tục gây khó khăn và trở ngại cho sự phát triển doanh nghiệp.

2. Một số ý kiến cụ thể:

2.1. Khoản 4 Điều 10:
Không nên quy định về việc cam kết mà Nghị định phải có điều khoản quy định cụ thể “Tập thể người lao động được giao công ty không được cho thuê, chuyển nhượng, tự giải thể công ty trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được giao công ty”.

2.2. Khoản 2 Điều 13:“... Người lao động được hưởng cổ tức, có quyền để thừa kế nhưng không được chuyển nhượng số cổ phần được giao trong thời hạn tối thiểu là 3 năm sau khi giao công ty”.
Số cổ phần mà người lao động nhận được là kết quả lao động và đóng góp tương ứng của họ tại công ty nhà nước trước khi được giao. Như vậy, phải xem xét đó là phần tài sản của họ và họ có toàn quyền định đoạt về số tài sản đó không nên ràng buộc thời gian có thể chuyển nhượng.
Theo tôi, nếu có thể thì quy định việc chuyển nhượng số cổ phần trước hết phải ưu tiên chuyển nhượng cho thành viên và người lao động trong công ty, nếu thành viên hay người lao động trong công ty không nhận chuyển nhượng thì mới được chuyển nhượng cho người khác.

2.3. Điều 33:
Trong nội dung chính của hợp đồng khoán kinh doanh không đề cập đến nội dung khá quan trọng là “Biện pháp bảo đảm thực hiện Hợp đồng”.

Vì rằng, nếu bên nhận khoán không thực hiện đúng với những quy định của hợp đồng và đặc biệt là gây thiệt hại cho doanh nghiệp nhà nước thì phải chịu trách nhiệm bằng tài sản, nhưng nếu không có biện pháp đảm bảo thực hiện hợp đồng như có tài sản thế chấp, cầm cố chẳng hạn thì sẽ có nhiều khả năng thất thoát tài sản nhà nước.

Các văn bản liên quan