Góp ý của ông Trịnh Bá Tửu-HH Ngân hàng VN

Thứ Ba 09:27 23-05-2006
Ý KIẾN THAM GIA VÀO DỰ THẢO NGHỊ ĐỊNH CỦA CHÍNH PHỦ
VỀ THANH TOÁN BẰNG TIỀN MẶT
DO VCCI TỔ CHỨC NGÀY 31 THÁNG 8 NĂM 2004


Trịnh Bá Tửu
Phụ trách Ban đào tạo, Nghiên cứu khoa học và công nghệ Ngân hàng
Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam


I. Sự cần thiết

1. Có thể không ít người cho rằng: trong điều kiện công nghệ điện tử, tin học ngân hàng - thương mại, ngân hàng điện tử phát triển rất nhanh chóng như hiện nay thì không cần và không nên đặt ra vấn đề quản lý thanh toán bằng tiền mặt.

Suy nghĩ trên đây thường được chứng minh thêm rằng: khi đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt, mở rộng và cung cấp tiện ích cho công chúng thì dần dần người ta sẽ từ bỏ thói quen dùng tiền mặt; cần gì phải đặt ra vấn đề quản lý tiền mặt?

Tôi cho rằng hướng tư duy đó phù hợp với nền kinh tế thị trường, bởi vì thực tế ở những nước phát triển: do những công cụ thanh toán phi tiền mặt quá tiện dụng - ra khỏi nhà đã gặp những quầy giao dịch của ngân hàng hoặc máy rút tiền tự động ATM, thậm chí ngồi tại nhà vẫn có thể mua hàng, trả tiền, và quá trình đó dần thành thói quen tự nguyện của công chúng.

Tuy nhiên, khi tìm hiểu sâu hơn có thể nhận thấy những điều đáng quan tâm sau đây:
Thứ nhất, trong nền kinh tế thị trường, việc quản lý hoạt động thanh toán nói chung (trong đó có thanh toán bằng tiền mặt và thanh toán không dùng tiền mặt) là tất yếu; chỉ có vấn đề là cách làm như thế nào và đến một giới hạn nào, phải có sự hạn chế, hoặc sự quản lý thích hợp. Chẳng hạn:
• Ở Mỹ: quy định mức rút tiền mặt qua thẻ, tối đa là 10.000USD;
• Ở Pháp, EU: quy định mức nộp thuế đến mức bao nhiêu thì phải thực hiện bằng chuyển khoản;
• Ở Đức, nếu gửi tiền vào ngân hàng từ 20.000Dmark = 10.000EUR, người gửi phải xuất trình chứng minh thư,...

Thứ hai, về mặt pháp lý, việc thanh toán trong nền kinh tế hầu như không có quy phạm ngăn cấm việc dùng tiền mặt trong thanh toán chi trả, nhưng về chống tham nhũng và chống rửa tiền thì lại đáng quan tâm đến việc dùng tiền mặt để thanh toán chi trả những khoản tiền lớn. Nếu mua nhà, bất động sản mà thanh toán khoản tiền lớn bằng tiền mặt thì người ta đều phải nghi vấn; có trường hợp điều tra lại thu nhập trước đây tại sao không có trong danh mục phải chịu thuế thu nhập? Có trường hợp yêu cầu phải báo cáo với cơ quan có thẩm quyền - nhất là những vụ việc có nghi vấn là rửa tiền, tiền bất hợp pháp do buôn lậu ma tuý...

Thứ ba, ở các nước đang trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế, khi việc chi trả, thanh toán bằng tiền mặt vẫn còn là thói quen của công chúng; khi tỷ trọng thanh toán bằng tiền mặt khoảng trên 20% trong tổng phương tiện thanh toán thì Nhà nước phải rất quan tâm đến việc quản lý tiền mặt, hạn chế việc thanh toán bằng tiền mặt, chẳng hạn ở Trung Quốc, CHLB Nga đã và đang làm. Lý giải cho việc này, họ đưa ra các lý do sau:
• Tiền mặt liên quan đến điều hoà lưu thông tiền tệ thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia vì tiền mặt là một bộ phận trong tổng lượng tiền lưu thông; nếu để nằm chết trong quỹ, trong túi thì không lưu hoạt không có tác dụng trong đầu tư phát triển kinh tế.
• Tiền mặt gắn rất chặt với hành vi tiêu cực khó kiểm soát, như dùng tiền mặt để hối lộ, thanh toán tiền mặt dễ trốn tránh sự kiểm soát thu nhập, trốn thuế, dấu thu nhập, rửa tiền, tham nhũng...
Vì vậy, ở những nước này, đều đã và đang quản lý tiền mặt và hạn chế thanh toán tiền mặt. Trung Quốc có hẳn một điều lệ quản lý tiền mặt do Quốc Vụ Viện ban hành ngày 27/09/1998, trong đó quy định rõ: mục đích quản lý tiền mặt là để cải thiện công tác quản lý tiền mặt, tăng cường giám sát hoạt động kinh doanh; đối tượng quản lý là ai? (Ngân hàng, các cơ quan đoàn thể, bộ đội, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp,...); các giao dịch nào chỉ được dùng tiền mặt thanh toán bao nhiêu, còn bao nhiêu thì phải thanh toán bằng chuyển khoản; v.v...Ở Nga, CHLB Đức cũng có những quy định tương tự.

Đối với nước ta, hiện nay tỷ trọng thanh toán tiền mặt còn trên 20% trong tổng phương tiện thanh toán. Nếu không có cơ chế quản lý và chế tài xử lý việc thanh toán bằng tiền mặt (bên cạnh việc tăng cường mở rộng thanh toán không tiền mặt) thì sẽ không điều hành được hữu hiệu và triệt để chính sách tiền tệ quốc gia, có thể để sơ hở và tạo kẽ hở cho tham nhũng, buôn lậu, trốn thuế, thậm chí rửa tiền, gây mất an toàn, an ninh của nền kinh tế xã hội.

Tóm lại, ở nước ta cần phải quản lý tiền mặt, còn quản lý bằng cách nào ta sẽ bàn.

II. Những nội dung cần quan tâm trong Nghị định:
Tôi xin có ý kiến như sau:

A. Loại ý kiến thứ nhất: Các vấn đề cần quan tâm thêm:1. Vấn đề thứ nhất: Đối tượng áp dụng
Trong dự thảo chỉ nói đến: "TỔ CHỨC", "CÓ TÀI KHOẢN". Như vậy, có nghĩa là: chỉ điều chỉnh những tổ chức và tổ chức đó có tài khoản.
Vấn đề cần suy nghĩa thêm là:
• Có điều chỉnh CÁ NHÂN có tài khoản không? Cá nhân hiện nay trong kinh doanh có nhiều dạng và có trường hợp chi tiền mặt rất lớn.
• Nên dùng thuật ngữ TỔ CHỨC hay thuật ngữ PHÁP NHÂN trong nghị định

2. Vấn đề thứ hai: Hạn mức thanh toán bằng tiền mặt
Trong dự thảo chỉ chia ra hai mức: 5 triệu đồng/1 khoản chi (đối với tổ chức sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước) và 10 triệu đồng/1 khoản chi(đối với các tổ chức không sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước). Tôi cho rằng 5 triệu hay 10 triệu không quan trọng lắm, do ta định liệu và điều chỉnh. Vấn đề cần quy định rõ là: Dù chi tới 1 tỷ đồng bằng tiền mặt cho một khoản chi nhưng đó là hợp lý thì vẫn nên cho chi, không hạn chế (ví dụ như: chi thu mua, chi giải phóng mặt bằng... đó là những khoản chi cho dân, phải thanh toán bằng tiền mặt. Nhưng đã chi là phải chi cho đúng, đã đền bù là phải đền bù, không được dùng vào mục đích khác). Do đó phải quy phạm lại và một vấn đề quan trọng nữa là: phải có kế hoạch và phải có báo cáo cho Ngân hàng Nhà nước hoặc Kho bạc Nhà nước, và sau đó là cơ quan nhà nước kiểm tra sau.

3. Vấn đề thứ ba: Tồn quỹ tiền mặt định mức
Tôi nhất trí nên giao cho đơn vị (tổ chức) tự quy định (xác định) định mức tồn quỹ tiền mặt cho đơn vị mình. Nhưng ở đây nên quy định là chủ tài khoản hay Tổng giám đốc (giám đốc). Đây là vấn đề quyền tự quyết liên quan đến tính pháp lý và người chịu trách nhiệm pháp lý trong khi thực hiện.

Nếu đã được giao quyền tự quyết mà lại tự mình vi phạm (để vượt) thì cũng phải chịu trách nhiệm về mặt hành chính; còn nếu cần thiết phải điều chỉnh thì tự quy định lại mức tồn quỹ và có báo cáo lên cấp thẩm quyền.

4. Vấn đề kiếm tra, giám sát:
Theo dự thảo:
• Các Ngân hàng thương mại không phải đảm nhận việc này; chỉ phải báo cáo theo quy định của chế độ kế toán tài chính lên các cấp thẩm quyền, (việc này Trung Quốc họ giao trách nhiệm cho các ngân hàng mở tài khoản phải phê duyệt hạng mức cho đơn vị mở tài khoản,..., ta thì không), nên các ngân hàng tại Việt Nam là có thể làm được, không có khó khăn gì.
• Vấn đề là ở Tổng cục thuế, Kho bạc nhà nước, Ngân hàng Nhà nước. Đây là những cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan sự nghiệp của Nhà nước phải đảm trách việc Nhà nước giao, kiểm tra giám sát các đơn vị sử dụng tiền mặt mà mình đã phát ra.
Tôi nghĩ đây là một nghĩa vụ mà các cơ quan Nhà nước phải làm và rất nên làm trong điều kiện nền kinh tế đang chuyển đổi ở nước ta. Còn vấn đề tổ chức bộ máy, con người là vấn đề khác (sẽ bàn sau).

5. Công cụ kinh tế của chế tài:
Dự thảo đã đề cập đến chế tài xử lý vi phạm về mặt hành chính. Nên suy nghĩ thêm công cụ nào khác ngoài phí là công cụ kinh tế mà các đơn vị mở tài khoản được phép áp dụng (phí thu, chi tiền mặt) - phí cao, thì người ta chọn sang phương thức phi tiền mặt để đỡ tốn phí. Tôi nhất chí như dự thảo, chưa tìm thêm được công cụ nào hữu hiệu.

B. Loại ý kiến thứ hai: Cụ thể về câu chữ
Tôi xin đi theo thứ tự các điều khoản từ đầu đến cuối Dự thảo.

Các văn bản liên quan