Góp ý của tiến sỹ Nguyễn Ngọc Thạch

Thứ Ba 09:28 23-05-2006
GÓP Ý DỰ THẢO NGHỊ ĐỊNH CỦA CHÍNH PHỦ
Quy định về thanh toán bằng tiền mặt


Nguyễn Ngọc Thạch - Tiến sỹ luật
Giám đốc điều hành Công ty Luật và tư vấn Thạch và Cộng sự



Sau khi nghiên cứu dự thảo Nghị định, chúng tôi nhận thấy có một số băn khoăn xin được nêu lên để cùng tham khảo.

1. Về tên gọi của Nghị định

Cấu trúc và nội dung chính của Nghị định dường như không phải là để điều chỉnh hoạt động thanh toán bằng tiền mặt, một hiện tượng có tính phổ biến trong nền kinh tế nước ta với sự tham gia của: (i) khoảng 80% cư dân không có tài khoản thanh toán tại bất kỳ một ngân hàng nào; (ii) một bộ phận không nhỏ các tổ chức có giao dịch với bộ phận cư dân nói trên và dù muốn hay không các tổ chức này cũng phải thanh toán cho họ bằng tiền mặt. Ngoài ra, ngay cả ở các nước phát triển thì cho đến những năm 90 của thế kỷ 20, đối với một số địa điểm giao dịch việc thanh toán bằng tiền mặt vẫn chiếm tỷ trọng cao (đó là những nơi người dân tiến hành mua sắm phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng như cửa hàng bánh mỳ, siêu thị, cửa hàng bán quần áo, chợ, vận tải công cộng, mua bán đồ gỗ gia dụng, nhà hàng, câu lạc bộ,… với tỷ trọng thanh toán bằng tiền mặt từ 30-97% - Báo cáo nghiên cứu hệ thống thanh toán ở 10 nước phát triển trên thế giới những năm 90).

Hoạt động thanh toán trực tiếp bằng tiền mặt của bộ phận dân cư này làm cho trên thực tế tỷ trọng thanh toán trực tiếp bằng tiền mặt ở nước ta cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực và thế giới. Và một bộ phận giao dịch lớn như vậy lại không thuộc phạm vi điều chỉnh của một Nghị định mà tên gọi của nó là quy định việc thanh toán bằng tiền mặt, theo chúng tôi có lẽ cũng là chưa hợp lý.

Nếu thực sự chúng ta chưa thể làm thay đổi được tình hình trên do điều kiện chưa cho phép, thì nên chăng chúng ta gọi Nghị định này với cái tên khác có lẽ sẽ hợp lý hơn, chẳng hạn như: “Nghị định của Chính phủ Quy định về nghĩa vụ thanh toán không dùng tiền mặt” hay đại loại một lối diễn đạt nào đó phù hợp với mục đích và nội dung điều chỉnh của Nghị định là sử dụng đến mức tối đa việc thanh toán không dùng tiền mặt, hay nói cách khác hạn chế tối đa việc thanh toán bằng tiền mặt trong các giao dịch giữa các tổ chức, cá nhân.

2. Về phạm vi điều chỉnh

Theo chúng tôi, Điều 1 có thể sửa lại như sau: “Nghị định này quy định về phạm vi thanh toán và việc quản lý, kiểm tra giám sát, xử lý vi phạm trong lĩnh vực thanh toán bằng tiền mặt Việt Nam đồng giữa những tổ chức, cá nhân có tài khoản thanh toán ở ngân hàng tại Việt Nam.”

3. Về đối tượng áp dụng

Điều mà chúng tôi còn băn khoăn là liệu đã đến lúc chúng ta cần có quy định bắt buộc mọi cá nhân, hộ gia đình có đăng ký kinh doanh, nghĩa là có hoạt động kinh doanh thường xuyên, phải mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng và phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán qua ngân hàng khi giao dịch với các tổ chức, cá nhân có tài khoản thanh toán tại ngân hàng hay chưa?

Luật thương mại hiện hành (Điều 28) cũng không quy định rõ việc thương nhân phải có nghĩa vụ mở tài khoản giao dịch tại ngân hàng, đây có lẽ là kẽ hở tạo ra tình trạng nhiều thương nhân không mở tài khoản và thực hiện thanh toán qua ngân hàng và gián tiếp tạo ra việc thanh toán bằng tiền mặt giữa các thương nhân với nhau, làm tăng tỷ trọng thanh toán bằng tiền mặt trên thực tế.

Đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu thêm và xin ý kiến chỉ đạo của Chính phủ.

Ngoài ra, chúng tôi thấy lối quy định theo kiểu khẩu hiệu như Điều 2.3 của Dự thảo trên thực tế không đem lại bất cứ kết quả gì. Nên chăng, Chính phủ giao cho ngân hàng nghiên cứu tìm cách phát triển hơn nữa mạng lưới cung cấp dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt để người dân có cơ hội và khả năng tiếp cận, đặc biệt là đối với đại bộ phận cư dân ở các vùng không phải là thành phố lớn, nhưng là vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Hơn nữa, phải có chính sách, cơ chế, biện pháp khuyến khích cụ thể để thu hút người dân mở tài khoản và thanh toán theo hình thức không dùng tiền mặt thì sẽ có tác dụng thiết thực và to lớn trong việc hạn chế thanh toán bằng tiền mặt trên thực tế.

4. Vấn đề phí sử dụng tiền mặt (Điều 3.2 và Điều 8 của Dự thảo Nghị định)
Trong khi chúng ta đang tìm cách khuyến khích mọi người mở tài khoản thanh toán và gửi tiền vào để sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt do ngân hàng cung cấp (có thu phí dịch vụ thanh toán – Điều 17, Nghị định số 64/2001/NĐ-CP ngày 20/9/2001), thì thu phí đối với việc gửi tiền vào và rút tiền từ tài khoản thanh toán có lẽ chưa nên làm vào thời điểm này.

Hơn nữa, đối với nhiều giao dịch, dù không muốn doanh nghiệp cũng không thể thực hiện được việc thanh toán không dùng tiền mặt (như mua nông sản, hàng hóa của cá nhân không có tài khoản thanh toán tại ngân hàng). Đây không phải là ý muốn chủ quan của doanh nghiệp mà do chính điều kiện của nền kinh tế nước ta hiện nay buộc doanh nghiệp phải làm như vậy. Vì thế nếu thu phí đối với việc gửi tiền vào và rút tiền từ tài khoản thanh toán sẽ là không công bằng đối với tổ chức có tài khoản thanh toán tại ngân hàng.

Do đó, theo thiển nghĩ của chúng tôi nên bỏ loại phí này. Đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu thêm.

5. Vấn đề hạn mức thanh toán bằng tiền mặt (Điều 4)Trước hết, chúng tôi chưa rõ việc ban soạn thảo xác định hạn mức có thể được thanh toán bằng tiền mặt như Dự thảo là dựa trên cơ sở nào và tại sao?

Chúng tôi cho rằng việc thanh toán giữa các tổ chức có tài khoản thanh toán tại ngân hàng hoàn toàn có thể thực hiện bằng phương thức không dùng tiền mặt, kể cả đối với khoản chi 5 triệu hay 10 triệu đồng.

Do đó, nên chăng sửa Điều 4 thành: “Nghĩa vụ thanh toán không dùng tiền mặt” của các tổ chức có tài khoản thanh toán tại ngân hàng.

6. Vấn đề tồn quỹ tiền mặt định mức(Điều 3.3; các Điều 5, 6 và 7 của Dự thảo)
Chúng tôi cho rằng nếu định nghĩa như Điều 3.3 thì sẽ rất khó xác định được định mức tồn quỹ tiền mặt: “một số ngày làm việc tiếp theo” là mấy ngày?

Hơn nữa, việc kiểm tra tồn quỹ tiền mặt định mức là điều rất khó thực hiện trên thực tế. Thông thường, nếu không cần thiết thì chẳng có doanh nghiệp nào lại giữ nhiều tiền mặt trong két cả, vì hơn ai hết doanh nghiệp là người đầu tiên quan tâm đến yếu tố an toàn cho họ.

Hãy thử tưởng tượng một doanh nghiệp nhận được thanh toán từ một số hộ nông dân bằng tiền mặt trong ngày, nhưng ngay ngày hôm sau lại cần đem tiền đi thanh toán thì chắc chắn dự trữ tiền mặt sẽ lớn vào ngày đó. Nhưng có thể rất nhiều ngày trong tuần doanh nghiệp lại không cần giữ tiền trong két của mình. Việc quy định định mức tồn quỹ tiền mặt đối với doanh nghiệp đó thực ra chẳng có ý nghĩa gì cả, thậm chí còn cản trở hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo chúng tôi, có lẽ Nhà nước không nên ấn định định mức tồn quỹ tiền mặt mà hãy để cho các tổ chức tự quyết định vấn đề này giống như ở một số nước phát triển trên thế giới. Cái mà Nhà nước ta hiện nay có thể kiểm soát được là việc thanh toán giữa các tổ chức có tài khoản thanh toán ở ngân hàng với nhau, và chúng ta hãy cố gắng để làm tốt việc quản lý hoạt động thanh toán này đã.

Còn việc mà chúng ta phải chấp nhận là các tổ chức còn phải sử dụng số lượng lớn tiền mặt để thanh toán cho các cá nhân không có tài khoản thanh toán ở ngân hàng, và điều này thì nhu cầu về tiền mặt của mỗi tổ chức mỗi khác, ở mỗi thời điểm mỗi khác, không thể quy định cứng nhắc được.

7. Vấn đề kiểm tra, giám sát (Điều 9 của Dự thảo)

Chúng tôi xin được lưu ý rằng Tổng cục thuế không có chức năng kiểm soát và giám sát hoạt động thanh toán của các tổ chức (Quyết định số 218/2003/QĐ-TTg ngày 28/10/2003 của Thủ tướng Chính phủ), thì sao lại giao cho Tổng cục thuế kiểm tra hoạt động thanh toán của các tổ chức được.

Lại còn chuyện biện pháp kiểm tra thế nào? Kiểm tra doanh nghiệp bao nhiêu lần trong một năm đây? Tất cả đều cần được cân nhắc thêm.

Đề nghị ban soản thảo nghiên cứu để quy định của Điều 9 có tính khả thi trên thực tế.

8. Mức phạt vi phạm (Điều 12)

Theo chúng tôi, khi không ấn định tỷ lệ phần trăm ngay trong Nghị định thì nên quy định ai sẽ được quyền quy định tỷ lệ phần trăm này? Đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu thêm.

9. Ngoài ra, cái đáng quan tâm là chúng ta sẽ xử lý thế nào nếu các tổ chức có tài khoản thanh toán tại ngân hàng vi phạm nghĩa vụ thanh toán không dùng tiền mặt đối với một giao dịch nào đó (không thực hiện thanh toán qua ngân hàng). Theo chúng tôi có lẽ đây mới là vấn đề chính nhưng chưa thấy đề cập trong Dự thảo Nghị định.
Cũng xin lưu ý là ngay cả Nghị định số 64/2001/NĐ-CP ngày 20/9/2001 của Chính phủ về hoạt động thanh toán qua các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán cũng không có chế tài đối với trường hợp mà chúng tôi vừa nêu.

Trên đây là một số băn khoăn của chúng tôi nhìn từ góc độ thực tế. Rất mong được ban soạn thảo quan tâm nghiên cứu.

Các văn bản liên quan