Hiệp hội Giao nhận kho vận VN góp ý

Thứ Sáu 16:01 26-05-2006
Một số góp ý của Hiệp hội giao nhận kho vận Việt Nam

1. Do hiện tại chưa tìm được từ hay cụm từ nào thích hợp hơn để nói các dịch vụ liên quan đến một quá trình lưu chuyển hàng hoá trong xuất khẩu và nhập khẩu từ khi rời khỏi kho người bán đến kho người mua, hay nói rộng hơn là từ nhà máy (nơi sản xuất) đến nơi tiêu thụ nên chúng tôi cho rằng để chữ giao nhận kho vận như trước đây cũng không mấy ảnh hưởng. Tuy nhiên, hiện nay các dịch vụ này đã được mở rộng hơn, công việc do các nhà xuất nhập khẩu giao cho người giao nhận nhiều hơn và có những điểm khác nên nghề nghiệp giao nhận kho vận đã được nói nhiều về tiếp vận (Logistics). Chữ Logistics gán cho tiếng Việt là "tiếp vận" có nghĩa gần đúng những công việc, dịch vụ đang được mở rộng hiện nay. Vì vậy chúng tôi đề nghị nếu thay đổi cụm từ "giao nhận kho vận" thì thay vào đó từ "tiếp vận".

2. Điều 164 cũ, nay là Điều 163.
Trong trường hợp thay cụm từ "giao nhận kho vận" bằng cụm từ mới hay từ "tiếp vận" như chúng tôi đề nghị, sau câu đã dự thảo, đề nghị thêm câu: "Những doanh nghiệp đã đăng ký và đang kinh doanh dịch vụ giao nhận kho vận không phải đang ký lại để hoạt động kinh doanh dịch vụ tiếp vận." (nếu là dùng chữ "tiếp vận"). Việc này không làm xáo trộn hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp và không làm tăng thủ tục và chi phí hành chính.

Từ đây trở đi chúng tôi kiến nghị dùng từ "tiếp vận" thay cho cụm từ "hỗ trợ mua bán" trong dự thảo Luật Thương mại sửa đổi.

3. Điều 165 cũ.
Chúng tôi cho rằng không nên bỏ điều này. Vì dù sao hai bên (khách hàng và người làm dịch vụ tiếp vận) cũng phải thoả thuận với nhau điều kiện cung cấp dịch vụ, ít nhất là bằng miệng. Theo Bộ luật dân sự thoả thuận đó có thể không cần làm thành văn bản. Mặt khác, còn nhiều điều phía sau có nói đến hợp đồng và các quy định trách nhiệm, nghĩa vụ, giới hạn trách nhiệm của người làm tiếp vận và khách hàng. Vì vậy, chúng tôi đề nghị bỏ cụm từ "được ký kết" trong luật đang áp dụng. Và điều này được đưa vào như sau:

"Điều 164: Hợp đồng tiếp vận hàng hoá:
Hợp đồng tiếp vận hàng hoá là hợp đồng giữa người làm dịch vụ tiếp vận và khách hàng để thực hiện dịch vụ tiếp vận hàng hoá nói tại Điều 162 của Luật này."


4.Khoản 5, điều 164 dự thảo: Đề nghị bỏ vì không cần thiết.

5.Điều 165 dự thảo Luật sửa đổi:
Chuyển vị trí khoản 6. vào khoản 5. và khoản 5. vào khoản 6. trong dự thảo.

6.Điều 166 dự thảo Luật sửa đổi. (Chúng tôi không có nội dung Điều 171 Khoản 2) thay cụm từ "hỗ trợ mua bán" bằng chữ "giao" để thành câu: "..., về sự chậm trễ và giao hàng sai địa điểm mà không phải do lỗi của mình."

7. Điều 168 dự thảo Luật sửa đổi:
Để phù hợp với Khoản 3 và thực tế khi thực hiện việc cầm giữ hàng hoá, đề nghị thay cụm từ: "không được vượt quá" bằng từ "tương đương" tại câu cuối của Khoản 1 điều này để này để thành câu: "Giá trị số hàng cầm giữ tương đương giá trị khoản nợ đã đến hạn".

8. Điều 169 dự thảo Luật sửa đổi: Không có ý kiến bổ sung.

9. Trong Luật thương mại không quy định điều kiện kinh doanh dịch vụ này.
Điều kiện kinh doanh dịch vụ này đã được quy định tại Nghị định 10/2001/NĐ-CP và Nghị định 125/2003/NĐ-CP. Khi Luật Thương mại sửa đổi được thông qua và có hiệu lực, có thể, hai Nghị định trên sẽ được kết hợp làm một và có sửa đổi lại cho phù hợp với Luật Thương mại đã sửa đổi và điều kiện kinh doanh của loại hình dịch vụ này.

Trên đây là một số góp ý của Hiệp hội chúng tôi. Kính mong Quý Ban soạn thảo xem xét và vận dụng.

Xin trân trọng cám ơn và kính chào

Hà Nội ngày 10 tháng 8 năm 2004

Các văn bản liên quan