TS. Lê Nết trả lời các câu hỏi yêu cầu góp ý

Thứ Hai 11:06 22-05-2006
1. Nhận xét chung

Việc ban hành một đạo luật riêng về sở hữu trí tuệ là một việc làm cần thiết, đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ. Quan hệ pháp luật về sở hữu trí tuệ có nhiều qui định mang tính chất hành chính hơn dân sự, ví dụ như qui trình nộp đơn, biện pháp thực thi quyền sở hữu trí tuệ, vì thế việc đặt qui định về sở hữu trí tuệ trong Bộ luật dân sự (BLDS) như từ trước đến nay là chưa phù hợp. Các qui định trong dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ được trình bày công phu và theo các qui định trong các công ước bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, vì thế đáp ứng được đòi hỏi của các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ không những trong mà cả ngoài nước.

Trong báo cáo này, tôi chỉ xin đề cập một số góp ý để làm rõ định nghĩa một số đối tượng sở hữu trí tuệ và để việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ thực sự có hiệu quả, cân bằng giữa lợi ích của chủ sở hữu quyền và lợi ích xã hội.

2. Trả lời các câu hỏi yêu cầu góp ý

2.1 Về mối quan hệ giữa Luật Sở hữu trí tuệ và Phần VI BLDS

Tôi cho rằng việc qui định hai văn bản pháp luật điều chỉnh cùng một đối tượng là điều nên tránh. Thứ nhất, việc qui định như vậy sẽ dẫn đến chồng chéo, khó áp dụng, khó rà soát và khó ban hành văn bản hướng dẫn thi hành. Thứ hai, BLDS hiện nay cũng đang sửa đổi, vì thế đây là thời điểm thích hợp để sửa đổi triệt để một lần, tránh phải sửa đổi lần nữa. Thứ ba, cho dù Luật Sở hữu trí tuệ không qui định cụ thể thì việc áp dụng BLDS vẫn có thể dẫn đến mâu thuẫn với một số điều luật khác có liên quan trong Luật Sở hữu trí tuệ. Nên chăng Luật Sở hữu trí tuệ đưa các qui định của BLDS vào và loại bỏ các qui định không cần thiết hay không phù hợp, khiến Luật Sở hữu trí tuệ trở thành đạo luật thống nhất và duy nhất điều chỉnh các quan hệ về sở hữu trí tuệ. Nếu xét trên khía cạnh phân tích lợi ích - chi phí, thì tập trung thống nhất các qui định sẽ khiến việc áp dụng luật đơn giản, đỡ tốn kém và hiệu quả hơn.

2.2 Về bảo hộ quyền chống cạnh tranh không lành mạnh, chỉ dẫn địa lý và thông tin bí mật

Bảo hộ quyền chống cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ khác với quyền chống cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực thương mại. Ở trường hợp đầu, các hành vi cạnh tranh không lành mạnh đó ít nhiều có liên quan đến một đối tượng sở hữu trí tuệ (thí dụ nhãn hiệu hay sáng chế), tuy nhiên do pháp luật không qui định rõ nên Toà án không đủ cơ sở để kết luận có xâm phạm quyền sở hữu đối với nhãn hiệu hay sáng chế hay không. Lúc này, quyền chống cạnh tranh không lành mạnh xuất hiện như một "lối thoát dự phòng" cho các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ. Mục đích của việc bảo hộ quyền chống cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ vì thê đặc thù hơn quyền chống cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực thương mại. Quyền này cũng được qui định trong Công ước Paris và là một trong những điều kiện để Việt Nam gia nhập WTO.

Bảo hộ quyền đối với chỉ dẫn địa lý cũng là một tiêu chuẩn bảo hộ tối thiểu theo Thoả ước TRIPs, một trong những thỏa ước của WTO, vì thế không thể bỏ các qui định về chỉ dẫn địa lý. Tuy nhiên, có thể nhập việc bảo hộ tên gọi xuất xứ hàng hoá và chỉ dẫn địa lý vào làm một, và yêu cầu một chỉ dẫn địa lý muốn được bảo hộ cần phải được tiến hành đăng ký (giống như tên gọi xuất xứ hàng hoá hiện nay). Điều này sẽ khiến người sử dụng chỉ dẫn địa lý yên tâm hơn khi thực hiện các quyền của mình.

Việc bảo hộ thông tin bí mật (trước kia là bí mật kinh doanh) là điều cần thiết, song cần so sánh hai khái niệm bí mật kinh doanh (trade secret) và bí quyết (know-how) sao cho hai khái niệm này không trùng lắp với nhau, vì bí quyết được nêu trong các qui định về chuyển giao công nghệ, có hạn chế về thời hạn chuyển giao và thủ tục chuyển giao. Trong khi đó bí mật kinh doanh không có các hạn chế này. Nếu hai khái niệm này không thể phân biệt rõ ràng mà lại có qui định khác nhau, thì điều này sẽ tạo nên kẽ hở để người chuyển giao "bí quyết" có thể định nghĩa thông tin của mình là "bí mật kinh doanh" và lách các qui định về chuyển giao công nghệ.

2.3 Quyền của Nhà nước đối với đối tượng sở hữu trí tuệ, nhập khẩu song song

Đây là các qui định phù hợp với trình độ phát triển của nước ta, tuy nhiên cần tham khảo các điều kiện áp dụng li-xăng bắt buộc trong Điều 30 và 31 của Thoả ước TRIPs để đảm bảo Việt Nam có thể gia nhập WTO không chậm trễ vào năm 2005.

TS. Lê Nết
Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh

Các văn bản liên quan