Công khai đấu thầu để chống tiêu cực

Thứ Hai 10:54 22-05-2006
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về 3 dự án Luật

Công khai đấu thầu để chống tiêu cực

Nguyễn Thắng - Quý Dương -Theo Pháp luật Việt Nam ngày 27/9/2005

Tập hợp ba dự án luật của lĩnh vực kinh tế vào cùng một báo cáo thẩm tra, rút ngắn được thời gian “trình bày” các văn bản báo cáo, kết hợp được nhiều ý kiến xác đáng, giải trình đầy đủ, tiếp thu tối đa…Đó là phong cách làm việc có sự đổi mới mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã sáng tạo ra. Trong ngày khai mạc phiên họp thứ 33 (Chương trình họp từ ngày 26/9 đến 10/7), UBTVQH đã tập trung thảo luận, cho ý kiến vào ba dự án luật: Đấu thầu, Doanh nghiệp, Đầu tư.

Xóa bỏ đấu thầu “khép kín”

Thẩm tra về Dự án Luật Đấu thầu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của QH Nguyễn Đức Kiên nhận định, đấu thầu nói chung, đặc biệt là đấu thầu trong lĩnh vực sử dụng nguồn vốn nhà nước luôn là vấn đề bức xúc trong nhiều năm qua.

Thực tế những năm qua, trong hoạt động đầu tư phát triển nói chung, đấu tư xây dựng cơ bản nói riêng, tình trạng “khép kín” là nguyên nhân của nhiều tiêu cực.

Khép kín trước hết là quan hệ giữa chủ đầu tư, tư vấn, thẩm định, xây dựng, nghiệm thu. Do vậy, cần có quy định chặt chẽ để tiến tới xóa bỏ tình trạng này.

Theo Tờ trình của Chính phủ, Dự án Luật đấu thầu có 6 chương, 74 điều, trong đó có một chương riêng về: Lựa chọn nhà thầu (gồm hình thức lựa chọn nhà thầu, quy định chung về đấu thầu, trình tự thực hiện đấu thầu, hủy đấu thầu và loại bỏ hồ sơ dự thầu); về quyền và nghĩa vụ của các bên trong đấu thầu, về quản lý hoạt động đấu thầu…

Qua thảo luận, đa số ý kiến cho rằng, cốt lõi của việc xóa bỏ tình trạng “khép kín” là cần tách bạch chức năng quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương và chức năng tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, nhà thầu, quy định rõ trách nhiệm pháp lý của từng cá nhân, tổ chức và xử lý nghiêm khi vi phạm pháp luật. Vì vậy, nhiều ý kiến đồng tình với quy định tại Điều 11 của dự án Luật về bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu theo hướng tách bạch các chủ thể và công việc có liên quan đến các khâu của quá trình đấu thầu như: Nhà thầu và nhà tư vấn lập hồ sơ mời thầu, chủ đầu tư và cơ quan quản lý nhà thầu…Tuy nhiên, các ý kiến cũng cho rằng, đây là vấn đề tổ chức bộ máy và cơ chế vận hành nằm trong chương trình tổng thể cải cách hành chính của Chính phủ, việc thực hiện các quy định này cần có thời gian quá độ chậm nhất là 3 năm để Chính phủ, các bộ, ngành liên quan chuẩn bị.

Phải định rõ chế tài xử lý

Về các hành vi bị cấm trong đấu thầu, Dự án Luật quy định 15 nhóm hành vi. Nhiều ý kiến tán thành với các quy định này và đề nghị, không chỉ nêu hành vi bị cấm mà phải quy định chế tài xử lý nghiêm khắc khi vi phạm, nhất là những hành vi vi phạm mà dư luận xã hội quan tâm như: Dùng ảnh hưởng cá nhân để tác động, can thiệp; kết cấu, thông đồng giữa các nhà thầu với nhau; cố ý chia nhỏ dự án một cách không hợp lý thành nhiều gói thầu để thực hiện chỉ định thầu; cố tình sắp đặt để cha, mẹ, vợ hoặc chồng, con tham gia các gói thầu mà mình làm bên mời thầu hoặc là thành viên tổ chuyên gia trong đấu thầu…

Về chỉ định thầu, các ý kiến cơ bản thống nhất quan điểm là để bảo đảm tính công khai, minh bạch, trách sơ hở, lợi dụng, cần quy định cụ thể về tiêu chí đối với các gói thầu thực hiện chỉ định thầu. Theo đó, chỉ trường hợp bất khả kháng do thiên tai, địch họa, sự cố, cần khắc phục ngay thì cho phép chủ đầu tư hoặc cơ quan chịu trách nhiệm quản lý công trình, tài sản đó chỉ định nhà thầu để thực hiện ngay các yêu cầu cấp thiết.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch QH Nguyễn Văn An nhấn mạnh đến yêu cầu của vấn đề công khai, minh bạch trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương. Theo Chủ tịch QH, xây dựng luật phải đề cao trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm phải gắn liền với quyền hạn và lợi ích. “Dân chủ, công khai, minh bạch càng rõ càng tốt, càng trực tiếp càng tốt” – Chủ tịch Nguyễn Văn An nhấn mạnh như vậy.


Các văn bản liên quan