Chấm dứt khép kín đấu thầu

Thứ Hai 10:54 22-05-2006
Chấm dứt khép kín đấu thầu: ''Được anh nào áp dụng luôn!"

(VietNamNet - 26/09/2005 ) - Trong ngày làm việc đầu tiên tại phiên họp thứ 33 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (26/9), khi bàn về dự án Luật đấu thầu, các đại biểu đều nhất trí phải chấm dứt ngay việc khép kín trong đấu thầu.

Phiên họp lần thứ 33 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (diễn ra từ ngày 26/9 cho đến hết 7/10) tập trung chuẩn bị nội dung cho kỳ họp Quốc hội sắp tới (dự kiến khai mạc vào 18/10): nghe Chính phủ báo cáo tình hình kinh tế, xã hội, ngân sách năm 2005, phương hướng, nhiệm vụ năm 2006; cho ý kiến 15 dự án luật; các chuyên đề giám sát...

Việc phải làm ngay tức thì

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra lộ trình 3 năm hoặc 4 năm để chấm dứt khép kín trong đấu thầu, trong khi Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có ý kiến chọn lộ trình 3 năm và chỉ đạo đẩy nhanh việc này. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc cho biết.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trương Quang Được tán thành: ''Chuyển đổi ''bongke'' doanh nghiệp nhà nước cần 4 năm thì chấm dứt khép kín trong đấu thầu chậm nhất chỉ đến 3 năm''. Theo ông, áp dụng điều này doanh nghiệp thuộc bộ không sợ mất việc làm có thể ''làm chéo'', ''bộ này có dự án, doanh nghiệp bộ khác nhận lại''.

Điều này được bổ sung vào dự thảo Luật đấu thầu: ''đảm bảo cạnh tranh trong đấu thầu phải được thực hiện chậm nhất là 3 năm kể từ ngày luật này có hiệu lực'' (dự kiến 1/4/2006). Điều này có nghĩa đến 1/4/2009 sẽ chấm dứt khép kín trong đấu thầu.

''Cần đến 3 năm thì chậm quá! Phải làm ngay tức khắc, tức thì, thể hiện trong luật phải rõ hơn. Nếu viết thế này thì mềm quá!'', Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Vũ Mão thẳng thắn.

Thứ trưởng Bộ Giao thông và Vận tải Phạm Thế Minh cũng cho rằng ''được anh nào thì áp dụng luôn''. Ngay dự án của Bộ, nhà tài trợ nước ngoài đã yêu cầu thực hiện việc này.

Bỏ thầu giá thấp phải giải trình

Nhức nhối trong đấu thầu lâu nay là đấu thầu giá thấp, cố gắng thắng thầu bằng mọi giá sau đó tìm cách ''chạy'' giá gói thầu. Ông Trần Ngọc Hùng, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN hiến kế: ''Nếu thấy bỏ thầu giá thấp vô căn cứ thì yêu cầu giải trình xem thực hiện có bảo đảm chất lượng không''.

Bộ trưởng Phúc cho biết, dự luật quy định rất rõ trách nhiệm của chủ đầu tư, được quyết toàn bộ và chịu trách nhiệm đấu thầu theo phân cấp. Tránh tình trạng hiện nay, chủ đầu tư đổ trách nhiệm cho bộ, lên Thủ tướng, không xử lý được.

Nhiều dự án nợ đọng, tiến độ kéo dài, ông Trần Ngọc Hùng đề nghị bổ sung điều kiện về vốn, mặt bằng đối với nhà thầu. Bộ trưởng Phúc cho biết, dự luật đã quy định: bảo đảm dự thẩu có thể tới 3%, bảo đảm hợp đồng khi trúng thầu tới 30%. Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách Nguyễn Đức Kiên, về mặt bằng có thể thuê, nhận vốn góp từ đất, giải phóng mặt bằng lớn thì nhà nước phải hỗ trợ.

Đưa hoạt động đấu thầu lên sàn?

Chủ đầu tư là cơ quan y tế, giáo dục... phải thuê đơn vị tư vấn tổ chức đấu thầu. Vì lẽ đó, theo ông Trần Ngọc Hùng, nên lập sàn giao dịch đấu thầu ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, tạo điều kiện đấu thầu khách quan, công khai, minh bạch, hạn chế tiêu cực. Phó Chủ tịch Quốc hội Trương Quang Được Được cho là cách làm này rất bài bàn, cần xem xét cụ thể thế nào.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phúc Thanh không yên tâm với đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu vì người có quyền ''tìm cách can thiệp vào, thiếu gì lý do''. Giải đáp mối băn khoăn này, Bộ trưởng Phúc cho biết, đầu thầu hạn chế nhưng chủ đầu tư phải mời ít nhất 5 nhà thầu tham gia.

Để chống thất thoát trong đầu tư, Bộ trưởng Phúc sốt sắng đề nghị luật này có hiệu lực từ 1/3/2006 (dự kiến Quốc hội thông qua luật này vào 29/11). Ông cũng cho biết, 13 điều nội dung trong dự luật giao cho Chính phủ hướng dẫn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang dự thảo văn bản. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị có hiệu lực vào 1/4/2006.

** 2 dự luật Doanh nghiệp và Đầu tư (chung) cũng được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đưa ra bàn trong ngày. Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng góp ý, quản lý doanh nghiệp nên đi vào ''hậu kiểm'', chủ yếu việc thanh, kiểm tra, không làm khó dễ doanh nghiệp. Bộ trưởng Phúc cho biết, mặc dù dự luật quy định chưa rõ nhưng lâu nay Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang thực hiện những chức năng quản lý doanh nghiệp được ghi trong dự luật.

Điều 11 (dự thảo Luật đấu thầu): Đảm bảo cạnh tranh trong đấu thầu

1. Nhà thầu khi tham gia đấu thầu phải bảo đảm yêu cầu về tính cạnh tranh dưới đây:

a) Nhà tư vấn lập Báo cáo nghiên cứu khả thi không được tham gia đấu thầu cung cấp dịch vụ tư vấn lập thiết kế kỹ thuật của dự án;

b) Nhà thầu tham gia đấu thầu phải độc lập về tổ chức, về tài chính với nhà tư vấn lập hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu;

c) Nhà thầu thực hiện hợp đồng phải độc lập về tổ chức tài chính vói nhà tư vấn giám sát thực hiện hợp đồng;

d) Chủ đầu tư của dự án phải độc lập về tổ chức, về tài chính và không cùng phụ thuộc vào một cơ quan quản lý với nhà thầu tham gia đấu thầu các gói thầu thuộc dự án.

2. Các quy định tại Khoản 1, điều này phải thực thực hiện chậm nhất là 3 năm kể từ ngày Luật này có hiệu lực.

Chính phủ quy định chi tiết về đảm bảo cạnh tranh trong đấu thầu.


Văn Tiến

Các văn bản liên quan