Đổi mới DNNN là giải pháp chống khép kín

Thứ Hai 10:55 22-05-2006
Đổi mới DNNN là giải pháp chống khép kín

Tuyết Ánh thực hiện – Theo Báo Đấu tư ngày 3/10/2005

Dự thảo Luật Đấu thầu vừa được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tuần trước lần đầu tiên đã đề cập đến hàng loạt vấn đề được coi là nhạy cảm nhất và cũng khó thực hiện nhất trong hoạt động đấu thầu. Việc đón nhận các điều khoản mới này như thế nào là chủ đề cuộc trao đổi giữa phóng viên Báo Đầu tư với ông Nguyễn Việt Hùng, Vụ trưởng Vụ Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Thưa ông, rất nhiều ý kiến tranh luận xung quanh việc dự thảo Luật Đấu thầu đã có một điều khoản quy định riêng về đảm bảo cạnh tranh trong đấu thầu. Trong cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, vấn đề này đã được các đại biểu Quốc hội xem xét như thế nào?

Rất đồng tình. Ngay khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư với tư cách là ban soạn thảo đề cập vấn đề này và báo cáo Chính phủ, việc có một điều khoản cụ thể về đảm bảo cạnh tranh ở mức cao đã được ủng hộ. Tuy nhiên, Chính phủ cũng đề nghị cần một thời gian chuẩn bị tối đa là 3 năm.

Tại sao lại cần một thời hạn lùi như vậy với các nội dung trong điều khoản này?

Vì có những vấn đề liên quan đến hệ thống tổ chức của doanh nghiệp, quá trình cổ phần hoá của doanh nghiệp nhà nước (DNNN)... Ví dụ, quy định chủ đầu tư của dự án phải độc lập về tổ chức, về tài chính và không phụ thuộc vào một cơ quan quản lý với nhà thầu tham gia đấu thầu các gói thầu thuộc dự án. Nếu như buộc phải thực hiện ngay thì sẽ có hàng loạt DNNN trực thuộc các bộ sẽ bị hẫng vì không đủ điều kiện tham gia đấu thầu. Hiện nay, trong nhiều dự án từ giám sát thi công đến nhà thầu xây dựng.... đều là đơn vị thuộc bộ đang quản lý dự án và đứng vai trò chủ đầu tư.

Ông có cho rằng, sẽ có sự phản ứng khi các nội dung này được đưa ra không?

Đây là vấn đề nhạy cảm vì nó động chạm, làm thay đổi những hoạt động bình thường, thông lệ bình thường đang được thực hiện, nên có thể sẽ có những phản ứng. Nhưng luật là phải thực hiện và thực hiện đúng. Ảnh hưởng trực tiếp nhất sẽ là các doanh nghiệp trực thuộc các bộ.

Vậy theo ông, cần có giải pháp gì để những quy định về đảm bảo cạnh tranh trong đấu thầu có thể thực hiện được trong thực tế?

Có nhiều hình thức. Nhưng đối với DNNN, việc quan trọng nhất là tách quản lý nhà nước ra khỏi hoạt động của doanh nghiệp. Phải xóa bỏ cơ chế hành chính chủ quản, nghĩa là không còn các doanh nghiệp nằm trong quyền quản lý của một bộ nào đó. Thực ra, việc thay đổi này cũng nằm trong tiến trình đổi mới DNNN của Việt Nam, nên theo tôi sẽ không quá khó khăn khi thực hiện, nhất là khi đã có một thời hạn lùi.

Vậy, sau 3 năm kể từ khi Luật này có hiệu lực, bức tranh về hoạt động đấu thầu sẽ thay đổi như thế nào, thưa ông?

Hoạt động đấu thầu có hai mặt. Một mặt là các quy định trên giấy tờ và mặt khác là việc thực hiện của những người liên quan. Tôi cho rằng, các quy định được đưa ra trong điều khoản về đảm bảo cạnh tranh sẽ làm cho cạnh tranh cao hơn, nhưng không phải các quy định tốt đẹp của dự luật này sẽ triệt để chấm dứt tiêu cực trong đấu thầu. Vấn đề còn lại là người thực hiện. Rất có thể có những kẽ hở khác mà bây giờ chúng ta chưa phát hiện được... Tôi cho rằng, ít nhất một nửa sự thành công của các điều khoản quy định trong thực tế là thuộc về trách nhiệm và ý thức của người thực hiện.

Thưa ông, chỉ có một điều quy định về đảm bảo cạnh tranh trong đấu thầu như vậy có đủ để giải quyết vấn đề lớn mà ban soạn thảo đưa ra là chống khép kín hay không?

Không phải chỉ có một điều mà tất cả các quy định về hoạt động đấu thầu được đề cập đều hướng tới mục tiêu là tăng cạnh tranh trong đấu thầu. Có thể thấy, các điều khoản như cấm đưa thương hiệu vào trong hồ sơ mời thầu, đấu thầu hạn chế yêu cầu phải mời tối thiểu 5 nhà thầu...

Điều 11 có tên gọi đảm bảo cạnh tranh trong đấu thầu là nổi cộm nhất hiện nay, liên quan đến điều kiện đặc thù của các doanh nghiệp Việt Nam.




Các văn bản liên quan