Tham nhũng: coi trọng phòng hay chống?

Thứ Sáu 15:05 26-05-2006
Tham nhũng: coi trọng phòng hay chống?

VNECONOMY cập nhật: 05/08/2005

Chống tham nhũng nên như thế nào là một câu hỏi không dễ có đáp án thoả đáng.

Trong chương trình kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XI diễn ra vào cuối năm nay, Quốc hội sẽ cho ý kiến về 9 dự án luật, xem xét, thông qua 14 dự án luật.

Trong số này, dự án Luật phòng, chống tham nhũng, dự án Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là những đạo luật có ý nghĩa hết sức quan trọng trong hệ thống pháp luật nước ta, được sự quan tâm và góp ý rộng rãi từ các cơ quan, tổ chức, các tầng lớp nhân dân trong cả nước.

Đến thời điểm này, Dự luật phòng, chống tham nhũng đã được cơ quan soạn thảo xây dựng với 8 chương, 88 điều quy định về phạm vi điều chỉnh, các hành vi tham nhũng, các công tác phòng ngừa tham nhũng, các chế độ, định mức và tiêu chuẩn, quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, cơ chế minh bạch tài sản và thu nhập.
Tuy nhiên, cho đến khi được thông qua, dự luật này còn cần được những nhà làm luật chỉnh sửa, hoàn thiện trên cơ sở lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của các cấp, các ngành và toàn dân.

Diễn đàn kỳ này, chúng tôi xin được trích đăng ý kiến của một số nhà quản lý, chuyên gia, nhà làm luật về những vấn đề cơ bản trong dự luật.

Thống nhất nhận thức và quyết tâm!
(Ông Vũ Đức Khiển, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội)

"Ngay vấn đề quan trọng là tổ chức Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, hiện đang có đa số ý kiến trong Ủy ban không tán thành việc thành lập cơ quan này..."

"Với tư cách là cơ quan thẩm tra, hầu hết các ý kiến của Ủy ban Pháp luật đều nhất trí rằng, thời gian chuẩn bị tuy ngắn, nhưng Ban soạn thảo đã thành công trong việc đưa ra được một dự luật tương đối đầy đủ, bao quát được vấn đề.
Theo tờ trình của Chính phủ thì tình hình tham nhũng hiện nay ở nước ta vẫn đang diễn ra rất phức tạp, trong nhiều lĩnh vực, có xu hướng tăng về quy mô, tính chất ngày càng nghiêm trọng, tạo nên sự bất bình trong nhân dân. Trong khi đó, các quy định của Pháp lệnh chống tham nhũng hiện hành còn nhiều khiếm khuyết, bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu của công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay.

Và vì vậy, việc sửa đổi, nâng lên thành luật vấn đề này là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, cần phải thấy vấn đề là chúng ta chưa phản ánh được rõ và toàn diện tình hình tham nhũng cũng như chưa đưa ra được hết những nguyên nhân căn bản của tình hình tham nhũng đang diễn ra nghiêm trọng ở nước ta hiện nay.
Ngoài các nguyên nhân do suy thoái đạo đức, phẩm chất trong bộ phận không nhỏ đội ngũ cán bộ, công chức, do nhiều quy định của pháp luật, của cơ chế hiện hành còn chưa thật cụ thể, chi tiết nên khó thực hiện thì còn có những nguyên nhân quan trọng khác dẫn đến tình hình nói trên.

Đó là việc buông lỏng quản lý Nhà nước, quản lý cán bộ, chưa có cơ chế quản lý thu nhập của cán bộ, công chức, do bộ máy Nhà nước và của cả hệ thống chính trị còn quá cồng kềnh, nhiều cơ chế chính sách còn chồng chéo, bất hợp lý, nhất là trong lĩnh vực đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, đấu thầu, chế độ cấp phát, chi tiêu ngân sách, còn cơ chế xin - cho,...

“Không phải chúng ta không biết và không thể không biết ai có hành vi tham nhũng, vấn đề là có dám chống, kiên quyết chống tham nhũng hay không?”
________________________________________


Và một điểm không khó nhận ra là: về tính bức xúc và hậu quả của nó ai cũng nói được, thậm chí nói rất mạnh, nhưng dường như chúng ta mới chỉ hô hào chứ chưa thực sự có quyết tâm cao trong việc chống tham nhũng. Không phải chúng ta không biết và không thể không biết ai có hành vi tham nhũng, vấn đề là có dám chống, kiên quyết chống tham nhũng hay không?

Bởi lẽ, tham nhũng là căn bệnh trong bộ máy Nhà nước và cán bộ, công chức là những người dễ có điều kiện để tham nhũng nhất. Hơn nữa, thực tiễn của cuộc đấu tranh trong thời gian qua cho thấy, có vấn đề tương đối phổ biến là việc phát hiện, xử lý tham nhũng chính bằng lực lượng trong nội bộ ngành, cơ quan, tổ chức, địa phương không được nhiều và kết quả còn thấp mà phần lớn lại do lực lượng bên ngoài, do người khác, cơ quan khác phát hiện và xử lý.

Về nội dung của dự thảo luật, nhìn chung Ủy ban Pháp luật tán thành với những nội dung cơ bản, nhất là về những giải pháp phòng ngừa tham nhũng và cho rằng đây là những căn cứ pháp lý quan trọng tạo cơ sở cho cuộc đấu tranh chống tham nhũng có hiệu quả.

Tuy nhiên, cũng còn ý kiến thẩm tra cho rằng dự thảo luật mới chỉ dừng lại ở việc tổng hợp các quy định hiện hành về chống tham nhũng đã được quy định trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau và tuy có đưa ra được một số quy định mới về phòng, chống tham nhũng như vấn đề công khai, minh bạch tài sản,... nhưng nhiều quy định mới này có thể không phù hợp, mâu thuẫn với các quy định của pháp luật hiện hành hoặc sẽ được quy định trong các dự thảo luật, pháp lệnh trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội trong thời gian tới.

Về những vấn đề còn có những ý kiến khác nhau, cụ thể như phạm vi điều chỉnh có nên bao gồm cả hành vi tham nhũng của người có chức vụ, quyền hạn trong các tổ chức, ngoài khu vực Nhà nước hay không? Đa số trong uỷ viên Ủy ban cho rằng không nên, vì cần phải quy định sát với thực trạng tình hình tham nhũng ở nước ta hiện nay khi về bản chất, tham nhũng chỉ diễn ra trong các cơ quan, tổ chức thuộc khu vực Nhà nước.

Hoặc như vấn đề minh bạch tài sản, cần phải cân nhắc việc quy định kê khai tài sản của vợ hoặc chồng và con trong cùng sổ hộ khẩu có phù hợp với quy định về quyền có tài sản của công dân đã được ghi nhận trong Bộ luật dân sự và Luật hôn nhân và gia đình hay không?

Thậm chí, ngay vấn đề quan trọng là tổ chức Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, hiện đang có đa số ý kiến trong Ủy ban không tán thành việc thành lập cơ quan này vì cho rằng địa vị pháp lý không rõ ràng, nhiệm vụ, quyền hạn lại không phù hợp với cơ cấu, thành phần của một ban chỉ đạo.

Vì vậy, dự luật quan trọng này cần được xem xét, cân nhắc hết sức thận trọng từng quy định, từng câu chữ. Nhưng theo tôi, cũng đừng nên kỳ vọng là việc ban hành luật là có thể giải quyết ngay tất cả những hạn chế trong công tác phòng, chống tham nhũng. Để đạt được kết quả trên đòi hỏi những biện pháp thiết thực, cụ thể để làm cơ sở cho việc phát động một cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng trong mọi cơ quan, tổ chức và các tầng lớp nhân dân".

Tham nhũng: coi trọng phòng hay chống?

(Ông Quách Lê Thanh, Tổng thanh tra, Trưởng ban soạn thảo luật:
"Quan điểm nên coi trọng phòng ngừa hay chống tham nhũng đang nổi lên là một trong những vấn đề được bàn thảo gay gắt nhất trong ban soạn thảo...")

"Đây là vấn đề trọng tâm của cơ quan Thanh tra Chính phủ trong năm nay, Dự luật phòng chống tham nhũng ra đời là một cố gắng rất lớn, trong bối cảnh Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ soạn thảo gấp để đưa ngay vào chương trình nghị sự của kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá 11, dự kiến thông qua tại kỳ họp cuối năm.
Trong quá trình soạn thảo, chúng tôi cũng phải nghiên cứu rất nhiều luật văn bản có liên quan, kế thừa Pháp lệnh chống tham nhũng và Pháp lệnh thực hành tiết kiệm chống lãng phí ban hành năm 1998.

Hiện nay, quan điểm nên coi trọng phòng ngừa hay chống tham nhũng đang nổi lên là một trong những vấn đề được bàn thảo gay gắt nhất trong ban soạn thảo. Tương tự, vấn đề kê khai tài sản của cán bộ công chức, cơ quan chống tham nhũng nên duy trì ở mấy cấp, đảm trách công tác này nên là người đứng đầu hay cấp phó hoặc công đoàn? Khuyến khích mọi người dân tham gia đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, phát hiện có tham nhũng, thì phải thưởng cho họ ra sao? Bảo vệ họ như thế nào? Không thể chỉ đề ra chung chung được...

Đề ra bộ khung như vậy cũng phải tính đến việc người ta có thể lợi dụng đấu tranh chống tham nhũng rồi hạ uy tín của nhau, như kiểu lợi dụng dân chủ để khiếu nại tố cáo sai...

Một điều kiện tiên quyết mà chúng tôi đưa ngay vào dự luật là chống tham nhũng phải bằng toàn hệ thống chính trị của chúng ta, chứ không riêng gì cơ quan Thanh tra, hay lực lượng bảo vệ pháp luật như Công an, Kiểm sát, mà phải bao gồm cả Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị, cùng cá cơ quan báo chí nữa.
Thực tế các vụ việc vi phạm pháp luật gần đây như vụ quota liên quan đến Thứ trưởng Bộ Thương mại Mai Văn Dâu, vụ Tổng công ty Dầu khí Việt Nam, vụ Lã Thị Kim Oanh đều có sự tham gia phát hiện, đấu tranh từ lực lượng báo chí; hay vụ đất đai ở Đồ Sơn (Hải Phòng), vụ hầm chui Văn Thánh, mới đây là vụ điện kế điện tử... cũng do người dân phát hiện ra cả.

Chúng ta hay nói đến giám sát của cơ quan Nhà nước có sự tham gia của người dân, nhưng thực tế không phải lúc nào người dân cũng có thể tham gia giám sát ngay từ đầu... Vậy cơ chế tham gia giám sát của người dân thế nào để có hiệu quả? Không chỉ là kêu gọi hình thức, và lực lượng giám sát này phải thực sự là tai mắt giúp các cơ quan bảo vệ pháp luật, chúng tôi cũng đang xin ý kiến để hoàn thiện trong dự luật.

“Chúng ta hay nói đến giám sát của cơ quan Nhà nước có sự tham gia của người dân, nhưng thực tế không phải lúc nào người dân cũng có thể tham gia giám sát ngay từ đầu…”
________________________________________


Một vấn đề nữa là kê khai tài sản của cán bộ công chức. Sau kê khai sẽ phải công khai, nhưng công khai như thế nào, trước đây chỉ công khai khi người đó ứng cử các chức danh chính quyền, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội, nay mở rộng công khai hơn.

Thế nhưng, kê khai - sau đó anh phải tự chứng minh nguồn gốc tài sản tại sao có, có như thế nào, cũng đang phải tính, nếu như vậy có vi phạm quyền công dân không, vì Luật thanh tra mới cũng không qui định vấn đề này...

Vừa rồi thảo luận dự luật tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá 11, tại các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều đại biểu Quốc hội cũng lên tiếng về sự thất thoát lãng phí còn lớn hơn tham nhũng. Chúng ta đã có Pháp lệnh thực hành tiết kiệm chống lãng phí, vấn đề ở chỗ các cấp ngành, địa phương có thực hiện nghiêm chỉnh không?

Về phòng ngừa tham nhũng chúng tôi cũng thiết kế hẳn 41 điều trong chương II của dự luật, đáng chú ý có việc xây dựng tiêu chuẩn, định mức, minh bạch trong mua sắm công, xây dựng cơ bản, minh bạch về tài chính và ngân sách Nhà nước, minh bạch trong cổ phần hoá cơ quan, công ty Nhà nước... và những điều qui định cán bộ công chức không được làm, qui tắc ứng xử của cán bộ, công chức Nhà nước trong việc thi hành công vụ, quan hệ công việc của mình.

Tuy nhiên, vấn đề này cũng như rất nhiều quy định khác cũng cần được xem xét, chỉnh lý thận trọng nhằm tìm ra những phương án thích hợp và khả thi nhất trong giai đoạn hiện nay".

Chống tham nhũng cần có đề án
(Thượng tá Phan Anh Minh, Phó giám đốc Công an Tp.HCM:
"Bên cạnh những quy định của pháp luật thì đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị rất cao của tất cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trong hệ thống chính trị nước ta...")

"Tính chất, mức độ tham nhũng hiện nay diễn ra phức tạp, có ở mọi cấp, mọi ngành từ trung ương đến địa phương. Chủ thể liên quan đến tham nhũng đa phần liên quan đến cán bộ có chức quyền, nắm giữ các quyết định liên quan đến kinh tế, đầu tư xây dựng cơ bản, các dự án kinh tế xã hội v.v...

Nói đến tham nhũng thì người ta thường nghĩ đến chỉ có ở khu vực đô thị, nơi các cơ quan công quyền Nhà nước. Tuy nhiên, tham nhũng ở khu vực nông thôn tuy nhỏ nhưng cũng gây nhức nhối, vì nó liên quan, ảnh hưởng đến những người nông dân lao động vốn còn khó khăn trong cuộc sống. Tham nhũng ở nông thôn thường liên quan trực tiếp đến giải phóng mặt bằng đất đai, đền bù sai nguyên tắc, dẫn đến khiếu kiện đông người dai dẳng.

Về tổng quan, tỷ lệ các vụ việc liên quan đến tham ô, lãng phí tài sản công bị phát hiện còn thấp so với thực tế. Hiện tượng diễn biến vài năm nay, các vụ việc có dấu hiệu cố ý làm trái ở cấp cơ sở được phát hiện rất ít, ngay ở cấp tỉnh cũng vậy, ở cấp trung ương nhiều hơn.

Vậy tại sao tham nhũng khó đánh bật và sống ký sinh mãi trong cơ thể của xã hội? Phải chăng tham nhũng là tất yếu, chống tham nhũng là việc khó có thể thành công do thiếu chế tài? Hoặc nếu có thì chưa làm đã lộ?

Thực tế cũng là do những cơ chế lỏng lẻo của quản lý kinh tế, quản lý các dự án, cơ chế "bôi trơn, xin - cho" vẫn còn tồn tại dai dẳng ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương đến mức nghe thấy có dự án là phải tìm cách đi xin, chạy bằng được về ngành, tỉnh, địa phương mình từ những mối quan hệ quen biết, từ chuyên gia chạy dự án hẳn các cơ quan công quyền ai cũng rõ...

“Chúng tôi nghĩ, phải có một đề án chương trình cụ thể chống tham nhũng như Nghị quyết quốc gia về phòng chống tội phạm…”
________________________________________


Vậy chống tham nhũng nên như thế nào? Một câu hỏi không dễ có đáp án thoả đáng, dù chúng ta ai cũng cảm thấy bất bình, đều hô phải loại bỏ, nhưng ai là người loại bỏ, và loại bỏ, triệt tiêu thế nào để có thể ngăn chặn tận gốc?

Chúng tôi nghĩ, phải có một đề án chương trình cụ thể chống tham nhũng như Nghị quyết quốc gia về phòng chống tội phạm, có quyết tâm không tạo ra "vùng cấm chống tham nhũng", như vậy mới bàn đến sự minh bạch trong quản lý kinh tế, tạo cơ chế không thể tham nhũng, không thể móc nối tham nhũng...

Để có thể đề ra được các giải pháp phòng, chống tham nhũng sát hợp với thực tế, có hiệu quả và bảo đảm tính khả thi thì cần phải có sự tổng kết, đánh giá chính xác và đầy đủ hơn việc thi hành các quy định pháp luật về chống tham nhũng thời gian qua.

Bên cạnh những quy định của pháp luật thì đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị rất cao của tất cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trong hệ thống chính trị nước ta, mà trước hết là những cán bộ, công chức có chức vụ, quyền hạn trong bộ máy Đảng, Nhà nước".

Đấu tranh với tham nhũng phải cụ thể

(Ông Đinh Văn Minh, Phó viện trưởng Viện Khoa học thanh tra:
"Tham nhũng bây giờ như một căn bệnh trầm kha, nó hiện hữu ở nhiều nơi, có thể nói chống tham nhũng là chống những khiếm khuyết của bộ máy hành chính đang tạo ra kẽ hở cho tham nhũng có đất hoạt động.)

Nguy hiểm nhất là tham nhũng đang ăn sâu vào nếp nghĩ của nhiều người, chuyện gì muốn giao dịch xong cũng phải biếu xén, lót tay đưa người nhà đi chữa bệnh, xong rồi cũng phải cám ơn bác sỹ bằng tiền, đi học trường điểm, trường chuyên, lớp chọn cũng phải tiền... Đa phần mọi người cho rằng đó là chuyện nhỏ, chuyện đương nhiên, vậy là chúng ta tự chấp nhận, chấp nhận một cách vui vẻ, nhưng đã chấp nhận cái được coi là nhỏ, rồi dẫn đến lúc xảy ra tham nhũng lớn, liệu còn có chấp nhận?

Có ý kiến cho rằng quan điểm như vậy là khắt khe, cực đoan quá, nhưng cái gì cũng có nguyên nhân sâu xa của nó, nếu anh chấp nhận nó thì anh đương nhiên là thoả hiệp cùng nó, cán bộ công chức dùng thời gian làm việc, sa đà vào chùa chiền, lễ hội như báo chí nêu mỗi dịp đầu năm, đó cũng là tham nhũng tiền của thời gian của Nhà nước...

“Nên nhận định các dấu hiệu của tham nhũng, những cách người ta có thể tham nhũng, như vậy rồi có thể có phương thức phòng, trị nó.”
________________________________________


Vì vậy, nên nhận định các dấu hiệu của tham nhũng, những cách người ta có thể tham nhũng, như vậy rồi có thể có phương thức phòng, trị nó. Điều đó mới khẳng định và đảm bảo được tính khả thi của luật. Từ cách đặt vấn đề đó, xin đề nghị các biện pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng trong dự luật cần phải được quy định một cách rõ ràng, rất minh bạch, rất cụ thể, chi tiết theo hướng luật là để điều chỉnh hành vi của các chủ thể trong đấu tranh phòng chống tham nhũng chứ không phải bằng những quy định chung chung, quy định mang tính chất khung.

Điều này còn rất có ý nghĩa là không chỉ để thực thi luật mà còn là căn cứ để thực hiện việc giám sát, nhất là sự giám sát của nhân dân đối với các cơ quan có trách nhiệm, đối với các chủ thể có trách nhiệm trong công tác đấu tranh này.Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng cần phải được đặt lên hàng đầu như yếu tố có ý nghĩa quyết định đến hiệu quả của công tác chống tham nhũng.

Vì vậy những quy định mang ý nghĩa răn đe, ngăn chặn việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi tham nhũng là rất cần thiết. Trong đó, biện pháp công khai, minh bạch cần được xác định là biện pháp quan trọng hàng đầu".

Nguyên Linh - A Phúc thực hiện

Các văn bản liên quan