Sẽ có Uỷ ban giám sát chống tham nhũng?

Thứ Sáu 15:04 26-05-2006
Sẽ có Uỷ ban giám sát chống tham nhũng?

(VietNamNet - 03/08/2005) - Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu cho biết như vậy khi chốt lại thảo luận về Luật phòng chống tham nhũng tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách sáng 3/8.

Theo ông Yểu, với 2 chức năng lớn là lập pháp và giám sát, Quốc hội không thể lập một Uỷ ban chuyên trách chống tham nhũng như đại biểu đề xuất. Để đẩy mạnh chống tham nhũng, Quốc hội dự kiến thành lập một Uỷ ban lâm thời giám sát thực hiện pháp luật chống tham nhũng. ''Tiếng là Uỷ ban ''lâm thời'' nhưng có thể hoạt động hết một khoá Quốc hội'', ông giải thích thêm.

Ông Yểu cho biết sẽ nghiên cứu tiếp thu ý kiến để Chủ tịch nước làm Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, để tránh tiếng Thủ tướng thuộc cơ quan hành pháp lại chỉ đạo cơ quan tư pháp.

Ở địa phương, ĐB Đinh Văn Oanh (Nghệ An) ''hiến kế'', giao cho Chủ tịch HĐND (thường là Bí thư hoặc Phó Bí thư tỉnh uỷ) phụ trách Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng. Theo ông, cần đặt vào tay Ban chỉ đạo quyền phúc tra kết quả điều tra, truy tố vụ việc tham nhũng.

Về kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, nhiều đại biểu nhất trí kê khai đối với những tài sản (động sản và bất động sản) pháp luật bắt buộc đăng ký và tài sản hoặc thu nhập có trị giá từ 50 triệu đồng trở lên, kể cả vốn góp và cổ phần của cán bộ, công chức. Bản kê khai tài sản và thu nhập của cán bộ, công chức được công khai ở cơ quan và nơi cư trú của người đó cho dân giám sát. Bản kê khai tài sản và thu nhập của người ứng cử vào HĐND được gửi tới Hội đồng bầu cử, công khai nơi bầu cử và cư trú của ứng cử viên.

Theo Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Ngọc Trân, kê khai tài sản vẫn là hình thức trong ''nền kinh tế xài tiền mặt'', mua bán tài sản như nhà đất qua giấy tờ viết tay... Theo ông, giải pháp cần thiết là lập tài khoản cá nhân cho cán bộ công chức, thanh toán qua hệ thống ngân hàng, hoàn chỉnh hệ thống đăng ký tài sản.

Ông Trân thể hiện thái độ rất băn khoăn về tính khả thi của Luật phòng chống tham nhũng. ''Chống tham nhũng phải đặt trong toàn bộ hệ thống pháp luật và thực thi quyền lực của Nhà nước. Ngày nào Luật đấu thầu, Luật quy hoạch... là ''đầu vào'' sản sinh tham nhũng chưa được bít, ''đầu ra'' là minh bạch, công khai hoá từ trên xuống dưới chưa nghiêm túc thì tham nhũng vẫn còn đất sống'', ông trăn trở.

Qua ngày rưỡi thảo luận về dự án Luật nói trên, đã có 31 lượt đại biểu góp ý kiến, còn 15 đại biểu đăng ký chưa được phát biểu do hết thời gian.


Văn Tiến

Các văn bản liên quan