Ý kiến của Ban Nghiên cứu của Thủ tướng

Thứ Sáu 14:43 26-05-2006
GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT ĐẦU TƯ (bản 20/9/2005)

Dự án Luật Đầu tư là một Dự án Luật đặc biệt quan trọng đối với môi trường đầu tư ở nước ta, có tác động trực tiếp và tức thời đến tất cả các nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng như mọi hoạt động đầu tư trong nền kinh tế.

Cho đến nay, sau nhiều lần sửa đổi, các quy định trong Dự thảo Luật (bản ngày 20/9/2005) về các vấn đề liên quan đến ưu đãi, bảo hộ, khuyến khích đầu tư đã hợp lý hơn về thủ tục, minh bạch hơn về nội dung và tương đối phù hợp với điều kiện hiện tại của nước ta.

Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp cũng như các chuyên gia pháp luật, kinh tế vẫn đặc biệt lo ngại về những bất cập hiện nay trong các quy định của Dự thảo liên quan đến phân loại dự án đầu tư và thủ tục đầu tư (Mục 1 Chương VI) và một số quy định về quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư, về lĩnh vực đầu tư có điều kiện, về cách thức xác định đầu tư từ nguồn vốn nhà nước.

I. Bất cập trong các quy định về thủ tục đầu tư theo phân loại dự án đầu tư

Theo Dự thảo, các dự án đầu tư được phân loại với các thủ tục đầu tư tương ứng như sau:
- Nhóm các dự án trong nước dưới 15 tỷ đồng (1)
- Nhóm các dự án trong nước từ 15 - 300 tỷ đồng, dự án đầu tư nước ngoài dưới 300 tỷ đồng (2);
- Nhóm các dự án từ 300 tỷ đồng trở lên và dự án thuộc danh mục lĩnh vực đầu tư có điều kiện (3).

Đối với các Dự án nhóm (1):
Dự thảo quy định các Dự án nhóm này chỉ cần đăng ký theo mẫu tại cơ quan quản lý đầu tư cấp tỉnh.
Nhìn từ góc độ hiệu quả và tác động, thủ tục này là bất hợp lý bởi các lý do:

(i) Không đạt được bất kỳ hiệu quả quản lý nào
Dự án đầu tư chỉ là các ý định, đề xuất của nhà đầu tư mà chưa phải là hiện thực. Do đó, con số thống kê mà Nhà nước có thể thu được từ các mẫu đăng ký đầu tư (về số lượng dự án, quy mô vốn, các lĩnh vực đầu tư...) hoàn toàn không phản ánh thực tế hoạt động đầu tư. Hiệu quả quản lý (dù chỉ là về thống kê) là không đạt được. Sẽ nguy hiểm hơn nếu các thống kê không sát thực tế này được cơ quan Nhà nước sử dụng để điều tiết nền kinh tế.

(ii) Chi phí cao
Thủ tục đăng ký, dù rất đơn giản, vẫn tạo ra những chi phí (về thời gian, tiền bạc) cho các nhà đầu tư. Đối với Nhà nước, chi phí duy trì cơ sở vật chất và nguồn nhân lực để tiếp nhận và xử lý hàng triệu mẫu đăng ký đầu tư (giả thiết là tất cả các nhà đầu tư tuân thủ đầy đủ quy định này) là không nhỏ. Liệu có nên chấp nhận một chi phí lớn (đối với tất cả các chủ thể liên quan) mà không đạt được bất kỳ hiệu quả quản lý nào không?

(iii) Khả năng tác động xấu đến ý thức pháp luật của nhà đầu tư
Theo đúng quy định, nhà đầu tư sẽ phải thường xuyên đăng ký đầu tư (đăng ký mới hoặc đăng ký điều chỉnh các dự án đầu tư lớn, nhỏ của mình). Kết quả điều tra của VCCI cho thấy đa số (60%) các ý kiến phản đối quy định này. Việc đăng ký không tạo ra bất kỳ lợi ích nào cho cả nhà nước lẫn nhà đầu tư, lại tốn kém chi phí, cũng không có cơ chế cưỡng chế, do vậy nguy cơ nhà đầu tư bỏ qua thủ tục đăng ký là rất lớn. Hệ quả là nhà đầu tư sẽ nhờn, tạo ra thói quen coi thường pháp luật của một số nhà đầu tư.

(iv) Tạo dư địa cho sự nhũng nhiễu
Về hình thức, cơ chế đăng ký tự động khó tạo ra cơ hội để người có thẩm quyền nhũng nhiễu nhà đầu tư khi tiếp nhận đăng ký. Tuy nhiên, do hiện tượng nhà đầu tư quên đăng ký theo dự đoán sẽ khá phổ biến (như phân tích ở trên) nên họ sẽ rơi vào tình trạng vi phạm pháp luật. Các cán bộ nhà nước sẽ có cơ hội nhũng nhiễu nhà đầu tư nếu nhà đầu tư muốn họ bỏ qua các vi phạm này. Mặt khác, ngay cả khi các doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện đăng ký, thì do họ không có chứng từ xác nhận của cơ quan thẩm quyền, nên vẫn có nguy cơ bị các cơ quan khác nhau gây khó, đòi hỏi chứng minh là họ đã làm thủ tục đăng ký dự án đầu tư.

Kiến nghị:

Không áp dụng đăng ký đầu tư đối với các dự án đầu tư nhóm 1 (đầu tư trong nước dưới 15 tỷ đồng). Đây thực chất là thêm một khâu mới trong quy trình đầu tư và do đó là bước thụt lùi so với Luật doanh nghiệp hiện hành đã được cuộc sống chứng minh là đúng.

Thay vào đó, Nhà nước có thể quản lý hiệu quả hơn và nắm thông tin chính xác hơn về các dự án đầu tư này thông qua các báo cáo hoạt động hàng năm của doanh nghiệp (chủ thể thực hiện đa số các dự án đầu tư) theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Để đảm bảo việc thực hiện chế độ báo cáo, luật và các nghị định liên quan có thể đưa ra những chế tài nghiêm khắc đối với các doanh nghiệp không chấp hành nghiêm túc quy định về báo cáo. Theo điều tra của VCCI, 61,36% ý kiến được hỏi ủng hộ biện pháp thay thế này.

Đối với các Dự án nhóm (2):

Dự thảo quy định các dự án nhóm này phải được đăng ký đầu tư theo mẫu tại cơ quan quản lý đầu tư cấp tỉnh để cơ quan này chứng nhận đầu tư vào Giấy Chứng nhận đăng ký kinh doanh - đầu tư trong thời hạn 7 ngày.

Với tiêu chí phân loại, các dự án nhóm này được xem là những dự án tương đối quan trọng (về quy mô vốn hoặc nguồn gốc vốn), chiếm tỷ lệ không lớn trong tổng số các dự án đầu tư. Do đó, sự quản lý của Nhà nước đối với các dự án này có thể là hợp lý. Tuy nhiên, quản lý bằng cách chứng nhận đầu tư theo đăng ký của nhà đầu tư lại không hợp lý, trên các góc độ cụ thể sau:

(i) Nếu việc chứng nhận đầu tư được thực hiện gần như tự động (cơ quan quản lý không tiến hành bất kỳ thẩm tra nào mà chỉ căn cứ vào đăng ký của nhà đầu tư) thì rõ ràng việc cấp hay không cấp chứng nhận đầu tư không có ý nghĩa gì về quản lý mà lại mất thêm thời gian, công sức cho nhà nước. Hệ quả trong hai trường hợp (cấp hay không cấp chứng nhận) là như nhau: Nhà nước biết thông tin về dự án thông qua mẫu đăng ký mà nhà đầu tư gửi. Nếu chỉ cần biết thông tin này thì chỉ cần thủ tục đăng ký theo mẫu là đủ, không cần cấp chứng nhận đầu tư làm gì.

(ii) Đối với nhà đầu tư, sẽ thêm thủ tục và rủi ro nếu phải chờ để được cấp chứng nhận đầu tư. Một là không rõ thời điểm nào nhà đầu tư được bắt đầu tiến hành đầu tư (khi đăng ký hay khi được cấp chứng nhận đầu tư?); hai là có nguy cơ nhà đầu tư bị cấp chậm hoặc không được cấp chứng nhận, lỡ cơ hội đầu tư, và do đó để tránh nguy cơ này, họ sẽ phải chạy chọt, hối lộ quan chức có thẩm quyền.

(iii) Việc ghi dự án đầu tư vào Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh - đầu tư có thể cung cấp thông tin sai lệch cho nhà nước và xã hội, gây rủi ro cho các đối tác của nhà đầu tư (do các dự án ghi trong Giấy đăng ký chỉ là ý định / đề xuất, khi tiến hành nhà đầu tư có thể thực hiện bỏ vốn thấp hơn mức đăng ký).

(iv) Nhà đầu tư có thể thấy thủ tục đăng ký và chờ chứng nhận đầu tư phức tạp, tốn thời gian nên sẽ đối phó bằng cách điều chỉnh vốn đầu tư xuống dưới 15 tỷ, tách dự án thành các dự án nhỏ hơn để lách luật.

Kiến nghị:
- Chỉ áp dụng cơ chế Đ ăng ký đầu tư cho các dự án nhóm (2) mà không áp dụng cơ chế Chứng nhận đầu tư cho các dự án nhóm này.

Đối với các Dự án nhóm (3):

Dự thảo quy định các dự án nhóm này phải được thẩm tra đầu tư. Nhà đầu tư phải lập hồ sơ dự án (trong đó có giải trình về các điều kiện đầu tư hoặc giải trình kinh tế - kỹ thuật) trình cơ quan quản lý đầu tư có thẩm quyền theo phân cấp của Chính phủ. Cơ quan này sẽ thẩm tra trong 30 ngày (45 ngày nếu được gia hạn) và xác nhận nội dung đăng ký đầu tư vào Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh - đầu tư.

Về cơ bản, thủ tục thẩm tra áp dụng cho các dự án nhóm này là phù hợp. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số bất cập:

(i) Một số nội dung chưa được làm rõ, có thể tạo dư địa cho tình trạng quan liêu, tham nhũng, gây khó khăn cho nhà đầu tư, cản trở hoạt động đầu tư, ví dụ:
- Trình tự, thủ tục thẩm tra;
- Cơ quan có thẩm quyền thẩm tra;
- Tiêu chí đánh giá mức độ thoả mãn của hồ sơ dự án đầu tư đối với từng nội dung thẩm tra;

(ii) Việc thẩm tra các điều kiện đầu tư mà dự án phải đáp ứng trùng lặp, chồng chéo với việc thẩm tra các điều kiện mà các cơ quan quản lý chuyên ngành hiện nay đang thực hiện theo quy định của pháp luật kinh doanh chuyên ngành (bảo hiểm, xây dựng, tài chính ngân hàng, hàng hải...). Điều này gây tốn kém chi phí (cho cả Nhà nước lẫn nhà đầu tư), tạo thêm rào cản về thủ tục đối với nhà đầu tư. Theo điều tra của VCCI, 64% ý kiến đồng ý với nhận định này.

Kiến nghị:
- Làm rõ các quy định về trình độ, thủ tục, tiêu chí thẩm tra dự án nhóm (3);
- Quy định rõ thủ tục thẩm tra dự án đầu tư theo Luật này sẽ thay thế toàn bộ các thủ tục thẩm tra mà các cơ quan quản lý chuyên ngành đang thực hiện theo các luật chuyên ngành.

II. Về Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh - đầu tư

Nếu tên gọi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh - đầu tư để thay cho Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của Luật doanh nghiệp và Giấy phép đầu tư của Luật đầu tư nước ngoài cũ thì có thể chấp nhận được. Còn nếu coi đây là hai khâu riêng biệt thì xin được góp ý:

Dự thảo quy định các chứng nhận /xác nhận đầu tư sẽ được ghi vào Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và Giấy này sẽ đổi tên thành Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh - đầu tư.

Quy định này là bất hợp lý vì:

(i) Tính chất của đăng ký kinh doanh và đầu tư là không giống nhau
Giấy đăng ký kinh doanh xác định danh tính và những đặc điểm cơ bản của doanh nghiệp (những yếu tố có thực, tương đối ổn định). Trong khi đó dự án đầu tư chỉ là ý tưởng, đề xuất (yếu tố chưa tồn tại, dễ thay đổi). Ghép 02 nhóm yếu tố này vào cùng một văn bản (và theo đó là cùng một cơ chế công bố, trích lục thông tin) rõ ràng là không phù hợp, tạo ra nguy cơ nhầm lẫn cho xã hội, đối tác và cả Nhà nước. Đối với nhà đầu tư, đôi khi việc công bố các dự án dự kiến (chiến lược kinh doanh) có thể tạo ra bất lợi.
Theo điều tra của VCCI, chỉ có 32% ý kiến đồng tình với việc ghép hai nội dung này vào một loại Giấy.

(ii) Việc chỉ có 01 giấy (Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh - đầu tư) không có ý nghĩa nhiều về cải cách hành chính bởi trên thực tế Giấy này vẫn là hệ quả của 02 quá trình quản lý khác nhau.

Kiến nghị:
Không chứng nhận đầu tư vào Giấy đăng ký kinh doanh đối với các dự án nhóm (3). Đối với các dự án nhóm (2) thì không cần chứng nhận đầu tư như đã nêu trên.

III. Về một số nội dung quan trọng khác

1. Về các quy định về quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư

Chương III Dự thảo quy định về các quyền và nghĩa vụ chung cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, các địa vị pháp lý của các nhà đầu tư không giống nhau, tuỳ thuộc vào hình thức đầu tư (thành lập doanh nghiệp; đầu tư BOT, BTO...; mua cổ phần, góp vốn...). Trong rất nhiều trường hợp, các quy định trong Chương III chỉ phù hợp với nhà đầu tư trong trường hợp thành lập doanh nghiệp (ví dụ quy định về xuất nhập khẩu, về mua ngoại tệ...) mà không phù hợp với các nhà đầu tư khác, nhất là nhà đầu tư là cá nhân (có quá nhiều quyền).

Ngoài ra, rất nhiều các quy định trong Chương này thực chất là nhắc lại quy định ở các văn bản pháp luật khác.

Kiến nghị:
Nếu vẫn giữ Chương này thì cần xem xét lại theo hướng:

(i) hoặc là chỉ quy định về các quyền, nghĩa vụ có thể áp dụng chung cho tất cả các nhà đầu tư;
(ii) hoặc là thiết kế các nhóm quyền và nghĩa vụ riêng cho từng nhóm nhà đầu tư theo từng hình thức đầu tư.

2. Về các lĩnh vực đầu tư có điều kiện (Điều 29)

Các quy định tại điểm d, đ, e, g, h tại khoản 1 Điều 29 Dự thảo thực chất là những ngành nghề kinh doanh có điều kiện đã được quy định tại các văn bản pháp luật chuyên ngành, không nhất thiết phải điều chỉnh lại tại Luật này, vừa trùng lặp, vừa có thể không đủ hoặc không phù hợp khi các luật chuyên ngành thay đổi. Do đó, đề nghị bỏ các điểm này, thay bằng một điểm (d) chung là "theo quy định của các luật chuyên ngành".

3. Về quy định liên quan đến các dự án đầu tư kinh doanh có vốn nhà nước

Điều 67 và 68 có quy định về thủ tục đầu tư áp dụng riêng đối với dự án nhà nước có vốn góp chi phối, cổ phần chi phối (theo hướng Nhà nước sẽ quản lý chặt hơn các dự án này).

Tuy nhiên, tiêu chí nhà nước có vốn góp chi phối, cổ phần chi phối là không thể xác định được trên thực tế bởi:
(i) Không thể xác định được khi nào là vốn chi phối trong từng dự án (khả năng chi phối thay đổi tuỳ theo tương quan với các chủ đầu tư khác trong từng trường hợp);
(ii) Không thể xác định khi nào là vốn Nhà nước trong các trường hợp vốn vay, vốn đầu tư của doanh nghiệp có một phần vốn nhà nước.

Kiến nghị: Trong khi chưa tìm ra một giải pháp tốt hơn thì Luật nên ấn định cụ thể tỷ lệ vốn của Nhà nước trong tổng vốn đầu tư (đề nghị ấn định mức 51%) và khẳng định cơ chế quản lý các dự án đầu tư này được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý vốn đầu tư của nhà nước./.

Các văn bản liên quan