Ý kiến của InvestConsult Group

Thứ Sáu 14:42 26-05-2006
ĐÓNG GÓP Ý KIẾN CHO DỰ THẢO LUẬT ĐẦU TƯ CHUNG

Công ty tư vấn đầu tư và chuyển giao công nghệ
(Investconsult Group)


Ở lần sửa đổi mới nhất này, hai dự thảo Luật đầu tư chung và Luật doanh nghiệp thống nhất đã có những điểm mới rất đáng ghi nhận. Nhìn chung hai Dự thảo đã tiếp nhận các ý kiến và mở ra rất nhiều điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân, tạo được bước chuyển mới trong hoạt động kinh doanh của các khối doanh nghiệp nói chung. Sau đây là một vài bàn luận của Investconsult Group về những vấn đề chính của hai Dự thảo.

Về Dự thảo Luật đầu tư chung

Về dự thảo Luật đầu tư chung, chúng tôi đã có bản đóng góp ý kiến cho dự thảo thứ 14, trong đó đưa ra những quan điểm cho thấy rằng việc ban hành Luật đầu tư chung (“LĐTC”) là không cần thiết. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, một điều chắc chắn rằng LĐTC sẽ được trình Quốc hội trong kỳ họp tới. Với tư cách là một doanh nghiệp, chúng tôi có một số mong muốn như sau đối với LĐTC:

Về việc bình đẳng giữa các nhà đầu tư

Mong muốn của LĐTC là tạo một “sân chơi bình đẳng” giữa các nhà đầu tư không phân biệt nguồn vốn chủ sở hữu nhưnng trong LĐTC, chúng tôi vẫn thấy có sự bất bình đẳng giữa các nhà đầu tư, cụ thể:

Đối với các dự án có vốn đầu tư nước ngoài thì các dự án có số vốn dước 300 tỷ đồng Việt Nam và không thuộc Danh mục lĩnh vực đầu tư có điều kiện (theo quy định tại Điều 29) thì đều phải tiến hành thủ tục “chứng nhận đầu tư”. Còn đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước thì việc xin “chứng nhận đầu tư” chỉ áp dụng đối với dự án có số vốn đầu tư trên 15 tỷ đồng trừ những dự án thuộc Danh mục lĩnh vực đầu tư có điều kiện. Như vậy, có sự phân biệt giữa các nguồn vốn chủ sở hữu. Chúng tôi không biết tại sao lại có sự phân biệt này? Nếu không ảnh hưởng gì đến nhà nước, đến các doanh nghiệp thì theo chúng tôi không nên có sự phân biệt này.

LĐTC dành riêng Chương VII để quy định về Đầu tư-Kinh doanh vốn nhà nước. Theo chúng tôi không nên quy định chương này trong LĐTC vì đã tạo một sân chơi bình đẳng thì không thể có sự phân biệt “vốn nhà nước” với “vốn tư nhânll”. Đã tham gia một sân chơi thì không nên phân biệt nguồn vốn chủ sở hữu. Cùng một giá trị đồng tiền không thể coi tiền của “nhà nước” là quan trọng hơn tiền “tư nhân” được. Để quản lý vốn ngân sách nhà nước, theo chúng tôi cần có một đạo luật riêng quy định về việc quản lý và sử dụng vốn ngân sách nhà nước, trong đó quy định cụ thể trách nhiệm, quyền hạn của tổ chức, cá nhân đại diện quản lý vốn nhà nước thực hiện hoạt động đầu tư.

Tỷ lệ góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đối với một số lĩnh vực, ngành nghề bị hạn chế (Điều 25). Với tinh thần của Luật doanh nghiệp thống nhất và LĐTC thì chúng ta sẽ còn duy trì loại hình “Doanh nghiệp nhà nước” nữa thì cũng không nên quy định tỷ lệ tối đa vốn góp và mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài. Điêu này chỉ tạo ra một sự “bất bình đẳng” mà thôi.

Để tạo một sân chơi “bình đẳng” các nhà đầu tư trong nước phải chịu thiệt thòi

LĐTC ban hành với mong muốn tạo một sân chơi bình đẳng trong hoạt động kinh doanh, nhưng qua đó cho thấy rằng cả nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài phải “tịnh tiến” đến một điểm chung mà nhà đầu tư trong nước chịu thiệt thòi hơn

Trước đây, nhà đầu tư chỉ phải tiến hành thủ tục ĐKKD tại phòng ĐKKD cấp tỉnh, nhưng theo quy định của LĐTC thì nhà đầu tư trong nước phải tiến hành thủ tục đăng ký đầu tư, chấp thuận đầu tư hay thẩm tra đầu tư. Tuy nhiên được tiến hành đồng thời với đăng ký kinh doanh nhưng lại gắn liền với một dự án đầu tư. Thủ tục này trước đây các doanh nghiệp trong nước không phải thực hiện. Tại sao không đơn giản thủ tục bằng cách cho phép các nhà đầu tư nước ngoài được tiến hành các thủ tục ĐKKD như nhà đầu tư trong nước trước đây? Việc đăng ký, thẩm định hay thẩm tra dự án đầu tư có đem lại lợi ích gì cho nhà nước, cho doanh nghiệp không hay gây cản trở việc gia nhập thị trường của các nhà đầu tư?

Các văn bản liên quan