Luật ĐT để khuyến khích ĐT hay phục vụ cq qlý ĐT

Thứ Sáu 14:38 26-05-2006
Luật đầu tư để khuyến khích đầu tư hay để phục vụ cho cơ quan quản lý đầu tư ?

Luật sư Trần Vũ Hải

Từ trước đến nay, chưa có khái niệm về cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư. Với Dự án Luật đầu tư, nếu được Quốc hội thông qua, lần đầu tiên khái niệm này được luật hoá, mặc dù ai cũng biết việc đầu tư là của nhà đầu tư, không ai có thể quản lý thay họ.

Khái niệm cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư là khái niệm khập khiễng vì việc đầu tư trên thực tế rất đa dạng phong phú trong nhiều ngành nghề lĩnh vực khác nhau. Khó có thể tách bạch giữa đầu tư và hoạt động kinh doanh, vì ở Việt nam, bất cứ lĩnh vực nào cũng có một cơ quan quản lý. Ví dụ: đầu tư vào ngân hàng đã có cơ quan quản lý là Ngân hàng nhà nước, đầu tư vào lĩnh vực bảo hiểm đã có Bộ Tài chính, đầu tư vào điện lực đã có Bộ công nghiệp, đầu tư vào các trường học và trường dạy nghề đã có Bộ giáo dục và đào tạo, đầu tư vào bệnh viện đã có Bộ Y tế.

Vậy, việc luật hoá cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư phải chăng phục vụ cho các nhà đầu tư? Câu trả lời là không nhà đầu tư nào lại mong muốn có quá nhiều cơ quan quản lý mình và chắc chắn họ không muốn có thêm cơ quan quản lý đầu tư, mà chưa rõ có tạo điều kiện thuận lợi cho họ hay không. Lẽ ra, Dự án Luật Đầu tư phải là dự án luật khuyến khích và bảo hộ đầu tư theo những nguyên tắc đã được thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, nhưng vì được các quan chức trong Bộ kế hoạch đầu tư soạn thảo nên họ tìm cách biến Dự án luật đầu tư thành luật của Bộ KH và ĐT. Họ hy vọng rằng, với Luật Đầu tư này một số quyền lực của Bộ KH và ĐT sẽ được xác lập lại mà thực tế đã bị một số luật khác tước bỏ. Ví dụ: việc cấp phép thành lập cho thương nhân có 100% vốn nước ngoài được Luật Thương mại quy định, Luật xây dựng cũng có một số điều khoản quy định về đầu tư trong xây dựng cơ bản. Trong những luật đó, Bộ KH và ĐT không có vai trò gì.

Để phục vụ cho ý đồ tăng cường quyền lực của mình, Dự án Luật Đầu tư đưa ra khái niệm về “thanh tra đầu tư”, cho rằng thanh tra đầu tư là thanh tra chuyên nghành, như vậy Bộ KHĐT sẽ phải thành lập một bộ phận về thanh tra trong khi đó mọi hoạt động kinh doanh đã có quá đủ và thừa thãi các cơ quan thanh tra, kiểm tra. Ví dụ: thanh tra môi trường, thanh tra về địa chính, thanh tra thuế, thanh tra chuyên ngành như quản lý thị trường, thanh tra y tế, v.v.

Trong khi đó, đối với các nhà đầu tư, đặc biệt là đối với các nhà đầu tư trong nước, chưa có dấu hiệu tốt nào đối với việc thông qua Luật đầu tư mà chỉ sẽ thêm thủ tục rắc rối, ví dụ: các nhà đầu tư phải đăng ký đầu tư đối với bất kỳ dự án lớn nhỏ nào mà trước đây họ không phải làm hoặc chỉ làm trong những trường hợp nhất định như vay vốn ngân hàng, xin thuê đất. Nay các nhà đầu tư trong nước phải làm thêm một công việc thừa và không cần thiết với họ, với Nhà nước nhưng nếu họ không làm có thể sẽ được thanh tra đầu tư đến để hỏi thăm.

Hàng năm, ở Việt nam có hàng chục vạn, hàng triệu dự án đầu tư nhưng cũng có thể chỉ có vài chục phần trăm các dự án đó có hiệu quả. Không rõ Nhà nước cần biết đến hàng chục vạn dự án trên giấy đó để làm gì và không rõ các vị thanh tra đầu tư trong tương lai sẽ “bơi” trong công việc như thế nào vì không bao giờ có thể kiểm soát hết những dự án đầu tư này.

Đối với các nhà đầu tư trong nước, điều quan trọng nhất để họ yên tâm đầu tư là sự mở cửa của Nhà nước đối với thị trường mà Doanh nghiệp nhà nước hoặc các đơn vị nhà nước khác đang nắm độc quyền, là sự đảm bảo rằng quyền tự do kinh doanh của họ không bị các cơ quan nhà nước tuỳ tiện can thiệp, là cần một hành lang pháp lý thông thoáng và rõ ràng, là theo hướng nhà đầu tư được quyền làm mọi thứ mà pháp luật không cấm. Đáng tiếc, tất cả những yêu cầu trên của các nhà đầu tư không được Luật đầu tư để ý hoặc để ý một cách hời hợt.

Có thể dự đoán trước, Luật đầu tư sẽ không tạo ra bước đột phá và sáng sủa hơn với nhà đầu tư trong nước và ngay cả đối với nhà đầu tư nước ngoài. Vẫn có khả năng họ phải xin 2 hoặc thậm chí nhiều hơn các loại giấy phép khi đầu tư vào Việt nam. Ban đầu là khâu thẩm tra của cơ quan quản lý đầu tư và sau đó là các cơ quan chuyên nghành khi xin các giấy phép hoạt động. Chưa kể một dự án đã được thẩm tra đầu tư nếu như trước đây được cấp phép thì nhà đầu tư nước ngoài không phải xin thêm giấy phép nào. Ví dụ: nhà đầu tư nước ngoài xây dựng một khách sạn trong đó có hoạt động dịch vụ masage, karaoke, vũ trường thì khi được cấp phép đương nhiên sẽ được hoạt động kinh doanh các ngành nghề đó mà không cần phải xin thêm giấy phép con nhưng với Luật Đầu tư mới, dự án vẫn phải qua thẩm định (tương đương xin giấy phép) và sau đó xin giấy phép chuyên nghành trong lĩnh vực đó.

Trên thế giới không có Luật Đầu tư, chỉ có Luật khuyến khích và bảo hộ cho các nhà đầu tư nhưng ở Việt nam vì có Bộ kế hoạch đầu tư nên cần có Luật Đầu tư. Rõ ràng Luật Đầu tư chỉ giành cho cơ quan quản lý đầu tư không dành cho nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Chúng tôi thất vọng về Dự án Luật đầu tư, điều tốt nhất mà chúng tôi mong muốn là Quốc hội không thông qua dự án luật này và thậm chí không cần có Luật đầu tư vì đã có các luật khác “bao sân”.

Các văn bản liên quan