Kế thừa và phát huy

Thứ Sáu 09:55 26-05-2006
Kế thừa và phát huy

Nguyễn Vân Cầm - Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Một ưu điểm nổi bật của dự thảo Luật Doanh nghiệp (thống nhất) là quá trình dự thảo đã tích hợp được nhiều ý kiến đóng góp của doanh nghiệp và giới nghiên cứu trong một thời gian dài. Mới đây nhất, loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do cá nhân thành lập đã được đưa vào dự thảo sau khi có nhiều góp ý đồng tình theo hướng này. Ban soạn thảo cũng đã có những công trình khoa học đánh giá điểm mạnh, điểm yếu của Luật Doanh nghiệp 1999, theo dõi việc thi hành luật trong năm năm qua, kinh nghiệm soạn thảo của một số nước và đặc biệt là công trình nghiên cứu đánh giá dự báo tác động của luật.

Vì vậy, dư luận nói chung đánh giá cao dự thảo Luật Doanh nghiệp (thống nhất), cho rằng nội dung dự thảo phù hợp với những nguyên tắc quản trị doanh nghiệp tốt nhất đã được thừa nhận hiện nay. Dự thảo đã xóa bỏ các phân biệt đối xử không hợp lý giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước, thể hiện sự tôn trọng quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp. Theo dự thảo, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sẽ được hưởng cơ chế đăng ký kinh doanh thay cho quy trình thẩm định, cấp phép, được đầu tư đa dự án, được lựa chọn loại hình doanh nghiệp, chứ không bó hẹp vào loại hình trách nhiệm hữu hạn như hiện nay. Khống chế về mức sở hữu 30% đối với đầu tư nước ngoài cũng được xóa bỏ - trừ các ngành nghề hạn chế kinh doanh.

Đáng chú ý, dự thảo đã tăng cường, củng cố thêm các quyền của cổ đông, bảo vệ mạnh hơn quyền và lợi ích của cổ đông thiểu số. Để tránh các trường hợp người quản lý công ty có hành vi tư lợi làm hại đến quyền lợi của cổ đông, dự thảo quy định rõ các nghĩa vụ trung thành, trung thực và cẩn trọng như thông lệ quốc tế. Chẳng hạn, người quản lý công ty không được sử dụng cơ hội kinh doanh của công ty cho mục đích cá nhân, phải khai báo cho công ty nếu bản thân họ hay người thân có doanh nghiệp riêng hay có cổ phần chi phối ở công ty khác…

Tuy nhiên, cũng do rút kinh nghiệm từ hiện tượng “doanh nghiệp mất tích” mà thật ra chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ, dự thảo đã đặt ra những quy định quá chi tiết và khó khả thi. Chẳng hạn, điều 33 quy định “chậm nhất bảy ngày sau khi được cấp giấy chứng nhận kinh doanh, trụ sở chính của doanh nghiệp phải được mở cửa hàng ngày, mỗi ngày ít nhất bốn giờ”(!). Dự thảo cũng yêu cầu “hộ kinh doanh cá thể sử dụng thường xuyên từ 10 lao động trở lên hoặc có hơn một địa điểm kinh doanh phải đăng ký thành lập doanh nghiệp hoạt động theo quy định của luật này”. Nếu làm đúng theo quy định này, số doanh nghiệp mới thành lập sẽ tăng vọt vì trong hàng triệu hộ kinh doanh cá thể hiện nay sẽ có rất nhiều hộ phải chuyển sang thành lập doanh nghiệp mặc dù họ chưa có nhu cầu đó.

Dự thảo cũng chưa giải quyết được tính chất “đóng” của danh mục ngành nghề kinh doanh, đã từng là cớ để cơ quan đăng ký kinh doanh từ chối cấp đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp, chẳng hạn đăng ký kinh doanh “thương mại điện tử” là chưa được. Dự thảo có chú ý ngăn ngừa chuyện đặt tên trùng và tên gây nhầm lẫn nhưng chưa quy định một cơ sở dữ liệu quốc gia hỗ trợ việc này.

Đối với một số vấn đề còn để ngỏ, đáng chú ý nhất là chuyện nên hay không nên đưa loại hình doanh nghiệp nhà nước vào Luật Doanh nghiệp (thống nhất). Thật ra, doanh nghiệp nhà nước không phải là một loại hình pháp lý mà chỉ là hình thức sở hữu. Hơn nữa, Luật Doanh nghiệp nhà nước vừa có hiệu lực từ tháng 7-2004, nên để doanh nghiệp sau khi chuyển đổi hình thức sở hữu rồi dần dần chịu sự điều chỉnh của luật này là tốt nhất. Bản dự thảo hiện nay theo hướng không đưa doanh nghiệp nhà nước vào thành một chương riêng.

So với những dự thảo trước đây, dự thảo mới nhất đã giải quyết nhiều vấn đề gây tranh cãi như bỏ quy định vốn đầu tư tối thiểu của nhà đầu tư nước ngoài là 100.000 đô la Mỹ; không bắt buộc các loại hình kinh doanh kế toán và kiểm toán, thiết kế các công trình xây dựng, khám và chữa bệnh, dịch vụ pháp lý phải thành lập theo dạng hợp danh. Dự thảo cũng quy định công ty hợp danh là pháp nhân - một điểm còn gây tranh cãi vì điều này mâu thuẫn với Bộ luật Dân sự.

Với những góp ý còn lại, nổi bật là đề nghị Luật Doanh nghiệp (thống nhất) cần đưa ra quy định rõ ràng về khái niệm tối huệ quốc và đối xử quốc gia; cần có quy trình thủ tục áp dụng luật sao cho tránh được việc phải ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành từ cơ quan hành pháp và quan trọng nhất là phải thành lập được một trung tâm quốc gia tập hợp thông tin về tất cả các doanh nghiệp cho mọi người có quyền tiếp cận, làm cơ sở cho giao dịch minh bạch, tránh chuyện gian lận hay lừa đảo.

Các văn bản liên quan