15 KIẾN NGHỊ VỀ DỰ THẢO LDNTN (PHẦN III)

Thứ Sáu 09:52 26-05-2006
15 KIẾN NGHỊ VỀ DỰ THẢO LUẬT DOANH NGHIỆP THỐNG NHẤT (PHẦN III)

TS. Phan Huy Hồng
Tạp chí Khoa học pháp lý – Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh



11. Về Công ty TNHH 1 thành viên:

Bình luận:
Các quy định về loại công ty TNHH một thành viên trong Dự thảo này đã thể hiện được hai điểm mới có tính chất đột phá, đó là việc cho phép một cá nhân được thành lập loại công ty này và việc áp dụng cơ chế quản lý tập trung đối với lọai công ty này.

Vấn đề cho phép một cá nhân được thành lập loại công ty TNHH một thành viên đã được đông đảo giới chuyên môn và doanh nhân yêu cầu với nhiều lý lẽ xác đáng và cuối cùng đã được Ban soạn thảo tiếp thu. Giải pháp này cần tiếp tục được ủng hộ để trở thành hiện thực lập pháp.

Nhưng có lẽ mang tính đột pháp hơn cả là việc chọn giải pháp “quản lý tập trung” đối với loại công ty này. Trong cơ chế này không còn có sự quản lý từ bên ngoài nữa. Quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu là tổ chức được thực hiện bởi những người đại diện theo ủy quyền. (Những) người đại diện theo ủy quyền hoặc là Chủ tịch công ty hoặc hợp thành Hội đồng thành viên công ty, có nghĩa là nằm trong cơ cấu tổ chức của công ty. Giải pháp này cho phép Chủ tịch công ty hay Hội đồng thành viên công ty TNHH một thành viên mà chủ sở hữu là một tổ chức có thẩm quyền như Hội đồng thành viên của công ty TNHH 2 đến 50 thành viên, chứ không phải như Chủ tịch công ty hay Hội đồng quản trị như theo Luật Doanh nghiệp 1999 nữa.
Tuy nhiên cũng còn cần bàn luận thêm về một số quy định cụ thể trong Dự thảo đối với loại công ty này, như trình bày trong các kiến nghị tiếp theo đây.

12. Về đoạn 1 khoản 2 Điều 62:

Đoạn 1 Khoản 2 Điều 62 quy định như sau:
“2. Chủ sở hữu công ty là tổ chức bổ nhiệm một hoặc một số người đại diện theo ủy quyền lập thành Hội đồng thành viên để thực hiện quyền của chủ sở hữu công ty. Trường hợp có nhiều hơn một người được bổ nhiệm, thì chỉ định một người trong số họ làm chủ tịch và tỷ lệ sở hữu cụ thể mà mỗi người được quyền đại diện.”

Kiến nghị sửa đổi:Đoạn 1 Khoản 2 Điều 62 cần được sửa lại như sau: “2. Chủ sở hữu công ty là tổ chức bổ nhiệm một người làm Chủ tịch công ty hoặc một số người đại diện theo ủy quyền lập thành Hội đồng thành viên để thực hiện quyền của chủ sở hữu công ty. Trường hợp chủ sở hữu công ty bổ nhiệm một số người làm đại diện theo ủy quyền lập thành Hội đồng thành viên thì chỉ định một người trong số họ làm Chủ tịch Hội đồng thành viên và quy định tỷ lệ sở hữu cụ thể mà mỗi người được quyền đại diện.”

Lập luận:
Đây chỉ là kiến nghị sửa đổi về mặt câu chữ, một mặt để đảm bảo sự chính xác trong diễn đạt, mặt khác để quy định này tương thích với quy định tại khoản 2 và 3 Điều 64.

13. Về câu 1 khoản 1 Điều 68 Dự thảo:

Kiến nghị:
Từ “phiếu bầu” trong đoạn cuối câu 1 khoản 1 Điều 68 cần được thay thế bằng từ “phiếu biểu quyết”.

Lập luận:
Từ “phiếu bầu” ở đây tỏ ra không chính xác, vì ở đây không có ai được bầu cả mà có các hợp đồng và các giao dịch khác cần được xem xét và biểu quyết chấp thuận hay không chấp thuận.

14. Về câu 2 khoản 1 Điều 68 Dự thảo:

Câu 2 khoản 1 Điều 68 Dự thảo quy định:
“Người đại diện theo pháp luật của công ty phải gửi dự thảo hợp đồng cho người đại diện theo ủy quyền và kiểm soát viên; đồng thời, niêm yết dự thảo hợp đồng đó tại trụ sở chính và các chi nhánh của công ty tại một vị trí và theo cách mà bất cứ ai có quan tâm đều tiếp cận được.”

Kiến nghị:
Cần lược bỏ vế câu: “đồng thời, niêm yết dự thảo hợp đồng đó tại trụ sở chính và các chi nhánh của công ty tại một vị trí và theo cách mà bất cứ ai có quan tâm đều tiếp cận được.”

Lập luận:
Quy định tại khoản 1 Điều 68 Dự thảo nhằm hạn chế hoặc loại trừ các giao dịch có tính chất tư lợi, qua đó không chỉ bảo vệ lợi ích của chủ sở hữu công ty, lợi ích của chính công ty, mà còn bảo vệ lợi ích chủ nợ của công ty cũng như lợi ích Nhà nước.
Tuy nhiên, việc hạn chế hoặc loại trừ các giao dịch có tính chất tư lợi có thể thực hiện được thông qua cơ chế kiểm soát trong nội bộ công ty dưới hình thức phải được đại diện ủy quyền, giám đốc và kiểm soát viên xem xét và chấp thuận. Yêu cầu “người đại diện theo pháp luật của công ty phải gửi dự thảo hợp đồng cho người đại diện theo ủy quyền và kiểm soát viên” là đủ để thực hiện điều này. Còn yêu cầu “đồng thời, niêm yết dự thảo hợp đồng đó tại trụ sở chính và các chi nhánh của công ty tại một vị trí và theo cách mà bất cứ ai có quan tâm đều tiếp cận được” là không cần thiết và lại có thể làm ảnh hưởng đến bí mật kinh doanh của công ty.

15. Về khoản 1 Điều 69 Dự thảo:

Khoản 1 Điều 69 quy định:
“1. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên chỉ giảm vốn điều lệ, nếu được sự chấp thuận của Cơ quan đăng ký kinh doanh có thẩm quyền.”

Kiến nghị:
Khoản 1 Điều 69 cần được sửa lại là:
“Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên chỉ được giảm vốn điều lệ, nếu ngay sau giảm vốn điều lệ công ty vẫn bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác. Trường hợp giảm vốn điều lệ mà không đảm bảo điều kiện này thì chủ sở hữu phải liên đới chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty.”

Lập luận:
Quy định như khoản 1 Điều 69 Dự thảo là không hợp lý, khi yêu cầu việc giảm vốn điều lệ phải được cơ quan đăng ký kinh doanh chấp thuận, nhưng lại không quy định các điều kiện cho việc chấp thuận hay không chấp thuận. Như vậy, cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ phải ra quyết định trên cơ sở các tiêu chí nào?
Phải thừa nhận rằng đằng sau biện pháp “siết chặt quản lý nhà nước” này trong Dự thảo so với các quy định của Luật Doanh nghiệp 1999 là việc mở rộng đối tượng áp dụng của luật mới sang cả nhà đầu tư nước ngoài. Trong chừng mực đó, sự lo ngại nhìn từ góc độ quản lý nhà nước là điều có thể chia sẻ. Tuy nhiên, trong hoạt động kinh doanh, doanh nhân luôn phải tự bảo vệ mình bằng cách tìm hiểu kỹ càng đối tác. Cơ chế tự chịu trách nhiệm tỏ ra phù hợp hơn cơ chế tiền kiểm của nhà nước, bởi nó giúp tiết kiệm chi phí cho cả doanh nghiệp lẫn nhà nước.

Việc kiểm soát biện pháp giảm vốn điều lệ cuối cùng là nhằm bảo vệ lợi ích của chủ nợ công ty, vậy kiến nghị sửa đổi như trên với việc quy định trách nhiệm liên đới của chủ sở hữu là đủ để bảo vệ lợi ích chủ nợ mà không làm phát sinh chi phí cho doanh nghiệp và Nhà nước./.

Các văn bản liên quan