Tạo ra làn sóng đầu tư mới

Thứ Sáu 09:48 26-05-2006
Tạo ra làn sóng đầu tư mới

Đầu tư
Hương Nguyễn

Sau hàng loạt hội thảo lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp (DN) và các đối tượng liên quan ở khắp 3 miền, Ban soạn thảo Luật DN thống nhất đã “bắt trúng” những vấn đề bức xúc nhất của đời sống kinh doanh hiện nay, như gia tăng giấy phép con và điều kiện kinh doanh bất hợp lý, trùng tên DN, khó khăn hậu kiểm, cấp giấy phép đầu tư... và đưa ra được những quy định, cơ chế để giải quyết. Tuy nhiên, thực hiện các cơ chế có tính chất là giải pháp căn cơ này không đơn giản, đòi hỏi phải có sự nhận thức đúng đắn về lợi ích lâu dài của nhiều đối tượng liên quan.

Ông Trần Hữu Huỳnh, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Thành viên Ban soạn thảo Luật DN thống nhất cho biết, Ban soạn thảo đã đưa vào dự thảo Luật quy định là, hàng năm, nếu các hiệp hội DN, DN phát hiện các điều kiện kinh doanh, giấy phép kinh doanh không hợp lý thì có quyền yêu cầu Chính phủ xem xét lại để bãi bỏ hoặc sửa đổi. Đây là điều khoản giúp các DN bảo vệ mình khi mà các giấy phép kinh doanh, điều kiện kinh doanh được ban hành ngày càng nhiều, không dựa trên tiêu chí khoa học, cản trở hoạt động kinh doanh.

“Tình trạng lạm dụng những quy định cấm và quy định điều kiện kinh doanh là có thật, nhiều khi không phải do nhận thức mà chủ yếu là do lợi ích. Lợi ích chi phối một bộ phận cán bộ nhà nước nào đó cộng với việc chúng ta không kiểm soát được quá trình xây dựng luật, khiến quy định về điều kiện kinh doanh dưới dạng vốn, thủ tục cấp chứng chỉ... khá phổ biến”, ông Huỳnh nói.

Theo điều tra của VCCI, tính đến đến tháng 5/2005, số giấy phép kinh doanh là 298 và với một loạt văn bản luật mới được ban hành, con số này chắc chắn còn tăng lên nhiều. Ông Huỳnh đặc biệt lưu ý, đây là những giấy phép có thể chỉ ra được, còn một số khác được ban hành trong các quyết định, thông tư của các bộ, ngành, UBND các địa phương, trái với Luật DN năm 2000.

Dự thảo Luật DN thống nhất cũng đã thể hiện được ý chí của người dân và DN khi quy định về đăng ký kinh doanh dựa trên quan điểm “dân sinh bách nghệ”. Theo đó, DN được “tự chủ đăng ký và thực hiện kinh doanh các ngành nghề”, trừ ngành nghề thuộc diện cấm và phải có chứng chỉ hành hành nghề hoặc vốn pháp định. Mặc dù Luật DN hiện hành đã thể hiện tư tưởng chủ đạo là “người dân được làm những gì mà pháp luật không cấm”, nhưng trên thực tế sau gần 6 năm thực hiện Luật, danh mục ngành nghề kinh doanh hiện vẫn là danh mục “đóng”. Những ngành nghề không có trong danh mục này không được đăng ký kinh doanh. Còn theo tinh thần của Luật DN thống nhất, khi người dân nghĩ ra một ngành nghề kinh doanh mới không vi phạm các điều kiện cấm hay hạn chế thì cơ quan đăng ký kinh doanh phải chấp nhận đăng ký ngành nghề đó.

Việc thành lập mô hình Cục Đăng ký kinh doanh trên toàn quốc nhằm giải quyết vấn đề trùng tên DN trong cả nước cũng cần được thể hiện trong Luật. Tuy nhiên, mô hình cơ quan đăng ký kinh doanh thống nhất còn gặp phải nhiều ý kiến không đồng thuận, đặc biệt là những ý kiến liên quan đến thực hiện cải cách hành chính. Theo bà Phạm Chi Lan, chuyên gia Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, cải cách hành chính ở Việt Nam “vừa thừa lại vừa thiếu”. Thừa những cơ quan không thật sự cần thiết, nhưng lại khó thành lập những cơ quan cần phải có. “Cơ quan đăng ký kinh doanh độc lập từ Trung ương đến địa phương là đòi hỏi tất yếu từ thực tế môi trường kinh doanh cũng như của công tác quản lý DN sau đăng ký, nên cần nghiên cứu, phân tích chi phí và lợi ích để đi đến quyết định thành lập cơ quan này”, bà Lan nói.

Cách đánh giá tác động của chính sách trước khi ban hành như vừa nêu đã được Ban Nghiên cứu áp dụng đối với chủ trương thay thế hệ thống cấp giấy phép hiện hành bằng hệ thống đăng ký kinh doanh đối với DN có vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN), đã được thể hiện trong dự thảo Luật. Theo Ban Nghiên cứu, lợi ích của việc thực hiện đăng ký dự án ĐTNN là tiết kiệm thời gian, chi phí cho nhà đầu tư cũng như cho cơ quan quản lý nhà nước; thu hút một cách hiệu quả hơn đầu tư trong nước và ĐTNN.

Cụ thể, sau khi tính toán cụ thể các khoản chi phí có thể tiết giảm được cho nhà đầu tư như tư vấn pháp luật, chi phí lập báo cáo nghiên cứu khả thi, chi phí đi lại - lưu trú, chi cho soạn thảo giấy tờ pháp lý - tài chính và các khoản chi không chính thức khác, Ban Nghiên cứu ước tính, mức tiết kiệm chi phí khi áp dụng thủ tục “đăng ký” dự án ĐTNN là 49.000 USD/dự án thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; 19.000 USD/dự án thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh, thành phố; 12.000 USD/dự án thuộc thẩm quyền cấp phép của Ban Quản lý khu công nghiệp - khu chế xuất.

Theo tỷ lệ hiện tại, 8% dự án thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp phép, 56% thuộc thẩm quyền của các địa phương cấp phép và 36% dự án đầu tư vào khu công nghiệp - khu chế xuất thì, tổng mức chi phí mà các nhà đầu tư tiết kiệm được ước là 11,9 triệu USD/năm, có thể tăng lên đến 14,3 triệu USD/năm trong giai đoạn tập trung thu hút ĐTNN 2006-2010.

“Với những lợi ích nói trên, chắc chắc Luật DN thống nhất sẽ góp phần quan trọng tạo ra làn sóng đầu tư mới ở Việt Nam”, bà Lan nói.

Các văn bản liên quan