BÌNH LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ CHUNG VỀ LDN

Thứ Sáu 09:49 26-05-2006
BÌNH LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ CHUNG VỀ DỰ THẢO LUẬT DOANH NGHIỆP THỐNG NHẤT

TS. Phan Huy Hồng
Tạp chí Khoa học pháp lý – Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh


I. BÌNH LUẬN CHUNG

Việc xây dựng Luật Doanh nghiệp thống nhất trên cơ sở phát triển Luật Doanh nghiệp 1999 cùng với phạm vi điều chỉnh của luật này thể hiện là một phương án hợp lý khi ta đánh giá nó trong hoàn cảnh lập pháp cụ thể. Các lập luận và nhận định sau đây nhằm ủng hộ phương án đã được lựa chọn khi có thể vẫn có ý kiến khác nhau về vấn đề này.

1. Trước hết, nếu không có chủ trương bổ sung một loại hình doanh nghiệp mới nào vào hệ thống pháp luật doanh nghiệp thì việc lấy Luật Doanh nghiệp 1999 làm cơ sở để xây dựng luật mới là phù hợp, bởi vì luật này đã quy định bốn loại hình doanh nghiệp căn bản trong hệ thống pháp luật doanh nghiệp Việt Nam. Bản thân Luật Doanh nghiệp 1999 đã được xây dựng trên cơ sở các điều tra nghiên cứu khá công phu và đã phản ánh được sự đồng thuận cao trong các giới, các tầng lớp xã hội. Qua hơn bốn năm có hiệu lực thực hiện, luật này đã thể hiện là công cụ phù hợp để thực hiện các mục tiêu được ghi nhận trong lời nói đầu của Luật.

2. Việc lấy Luật Doanh nghiệp 1999 làm cơ sở để xây dựng luật mới cho phép phát huy tốt nhất tính kế thừa trong lập pháp. Sự sửa đổi, bổ sung luật này trên cơ sở kết quả của các điều tra, nghiên cứu, đánh giá thực tiễn áp dụng là cách làm tiết kiệm tieàn bạc và thời gian hơn cả. Một yếu tố không thể không xem xét tính đến để ủng hộ phương án này là việc xây dựng Luật Doanh nghiệp thống nhất và Luật Đầu tư chung còn chịu áp lực về mặt thời gian bởi mục tiêu sớm được gia nhập Tổ chức thương mại thế giới.

3. Việc không đưa “doanh nghiệp nhà nước” hay loại hình “công ty nhà nước” vào Luật Doanh nghiệp thống nhất cũng là hợp lý bởi các lý do sau:

Thứ nhất, phạm vi điều chỉnh của pháp luật doanh nghiệp theo nghĩa hẹp là các vấn đề về thành lập và tổ chức doanh nghiệp, hay nói một cách khác pháp luật doanh nghiệp là “pháp luật tổ chức doanh nghiệp”. Trong khi đó “doanh nghiệp nhà nước” không còn là khái niệm chỉ một loại hình doanh nghiệp nữa.

Thứ hai, việc đưa loại hình “công ty nhà nước” vào Luật Doanh nghiệp thống nhất là hoàn toàn không cần thiết. Bởi vì, Luật Doanh nghiệp nhà nước 2003 một mặt là sự ghi nhận những kết quả đạt được trong hơn một thập kỷ đổi mới doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vừa qua, mặt khác là cơ sở pháp lý cho sự chuyển đổi DNNN trong giai đoạn tiếp theo. Các cố gắng đổi mới DNNN cho thấy loại hình công ty nhà nước sẽ chỉ là một loại hình doanh nghiệp “trong thời kỳ chuyển đổi” mà thôi, cho dù quá trình đó có thể kéo dài. Mặt khác, sự tồn tại Luật Doanh nghiệp nhà nước 2003 bên cạnh Luật Doanh nghiệp thống nhất là cần thiết, vì phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp thống nhất không thể bao trùm phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp nhà nước và như vậy không thể thay thế luật này được.

4. Luật Doanh nghiệp thống nhất cũng không nên điều chỉnh cả loại hình hợp tác xã, trước hết vì một lý do rất thực tế là đã tồn tại một Luật Hợp tác xã mới và tốt. Trường hợp Luật Doanh nghiệp thống nhất mở rộng phạm vi điều chỉnh sang cả loại hình hợp tác xã thì về cơ bản việc này cũng chỉ là sự “sáp nhập” Luật Hợp tác xã. Luật này vẫn có thể tồn tại tại bên cạnh Luật Doanh nghiệp thống nhất mà không ảnh hưởng tới tính thống nhất của pháp luật doanh nghiệp. Nói cách khác, sự đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật không nhất thiết phải thực hiện bằng việc đưa tất cả các loại hình doanh nghiệp vào phạm vi điều chỉnh của một luật duy nhất (Tham khảo quan điểm tương tự: Nguyễn Như Phát, Góp ý Dự thảo Luật Doanh nghiệp thống nhất, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 7/2005, tr. 24).

Tuy nhiên, việc xây dựng Luật Doanh nghiệp thống nhất trên cơ sở Luật Doanh nghiệp 1999 cũng chứa đựng những mặt hạn chế có thể khắc phục. Ngược lại với khả năng kế thừa luật tiền thân là sự hạn chế đối với khả năng cho một tư duy đột phá hay nguy cơ tiếp tục một tư duy theo lối mòn. Mặc dù việc soạn thảo luật này đã tiến triển đến giai đoạn cuối cùng, nhưng các ý kiến thiên về “kỹ thuật” và không phá vỡ cấu trúc đã định hình của Dự thảo vẫn có hy vọng được tiếp thu.

II. KIẾN NGHỊ CHUNG

1. Việc xây dựng Luật Doanh nghiệp thống nhất với phạm vi điều chỉnh gồm các loại hình doanh nghiệp dành cho mọi nhà đầu tư một mặt đòi hỏi người soạn thảo luật phải thoát khỏi tư duy “thành phần kinh tế”, nhưng mặt khác lại luôn phải nhìn nhận trong các khái niệm “thành viên”, “thành viên sáng lập”, “cổ đông” hay “cổ đông sáng lập” vừa có thể là nhà đầu tư nhà nước, nhà đầu tư tư nhân Việt Nam lại vừa có thể là nhà đầu tư nước ngoài. Điều đó có nghĩa là luôn cần tìm ra một giải pháp hợp lý mà mọi đối tượng đầu tư thành lập doanh nghiệp đều có thể chấp nhận được.

2. Luật Doanh nghiệp thống nhất cần thể hiện một tư tuy đúng đắn hơn về “nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước”. Thực tiễn doanh nghiệp trong những năm đầu thực thi Luật Doanh nghiệp 1999 với hiện tượng “doanh nghiệp ma” hay “giấy phép trá hình” với việc đổ lỗi cho luật này tạo ra nguy cơ dẫn đến những biện pháp quản lý nhà nước mới vừa không khả thi vừa có thể gây chi phí lãng phí cho doanh nghiệp và xã hội. Thực chất Luật Doanh nghiệp 1999 không có lỗi trong hiện tượng doanh nghiệp ma. Đây là hiện tượng luôn song hành với một đạo luật “thông thoáng” và có thể chấp nhận vì những lợi ích lôùn hơn. Luật này cũng không có lỗi trong hiện tượng giấy phép traù hình, điều này nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của Luật.

3. Luật Doanh nghiệp thống nhất có thể sẽ được xem là một luật khá “hiện đại”, bởi vì đằng sau nhiều quy phạm là sự hiểu biết và tiếp thu những kiến thức tổ chức quản trị doanh nghiệp tiên tiến. Tuy nhiên tính hiện đại luôn đồng thời với tính phức tạp và “khó hiểu”. Trong chừng mực có thể, Luật cần có ngôn từ được trau chuốt để vừa đảm bảo tính chính xác vừa đảm bảo sự dễ hiểu. Tiếng Việt hoàn hoàn có thể đáp ứng được yêu cầu đó.

Các văn bản liên quan