Ý kiến của ô. Nguyễn Việt Khoa

Thứ Sáu 09:46 26-05-2006
Bài viết
GÓP Ý XÂY DỰNG DỰ THẢO LUẬT DOANH NGHIỆP THỐNG NHẤT

1. Về chủ thể bị cấm thành lập Doanh nghiệp.

Chúng tôi cho rằng không nên cấm người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự không được thành lập doanh nghiệp, góp vốn, quản lý doanh nghiệp, bởi lý do sau đây:
Chúng tôi cho rằng, quan điểm cấm người đang bị truy cứu trách nhiệm không được thành lập DN là bởi vì những người này họ đang bị hạn chế quyền tự do nhất định như là việc đi lại, hay họ thường bị cơ quan điều tra triệu tập sẽ khó khăn trong vấn đề quản lý, tham gia hoạt động kinh doanh. Đồng thời việc ngăn cấm này hạn chế thiệt hại phần nào, cho các tổ chức cá nhân, cho xã hội.

Tuy nhiên Chúng tôi cho rằng giải thích như vậy là chưa thuyết phục, bởi vì căn cứ vào quy định Hiến pháp - Đạo luật có giá trị pháp lý cao nhất không ai được coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của Toà án. Như vậy một người bị cơ quan điều tra khởi tố thì không đồng nghĩa với việc là họ thực hiện hành vi phạm tội. Do đó chúng tôi cho rằng Tại khoản 6 Điều 9 Dự Thảo Luật Doanh nghiệp nên bỏ “ Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quyết định khởi tố bị can của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.

2. Về việc góp vốn vào các Doanh nghiệp trong nước của các tổ chức cá nhân nước ngoài.

Chúng tôi vẫn giữ quan điểm hạn chế việc góp vốn hay mua cổ phiếu của các tổ chức, cá nhân nước ngoài là 30% như hiện nay, chúng tôi cho rằng là phù hợp. Bởi các lý do sau đây:

Thứ nhất, chúng tôi hoàn toàn tán đồng với quan điểm là mở rộng quyền tự do kinh doanh cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài, đảm bảo quyền bình đẳng với các tổ chức, cá nhân trong nước nhằm thu hút vốn đầu tư của các tổ chức cá nhân nước ngoài là nhu cầu tất yếu của đất nước. Tuy vậy, tôi cho rằng việc mở rộng quyền bình đẳng ở đây nên thể hiện theo hướng như việc cấp giấp pháp thành lập DN, thủ tục thành lập doanh nghiệp như nhau, quy định về ưu đãi về giá thuê đất, thuế, mở rộng hình thức vốn đầu tư, chuyển lợi nhuận ra nước ngoài, quản lý nhà nước đối với các Doanh nghiệp…

Đồng thời, không nên quy định cho phép các tổ chức cá nhân nước ngoài được thành lập các loại hình doanh nghiệp trong nước hoặc nếu góp vốn thì không quá 30% . Bởi vì Tổ chức, cá nhân nước ngoài đã được kinh doanh dưới các loại hình đầu tư: Hợp đồng hợp tác kinh doanh, Doanh nghiệp liên Doanh, Doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài. Tổ chức cá nhân Việt Nam có được thành lập loại hình này đâu( trừ người Việt Nam định cư ở nước ngoài). Điều này giống như trong một sân bóng đá: Cầu thủ thuộc đội nào thì đá cho đội nấy, miễn sao họ vẫn bình đẳng trên sân bóng.

Thứ hai, Chúng tôi đồng ý với quan điểm, khi hội nhập mở cửa, và tiến đến chúng ta gia nhập tổ chức WTO thì phải đảm bảo môi trường kinh doanh bình đăng cho các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước. Điều này không có nghĩa là để đạt được mục tiêu gia nhập WTO là chúng ta làm tất cả. Nền kinh tế nước ta đang trên đà phát triển, nguồn vốn, tiềm lực kinh tế còn kém, nếu chúng ta mở rộng cho hình thức đầu tư gián tiếp( góp vốn, mua cổ phiếu) không giới hạn dẫn đến sự chi phối của các nhà đầu tư nước ngoài. Trong một tình huống nào đó, giả sử các nhà đầu tư nước ngoài đồng loạt rút vốn có thể dẫn đến khủng hoảng kinh tế- Đây là bài học kinh nghiệm khủng hoảng kinh tế của các nước Châu Á 1997 . Chúng tôi đề nghị nên nghiên cứu nhữngcái được, cái mất trước khi đưa ra quyết định về vấn đề này.

3. Về cá nhân có quyền thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn hay không?

Quan điểm của chúng tôi là nên cho phép. Bởi vì các lý do sau đây:

Thứ nhất, đảm bảo quyền tự do kinh doanh trong việc lựa chọn thành lập hình thức doanh nghiệp.

Thứ hai, Giải quyết vần đề trên thực tế hiện nay là các Công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên nhưng chỉ có 1 thành viên bỏ vốn thành lập. Hạn chế các rủi ro có thể xảy ra đối với người thành lập doanh nghiệp. Đồng thời trong quá trình hoạt động, công ty trách nhiệm hữu hạn số thành viên có thể giảm còn 1 thành viên( nếu là cá nhân), họ không phải chuyển qua hình thức Doanh nghiệp tư nhân nếu họ không muốn.

Thứ ba, Có quan điểm cho rằng nếu cho phép 1 cá nhân có quyền thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn thì góp phần triệt tiêu Doanh nghiệp tư nhân. Bởi vì sự khác nhau cơ bản ở đây là trách nhiệm vô hạn và hữu hạn về tài sản. Nhiều người cho rằng chẳng ai kinh doanh muốn chịu trách nhiệm vô hạn về tài sản, nên cá nhân sẽ không chọn doanh nghiệp tư nhân để thành lập. Chúng tôi cho rằng lý giải như trên là chưa hoàn toàn hợp lý. Bởi vì mỗi loại hình doanh nghiệp sẽ có ưu và nhược điểm riêng. Nhược điểm của doanh nghiệp tư nhân là chịu trách nhiệm vô hạn về tài sản, nhưng cũng là ưu điểm giúp loại hình doanh nghiệp này dễ thực hiện các hoạt động kinh doanh như vay vốn, hay ký kết hợp đồng kinh tế, hoàn toàn tự chủ trong quản lý.

Nếu cho phép cá nhân được thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên thì mô hình gần giống như là công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên do pháp nhân thành lập.

Quy định sự khác nhau trong việc chuyển quyền sử dụng về tài sản, quyền quản lý doanh nghiệp của Cá nhân thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên và Doanh nghiệp tư nhân.

4. Về tiêu chuẩn của giám đốc đối với công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên.

Chúng tôi cho rằng không cần thiết phải quy định tiêu chuẩn của Giám đốc( Tổng giám đốc). Những quy định tại điều 41b của Dự thảo luật Doanh nghiệp là chưa ổn:

Thứ nhất, Dự thảo quy định muốn được bổ nhiệm làm giám đốc( Tổng giám đốc) sở hữu 10% vốn điều lệ của công ty.

Quy định này góp phần làm hạn chế quyền tự do kinh doanh trong việc lựa chọn người điều hành Doanh nghiệp. Ngay cả Doanh nghiệp Nhà nước hiện nay có thể thuê giám đốc thì tại sao lại bắt buộc giám đốc trong công ty trách nhiệm hữu hạn phải là thành viên. Trong khi không phải thành viên của công ty là có khả năng điều hành hoạt động của công ty, tại sao không cho phép họ thuê người có khả năng kinh doanh để điều hành doanh nghiệp. Quan điểm bắt buộc giám đốc phải là thành viên nhằm ràng buộc trách nhiệm của người điều hành doanh nghiệp, và Doanh nghiệp. Tuy nhiên vì lý do đó mà quy định như vậy là không hợp lý.

Thứ hai, nếu không phải là thành viên thì phải đáp ứng các điều kiện:
- Không dưới 21 tuổi, không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự. Chúng tôi không hiểu căn cứ nào để quy định độ tuổi này( chẳng lẽ dựa vào độ tuổi ứng cử làm đại biểu biểu Quốc hội hay sau). Theo quy định của pháp luật từ 18 tuổi( không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự)
trở lên họ có quyền thành lập Doanh nghiệp.
- Có trình độ chuyên môn hoặc kinh nghiệm thực tế tương ứng trong quá trình quản trị kinh doanh hoặc các ngành nghề lĩnh vực kinh doanh chủ yếu của công ty. Chúng tôi không hiểu căn cứ nào để biết được có trình độ chuyên môn hoặc kinh nghiệm. Chẳng lẽ phải có bằng cử nhân, hay Thạc sĩ, tiến sĩ mới có trình độ chuyên môn.

Khả năng kinh doanh là hoạt động vô hình, liệu một người có bằng tiến sĩ có khả năng điều hành Doanh nghiệp hơn 1 người họ không có bằng cấp hay không (Bill Gates đâu cần tốt nghiệp đại học, Ông ta kinh doanh thành công quá còn gì). Nếu chúng tôi nhớ không lầm Đại biểu Quốc hội đâu phải nhất thiết có bằng đại học đâu? Tại sao chúng ta lại quy định tiêu chuân làm gì? Đây là việc của Doanh nghiệp vì vậy họ có thể tự cử ra quản lý, hoặc thuê người khác là quyền của họ (miễn không thuộc trường hợp mà pháp luật cấm), Nếu họ chọn người có khả năng điều hành Doanh nghiệp thì họ kinh doanh hiệu quả còn ngược lại tự họ gánh chịu, nhà nước có bù đắp cho họ đâu. Chúng tôi cũng đồng cảm với quan điểm của của Ban soạn thảo là có hiện tượng thuê người khác làm giám đốc để lừa đảo trốn tránh trách nhiệm (Một số sinh viên đại học Nông lâm được thuê mướn làm giám đốc đăng báo pháp luật). Tuy nhiên không phải như vậy hay một lý do nào khác mà quy định tiêu chuẩn Giám đốc (Tổng Giám đốc).

Các văn bản liên quan