DNNN & Luật Doanh nghiệp: cuộc “hôn nhân” trắc trở

Thứ Sáu 09:46 26-05-2006
DNNN và Luật doanh nghiệp: Cuộc ''hôn nhân'' trắc trở

(VietNamNet - 23/07/2005)

Ông Nguyễn Đình Cung, Trưởng ban Kinh tế vĩ mô, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng, gượng ép đưa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vào ''ngôi nhà chung'' Luật doanh nghiệp cũng giống như ''ném sỏi vào đĩa bột''.


Để vào ''ngôi nhà chung'', DNNN phải chuyển đổi

Dự thảo Luật doanh nghiệp (chung) chỉ điều chỉnh 4 loại hình doanh nghiệp (công ty TNHH, Công ty cổ phần (CP), công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân), không phân biệt thành phần kinh tế, tính chất sở hữu. Tuy nhiên, DNNN vẫn đứng ngoài ''ngôi nhà chung này''. Có ý kiến đề nghị cần thêm một chương riêng về công ty nhà nước thì mới có Luật doanh nghiệp thống nhất và mới bình đẳng.

Theo ông Nguyễn Đình Cung (thành viên Ban soạn thảo Luật này), đưa công ty nhà nước thành một chương riêng, thì vẫn phân biệt theo sở hữu; và chính điều đó sẽ làm cho Luật này không phải là Luật doanh nghiệp chung mà là Luật ''gộp'' của 2 Luật riêng lẻ. Công ty nhà nước vẫn điều chỉnh theo Luật DNNN năm 2003. Đồng thời, không giải quyết được vấn đề đặt ra nhưng lại tạo ra chồng chéo, mâu thuẫn và kém ổn định. ''Điều này cũng giống như ''ném sỏi vào đĩa bột'', thành ra lổn nhổn vì sỏi vẫn hoàn sỏi, không thể nào thành bột được'', ông Cung nói một cách ví von.

Qua nhiều hội thảo đóng góp ý kiến cho dự Luật, hé mở hướng giải quyết là công ty nhà nước phải chuyển đổi thành công ty TNHH hoặc công ty cổ phần. Tại sao công ty nhà nước lại phải chuyển đổi? Bởi vì, công ty nhà nước chưa phải là công ty TNHH hoặc công ty cổ phần. Công ty TNHH và công ty CP phải có 4 đặc điểm cơ bản (trách nhiệm hữu hạn của nhà đầu tư; pháp nhân độc lập; khả năng chuyển nhượng được của cổ phần hoặc phần góp vốn; quản lý tập trung và thống nhất) nhưng công ty nhà nước hiện chỉ có 2 đặc điểm đầu của công ty TNHH và công ty CP.

Cần xoá bỏ ''hành chính chủ quản'' DNNN

Vấn đề cần tiếp tục ''mổ xẻ'' là tại sao công ty nhà nước chưa được quản lý tập trung và thống nhất? Ông Nguyễn Đình Cung cho rằng, mấu chốt nằm ở tổ chức và cơ chế thực hiện quyền sở hữu để ra quyết định. Ở công ty TNHH và công ty CP, các quyết định cơ bản, quan trọng nhất thuộc về chủ sở hữu và được thông qua bởi Đại hội đồng cổ đông (vốn, đầu tư, chiến lược, nhân sự...). Ở công ty nhà nước, cũng những vấn đề quan trọng đó, nhưng: mỗi cơ quan (Thủ tướng, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư...) quyết định (một vài vấn đề) một cách riêng lẻ theo quy trình hành chính, không cơ chế phối hợp, không tiêu chuẩn rõ ràng và hợp lý. Hệ quả là các quyết định rất chậm và cứng nhắc, không tương thích (chiến lược không tương thích với vốn, đầu tư và người quản lý, vốn không tương thích với kế hoạch đầu tư...). Cuối cùng, không có cơ quan, cá nhân cụ thể trực tiếp chịu trách nhiệm về hiệu quả hoạt động của khu vực doanh nghiệp nhà nước nói chung và từng doanh nghiệp nói riêng.

Chính vì vậy, điểm mấu chốt của chuyển đổi, theo ông Cung, là bỏ ''hành chính chủ quản'', và thay thế nó bằng ''chế độ chủ quản'' mới. ''Có ít nhất 3 việc cơ bản cần làm để thiết lập ''chế độ chủ quản'' mới. Thứ nhất, tách chức năng ''chủ quản'' ra khỏi bộ máy thực hiện chức năng hành chính quản lý nhà nước. Hai là thay đổi cơ chế hành chính thực hiện chức năng ''chủ quản'' bằng cơ chế của người đầu tư kinh doanh. Ba là tất cả các quyền của chủ sở hữu phải được thực hiện một cách tập trung và thống nhất'', ông Cung đưa ra hướng giải quyết.

7 thách thức đối với quá trình chuyển đổi DNNN

Mặc dù đã tìm ra hướng đi, nhưng ông Cung thừa nhận rằng: ''Thách thức đối với quá trình chuyển đổi là không ít và không nhỏ!''. Một là, thành lập cơ quan quản lý tài sản (nhà nước) trước áp lực ''tinh giản bộ máy'' trong hoàn cảnh nhà nước vừa quá nhiều, quá thừa, vừa quá thiếu và chất lượng kém. Cái thừa chưa bỏ được, nhưng cái thiếu khó ra đời.

Hai là, nó đòi hỏi phải đổi mới tư duy và quan niệm về về quyền sở hữu nhà nước trong công ty (nhà nước là chủ sở hữu và nhà nước là người đầu tư, sở hữu cổ phần, phần góp vốn chứ không sở hữu công ty; công ty là công cụ để đầu tư được thực hiện và tạo lợi nhuận).

Ba là, nó đòi hỏi thay đổi ''quan niệm cơ bản'' trong ý thức hệ truyền thống về vai trò của DNNN; thay đổi thói quen truyền thống tư duy theo thành phần kinh tế.

Bốn là, có thể gặp phải sự phản đối, phê phán rất lớn, có thể rất gay gắt (động cơ tích cực và không tích cực dưới nhiều hình thức khác nhau) của số rất đông những người bị tác động ở nhiều cơ quan, cấp bậc và chức vụ khác nhau (những người mất quyền và mất lợi).

Năm là, thách thức của văn hoá và lối làm việc theo chế độ ''tập thể. Cụ thể, chia quyền phân tán cho nhiều người nhưng không ai quyết được; và nhiều người có quyền, nhưng không có người chịu trách nhiệm. Thiếu niềm tin và cá nhân, không dám trao hết quyền cho một ngưòi, một cơ quan. Đồng thời, không dám hoặc sợ phải chịu trách nhiệm: thiên hướng muốn san sẻ trách nhiệm cho người khác, cơ quan khác để cùng chia sẻ và gánh chịu rủi ro, khi cần thiết.

Sáu là, thiếu đội ngũ cán bộ quản trị kinh doanh phù hợp, thiếu hụt càng thêm thiếu trong cơ chế ''quy hoạch cán bộ''. Nguy cơ trao quyền cho người không đủ năng lực là rất lớn (trao quyền cho Hội đồng tư vấn, nhưng lại không tuyển chọn được người thích hợp thì Hội đồng tư vấn không phát huy được vai trò của mình, có nguy cơ ''thừa''. Đó lại là cái ''lý'' phản đối cải cách thay đổi phương thức và cơ chế thực hiện quyền sở hữu nhà nước.

Cuối cùng, không kém quan trọng là thị trường còn kém phát triển, kém cạnh tranh; giám sát và áp lực của thị trường yếu; hệ thống tư pháp chưa phát triển và đóng vai trò cần thiết.

Nhìn sang nước láng giềng Trung Quốc, ông Nguyễn Đình Cung cho biết, quá trình chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước của nước này cũng rất khó khăn, 10 năm mới chuyển đổi được 20% doanh nghiệp. Họ phải làm từng bước, làm ''mờ dần'', ''nhạt dần'' vai trò của bộ hành chính chủ quản. Việc Trung Quốc thiết lập Uỷ ban giám sát tài sản nhà nước chỉ giải quyết được 2 việc ''quản lý tập trung thống nhất'' và ''tách chủ quản ra khỏI hành chính''; chưa biết khi nào kết thúc quá trình chuyển đổi.

Một số nội dung thay đổi căn bản trong dự thảo Luật doanh nghiệp (chung):

* Luật áp dụng thống nhất cho 4 loại hình doanh nghiệp (đại bộ phận số DN hiện nay) không phân biệt sở hữu.
* Tiếp tục đơn giản hoá thủ tục, giảm rào cản gia nhập thị trường, đặc biệt đối với đầu tư nước ngoài;
* Những khống chế về mức sở hữu (30%) đối với đầu tư nước ngoài về cơ bản xoá bỏ; trừ các ngành, nghề hạn chế kinh doanh;
* Các nhà đầu tư nước ngoài sẽ có quyền tự chủ lựa chọn loại hình doanh nghiệp để kinh doanh;
* Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài có quyền tự chủ cao hơn trong thực hiện kinh doanh, cơ cấu lại, mở rộng và đa dạng hoá ngành, nghề kinh doanh; doanh nghiệp đa dự án sẽ thay thế doanh nghiệp đơn dự án như hiện nay.
* Khung quản trị sẽ thống nhất và áp dụng như nhau đối với doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Bãi bỏ nguyên tắc nhất trí (hiện nay chỉ có một số điều khoản về quản trị ở doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chủ yếu bảo vệ lợi ích của DNNN như bên thiểu số theo mệnh lệnh hành chính).
* Tăng thêm quy định yêu cầu công khai và minh bạch hoá, nhất là đối với những người quản lý;
* Thiết lập chế độ thù lao, lương gắn với kết quả và hiệu quả kinh doanh của công ty;
* Xác định rõ hơn các nghĩa vụ (trung thành, trung thực và cẩn trọng) của người quản lý, nhất là những thành viên Hội đồng tư vấn, Hội đồng quản trị và Giám đốc.


Văn Tiến

Các văn bản liên quan