Ý kiến của ĐBQH Nguyễn Đức Dũng – Tỉnh Kon Tum

Thứ Ba 14:42 31-10-2006

Kính thưa Quốc hội.

Sau khi nghiên cứu Báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và dự luật thì tôi rất băn khoăn. Cũng có thể nói nhiều điểm tôi không nhất trí, bởi vì nếu chúng ta thông qua dự án này và thực hiện nó thì có lẽ quyền lợi của người lao động ít được bảo vệ hơn.

Sau đây tôi xin tham gia mấy vấn đề chung:

Thứ nhất, chúng ta đã biết rằng pháp luật đình công của chúng ta rất mới và cũng rất phức tạp, người lao động chúng ta mới tiếp cận đến pháp luật về đình công và hiện nay có một số cuộc đình công mang tính chất mới khởi đầu như mang tính chất tập sự thôi. Cho nên, người lao động chưa hiểu nhiều về luật pháp đình công. Tôi cũng không hiểu trong đây chúng ta định phân ra tranh chấp tập thể, lao động tập thể về quyền, về lợi ích như thế này để làm cái gì. Vì người lao động của chúng ta, báo cáo với quý vị tôi nghĩ đã đình công là giải pháp cuối cùng rồi, để người lao động có thể bảo vệ được lợi ích của mình sau khi đã sử dụng tất cả các biện pháp khác mà không đạt được yêu cầu, vạn bất dĩ người ta mới phải đình công. Thời gian vừa qua rất nhiều cuộc đình công như vậy, như đại biểu Tùng ở thành phố Hồ Chí Minh cũng phát biểu, tức là điểm lại đình công của năm ngoái, trên 90% là những cuộc đình công về quyền.

Nếu như quy định của chúng ta trong dự luật này thì những cuộc đình công về quyền tới đây là không được đình công. Nếu đình công là bất hợp pháp, đẩy người lao động đến hoàn toàn không được bảo vệ quyền lợi, phải bồi thường. Trong khi đó, tôi nghĩ người lao động người ta không biết chuyện tranh chấp về quyền hay về lợi ích mà người ta chỉ biết là lợi ích của người ta bị xâm phạm thì người ta đình công, sau khi đã làm các biện pháp khác không được thì đình công.

Bây giờ chúng ta không bảo vệ, chúng ta thấy nó phức tạp quá, đình công nhiều quá, chúng ta đặt ra vấn đề này. Chúng ta đặt ra đình công tập thể lao động về quyền là không được đình công, chỉ có đình công về tranh chấp lao động về lợi ích thì mới đình công, thế thì chúng ta loại bỏ tất cả những cuộc đình công của người lao động khi mà người ta thấy lợi ích bị xâm phạm. Tôi đề nghị cần phải nghiên cứu kỹ để chúng ta quy định như thế nào cho hợp lý, chứ không phải vì chúng ta hội nhập, ổn định tình hình lao động nên chúng ta loại bớt nhiều cuộc đình công là không có tốt, không phải như vậy. Tôi cho rằng cần phải đảm bảo lợi ích của người lao động.

Tôi thấy người lao động Việt Nam nhẫn nhục rất nhiều, không có nước nào lao động bị chèn ép như Việt Nam, thậm chí người sử dụng lao động còn bắt người lao động chui qua háng cũng phải chui, thế mà chúng ta lại tuyên là bất hợp pháp, không bảo vệ bắt, người ta bồi thường nữa thì làm sao? Tôi đề nghị chỗ này cần phải nghiên cứu, theo tôi trong trình độ dân trí của chúng ta hiện nay, nhận thức của người lao động như hiện nay, chúng ta không nên phân ra chuyện tranh chấp tập thể lao động về quyền, cũng như về lợi ích. Chúng ta phải nghiên cứu cách để bảo vệ cho người lao động của chúng ta khi tiến hành đình công làm sao cho hợp lý. Đó là ý thứ nhất về tranh chấp quyền và lợi ích.

Vấn đề thứ hai, về thẩm quyền lãnh đạo của đình công. Trong này chúng ta có dự kiến là chỉ Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành công đoàn lâm thời là người duy nhất lãnh đạo cuộc đình công, trừ trường hợp những nơi mà cơ sở của chúng ta chưa có Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành lâm thời thì chúng ta cử đại diện để lãnh đạo cuộc đình công. Thế nhưng, qua khảo sát năm ngoái thì như trong Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có rất nhiều cơ sở của chúng ta không có tổ chức công đoàn, 85% doanh nghiệp dân doanh và 65% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là không có tổ chức công đoàn.

Vậy bây giờ những trường hợp bị vi phạm quyền về lao động thì ai lãnh đạo đình công.
Chúng ta đặt ra vấn đề có thể là đại diện người lao động cũng được rồi. Nhưng nói thật với các đồng chí đại biểu Quốc hội như sau: tôi thì tôi thấy nếu tổ chức công đoàn, xin lỗi các đồng chí công đoàn, tổ chức công đoàn của chúng ta thực sự là công đoàn vì lợi ích của người lao động thì có thể lãnh đạo đình công tốt. Nhưng tổ chức công đoàn của chúng ta hiện nay mang nặng tính chất hành chính hoá, không gắn với lợi ích của người lao động bao nhiêu. Cho nên trong năm qua hơn một ngàn cuộc đình công, không biết có cuộc đình công nào có Ban chấp hành công đoàn lãnh đạo hay không? Tôi cũng không rõ, nhưng chắc chắn là không có bao nhiêu, nếu có thì cũng chỉ rất ít thôi, còn hầu hết là không có Ban chấp hành công đoàn lãnh đạo. Rõ ràng như vậy thì các cuộc đình công của lao động chúng ta là trở thành bất hợp pháp hết. Đặt cả vấn đề là khi có Ban chấp hành công đoàn rồi, nhưng Ban chấp hành công đoàn vì lý do này khác lại không lãnh đạo đình công sẽ như thế nào? Chúng ta đặt ra là phải có Ban chấp hành lãnh đạo, nhưng bây giờ Ban chấp hành công đoàn người ta không lãnh đạo, thì người lao động có tự làm được không?

Ví dụ như vậy. Như đại biểu Nhượng ở Bắc Ninh nói: Ban chấp hành công đoàn có khi người ta ăn lương của chủ chẳng hạn, người ta không bảo vệ quyền lợi người lao động, người ta không đại diện, người ta không lãnh đạo đình công thì bấy giờ người lao động, mặc dù có đại diện Ban chấp hành công đoàn, có được cử đại diện hay không? Tôi cho cái đó cần nghiên cứu. Tôi cho rằng cái này rất quan trọng, vì liên quan đến vấn đề tính hợp pháp của cuộc đình công và nhất là chế độ pháp lý, hậu quả pháp lý là phải bồi thường của người lao động sau này. Cho nên phải cân nhắc cho kỹ, chứ nếu không sau này đẩy người lao động vào thế bất lợi. Đấy là đối với người lãnh đạo như vậy.

Vấn đề thứ ba, hình thức và đối tượng lấy ý kiến, về đối tượng lấy ý kiến, tôi thấy về đình công nó liên quan trực tiếp đến rất nhiều lợi ích của người lao động. Cho nên tôi đề nghị lấy ý kiến trực tiếp người lao động. Chúng ta đều biết rằng các doanh nghiệp của chúng ta phần lớn là doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp trên 300 công nhân thì rất ít thôi, kể cả có nhiều hơn nữa, chúng ta lấy cũng rất đơn giản. Về hình thức chúng ta có thể lấy bằng hình thức biểu quyết, lấy chữ ký hoặc bỏ phiếu, rất nhiều hình thức như vậy thì nó đơn giản. Chúng ta có danh sách và đưa cho tất cả những người công nhân, người nào đồng ý thì ký vào, một ngày chúng ta có thể lấy hàng vạn chữ ký cũng được, không phải có gì khó khăn lắm.

Báo cáo các đồng chí, tôi cho rằng cần phải lấy ý kiến trực tiếp của những người lao động để quyết định vấn đề đình công. Chứ nếu không sau này rất khó, nó liên quan trực tiếp đến lợi ích của họ.

Về hình thức, báo cáo với các đồng chí trong này chúng ta nói là có thể dùng nhiều hình thức, nhưng trong Điều 174a, Khoản 1 nói rằng là hình thức bỏ phiếu, chúng ta ấn định hình thức bỏ phiếu rồi, Khoản a, Khoản b đều nói là hình thức bỏ phiếu. Nhưng Khoản 2 lại nói là đại diện, hình thức thì đại diện tập thể người lao động quyết định, thế là giữa Khoản 1, Khoản 2 mâu thuẫn với nhau. Tôi đề nghị chỗ này các đồng chí xem lại xem là như thế nào và để cho nó hợp lý, nếu không ở trên quy định hình thức bỏ phiếu, ở dưới thì lại bảo là đại diện người lao động quyết định hình thức để lấy ý kiến của người lao động, như thế nó không hợp lý.

Các văn bản liên quan