Trích ý kiến của ĐBQH Cù Thị Hậu – Tỉnh Phú Thọ

Thứ Ba 14:48 31-10-2006

Kính thưa Quốc hội.

Chúng tôi cũng đã được tham gia trong Ban soạn thảo và cũng được tham gia thảo luận trong các kỳ họp của đại biểu Quốc hội chuyên trách.

Về cơ bản chúng tôi cũng tán thành những nội dung mà Ban soạn thảo đã trình. Có thể nói rằng chúng tôi còn băn khoăn như ý kiến đồng chí Phạm Thế Duyệt nói, tuy chúng ta có thay đổi và có sửa một số điều tôi cho rằng cũng giải quyết được một số nội dung có thể hạn chế được đình công. Nhưng ở đây các đồng chí có nói, tức là chúng ta có trên 1.000 cuộc đình công rồi, mà không có cuộc đình công nào đúng luật pháp và đúng trình tự. Vậy thử hỏi trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước đến đâu, rồi trách nhiệm của công đoàn đến đâu, luật của chúng ta đã đi vào thực tế cuộc sống chưa mà trên 1.000 cuộc đình công mà chúng ta bảo không đảm bảo đúng trình tự, thì chúng tôi xin đặt ra những nội dung như vậy và chính hôm nay chúng ta mới sửa Chương XIV của Bộ Luật Lao động.

Qua ý kiến phát biểu của các đồng chí, chúng tôi thấy cần phân tích ra hai cái tranh chấp về quyền và tranh chấp về lợi ích. Thực tế chúng ta phân ra như vậy, chúng tôi nghĩ là nó giải quyết được rất nhiều, đó là các cơ quan quản lý Nhà nước trực tiếp để xem xét, giải quyết những vấn đề mà người sử dụng lao động không thực hiện những quy định của Luật Lao động. Do đó, chúng tôi nghĩ rằng chính chúng ta phân ra như thế này sẽ giảm thiểu các cuộc đình công rất nhiều, nếu như chúng ta giải quyết tốt người ta cũng không đình công làm gì cả.
Về đình công về lợi ích, xin báo cáo các đồng chí không phải dễ dàng mà chúng ta cũng làm được lãnh đạo đình công về lợi ích đâu, vì người lao động người ta cũng muốn đòi hỏi lợi ích cao hơn, nhưng rõ ràng trình tự, quy trình và cán bộ công đoàn, Ban chấp hành công đoàn đấy đứng ra lãnh đạo đình công không phải dễ dàng.

Báo cáo các đồng chí Ban chấp hành công đoàn ở đó hầu như là những người làm công ăn lương cho ông chủ, chưa đứng lên lãnh đạo đình công thì đã mất việc rồi.

Thứ hai, công đoàn muốn lãnh đạo đình công là xin ý kiến của Đảng, liệu Đảng có đồng ý cho công đoàn lãnh đạo đình công không, rất nhiều những nội dung đọc ra tôi thấy là chúng ta sửa Chương XIV này, phải nói là riêng về quyền chúng ta giải quyết được hạn chế đình công, nhưng đình công về lợi ích là khó, cũng không thực hiện được. Tôi xin phát biểu như vậy.

Thứ hai, chúng tôi muốn đề cập đến vấn đề mà các đồng chí đề cập đến là các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải chủ động, kịp thời để tiến hành giải quyết. Ở đây tôi thấy không rõ, cơ quan quản lý Nhà nước là cấp nào? Trách nhiệm là ai? Chứ bây giờ chúng ta ra luật rồi lại chờ xem cơ quan Nhà nước là cơ quan Nhà nước nào? Tôi đề nghị với các đồng chí là nêu rõ theo cơ quan Nhà nước mà giải quyết tranh chấp là cơ quan quản lý Nhà nước về lao động.

Vì Khoản 2, Khoản 4 và Khoản 5 của Điều 180 của Bộ luật Lao động có quy định rõ trách nhiệm này là của cơ quản quản lý Nhà nước về lao động. Tôi đề nghị chúng ta nên nói rõ về vấn đề này để sau này chúng ta khỏi phải hướng dẫn nữa. Do đó tính khả thi của sửa luật này tôi cho là vẫn chưa cao, nhưng dù sao cũng tốt hơn là chúng ta chưa sửa.

Điểm thứ hai, tôi xin tham gia phát biểu ý kiến, đó là thẩm quyền lãnh đạo đình công. Ở đây các đồng chí đề cập đến nơi có công đoàn cơ sở và Ban chấp hành công đoàn lâm thời thì lãnh đạo đình công, tôi tán thành. Nhưng cũng phải đặt ra vấn đề có nơi là cán bộ công đoàn, có công đoàn nhưng không lãnh đạo đình công được, vì người ta ăn lương của ông chủ người ta không thể dám lãnh đạo đình công được, có thể có tập thể người lao động ở đấy người ta cử ra, cho nên tôi đề nghị các đồng chí là đừng buông tay trong lúc ở nơi không có Ban chấp hành công đoàn lâm thời hoặc công đoàn cơ sở, mà người lao động cử ra đại diện cho tập thể người lao động, tức là cử đại diện người lao động thì tôi đề nghị các đồng chí nên đưa vào luật là do công đoàn cấp trên, các đồng chí đề cập ở đây là phải báo cáo thì có thể thông báo cũng được, báo cáo với công đoàn cấp trên và công đoàn cấp trên có trách nhiệm giúp đỡ và tạo điều kiện cho tập thể người lao động đấy để đình công. Chứ nếu không thì thưa các đồng chí là các đồng chí đều biết là ngày 20-10 vừa qua, công đoàn Độc lập đã chính thức ra mắt và đưa lên mạng, ngày 29 và 30 này thì ở Ba Lan cũng sẽ có tổ chức công đoàn ra đời, đối lập với chúng ta, nếu chúng ta không giao cho công đoàn cấp trên cơ sở để hướng dẫn, giúp đỡ cho tập thể đại diện của người lao động ở bên dưới mà đình công thì họ sẽ vào và họ sẽ nắm, lúc bấy giờ chúng ta sẽ tuột tay.

Tôi tha thiết đề nghị các đồng chí hết sức quan tâm lĩnh vực này, tức là không có công đoàn mà có đại diện người lao động người ta cử ra, theo Nghị định 96 của Chính phủ tức cụ thể hóa Điều 153 của Bộ luật Lao động thì Chính phủ mới ký rồi, công đoàn cấp trên mới có thể căn cứ vào đó và quyết định thành lập công đoàn lâm thời và từ đó sẽ giúp đỡ công đoàn đó lãnh đạo đình công, chứ để cho tập thể người lao động tự quyết định đình công và chỉ thông báo cho công đoàn cấp trên thì tôi cho là chúng ta sẽ tuột tay trong quá trình hiện nay và các thế lực thù địch đang có những âm mưu và đã thành lập các công đoàn đối lập thì tôi xin đề nghị như vậy.

Tôi xin phát biểu điểm thứ ba đó là trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong các trường hợp các cuộc đình công bị Tòa án tuyên là bất hợp pháp ở Điều 174d thì tôi đề nghị với các đồng chí như sau:

Trong Khoản 1, Điều 174d tôi cho rằng nội dung đó rất tốt, tức đình công trái pháp luật, tức là không đúng trình tự pháp luật thì không được hưởng lương, tôi thấy đồng ý.

Khoản 2, Điều 174 nói là người sử dụng lao động có quyền yêu cầu người lao động và người lãnh đạo đình công bồi thường, tôi cho rằng tính không khả thi. Tôi đề nghị chúng ta sẽ chuyển Khoản 2, Điều 179 vào phần bồi thường thiệt hại, như thế tôi cho là đúng và đáp ứng được yêu cầu. Việc thứ tư, việc miễn án phí cho người lao động trong các trường hợp tố tụng ở Điều 166, tôi rất tán thành với Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vì người lao động cũng không muốn ra tòa làm gì cả, người ta đã nghèo, đã mất lương, không được trợ cấp mất việc làm, không được trợ cấp thôi việc, không được bảo hiểm xã hội, không được bồi thường thiệt hại về tai nạn lao động v.v... người ta chẳng còn gì để người ta cố tình đưa ra tòa cho rối. Đây là quyền lợi rất sát sườn của người ta, tôi thấy Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình ra như thế là hoàn toàn đúng và tôi tán thành với các đề xuất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Các văn bản liên quan