Ý kiến của ĐBQH Bùi Sỹ Lợi – Tỉnh Thanh Hoá

Thứ Ba 14:40 31-10-2006


Kính thưa Quốc hội.

Tôi cũng như một số đại biểu phát biểu trước, rất đồng tình cao với dự thảo lần này đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi một cách rất cơ bản. Phải nói rằng, về mặt thực tiễn lâu nay chúng tôi theo dõi các cuộc đình công xảy ra ở nước ta, chúng tôi thấy có 2 đặc điểm.
Thứ nhất, đình công của chúng ta xảy ra chủ yếu tự phát.

Thứ hai, không có một cuộc đình công nào nó đúng với trình tự, thủ tục theo Chương XIV của Bộ Luật Lao động quy định. Bởi lẽ, Chương XIV của chúng ta có nhiều điểm mà người sử dụng lao động và người lao động không thể chấp nhận được thủ tục đó. Cho nên, chúng tôi thấy rằng điều rất cơ bản trong dự án luật này, chúng ta phải làm rõ khái niệm giữa tranh chấp về quyền và tranh chấp về lợi ích, chúng tôi tin rằng phạm vi điều chỉnh của luật này chỉ trong Chương XIV. Một số đại biểu nói rằng có quan hệ với một số chương. Chúng tôi cho rằng một số trình tự, thủ tục đình công nằm gọn trong Chương XIV và phạm vi điều chỉnh cũng chỉ nên trong Chương XIV này. Chúng tôi cũng đồng tình rằng đến một lúc quan hệ lao động của chúng ta phát triển đến mức độ cao hơn, chúng ta cần sửa đổi toàn diện Bộ luật Lao động hiện nay.

Hiện nay, có 3 đặc điểm nếu mà chúng ta xem xét, xử lý được thì chúng tôi tin tưởng các cuộc đình công xảy ra là đúng quy định của Nhà nước. Thứ hai là đảm bảo hạn chế được các cuộc đình công xảy ra hiện nay. Hiện nay do đình công của chúng ta tự phát, người lao động tiến hành đình công khi chủ sử dụng lao động vi phạm vào quyền đã tiến hành đình công, tức là chưa có một cuộc đình công nào qua hòa giải thì mới tiến hành đình công. Cho nên đình công xảy ra rất nhiều, nếu chúng ta hạn chế được vấn đề này, quy định rõ được quyền và lợi ích thì nó sẽ hạn chế được các cuộc đình công xảy ra.

Chúng tôi thấy về vấn đề phân định khái niệm, trách nhiệm và quyền tranh chấp lao động tập thể về quyền và tranh chấp lao động tập thể về lợi ích thì thấy:

Về lợi ích thì chúng tôi thấy tất cả những quy định, những yêu cầu của người lao động về mặt lợi ích, thường người ta yêu cầu cao hơn quy định của hợp đồng lao động, của thỏa ước lao động tập thể và của nội quy lao động đã được người sử dụng lao động và người lao động thông qua. Cho nên, nếu như lợi ích bị vi phạm thì sau khi họ tiến hành hòa giải với chủ sử dụng lao động mà thấy chủ sử dụng lao động không đồng tình thì người lao động có quyền đình công. Đây là vấn đề quyền cơ bản của người lao động. Chúng tôi thấy rất hợp lý. Nhưng về mặt quyền thì chúng tôi thấy rằng, chúng ta phải tính toán thêm cho kỹ lưỡng ở chỗ này.

Nếu chúng ta làm tốt bước này thì chắc chắn sẽ hạn chế đình công và đình công của chúng ta sẽ hợp pháp hơn. Khi xảy ra vấn đề "quyền" về mặt nguyên tắc là chủ sử dụng lao động và người lao động phải ngồi để thỏa hiệp lại với nhau, trên cơ bản các hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và nội quy lao động đã được ký kết và ban hành với nhau. Nếu không thỏa thuận được thì người lao động có quyền kiến nghị với cơ quan quản lý Nhà nước về lao động, thì cơ quan quản lý Nhà nước về lao động phải có trách nhiệm xử lý vấn đề quan hệ này và đến một mức nào đó thì cơ quan thanh tra lao động có quyền xử lý vi phạm pháp luật lao động đối với chủ sử dụng lao động. Bởi vì anh đã vi phạm pháp luật lao động theo Nghị định 113 của Chính phủ. Đây là vấn đề rất cơ bản, nếu chúng ta xử lý được thì nó sẽ hạn chế được đình công, nếu cơ quan quản lý lao động không giải quyết được thì vẫn còn hai hướng.
Một, anh ra Toà để xử lý tại Toà án.

Hai, nếu không được thì anh tiến hành đình công.

Hai công cụ này có thể tiến hành đồng thời, ở đây chúng tôi muốn nhấn mạnh là vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước về lao động là rất quan trọng và quyết định trong việc hạn chế đình công.

Vấn đề thứ hai, thẩm quyền lãnh đạo đình công. Chúng tôi cho rằng nguyên nhân vừa qua chúng ta xảy ra nhiều các cuộc đình công cũng do vai trò, vị trí của người lãnh đạo cuộc đình công là không xác định được, người lao động cũng có quyền đứng lên để đình công, kêu gọi một tập thể người lao động, thậm chí có những doanh nghiệp khi quá khích thì mời cả những đối tượng không phải là lao động của doanh nghiệp cũng tham gia để tiến hành đình công, tôi cho đây hoàn toàn bất hợp pháp.

Cho nên, về quyền đình công, chúng tôi thấy rằng lần này chúng ta xác định dứt khoát là phải Ban chấp hành công đoàn, vì đây là đại diện cho người lao động, chúng tôi cũng mong muốn nếu tổ chức công đoàn của chúng ta được thành lập ở tất cả các doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp hoặc công ty tư nhân, nó sẽ có vai trò lãnh đạo được người lao động tiến hành đình công nó có thủ tục đúng hơn. Nếu nơi đã có Ban chấp hành công đoàn hoặc chưa có nhưng Ban chấp hành công đoàn lâm thời theo quy định của Bộ luật lao động thì có thể đứng ra tổ chức đình công là rất hợp lý. Nếu như không có thì quyền đình công là quyền cơ bản của người lao động. Cho nên người lao động phải được chỉ định đại diện của mình. Cũng không lo là người lao động không có đại diện, bởi vì người lao động người ta sẽ tìm được người có uy tín nhất trong doanh nghiệp đó, đứng lên để đại diện cho người lao động, để tổ chức ra các cuộc đình công. Đấy là vấn đề thứ hai.

Vấn đề thứ ba, về hình thức và lấy ý kiến đình công. Chúng tôi cơ bản thống nhất, nhưng chúng tôi cũng có một vấn đề rất băn khoăn là khi đưa ra thực hiện thì nó có được hay không? Về hình thức và đối tượng để lấy ý kiến, chúng tôi cũng thống nhất là dưới 300 thì chúng ta lấy toàn bộ và trên 300 thì lấy 2 dạng: Một là lấy Ban chấp hành Công đoàn, tổ trưởng sản xuất, tổ trưởng tổ công đoàn. Nếu không có đại diện công đoàn thì lấy tổ trưởng sản xuất và tổ phó sản xuất là đầy đủ. Nhưng ở đây thời hạn chúng tôi cũng thống nhất là ít nhất là 1 ngày phải thông báo cho người sử dụng lao động. Nhưng hình thức bỏ phiếu thì chúng tôi thấy nó hơi khó khăn, lâu nay chúng ta thấy đặc điểm của các doanh nghiệp đông lao động thì người ta thường làm ca, làm kíp. Nếu chúng ta chờ để lấy được tổ trưởng, tổ phó, hoặc tổ trưởng tổ công đoàn thì rất khó. Ở đây nếu lấy phiếu theo cách bỏ phiếu thì chúng tôi thấy có thể hạn chế cho người lao động. Liệu rằng có thể thay thế chỗ này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có thể xem xét thêm, xin ý kiến thêm để có thể ghi: người lao động hoặc các tổ trưởng, tổ phó, hoặc là tổ công đoàn ghi vào danh sách để đề nghị đình công. Lâu nay, cũng có một số doanh nghiệp khi người ta phản ứng với chủ sử dụng lao động thì họ đứng lên lập danh sách và yêu cầu người lao động là ai đồng ý chủ trương đứng lên đình công chủ sử dụng lao động thì người ta ghi danh sách vào, và chúng ta sẽ có được tổ chức đình công hợp lý hơn.
Về các điều cụ thể trong luật, có hai điều chúng tôi xin tham gia trực tiếp như thế này:
Điều 157, Khoản 5, nếu chúng ta quy đinh như thế này thì nó chưa rõ. Điều kiện lao động mới, tức là sự thay đổi về các quy định trong Bộ luật Lao động, nhưng chúng ta lại quy định ở đây là điều kiện lao động mới, việc sửa đổi, bổ sung, thoả ước lao động tập thể, rồi đến tiền lương, tiền thưởng, thu nhập, định mức lao động, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và phúc lợi khác của doanh nghiệp. Tất cả những vấn đề này nó nằm trọn trong thoả ước lao động tập thể. Nên tôi đề nghị sửa lại Khoản 5, Điều 157 là điều kiện lao động mới là việc sửa đổi, bổ sung những quy định trong thoả ước lao động tập thể về tiền lương, tiền thưởng, thu nhập, định mức lao động, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và phúc lợi khác trong doanh nghiệp.

Vấn đề thứ hai, liên quan đến nhiều ý kiến của các đại biểu phát biểu nói về vấn đề là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Tôi thấy chỗ này cũng đáng phải xem xét lại trong Mục 3, về thẩm quyền và trình tự giải quyết tranh chấp lao động tập thể. Trong Điều 168 chúng ta nói cơ quan tổ chức có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động và tập thể bao gồm có 3 cơ quan: Một là Hội đồng hoà giải cơ sở, hoà giải viên cấp huyện, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đến Toà án nhân dân. Trong Khoản 2 của Điều 170, đoạn cuối của Khoản 2 lại nêu "Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết đối với trường hợp tranh chấp lao động tập thể về quyền hoặc là yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động cấp tỉnh giải quyết đối với tranh chấp lao động tập thể về lợi ích. Điều 170a, Khoản 1 nêu: Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tiến hành giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền theo quy định sau đây. Ba vấn đề này chúng tôi cho rằng để thống nhất lại chúng tôi đồng tình với một số ý kiến đại biểu là Khoản 2 trong Điều 168, chúng ta nên quy định rõ cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ở đây, tức là cơ quan quản lý Nhà nước về lao động. Sau này tức là cơ quan quản lý Nhà nước về lao động từ cấp huyện, cấp tỉnh trở lên thì sẽ có trách nhiệm để xử lý tranh chấp về quyền. Còn lại khi mà tranh chấp về lợi ích nếu không thành thì phải là cơ quan Hội đồng trọng tài cấp tỉnh. Trong cơ quan trọng tài cấp tỉnh thì cơ quan quản lý Nhà nước về lao động thường làm Hội đồng, tôi thấy nếu điều chỉnh lại vấn đề này thì nó hợp lý hơn.

Các văn bản liên quan