Trích ý kiến ĐB QH Nguyễn Đức Dũng – Tỉnh Kon Tum

Thứ Ba 13:34 15-08-2006

Kính thưa các đồng chí, về vấn đề sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật lao động tôi xin tham gia một vài ý kiến như sau.
Chúng tôi thấy rằng đúng ra Bộ luật lao động của chúng ta đã ban hành hơn 10 năm rồi, bây giờ chúng ta lại chuyển mạnh sang cơ chế thị trường thì có nhiều vấn đề quy định trong Bộ luật lao động của chúng ta đúng là cũng có những thay đổi. Kể ra chúng ta làm tốt thì chúng ta có thể sửa đổi toàn diện bộ luật thì tốt hơn, cũng như Ban soạn thảo và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giải trình, do gấp rút và chưa có thời gian nghiên cứu tổng kết cho nên bây giờ tạm thời chúng ta sửa phần này thôi, phần liên quan đến tranh chấp lao động và đình công.
Chúng tôi thấy trong điều kiện như vậy thì phạm vi điều chỉnh, phạm vi sửa đổi của Bộ luật lao động chúng tôi cũng thấy thống nhất với phạm vi trong dự thảo đã đưa ra. Tức là đợt này chúng ta chỉ sửa những vấn đề tranh chấp lao động liên quan đến vấn đề đình công và giải quyết đình công như vậy là hợp lý.
Ý kiến thứ hai, chúng tôi muốn phát biểu về sự phân biệt giữa khái niệm tranh chấp lao động tập thể về quyền và tranh chấp lao động tập thể về lợi ích, đây là một vấn đề rất cơ bản, nó liên quan đến toàn bộ các quy định của chúng ta ở bên dưới. Tôi thấy rằng hiện nay trong điều kiện của chúng ta, quan hệ lao động của chúng ta mới phát triển theo cơ chế thị trường, việc đình công của chúng ta trong một vài năm gần đây cũng có xảy ra, cũng kha khá vụ. Nhưng đánh giá lại, đối chiếu pháp luật hiện hành của chúng ta thì hầu như các vụ đình công này đều bị coi là bất hợp pháp.
Chúng tôi không có dịp nghiên cứu kỹ về các cuộc đình công này, nhưng tôi nghĩ rằng trong điều kiện của chúng ta hiện nay, khi quan hệ lao động của chúng ta mới phát triển như thế này theo cơ chế thị trường, nhận thức của người lao động rất thấp, nhất là nhận thức về luật pháp. Việc phân biệt giữa tranh chấp lao động về quyền với tranh chấp lao động về lợi ích là rất khó có khả năng có thể phân biệt được. Người lao động hiện nay người ta chỉ thấy rằng trong quá trình tôi lao động, tôi làm thuê cho anh tôi thấy có những vấn đề vi phạm đến lợi ích của tôi, tôi sẽ khiếu kiện, tôi sẽ có những tranh chấp, không giải quyết được thì biện pháp cuối cùng là đình công để tự bảo vệ quyền lợi của mình. Chúng ta cũng không phân biệt được việc vi phạm lợi ích này là do việc vi phạm các quy định của luật pháp, của chủ sử dụng lao động hay không, người ta chỉ thấy rằng lợi ích này có phần bị xâm phạm. Cũng có thể trước đây là tôi thỏa thuận như thế nhưng bây giờ do đổi mới tình hình kinh tế - xã hội, do đổi mới quan hệ rộng thì lợi ích của tôicó phần bị đe dọa, bị thiệt thòi thì chúng tôi phải có những tranh chấp, nhưng giải quyết tranh chấp không được thì biện pháp cuối cùng, tôi cho rằng biện pháp đình công là biện pháp tự bảo vệ cuối cùng của người lao động.
Nếu chúng ta phân biệt rõ ràng cái này là tranh chấp lao động tập thể về quyền và tranh chấp lao động tập thể về lợi ích thì người lao động rất khó phân biệt. Ở góc độ chuyên môn có thể tạo điều kiện cho các cơ quan luật pháp của chúng ta phán quyết về đình công hợp pháp hay không hợp pháp, chứ còn đối với cái chung tôi cho rằng bảo vệ quyền lợi cho người lao động rất khó, không bảo đảm được.
Theo quan điểm của tôi đề nghị không nên phân biệt cái này, trong điều kiện hiện nay vệ lợi ích của người lao động. Hiện nay, người lao động của chúng ta cứ không hòa giải được dẫn đến đình công hầu như mới đưa ra tòa đều bị phán quyết là bất hợp pháp cả. Như vậy, lợi ích của người lao động không được bảo vệ. Tôi đề nghị không nên phân biệt hai khái niệm này, trước mắt có thể là sau này, 10 - 15 năm nữa có thể chúng ta có phân biệt rõ ràng. Nhưng trong điều kiện bây giờ thì chưa nên phân biệt, từ đó bảo vệ được quyền lợi của người lao động và đảm bảo được quyền đình công của người lao động. Chỗ phân biệt khái niệm chúng tôi thấy như vậy.
Vấn đề thứ ba, về thẩm quyền lãnh đạo đình công chúng tôi rất phân vân và hoạt động đúng là vì lợi ích của đoàn viên thì chỉ có tổ chức công đoàn có thể đứng ra làm lãnh đạo đình công là tốt nhất. Nhưng hiện nay thực trạng của chúng ta cũng như trong báo cáo các đồng chí đưa ra có đến 85% doanh nghiệp liên doanh của chúng ta và 65% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chưa có công đoàn cơ sở và thực tế ở các doanh nghiệp này người ta chưa thực hiện đúng quy định về việc thành lập các công đoàn cơ sở cho người lao động. Kể cả người lao động người ta cũng thấy rằng tổ chức công đoàn hiện nay chưa đại diện lợi ích cho mình. Cho nên người ta cũng không mặn mà với việc thành lập các tổ chức công đoàn. Bây giờ lấy ai đại diện cho người ta để lãnh đạo đình công, tôi nghĩ rằng nếu ở đây có những tổ chức công đoàn thì có thể tổ chức công đoàn làm lãnh đạo cũng được. Nhưng tôi cho rằng đại diện của người lao động rất quan trọng và trong điều kiện của chúng ta hiện nay nên có, phải quy định đại diện của những người lao động lãnh đạo đình công thì hợp lý. Kể cả những doanh nghiệp có tổ chức công đoàn nhưng tổ chức công đoàn của chúng ta hiện nay như các đồng chí biết là hoạt động hoàn toàn chưa phải vì lợi ích của người lao động. Nhiều khi lại mang tính chất hành chính hóa, quan liêu hóa, thậm chí có khi đứng về phía chủ thì không có thể lãnh đạo đình công được. Thực tế các cuộc đình công của chúng ta vừa qua nếu đối chiếu với tiêu chuẩn này thì rõ ràng đều phải phán quyết rằng đây là những cuộc đình công bất hợp pháp. Bởi vì chưa có tổ chức công đoàn nào đứng ra lãnh đạo đình công, nếu không có công đoàn thì giao cho công đoàn cấp huyện lại càng không làm được. Chúng tôi đề nghị nên có một quy định là lãnh đạo các tổ chức đình công có thể là Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc đại diện tập thể người lao động, chứ không phải nơi không có đâu, nơi không có thì đương nhiên rồi nhưng kể cả những nơi có. Nhưng lãnh đạo công đoàn không làm được, có thể là đại diện người lao động để bảo vệ quyền, lợi ích của người lao động người ta có thể lãnh đạo đình công ở đơn vị cơ sở đó được không? Tôi đề nghị ở những cơ sở như vậy có thể là Ban chấp hành công đoàn cơ sở, có thể là đại diện của những người lao động để lãnh đạo đình công.

Các văn bản liên quan