Trích ý kiến của ĐBQH Dương Ngọc Ngưu – Tỉnh Thanh Hoá

Thứ Ba 15:24 05-09-2006

Về Dự án luật này tôi tán thành với văn bản gợi ý thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với 4 vấn đề chung và 14 vấn đề riêng, vấn đề cụ thể. Các vấn đề này đều có loại ý kiến khác nhau và có phân tích để cho đại biểu tham khảo, để bày tỏ quan điểm của mình.
Sở dĩ Dự thảo bộ luật lần này nó còn nhiều vấn đề, còn tới 18 vấn đề vì bộ luật của nó rất lớn điều chỉnh tất cả các hoạt động thi hành án, đối với các loại án, án hình sự, án dân sự, hành chính trong dân sự lại có cả kinh tế, lao động, phá sản và một phần của án hành chính.
Trong khi đó, nguyên tắc thi hành, tổ chức thực hiện các loại án này, thi hành các loại án này nó có những cái khác nhau. Cho nên, cần phải tìm ra những biện pháp để khắc phục những tình trạng đó khi chúng ta xây dựng một Bộ Luật thống nhất.
Tại kỳ họp thứ 8 đại biểu Quốc hội chuyên trách và tại kỳ họp này, thì vẫn còn rất nhiều ý kiến khác nhau của các vị đại biểu về nhiều vấn đề cơ bản của dự thảo. Ví dụ vấn đề mô hình quản lý Nhà nước, hệ thống cơ quan thi hành án, tổ chức thi hành án phạt tù do Bộ Công an, Bộ Quốc phòng đảm nhiệm hay chuyển cho Bộ Tư pháp. Đặc biệt, quan điểm của các thành viên Ban soạn thảo cũng chưa thật thống nhất cao.
Nhận xét chung về dự thảo này thì chúng tôi cho rằng dự thảo này là dự thảo pháp điển hoá các văn bản dưới luật, ví dụ Pháp lệnh thi hành án phạt tù năm 1993, 14 Nghị định của Chính phủ quy định về các loại hình phạt không phải là phạt tù, trục xuất, thi hành các biện pháp tư pháp.
Về dân sự, pháp điển hoá Pháp lệnh thi hành án dân sự ban hành năm 2004, song việc pháp điển hoá này đối với các văn bản dưới luật cũng không đầy đủ, cũng chưa có những nghiên cứu để khắc phục những bất cập của pháp luật, những vướng mắc trong thực tiễn tổ chức thi hành, đặc biệt là thi hành án phạt tù.
Đối với các nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành án đối với những hình phạt không phải là phạt tù đến nay còn nhiều vướng mắc, rất khó tổ chức thực hiện cho nên cần có sự nghiên cứu để quy định lại cho phù hợp. Ví dụ 2 Nghị định 60, 61 của Chính phủ năm 2000 về thi hành hình phạt tù cho hưởng án treo và cải tạo không giam giữ. Mặc dù có quy định rất cụ thể chính quyền địa phương phải làm gì, người bị kết án phải làm gì, các gia đình phối hợp như thế nào, các cơ quan, đoàn thể ra sao và Bộ Tư pháp đã in sổ để theo dõi những đối tượng này và gửi cho các Tòa, để chuyển khi thi hành án. Nhưng việc thi hành 2 loại hình phạt này không có hiệu quả ở chỗ người bị kết án về loại hình phạt này thì cho rằng nếu kết án phạt tù cho hưởng án treo, thì họ cho rằng họ được miễn hình phạt tù thì họ không phải chấp hành hình phạt. Rồi đối với Tòa án khi ra quyết định thi hành án là xong, không quản lý theo dõi, chính quyền địa phương cũng không quản lý theo dõi cho nó cụ thể theo quy định của 2 nghị định này và ở địa phương rất khó thi hành, cho nên cần nghiên cứu để quy định lại. Đặc biệt chế định phạt tù cho hưởng án treo là biện pháp thi hành án có điều kiện, trong thời gian thử thách nếu anh phạm tội mới, thì phải chuyển hình phạt án treo thành tù giam, nếu anh cải tạo tốt thì anh sẽ được xét giảm thời gian chấp hành và trong đó Tòa án đóng vai trò quyết định trong việc xem xét giảm thời gian thử thách đối với đối tượng này.
Riêng về phần thi hành án dân sự cũng chưa đề cao được vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc thi hành án dân sự. Có một số vướng mắc trong quá trình thi hành án dân sự cũng chưa được giải quyết trọn vẹn.
Về phần thi hành án hình sự, có nhiều quy định chưa phù hợp với thực tế cho nên riêng phần án hình sự cần có sự khảo sát và nghiên cứu để quy định cho có tính khả thi. Hiện nay qua Báo cáo của Ủy ban pháp luật về công tác thi hành án phạt tù ở các địa phương thì thấy rằng còn rất nhiều vấn đề và có vấn đề rất nhạy cảm chúng tôi sẽ phát biểu trong khi xây dựng văn bản báo cáo giám sát về thi hành án phạt tù.
Vấn đề xã hội hóa thi hành án, thực hiện chủ trương của Đảng cũng cần thiết phải xã hội hóa, nhưng cũng cần nghiên cứu đối với thi hành án hình sự có xã hội hóa không và xã hội hóa đến mức độ nào. Khi giao cho chính quyền địa phương thi hành một số biện pháp, tôi nghĩ rằng đấy không phải là xã hội hóa. Nếu ở Khoản 3, Điều 14 quy định xã hội hóa như thế này thì cũng không phải, đó chỉ là những hợp đồng dịch vụ để cung ứng dịch vụ phục vụ cho phạm nhân chứ chưa phải những biện pháp xã hội hóa. Phần xã hội hóa cũng cần phải nghiên cứu cụ thể.
Trong dự án luật này cũng cần quan tâm đến các văn bản pháp luật mới ban hành, ví dụ nói ngắn gọn như Luật phòng chống HIV/AIDS, có quy định về miễn thời hạn chấp hành hình phạt, miễn hình phạt đối với những đối tượng bị AIDS giai đoạn cuối thì cũng cần phải được quy định trong này. Hoặc là Luật cư trú sắp được Quốc hội ban hành quy định về các đối tượng quản lý ở chính quyền địa phương cần phải khai báo tạm vắng, thông báo lưu trú như thế nào cũng cần phải quy định thế này cho nó phù hợp.
Nhìn chung những quy định trong dự thảo luật cũng cần phải được nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng mới được chỉnh lý và xem xét thông qua được.
Chúng tôi cũng rất băn khoăn với nhiều đại biểu khác là Bộ luật rất lớn, thời gian chuẩn bị không nhiều, trong thời gian từ nay đến khi thông qua còn rất ngắn, cần phải tập trung sức lực quyết liệt thì mới có thể thông qua được, hoặc ban hành một bộ luật hoặc ban hành 3 bộ luật cũng đều phải thực hiện một cách triệt để.
Về phạm vi điều chỉnh, theo quan điểm của chúng tôi cho rằng nên xây dựng một Bộ Luật thi hành án bao gồm cả 3 loại thi hành án, thi hành án hình sự, thi hành án dân sự, thi hành án hành chính. Sở dĩ có vấn đề như thế này tức là 3 loại thi hành án này có liên quan với nhau, ví dụ thi hành án dân sự có phần thi hành án hình sự trong bản án hình sự, phần án hành chính có liên quan đến tài sản, án hành chính chỉ có một phần không có liên quan đến tài sản thôi. Đặc biệt từ trước đến nay về thi hành án hành chính không có văn bản nào quy định chỉ có Điều 74 được quy định trong Pháp lệnh về thủ tục giải quyết các vụ án hành chính có quy định ngắn gọn mang tính chất nguyên tắc và một phần đã thi hành trong Bộ Luật Dân sự rồi, trong Bộ luật này có hẳn một phần về thi hành án hành chính nhưng gồm có 2 chương thì có 4 điều, 1 chương, 1 điều thì có 2 dòng tức Điều 176, cho nên riêng thi hành án hành chính nếu tách ra thành 3 đạo luật thì rất khó quy định đối với hành chính. Chúng tôi cho rằng những vấn đề này cũng cần phải nghiên cứu.
Có ý kiến nói rằng trên thế giới từ trước đến nay không đất nước nào họ xây dựng một Bộ luật điều chỉnh 3 loại thi hành án này. Xin thưa với các đại biểu rằng, các Bộ luật tố tụng của các luật chuyên ngành của các nước đều có quy định rõ phần thi hành án trong đó rồi, họ coi thi hành án là phần tiếp theo của quá trình tố tụng. Từ trước tới nay, Bộ luật tố tụng hình sự và Bộ luật hình sự cũng có quyết định một phần thi hành án ở trong các đạo luật đó, sở dĩ trên thế giới chưa có nước nào quy định chung như thế. Để khắc phục tình trạng này, chúng tôi cho rằng xây dựng Bộ luật thành các phần khác nhau, các phần chặt chẽ có đầy đủ các nguyên tắc thi hành án, nguyên tắc chung, nguyên tắc riêng và tổ chức thực hiện riêng từng phần một. Có một yếu điểm trong việc xây dựng đạo luật này là do tình hình thực tế và quy định đầy đủ hơn thì số lượng điều sẽ tăng lên, chứ không phải 340 điều như hiện nay, nhưng nó đảm bảo được cùng một Bộ luật người ta có thể theo dõi được tất cả các loại thi hành án đối với các loại án.

Các văn bản liên quan