Trích ý kiến của ĐBQH Nguyễn Đình Lộc – Thành phố Hồ Chí Minh

Thứ Ba 15:22 05-09-2006

Kính thưa đồng chí Chủ tịch.

Kính thưa các đồng chí Phó Chủ tịch.

Thưa các đồng chí.

Về dự án luật này thú thật chúng tôi đã tham gia một số lần, cũng đã trao đổi với nhau nhiều, nhưng đến hôm nay những vấn đề đặt ra từ đầu vẫn còn gần như nguyên vẹn. Đây không phải chỉ là Bộ luật về nhiều điều và lắm điều, mà đây chính là Bộ luật khó. Chúng tôi nghĩ nó khó cũng tương đối thôi, còn so với một vài luật khác còn khó hơn nữa. Nhưng có thể tạm dùng từ là nó rắc rối và một phần cũng là do chúng ta làm rắc rối thêm. Cho nên tìm được tiếng nói đồng nhất ở đây thật khó, không đơn giản. Vì vậy chúng ta bình tĩnh để nghe nhau, tất nhiên khi nói cũng có động chạm, nói đến động chạm nhiều khi cũng ngại. Có lẽ theo tinh thần đồng chí Phó Chủ tịch vừa động viên, vừa cổ vũ là phải thẳng thắn cho nên có lẽ phải nói một số suy nghĩ.

Gặp các anh em ở ngoài, anh em cứ nói đùa bảo "ông chủ thuyết thì phát biểu ý kiến đi", bảo tôi chủ thuyết thì phải phát biểu ý kiến đi. Nhưng xin thưa chủ thuyết ở đây rất rõ và nó hơn cả chủ thuyết đó là Nghị quyết của Đảng, nhiệm vụ của chúng ta là thể chế hóa đường lối của Đảng thì vấn đề nó rõ lắm rồi. Nhưng khi chuyển hóa được Nghị quyết thành lời văn của luật đúng là khó, nhưng khó không phải ở lời văn mà khó ở nội dung. Nội dung ở đây tức là thống nhất với nhau về một nhận thức và mặt quan điểm. Chúng tôi thấy rõ ràng ở đây có vấn đề của nó và có lẽ không nói thật với nhau thì chắc là khó ra khỏi cảnh này. Nói thật với đồng chí thượng tướng, tôi nhìn đồng chí thấy nghiêm nghiêm tôi cũng ngại, nhưng đây cũng là theo tinh thần chung chúng ta nói. Tôi nghĩ rằng chủ yếu ở đây chính là các cơ quan trong Ban soạn thảo không thống nhất với nhau cách hiểu vấn đề và quan niệm về vấn đề. Nếu trong Ban soạn thảo thống nhất thì trình ra Chính phủ chắc cũng thuận lợi hơn và ra Quốc hội cũng lắm điều như thế này. Đấy là vấn đề phải nhìn thẳng vào sự thật.

Tôi nghĩ rằng đến Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị quyết định như vậy đó không phải là một việc có tính chất đột suất, từ Hội nghị Trung ương 8, Khoá VII có Nghị quyết đó rồi là tập trung đầu mối vào Bộ Tư pháp công tác thi hành án. Nhưng xin thưa rằng sau đấy 2 kỳ họp Trung ương bỏ chữ "tư pháp" mà nói là tập trung vào một đầu mối, còn đầu mối nào chưa nói. Tôi quan niệm đây chính là một bước thụt lùi trong Nghị quyết và Trung ương không phải để từ bỏ tư tưởng này, nhưng để cân nhắc thêm. Tôi biết sau khi có Nghị quyết Trung ương 8, Khóa VII các cơ quan cũng có phát biểu thế này, thế kia, cũng có một số đồng chí có trách nhiệm phân công. Cho nên bỏ chữ "Bộ Tư pháp"ở đây là có ý của nó và có lý do của nó chứ không phải ngẫu nhiên.

Đến Nghị quyết 49 về chiến lược cải cách tư pháp, Bộ Chính trị lại khẳng định lại là cần tập trung về Bộ Tư pháp về mặt quản lý. Như thế đây là một chủ trương đã được thử thách, đã được kiểm nghiệm trong tư duy của các đồng chí có trách nhiệm cao nhất. Lúc tôi làm ở Ban Bí thư cán sự Bộ Tư pháp chưa bao giờ được tham gia những ý kiến về những vấn đề cả, nhưng ở đâu cứ đặt ra thế nên chúng tôi theo thôi, sau đấy thấy có phân vân và khẳng định lại. Như thế có sự cân nhắc mọi mặt, nhưng mà thấy vấn đề đã phải quyết, cho nên Bộ Chính trị trong Nghị quyết 49 phải quyết. Ở đây không nên trách ai cả mà chính thấy phức tạp của bản thân quyết định này. Nhưng rồi chúng ta thấy thật ra vẫn chưa thống nhất.

Bây giờ tôi không ở Bộ Tư pháp nữa, thỉnh thoảng có ghé qua một chút thì anh em cũng nói chuyện hôm nay họp cái này, hôm nay họp cái kia, anh em thông báo là Ban dự thảo không ngồi họp được với nhau cơ mà, vậy thì không biết thế nào. Cho nên, thật là khó. Vì vậy, tôi nói nó rối là chính chỗ đó, chứ không phải rối vì nội dung bản thân của vấn đề, tuy rối lắm nhưng chúng ta vẫn có thể gỡ được, nhưng giữa chúng ta chưa thống nhất với nhau thì khó gỡ. Đó là vấn đề thứ nhất chúng tôi muốn xin phát biểu để thấy được rằng phải có một nội lực vượt lên trên chính mình chăng, như thế nào đây để có thể khẳng định được chủ trương chung.

Ý thứ hai, tôi đồng ý với nhiều ý kiến đồng chí Đường phát biểu sáng nay và một số đồng chí khác. Theo tôi, không nên lẫn lộn hai vấn đề.

Một, chúng ta thống nhất về mặt chủ trương.

Hai, bước đi để thực hiện chủ trương đó.

Có hai chuyện khác nhau, nếu như không thống nhất về mặt chủ trương thì bước đi là vô nghĩa, không thể xác định được, còn khi đã thống nhất về mặt chủ trương thì bước đi chúng ta xác định được. Không phải như đồng chí Vượng nói là hôm nay nằm ngủ thì sáng mai chuyển sang hết thi hành án về cho Bộ Tư pháp là không phải, phải có bước đi của nó. Đối với loại luật này chắc chắn Quốc hội chúng ta sẽ có một Nghị quyết rất chi tiết về việc thi hành để đến năm nào như thế nào đó thì có bước đi. Cho nên không nên lẫn lộn 2 vấn đề, vì vậy trước hết khẳng định với nhau rằng có nên tiếp tục duy trì cơ chế hiện nay không hay cần phải chuyển sang một cơ chế mới khác trong công tác thi hành án. Còn bước đi của nó chúng ta sẽ tiếp đó mới xác định, tôi nghĩ phải như thế, chứ xác định bước đi ngay bây giờ thì hơi phiêu lưu và mất thì giờ.

Vấn đề chúng ta có nên tiếp tục duy trì cơ chế này hay không? thì lại có vấn đề là luật này nên làm một Bộ luật hay 3 luật riêng, tôi nghĩ đó cũng không phải là vấn đề cơ bản, cơ bản chính bây giờ là vấn đề chúng ta thống nhất với nhau rằng thay đổi cơ chế hiện nay không? khó là khó chỗ này. Tôi nghe đồng chí Thượng tướng phát biểu sáng nay tôi thấy là lãnh đạo Bộ Công an, Đảng đoàn Bộ Công an cũng nêu ra những căn cứ rất xác đáng, những băn khoăn rất chính đáng mà người trong cuộc mới hiểu được, chúng ta ở ngoài nhiều khi không hiểu hết được. Cho nên chỗ này không nên tách mà nên thông cảm, nhưng dù có thông cảm chúng ta cũng phải nhìn nhận ra bản chất của vấn đề, chứ nếu thông cảm rồi thôi xuề xoà cho qua, thôi cứ thế ta tiếp tục. Tại sao Nghị quyết Trung ương lại trở đi, trở lại như thế này, lúc đầu ở tầm Ban chấp hành Trung ương sau đó là tầm Bộ Chính trị luôn luôn khẳng định đi, khẳng định lại đây là vấn đề thống nhất quản lý về Bộ Tư pháp. Thú thực với anh Tiệm, tôi xin phép gọi anh như vậy, những căn cứ đồng chí nêu ra sáng nay tôi thấy rất băn khoăn. Đồng chí nói nếu bây giờ chuyển thì lấy đâu 1 vạn nhân sự để giúp cho các cơ quan, chúng ta phải sử dụng đội ngũ cử nhân này để làm như một cánh tay kéo dài ra để điều tra, để thế này, thế kia. Nhìn từ góc độ quản lý về tính thực dụng của nó thì rất đúng, thực dụng đây không phải là để lấy tiền bỏ túi mà là vì lợi ích chung. Nhưng thực dụng này đặt trong khuôn khổ của vấn đề được chưa? Xin thưa với anh Tiệm nếu chúng ta nói với các bạn thế giới mà chúng ta nói như thế này thì không ai chấp nhận cả. Không thể biến người tù thành một công cụ của chúng ta, ở đây tính nhân bản và quyền con người được đặt ra. Nói như thế nào có nghĩa là chúng ta xa rời mục đích của phạt tù, vì phạt tù là đưa một con người vào để giáo dục họ, giúp cho họ trở lại cuộc sống bình thường. Vì vậy chúng ta nhấn mạnh vấn đề này thì rõ ràng nó rất lạc lõng.

Chúng ta nhớ rằng hàng của Trung Quốc do tù nhân làm mang ra thế giới người ta không mua, người ta tẩy chay. Trong cơ chế hội nhập hiện nay, trong cơ chế nhân quyền đề cao như hiện nay, trong lúc bản thân chúng ta đang đề cao nhiệm vụ xây dựng Nhà nước pháp quyền, mà chúng ta không tính chuyện này mà đưa ra lý do như thế thì rõ ràng rất đáng băn khoăn, trong nhận thức của chúng ta đang có vấn đề. Đưa người tù ngồi vào ở đấy đó là cái mất mát lớn nhất của họ.

Xin thưa, tôi có lần đi Canađa vào thăm một trại tù về trẻ em thôi, ông chủ trại ông nói chúng tôi dành cho các cháu này những cái gì mới nhất trong đời sống của một gia đình vì đối với các cháu vào đây là một sự mất mát rất lớn, tất nhiên đối với các cháu thôi, còn anh tù lớn nó tàn ác thì không kể. Nhưng rõ ràng tôi nhìn vấn đề tước tự do ở đây là mất mát lớn nhất đối với con người. Cho nên bây giờ phải tạo điều kiện như thế nào để hỗ trợ lại cuộc sống của người công dân đều cần, chúng ta bảo dùng họ làm cái này, dùng họ làm cái thế kia để như một lý do để duy trì chuyện này thì không được, phải trở lại tính nhân đạo, nhân bản, bản chất của chế độ của chúng ta để xác định vấn đề này, nếu không chúng ta ra khỏi. Tôi xin dừng ở đây.

Các văn bản liên quan