Trích ý kiến của ĐBQH Vũ Trung Thịnh – Tỉnh Thanh Hoá

Thứ Tư 16:01 01-11-2006

Kính thưa Quốc hội,

Trước hết, tôi thống nhất cao với nội dung của Báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Dự án Luật Quản lý thuế. Có thể nói, với 31 vấn đề mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình đã tiếp thu và chỉnh lý rất nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội trong kỳ họp thứ 9 và trong Hội nghị đại biểu chuyên trách. Trong thời gian trước kỳ họp, Đoàn Quốc hội Thanh Hóa cũng đã tiếp xúc và làm việc với với các công chức ngành thuế, các doanh nghiệp của Thanh Hóa. Có thể nói công chức ngành thuế và các doanh nghiệp cũng rất mong muốn Luật Quản lý thuế sớm được Quốc hội thông qua, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành thuế và tổ chức cũng như cá nhân thực hiện nghĩa vụ của mình đối với Nhà nước.

Đối chiếu với bố cục nội dung của Dự án Luật Quản lý thuế được trình ra Quốc hội lần này, tôi thấy có nhiều ý kiến của công chức ngành thuế và doanh nghiệp đã được thể hiện đầy đủ trong nội dung của dự án luật. Như vấn đề tên gọi, phạm vi điều chỉnh, sửa đổi tên gọi của đại lý thuế, thẩm quyền xóa nợ tiền thuế, tiền phạt vi phạm pháp luật thuế, vấn đề kiểm tra, thanh tra thuế, điều tra trốn thuế gian lận thuế cũng được làm rõ hơn cả về nguyên tắc, mục đích. Tuy nhiên nghiên cứu kỹ về Luật quản lý thuế, tôi xin có ý kiến ở 2 vấn đề nhỏ như sau:

Một, Khoản 2, Điều 47 nộp thuế trong thời gian giải quyết khiếu nại, khởi kiện. Với nội dung quy định ở Khoản 2 sẽ dẫn đến việc vận dụng tuỳ tiện nếu không được hướng dẫn chi tiết, cụ thể trong Nghị định của Chính phủ. Mặt khác, yêu cầu khi xây dựng dự án luật đòi hỏi quy định chi tiết, cụ thể, rõ ràng, để luật có hiệu lực là thực thi được ngay. Với ý nghĩa đó tôi xin đề nghị bổ sung vào sau cụm từ "tiền lãi" là theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng ngoại thương tại thời điểm hoàn trả tính theo số thuế nộp thừa.

Cụ thể được điều chỉnh lại như sau: Khoản 2: Trường hợp số thuế đã nộp lớn hơn số thuế được xác định theo kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan có thẩm quyền, hoặc quyết định được hoàn trả số thuế nộp thừa và được trả tiền lãi theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng ngoại thương tại thời điểm hoàn trả tính trên số thuế nộp thừa. Vì trên thực tế chúng ta biết có rất nhiều loại lãi suất khác nhau tương ứng với đối tượng là tiền gửi hoặc tiền vay, thời hạn gửi, thời hạn vay và thời hạn cho vay. Do đó cần thiết phải quy định cụ thể để tránh vận dụng tuỳ tiện dẫn đến tiêu cực, lãng phí trong quá trình thực hiện thuế.

Tương tự, Điều 79 các trường hợp thanh tra thuế. Theo tôi nên bỏ Khoản 2 là doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh đa dạng, phạm vi kinh doanh rộng thì thanh tra định kỳ 1 năm không quá 1lần. Vì nếu quy định thêm Khoản 2 này, theo tôi không thực hiện sự công bằng về quyền lợi, nghĩa vụ giữa các doanh nghiệp. Mặt khác, nếu quy định khoản này cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp thực hiện thanh tra thuế, cũng đồng nghĩa doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm thuế như Khoản 1, hoặc để giải quyết khiếu nại, tố cáo, hoặc theo yêu cầu của Thủ trưởng cơ quan Nhà nước có thẩm quyền như Khoản 3. Hơn nữa thực tế hoạt động trong lĩnh vực doanh nghiệp, chúng ta thấy các doanh nghiệp sau mỗi năm có quyết toán tài chính, kèm theo kiểm toán và thông thường có mời cơ quan thuế để kiểm tra quyết toán thuế. Việc kiểm tra thuế có ý nghĩa rất lớn, vì nó giúp cho doanh nghiệp yên tâm với kết quả sản xuất kinh doanh của mình và cũng yên tâm trong việc làm nghĩa vụ thuế với Nhà nước. Đồng thời việc kiểm tra thuế phát hiện nếu có sai phạm lúc này sẽ chuyển sang hình thức thanh tra thuế như Điều 79 sẽ hợp lý hơn.

Các văn bản liên quan