Trích ý kiến của ĐBQH Dương Kim Anh – Tỉnh Trà Vinh

Thứ Tư 15:59 01-11-2006
Kính thưa Quốc hội!

Về cơ bản, tôi nhất trí với Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý Dự thảo Luật Quản lý thuế của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tôi xin đóng góp một số điều khoản như sau:

Về trách nhiệm cơ quan khác của Nhà nước trong việc quản lý thuế được quy định ở Điều 12, tại Khoản 1 có quy định trách nhiệm của cơ quan Nhà nước trong việc tuyên truyền, phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ thuế. Tôi đề nghị quy định lại điều này cho chặt chẽ và để dễ thực hiện. Vì, quy định như Dự thảo là quá chung chung và không hiểu tạo điều kiện thuận lợi là tạo như thế nào? Tại Khoản 2 điều này quy định trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án nhân dân, tôi đề nghị bổ sung trách nhiệm của Viện Kiểm sát nhân dân, tức là bổ sung thêm cụm từ là "truy tố" trước cụm từ "xét xử kịp thời". Bởi vì, truy tố hành vi vi phạm là thuộc thẩm quyền của Việc Kiểm sát, có truy tố thì mới có xét xử. Đây là thủ tục tố tụng bắt buộc đã được pháp luật hiện hành quy định.

Ở Điều 13, quy định trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị, xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp trong việc tham gia quản lý thuế. Tôi đề nghị xem xét lại Khoản 2, vì Khoản này có quy định là "vận động các thành viên nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật thuế". Tôi nghĩ rằng, cán bộ công chức làm việc trong các tổ chức như dự luật đã nêu, thì việc chấp hành pháp luật về nghĩa vụ của mỗi công dân nói chung và cũng là nghĩa vụ của các thành viên không chỉ là luật thuế mà còn các luật khác, mà đã là nghĩa vụ thì không thể quy định các tổ chức này có trách nhiệm vận động thành viên trong tổ chức mình, quy định điều này không hợp lý.

Điều 22 quy định về hồ sơ đăng ký thuế ở Điểm b, Khoản 2 quy định: "Bản sao quyết định thành lập hoặc quyết định đầu tư đối với tổ chức, bản sao giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác đối với cá nhân". Tôi đề nghị Ban soạn thảo giải thích: chứng thực cá nhân hợp pháp khác là loại giấy tờ gì vì quy định như dự thảo không rõ cũng dễ gây phiền phức khi áp dụng vào thực tiễn.

Điều 24, 34, 51, 58 và Khoản 3, Điều 62 cũng đề nghị Ban soạn thảo xem lại các điều này có nên áp dụng viện dẫn hay không? bởi các điều này đều quy định trách nhiệm của cơ quan thuế rồi công chức thuế trong việc tiếp nhận hồ sơ đăng ký thuế, hồ sơ khai thuế, hồ sơ gia hạn nộp thuế, hồ sơ hoàn thuế, hồ sơ miễn thuế, giảm thuế là hoàn toàn giống nhau. Mặt khác sử dụng cụm từ như "cơ quan thuế, cơ quan quản lý thuế, công chức thuế, công chức quản lý thuế" cũng chưa thống nhất. Theo tôi nên sử dụng cụm từ "cơ quan thuế và công chức thuế" phù hợp nhất.

Điều 25, quy định về việc cấp giấy chứng nhận đăng ký thuế. Nhưng Khoản 3 điều này lại quy định: nghiêm cấm hành vi của người nộp thuế. Đề nghị Ban soạn thảo xem lại khoản này, vì nội dung quy định ở khoản này không phù hợp so với tiêu đề của điều luật.

Tương tự, tại Điều 17 quy định về xây dựng lực lượng quản lý thuế, nhưng tại Khoản 3 lại có quy định nghiêm cấm công chức quản lý thuế là gây phiền hà v.v... Tôi đề nghị nên thiết kế riêng một điều quy định các hành vi bị nghiêm cấm, để dễ tra cứu, áp dụng, không nên quy định các hành vi bị nghiêm cấm nằm rải rác trong dự thảo luật, làm cho người đọc luật khó tìm.

Điều 50 quy định về hồ sơ gia hạn nộp thuế. Tại Điểm b, Khoản 2 đề nghị quy định rõ tài liệu chứng minh lý do gia hạn nộp thuế là những tài liệu gì? Bởi vì trường hợp để được xem xét gia hạn nộp thuế tại Khoản 1, Điều 48 cũng rất khó để chứng minh theo quy định tại điểm này.
Khoản 3, Điều 53 quy định trường hợp doanh nghiệp chấm dứt hoạt động mà chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, thì phần thuế nợ còn lại do người điều hành và chủ sở hữu doanh nghiệp chịu trách nhiệm nộp. Đề nghị Ban soạn thảo xem lại có trái với Luật Doanh nghiệp không? Vì người điều hành như Luật Doanh nghiệp quy định chẳng hạn như là giám đốc có thể là người làm thuê, không phải là chủ. Theo tôi nên bỏ cụm từ "người điều hành".

Điều 55 quy định nghĩa vụ nộp thuế của cá nhân là người đã chết, mất năng lực hành vi dân sự hoặc người mất tích theo quy định của pháp luật dân sự. Đề nghị Ban soạn thảo xem và sửa lại tiêu đề này cho phù hợp bởi khi cá nhân chết thì việc thực hiện nghĩa vụ của người chết không còn, có chăng chỉ do người thừa kết nghĩa vụ đó thực hiện mà thôi. Theo tôi, nên sửa lại là việc kế thừa nghĩa vụ nộp thuế của cá nhân là người đã chết v.v.. là phù hợp.

Điều 106, quy định xử phạt đối với hành vi vi phạm thủ tục quản lý thuế, Điểm b Khoản 1 quy định nộp hồ sơ khai thuế trong khoảng thời gian 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ khai thuế v.v...tôi thấy quy định như vậy chưa đủ, vì trên đây chỉ nói về trường hợp khai thuế theo năm, có thể quy định trong 90 ngày nhưng nếu hồ sơ khai thuế theo tháng, theo Khoản 1, Điều 31 luật này thì quy định như tại Điểm b là chưa phù hợp. Do đó, tôi đề nghị chỉnh sửa lại như sau: Nộp hồ sơ khai thuế trong khoảng thời gian 90 ngày đối với hồ sơ khai thuế theo năm và 20 ngày đối với hồ sơ khai thuế theo tháng, kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ khai thuế v.v....

Điều 107, quy định về xử phạt đối với hành vi chậm nộp tiền thuế, Khoản 3 có đoạn: "Trường hợp người nộp thuế không tự xác định hoặc xác định không đúng số tiền phạt chậm nộp thì cơ quan thuế trực tiếp xác định số tiền phạt chậm nộp và thông báo cho người nộp thuế biết". Tôi thấy quy định như vậy là chưa chặt chẽ, đề nghị bổ sung thêm cụm từ ra quyết định xử phạt sau cụm từ số tiền phạt chậm nộp, đoạn này sẽ là ra quyết định xử phạt và thông báo cho người nộp thuế biết, vì nếu không phải thì người chậm nộp thuế sẽ không tự giác xác định số tiền phạt và kịp thời theo yêu cầu.

Điều 109, quy định về xử phạt đối với hành vi trốn thuế, gian lận thuế. Khoản 1 quy định: "Không nộp hồ sơ đăng ký thuế; không nộp hồ sơ khai thuế; nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế theo quy định tại Khoản 1, 2, 3, 5, Điều 31 luật này, hoặc hết thời hạn gia hạn nộp hồ sơ khai thuế theo quy định tại Điều 32 luật này". Tôi thấy quy định như vậy là chưa hợp lý, vì có nhiều lý do mà người ta chậm nộp hồ sơ khai thuế, nếu xử theo quy đinh như: Trốn thuế, gian lận thuế thì quá nặng, sẽ khó khăn rất nhiều cho người nộp thuế, cho nên cũng đề nghị chỉ quy định hành vi không nộp hồ sơ đăng ký thuế thôi. Cũng đề nghị Ban Soạn thảo xem xét Khoản 10 của điều này, vì nội dung giống như đoạn trên của Khoản 1. Theo tôi nên bỏ Khoản 10. Ở đây đồng chí Mai Anh ở tỉnh Khánh Hoà cũng có gửi tôi hai điều để góp cho Ban Soạn thảo.

Ở Điều 30, về hồ sơ khai thuế. Thêm Khoản 5a, hồ sơ khai thuế có thể được thực hiện dưới hình thức là thông điệp dữ liệu, theo quy định của cơ quan quản lý thuế. Điều 43 là địa điểm, hình thức nộp thuế. Thêm Điểm đ, Khoản 1 là đóng thuế thông qua hình thức thanh toán điện tử, vì lý do hiện nay là ngành thuế đang triển khai hệ thống kho bạc điện tử và thuế điện tử.

Các văn bản liên quan