Trích ý kiến của ĐBQH Nguyễn Hoàng Anh – Thành phố Hải Phòng

Thứ Tư 16:08 01-11-2006

Kính thưa Quốc hội.

Tôi xin góp ý vào một số vấn đề trong nội dung dự thảo luật.

Trước hết về những vấn đề chung, tôi xin phép được góp ý như sau:

Về tên gọi của luật, quan điểm của tôi cũng như mục đích về quản lý thuế, tôi thấy trong dự thảo này Ban soạn thảo cũng như Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, tôi thấy nội dung như vậy là hợp lý, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ thực hiện. Về phần góp ý cụ thể tôi sẽ góp ý thêm.
Về giải thích một số nội dung, về từ ngữ, trong đó nội dung nói về cơ quan dịch vụ thuế có thể nên sửa lại một chút và phần này tôi sẽ xin đề nghị như sau.

Về phần nội dung bán hàng hóa dịch vụ phải cấp hóa đơn, tôi nghĩ quy định này thực tế nó như vậy. Tuy nhiên trong thực tế tôi thấy rằng nó chưa thực hiện được tốt và một phần nữa, tức là thực hiện theo như chúng tôi nhận thức khi người bán hàng phải cấp hóa đơn còn rất phiền hà, chính vì thế hàng hóa bán lẻ thường không thực hiện được. Chính vì vậy, tôi thấy nếu quy định chỉ một cách chung chung là đơn vị bán hàng phải cung cấp hoá đơn và chịu trách nhiệm về hoá đơn này thì tôi nghĩ rằng chúng ta cũng không thay đổi gì nhiều về hình thức. Tôi nghĩ rằng phải thay đổi cơ bản về hình thức và cấp hoá đơn, ví dụ ở nước ngoài, chẳng hạn các cửa hàng bán lẻ đều nối mạng với cơ quan thuế. Khi người ta bán hàng, người ta bấm vào máy tự nhiên có một mảnh giấy rất nhỏ, chi phí rất ít so với việc cấp hoá đơn như hiện nay chúng ta đang làm đối với các cửa hành bán lẻ nếu khách hàng yêu cầu. Đây cũng là một trong những yêu cầu tôi nghĩ rằng cần phải có, muốn tận thu được nguồn thuế đối với hàng hoá nội địa thì đây là một hình thức mà ngành tài chính và ngành thuế cần phải thực hiện sớm. Tức là triển khai không chỉ cấp hoá đơn mà phải thực hiện triển khai bằng nối mạng hiện nay để.

Như một số ý kiến các đại biểu khác về Hội đồng tư vấn thuế xã, phường, thị trấn thì tôi nghĩ rằng quy định như thế này, nó rất phiền hà. Ở đây nếu ý kiến tư vấn này nó là một trong những điều kiện tiên quyết bắt buộc khi áp dụng các thuế cho các hộ kinh doanh hay nó chỉ mang tính chất tham vấn, tư vấn, cái này chúng ta cũng phải quy định rõ trong luật. Nếu không, tôi nghĩ rằng nó lại gây ra một cái ách tắc, khó khăn cho ngành thuế trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ của mình. Nếu bây giờ làm thì cũng cần có cơ quan quản lý cấp trên để giám sát và xử lý khi ngành thuế có vi phạm, chứ bây giờ lại có thêm một quyết định hoặc biên bản, hoặc văn bản của Hội đồng tư vấn này thì tôi nghĩ sẽ rất khó khăn cho việc thực hiện quản lý thuế.

Về tổ chức kinh doanh dịch vụ về thuế. Về tổ chức này, tôi nghĩ cũng khác với một số đại biểu là không muốn có tổ chức này. Nhưng tôi nghĩ rằng đây là một mô hình, thực ra mà nói đối với nước ngoài thì đã thực hiện từ lâu, nhưng thực sự đối với trong nước thì luật pháp chúng ta chưa quy định. Tôi được biết các doanh nghiệp vừa và nhỏ của chúng ta hiện nay, hầu như các doanh nghiệp này đã thuê những người có nghiệp vụ về kế toán, kiểm toán, đã làm giúp dịch vụ này rồi, nhưng thực ra người ta chỉ làm mang tính chất thời vụ, công nhật, chưa được pháp luật thừa nhận. Chính vì vậy có quy định tổ chức này là rất tốt, nhưng nếu chúng ta quy định điều kiện hành nghề của tổ chức này như vậy thì sẽ dẫn đến tình trạng:

Thứ nhất là trăm hoa đua nở. Tức là chỉ cần có đăng ký kinh doanh ngành, nghề và có 2 người có chứng chỉ hành nghề là quá đơn giản, tôi nghĩ sau khi luật này có hiệu lực chắc chắn những ai có nghề kế toán, kiểm toán chắc đều có thể làm được. Vậy thì dẫn đến tình trạng khi dựng một doanh nghiệp làm dịch vụ này quá dễ như vậy thì liệu rằng người ta có đủ khả năng về tài chính để chịu trách nhiệm đối với doanh nghiệp và đối với Nhà nước về những tổn thất mà họ gây ra hay không.

Tôi nghĩ rằng đối với loại hình dịch vụ này, đề nghị điều kiện cần phải có đối với doanh nghiệp làm dịch vụ này là bắt buộc phải có một khoản tiền ký quỹ tại ngân hàng, đảm bảo cho việc nếu anh làm sai hoặc tổn thất đối với Nhà nước thì anh phải đền bù cho những người thuê hoặc ngược lại, nếu anh làm sai và tổn thất cho doanh nghiệp thì anh phải đền bù cho người ta. Có như vậy thì tôi nghĩ rằng, mới hạn chế được những đối tượng không có trách nhiệm. Nếu không khi bình thường người ta làm, người ta thu lợi nhuận, đến khi có vấn đề người ta giải thể doanh nghiệp, người ta trốn đi mất thì Nhà nước không kiểm soát được, mà tổ chức, cá nhân thuê không biết kêu cứu ai. Đây là vấn đề mà tôi nghĩ là chỗ quy định của Điều 19 này thì chúng ta cần phải có quy định cụ thể.

Về vấn đề cụ thể, tôi xin phép góp ý như sau:

Thứ nhất, về đối tượng áp dụng. Tôi thấy rằng, về mặt nguyên tắc, nêu như thế là đủ, nhưng tôi thấy có vẻ như trùng lặp và thừa. Ví dụ, chẳng hạn như trong phần đầu tiên là người nộp thuế thì tôi thấy quy định có mấy Điểm a, b, c. Ở đây Điểm c, tổ chức cá nhân khấu trừ thuế, tôi nghĩ khấu trừ thuế chỉ là một trong những nghiệp vụ quản lý. Vậy chúng ta nêu cụ thể ở đây để làm gì?

Thứ hai, cơ quan tổ chức làm dịch vụ về thuế thì chúng tôi nêu rồi, ở đây chúng tôi lại nêu làm các thủ tục về thuế thay người nộp thuế, thì phần thay người nộp thuế là thừa. Chính vì vậy, tôi đề nghị trong phần này chỗ Khoản 1 người nộp thuế phải thêm "và dịch vụ thuế", tức là nêu nó rõ như vậy và phần c, theo tôi nên bỏ đi, chỉ nên để phần a, phần b, còn phần c chỉ nêu là: Tổ chức cá nhân làm các dịch vụ về thuế. Tức là người ta đã được pháp luật thừa nhận và được uỷ quyền rồi thì nó thể hiện đầy đủ rồi. Còn nếu chúng ta ghi trong dự thảo như thế này tôi thấy nó vừa thừa, vừa thiếu.

Khoản 4, Điều 2 này chúng ta ghi: Cơ quan Nhà nước, tổ chức, cá nhân khác, có liên quan đến việc thực hiện về pháp luật thuế. Tôi nghĩ cơ quan Nhà nước cũng là tổ chức rồi, tại sao chúng ta còn phải nêu vào đây làm gì. Còn tất cả những tổ chức, cá nhân nào dù là Nhà nước hay là ngoài Nhà nước, nếu mà khi làm những việc liên quan đến thuế đều chịu sự quản lý về thuế rồi, chúng ta quy định phần 4 này tôi e rằng nó không hợp lý lắm.

Về giải thích từ ngữ, tôi thấy có một khái niệm người nộp thuế, như tôi nhận thức chắc Ban soạn thảo cũng xác định "người" ở đây mang tính chất đại từ nhân xưng thôi, "người" ở đây có thể là cá nhân, cũng có thể là tổ chức. Vậy chúng ta quy định như thế nào? Thực ra, từ trước đến nay luật pháp hay nói đến từ "đối tượng" thì nó liên quan đến đối tượng pháp luật, thành ra chúng ta tránh ở đây, chúng ta nói "người" nếu có thì phải giải thích thêm từ này. Từ đó nó mới toát lên được ý nghĩa của những phần sau, nếu không chúng ta luôn luôn phải nhắc lại là cá nhân, tổ chức thì rất là khó. Nếu là từ chuẩn nhất theo tôi nghĩ chính là từ "đối tượng" nhưng vì từ trước đến nay, pháp luật cứ nói đến đối tượng là nói đến vi phạm, thành ta chúng ta không sử dụng từ này.

Một vấn đề cụ thể, Điều 6 và Điều 7, hiện nay trong luật của mình liên quan đến rất nhiều điều ở sau nữa, khi anh đã thực hiện luật, việc đầu tiên của anh phải là nghĩa vụ của anh, rồi sau đó mới đến quyền. Nhưng ở đây chúng ta đều nêu quyền trước, nghĩa vụ sau, nên tôi thấy nó không hợp lý. Ví dụ như Điều 6 là quyền của người nộp thuế và thứ hai là Điều 7 "nghĩa vụ của người nộp thuế" theo tôi Điều 7 phải chuyển lên Điều 6 và Điều 6 phải chuyển xuống.
Tương tự như vậy, một số điều khác cũng vậy, chúng ta phải đưa nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, của tổ chức cá nhân đó lên trước mới đến quyền của người ta, vì anh có thực hiện trách nhiệm của anh, nghĩa vụ của anh rồi, anh mới có quyền đấy, chứ anh chưa làm gì cả anh đã đòi hỏi quyền lợi của anh là không có được và thứ hai là nó không hợp lý.

Về cụ thể Điều 9, đại biểu Hậu cũng đã góp ý là Khoản 3 cũng phải xem lại dấu chấm phẩy. Điều 13 trách nhiệm Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội đại biểu Tấn cũng đã nói và tôi cũng đề nghị bổ sung thêm một nội dung cuối cùng ở Khoản 3 là "Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các thành viên Mặt trận Tổ quốc chính trị xã hội phối hợp với các cơ quan quản lý về thuế trong việc cung cấp thông tin về người nộp thuế". Như thế chưa đủ, tôi đề nghị cả những thông tin về hành vi vi phạm quản lý thuế, ở đây vi phạm về quản lý thuế nó không chỉ đơn thuần người nộp thuế vi phạm mà còn là hành vi của cơ quan quản lý thuế, cũng giống như một số đại biểu khác đã nói là chúng ta nặng về đối tượng nộp thuế, nhẹ về cơ quan quản lý thuế. Thời gian đã hết, nhưng còn một số góp ý nữa tôi sẽ xin chuyển về cho Ban soạn thảo sau.

Các văn bản liên quan