Trích ý kiến ĐBQH Lê Quốc Dung – Tỉnh Thái Bình

Thứ Ba 15:43 15-08-2006

Kính thưa các đồng chí.
Tôi xin có một số ý kiến. Trước hết, tôi thấy Luật quản lý thuế này rất cần thiết đối với tình hình thực tiễn hiện nay. Chúng tôi cũng rất hy vọng luật này ra, nó khắc phục được những tình hình thực tiễn đang bức xúc trong lĩnh vực thu thuế hiện nay của chúng ta còn nhiều vấn đề hạn chế, nhất là tình trạng trốn thuế, gian lận thuế còn rất nhiều do điều kiện nền kinh tế mới phát triển cũng như môi trường tiêu dùng tiền mặt, nên tình trạng này ảnh hưởng rất lớn, ảnh hưởng cả trong quá trình cạnh tranh.
Báo cáo các đồng chí, vừa rồi chúng tôi giám sát về vấn đề cổ phần hoá doanh nghiệp. Rất nhiều ý kiến cho rằng các doanh nghiệp tư nhân người ta dùng 2 sổ kế toán, người ta ghi chép hoá đơn, mua hoá đơn, gian lận thuế rất nhiều. Còn những doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp quốc doanh thì không làm được điều này, nên rất bất lợi trong quá trình cạnh tranh. Cho nên luật này chúng tôi thấy làm sao nó khắc phục được tình trạng này để nó bình đẳng và nó cạnh tranh tốt hơn, nó đảm bảo nguồn thu của Nhà nước theo mục đích đề ra. Chúng tôi phản ảnh một nguyện vọng của cử tri cũng như tình hình thực tiễn hiện nay nó như thế.
Cụ thể về tên gọi của luật chúng tôi thấy có nhiều ý kiến khác nhau nhưng xem lại giữa tên luật với phạm vi điều chỉnh, đối tượng điều chỉnh và những nội dung của các điều trong luật này, chúng tôi thấy đúng là nếu nói Luật quản lý thuế thì nó bao hàm rộng hơn, những nội dung trong này tất cả đều phản ánh đúng nhất là vấn đề quản lý thuế, tất nhiên nó không đầy đủ những ý tưởng quản lý thuế, nhưng những nội dung trong này từ nộp thuế, thu thuế, nó phản ánh tất cả những cái chính, cái cơ bản, cái chủ yếu của quản lý thuế. Cho nên chúng tôi thấy rằng cũng vẫn có thể sử dụng tên quản lý thuế là phù hợp, không nên là thu và nộp thuế thì nó hẹp hơn và hạn chế hơn. Nếu mà thu và nộp thuế thì nó lại phải bỏ đi những điều không có liên quan lắm. Về tên chúng tôi nhất trí đề nghị như vậy.
Vấn đề thứ hai, trong Điều 12 chúng tôi thấy trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội thì chúng tôi thấy trong Khoản 1 nói là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên tổ chức động viên nhân dân, giáo dục hội viên nghiêm chỉnh chấp hành, thì chúng tôi thấy là được. Nhưng Khoản 2 có một điểm là các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp thực hiện tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật thuế. Chúng tôi thấy những tổ chức này có nhiệm vụ thực hiện tuyên truyền phổ biến giáo dục thì nó như là một chủ thể của vấn đề này, thì chúng tôi băn khoăn là nó không phù hợp lắm. Chúng tôi thấy rằng những tổ chức này có trách nhiệm về phối hợp thôi, phối hợp với các cơ quan chủ thể để mà làm công việc tuyên truyền, công việc phổ biến, công việc giáo dục đối với các thành viên. Nếu anh đứng ra tổ chức thì không có lực lượng, không có kinh phí và nếu như vậy nó sẽ chồng ra nhiều chủ thể quá, khẳng định như vậy thành ra chủ thể nữa thì cơ quan thuế cũng là chủ thể, cơ quan quản lý thuế cũng là chủ thể thì nó không hợp lý, tôi đề nghị nó chỉ là cơ quan phối hợp hơn, như vậy sẽ dễ xác định trách nhiệm, sau này các nguồn kinh phí nó cũng hợp lý để phân bổ chi tiêu sử dụng. Đó là Điều 12 chúng tôi có ý kiến như vậy.
Điều 16 về xây dựng lực lượng quản lý thuế, chúng tôi thấy trong điều kiện hiện nay vẫn phải xây dựng lực lượng này như trong dự thảo luật. Nhưng chúng tôi thấy vị trí của điều này đưa lên trước Điều 10 để nó lôgíc hơn với các Điều 8, 9, 10. Điều 8 là trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế, Điều 9 là quyền hạn của cơ quan quản lý thuế, Điều 16 là xây dựng lực lượng quản lý thuế lại đưa tận cuối này cho nên nó không lôgíc.
Thứ hai, trong này có nói các công chức tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất trách nhiệm chúng tôi rất tán thành, nhưng tôi thấy cũng nên công khai xem lợi ích của lực lượng này là như thế nào. Về vấn đề chế độ lương, thưởng cũng nên được khẳng định trong luật và nó là bao nhiêu, thì để Quốc hội xem xét cho nó hợp lý, không nên để ở văn bản khác, vì cái đó rất cơ bản, chúng tôi đề nghị nên đưa nó vào mục bậc lương, hoặc hệ thống thang, bảng lương hay khen thưởng đối với lực lượng này có được ưu đãi hay không ưu đãi, ưu đãi bao nhiêu phần trăm thì đưa vào đây để Quốc hội xem xét, vấn đề đó rất quan trọng.
Điều 16 chúng tôi đề nghị nên bổ sung 1 ý đó.
Điều 18, đại lý thuế, chúng tôi thấy rằng trong điều này rất nhiều quan điểm khác nhau, chúng tôi thấy thiết kế trong điều này vẫn còn rất nhiều vấn đề sơ hở. Ngay tên đại lý thuế, hiện nay có rất nhiều, ý kiến về cơ quan tư vấn, ý kiến tôi cũng có thể là cơ quan đại diện cho người nộp thuế. Chúng tôi thấy nếu đưa khái niệm về đại lý thuế như thế nào, nó khác với đại lý hàng hoá.v...chứ nó không thể giống như đại lý hàng hoá, tôi nghĩ như thế.
Một điểm nữa sơ hở, trong Khoản 3, nghĩa vụ đại lý thuế, Điểm a, thông báo với cơ quan quản lý thuế, đại lý thuế này lại có quyền thông báo cơ quan quản lý thuế về việc thực hiện hợp đồng đại lý thuế. Tôi nghĩ trong một hợp đồng mà người chủ tài khoản hợp đồng nếu không ký phải uỷ quyền cho người khác phải có văn bản uỷ quyền, nhưng đại lý chỉ thông báo để anh làm đại diện, đại lý cho người nộp thuế thì tôi nghĩ việc đó rất đơn giản, quá đơn giản về mặt thủ tục.
Hai, quyền hạn và nghĩa vụ của anh rất lớn như thế này, ví dụ khai thuế, nộp thuế, quyết toán thuế, lập hồ sơ xác định thuế. Nhưng xem ở Khoản 5, điều kiện hành nghề đại lý thuế, tôi nghĩ 2 điều kiện này có thể có những người không thể làm được. Không thể làm được những điều khai nộp thuế, bởi vì khai nộp thuế phải hiểu các hoạt động kinh doanh, quy mô nội dung, các nội dung hàng hóa, các chi phí anh mới khai được. Nhưng hai điều kiện này anh có nghề tư vấn pháp luật chưa chắc anh đã hiểu gì về tài chính cả. Hai là anh có chứng chỉ hành nghề thì chưa biết chứng chỉ này đào tạo bao nhiêu ngày, nội dung ra sao mà anh làm được khai thuế cho một người nộp thuế, quả nhiên tôi thấy rất sơ hở và đơn giản, vậy cái này thiết kế lại như thế nào.
Một điểm nữa, Điểm đ như thế này, chịu trách nhiệm với người nộp thuế trong phạm vi thoả thuận hợp đồng đại lý thuế thì cái này được rồi. Anh ký hợp đồng với người nộp thuế như thế nào thì anh đại lý thuế phải chịu trách nhiệm, nhưng người này phải chịu trách nhiệm trước cơ quan pháp luật về việc thực hiện các thủ tục về thuế đối với cơ quan quản lý thuế, như vậy, bản thân anh ta chịu hai vế trách nhiệm. Tôi cho rằng chỗ này nên thiết kế là người đại diện hoặc đại lý tư vấn trách nhiệm chủ yếu hợp đồng với người nộp thuế thôi. Còn người nộp thuế phải chịu toàn bộ trách nhiệm pháp luật về thuế đối với cơ quan nộp thuế chứ không thông qua người này để anh chịu trách nhiệm với cơ quan quản lý thuế, tôi nghĩ là một việc rất sơ hở. Ví dụ nếu người đại lý này vi phạm đến mức tử hình thì sau này ai sẽ là người chịu tử hình, người nộp thuế, trốn thuế bị tử hình hay là người đại lý này sẽ bị tử hình. Chỗ này không thể đơn giản như thế này được, vì chúng tôi cho rằng không nên dùng từ "đại lý" mà dùng từ "tư vấn" hoặc "đại diện" của người nộp thuế thôi, người này làm vai trò đại diện của người nộp thuế và anh chịu trách nhiệm về mặt pháp luật về hợp đồng đã ký với người nộp thuế, còn người nộp thuế phải chịu toàn bộ trách nhiệm pháp luật với cơ quan quản lý thuế, cho rõ ràng ra. Những cơ quan nước ngoài, doanh nghiệp nước ngoài người ta kinh doanh ở Việt Nam thì người ta có thể có đại diện, nhưng bản thân anh phải chịu trách nhiệm pháp luật với cơ quan quản lý thuế, chúng tôi thấy như thế mới rõ ràng được

Các văn bản liên quan