Trích ý kiến ĐBQH Trần Việt Hùng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN và MT

Thứ Ba 15:44 15-08-2006

Kính thưa các đồng chí,
Tôi xin đóng góp một số ý kiến về Luật quản lý thuế. Trước hết, tôi xin bày tỏ sự nhất trí với một số ý kiến phát biểu trước tôi.
Thứ nhất, tôi thấy nếu tên luật là Luật thu và nộp thuế thì sát với nội dung hơn là Luật quản lý thuế, nếu thay đổi tên như vậy thì về phạm vi điều chỉnh tôi đề nghị luật này quy định về việc thu và nộp thuế, các khoản thu có tính chất thuế bao gồm lệ phí trước bạ, các khoản thu về sử dụng đất, thu về khai thác tài nguyên, khoáng sản, sau đây gọi chung là thuế. Đề nghị nên có một điều quy định về nguyên tắc quản lý thuế ngay sau Điều 4, tức là Điều 4 nói về nội dung quản lý thuế thì nên có điều nguyên tắc quản lý thuế, tôi cho điều này quan trọng hơn là mục đích quản lý thuế. Bởi vì nếu Điều 1 chúng ta nhất trí là trong luật có một mục đích về quản lý thuế thì các luật khác cũng nên có một điều nói về mục đích của luật đó để cho nó phù hợp, nếu không ta ban hành ra xem thì luật này có mục đích còn luật khác không có mục đích, sẽ không hợp lý.
Vấn đề thứ hai, tôi rất băn khoăn về vấn đề đại lý thuế. Theo quy định của Điều 18 tôi không hiểu đại lý thuế đưa ra có lợi gì cho những người đóng thuế hoặc cho Nhà nước, nhưng tiêu cực thì thấy rất rõ ràng. Nếu tôi là một doanh nghiệp mà tôi lại còn không đóng thuế trực tiếp mà tôi lại qua một anh đại lý thuế mà ta phải bỏ tiền ra cho anh đấy thì dứt khoát tôi phải có cái lợi gì, vậy cái lợi đấy nó nằm ở đâu? Tôi nghĩ cái lợi đó chính là nằm ở chỗ làm sao anh đại lý thuế phải giảm thuế được cho tôi, như vậy phải xuất hiện tiêu cực. Vì vậy, ở đây tôi nghĩ chỉ có mỗi vấn đề là dịch vụ tư vấn pháp lý và tôi rất đồng ý với ý kiến của đại biểu trước tôi, tức là vấn đề này có thể ta quy định một điều là người nộp thuế có thể nộp trực tiếp hoặc có thể ủy quyền cho một người để người đó nộp thuế và chịu trách nhiệm pháp lý, người nộp thuế dứt khoát phải chịu trách nhiệm pháp lý chứ không thể để cho anh trung gian anh chịu trách nhiệm pháp lý. Còn anh trung gian thì chịu trách nhiệm pháp lý với người nộp thuế trên cơ sở hợp đồng giữa hai bên. Tôi nghĩ như vậy ủy quyền là hay hơn.
Còn nói chung việc nộp thuế của các doanh nghiệp hiện nay không phải khó khăn gì cả, đơn giản và vấn đề cơ bản ở đây các doanh nghiệp hay kêu ở Hải quan. Trong Luật Hải quan đã có đại lý Hải quan, nhưng nếu ta quy định Đại lý Hải quan đồng thời là làm luôn cả việc Đại lý thuế thì có nên không? Bởi vì vấn đề là nộp trực tiếp hay không phải là người chủ thể, tức là tôi có muốn nộp qua anh không? Hay tôi nộp trực tiếp. Chứ không thể là bắt buộc quy định vào luật là cứ nhất thiết đã qua Hải quan là phải qua Đại lý Hải quan. Tôi nghĩ như vậy chúng ta đã xâm phạm vào quyền tự chủ của các doanh nghiệp, tôi cho không hợp lý.
Điều 10, cũng có một số ý kiến phát biểu và tôi nhất trí Điều 10 có quy định Khoản 3, về Hội đồng tư vấn thuế. Hội đồng tư vấn thuế này nằm ở các phường, xã có nghĩa là rất gần với đối tượng phải ấn định khoán thuế và như vậy thì Hội đồng tư vấn này nếu chúng ta không quy định cụ thể cơ chế hoạt động trách nhiệm tư vấn thì có thể dễ dàng tiêu cực. Bởi tôi nghĩ rằng nếu tôi nằm trong Hội đồng đó và những người mà tôi phải đưa ra lời tư vấn là những láng giềng của tôi thì chắc chắn tôi không thể đề nghị người ta thuế cao được. Vì thuế cao "tắt lửa tối đèn có nhau" hôm sau ra thì người ta nói sống thế nào được. Vì vậy Hội đồng tư vấn này tôi đề nghị nếu thành lập nên có một điều quy định về quyền hạn và trách nhiệm của Hội đồng tư vấn thuế như thế nào.
Điều 36 là khoán thuế và Điều 35 là ấn định thuế, ở đây luật của chúng ta đã nói về thu và nộp thuế là một trong những mục đích chúng ta phải làm sao thu cho đủ, có một vấn đề của chúng ta hiện nay nhất là thuế tư nhân chúng ta bị thất thu rất nhiều. Tôi xin lấy số liệu tôi nghiên cứu được trong năm 2004, các doanh nghiệp ngoài Nhà nước tức là doanh nghiệp tư nhân, ở Việt Nam có 84.000 doanh nghiệp, tổng doanh thu thuần của năm 2004 là 644.087 tỷ đồng nhưng nộp ngân sách chỉ có 22.604,7 tỷ đồng, tức là nộp ngân sách trên doanh thu là 3,51%. Đối với doanh nghiệp Nhà nước là có 4.596 doanh nghiệp Nhà nước, tổng doanh thu thuần là 724.962 tỷ đồng, tổng nộp ngân sách là 53.131,5 tỷ đồng, giữa tỷ lệ nộp ngân sách và tổng doanh thu là 7,33%. Như vậy, tổng doanh thu thuần của hai khối này gần bằng nhau, nhưng tổng nộp ngân sách của doanh nghiệp Nhà nước gấp đôi doanh nghiệp tư nhân. Có nghĩa nếu để doanh nghiệp tư nhân nộp ngân sách cũng bằng 7,33% như doanh nghiệp Nhà nước thì phải nộp thêm 3,72% doanh thu nữa, tức là 23.960 tỷ đồng. Như vậy số lượng này nếu chúng ta thu được không phải là nhỏ.
Vậy những biện pháp ở đây đã đủ chưa, tôi nghĩ ở đây chưa đủ, ở đây có Điều 35 là ấn định thuế, trong Điều 35 ấn định thuế rõ ràng điều này dành cho trường hợp vi phạm pháp luật thuế, đối với các nước khác thì vi phạm pháp luật thuế thì thành trọng tội, ở chúng ta ghi điều này rất nhẹ nhàng. Trong này có vấn đề hóa đơn về chứng từ thì chúng ta chưa thấy ở chỗ nào quy định về vấn đề hóa đơn chứng từ mà hóa đơn chứng từ chính là khâu đầu tiên để trốn và gian lận thuế. Có một chuyên gia nước ngoài họ nói tôi là ở nước ông có một cái rất buồn cười là khi vào cửa hàng mua một cái gì đó người ta hỏi là ông có cần hóa đơn đỏ hay không? Hóa đơn đỏ thì tôi cộng thêm phần trăm thuế vào bảo tôi tư nhân, tiền tôi bỏ túi ra, tôi dứt khoát không cần hóa đơn đỏ. Vậy chúng ta quy định hóa đơn đỏ đó có lợi hay không có lợi trong trường hợp này, nếu những người cần hóa đơn đỏ thì cần tăng khống tiền lên để lấy lại tiền của Nhà nước. Cho nên quy định như thé nào để chúng ta giải quyết vấn đề này thì chúng ta chưa có. Trong khi đó những cái áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để chúng ta giải quyết vấn đề này quản lý thuế cho tốt hơn. Ví dụ đại biểu Nguyễn Minh Thuyết nói máy tính tiền và ghi hóa đơn tự động bán lẻ chúng ta có nên ghi q uy định tất cả những anh nào có đăng ký kinh doanh thì phải có cái máy đó không? Tôi nghĩ rằng những vấn đề này trong đây chưa ghi và đưa vào khoán thuế. Khoán thuế phụ thuộc vào 2 cái, thứ nhất là Hội đồng tư vấn thuế xã, phường như tôi nói lúc trước để xác định mức thuế. Tôi nghĩ rằng xác định mức thuế theo tôi nghĩ phải làm cơ quan độc lập, chứ không thể là Hội đồng tư vấn thuế như thế này được, bởi vì Hội đồng thứ nhất là chuyên môn thì không có, thứ hai là quan hệ giàng buộc, cho nên không thể nào xác định một cách chính xác được. Đồng thời nó lại gây áp lực lại với cơ quan thuế.
Thứ hai, phải được công khai trong địa bàn xã, phường, thị trấn. Nhưng công khai như thế nào tôi đề nghị phải quy định rõ chỗ này. Công khai là thông báo công khai hay thông báo trong cuộc họp của Hội đồng nhân dân hay một cách nào đó công khai, nếu không công khai này nhiều khi cũng lại trở thành một cái tức là chỉ in một biểu bé ở đâu đó, ở chỗ thuế, sau đó không có ai biết đến. Tôi nghĩ điều này nên có một quy định cụ thể, bởi nó rất sát sườn với các đối tượng nộp thuế loại khoán này. Ở các nước khác tôi có tìm hiểu, ví dụ ở Đức cũng có loại kinh doanh nhỏ, cửa hàng ăn uống chẳng hạn họ cũng khoán thuế, nhưng nhân viên của thuế họ sẽ đến anh đăng ký kinh doanh và thuế xong thì họ sẽ đến và họ đến vào ngày nghỉ hoặc họ đến vào ngày bình thường, họ đến vào ngày chủ nhật, ngày lễ và người ta tổng các ngày đấy lại xem doanh thu bình quân của anh trong năm là bao nhiêu để người ta khoán cho anh mức thuế, nếu mức thuế đó anh chịu được thì người ta cứ thế người ta làm, nếu sau này anh không chịu được lúc nào đó thì anh đề nghị đơn lên thì người ta lại xuống xem xét. Tôi nghĩ đấy cũng là cách khoán thuế. Nhưng chúng ta làm ở đây tôi nghĩ chưa khoa học cho lắm.
Điều 39 về thời hạn nộp thuế. Tôi đề nghị bổ sung thêm một khoản là đối với các đối tượng nộp hồ sơ xin hoàn thuế hoặc miễn giảm thuế thì thời hạn nộp thuế là 60 ngày kể từ khi đăng ký tờ khai hải quan thay cho 30 ngày. Bởi vì những đối tượng được hoàn thuế hoặc được quy định miễn, giảm thuế là những đối tượng mà Nhà nước ta khuyến khích hoạt động. Nhưng nếu chúng ta quy định chỉ có 30 ngày thì ở Điều 61, Khoản 1 có quy định trong thời hạn 30 ngày cơ quan chức năng mới ban hành quy định miễn thuế hoặc giảm thuế. Như vậy trong thời hạn 30 ngày đó chưa đủ làm các thủ tục để miễn thuế hoặc giảm thuế đối với các đối tượng này thì các đối tượng này phải nộp theo Điều 45. Như vậy sau khi nộp xong lại phải làm các quy định hoàn thuế và quy định hoàn thuế phải tính lãi suất, các thứ rất vất vả.
Ví dụ, một doanh nghiệp được hoàn thuế giá trị gia tăng nhập khẩu vì là đầu tư chiều sâu. Nhưng khi đưa cho hải quan thì hải quan bắt đầu hành, tức là phải đưa hết giấy tờ này nọ, bắt đầu đòi hỏi phải có văn bản của Thủ tướng, có văn bản của Thủ tướng rồi lại phải đưa dự án được duyệt ra v.v... rồi xem xét, 2 tháng sau mới được hoàn thuế. Nhưng đến khi hoàn thuế rồi xin lại tiền thuế đó thì bảo là tiền này đã nộp ngân sách Nhà nước, cho nên thôi nhập lần sau thì sẽ tính hoàn lại cái này. Như vậy doanh nghiệp rất thiệt. Đáng lẽ khuyến khích người ta hoạt động, cuối cùng những cái đó lại làm cho doanh nghiệp cảm thấy rất khó khăn. Ở Điều 59, Điểm b Khoản 1, đề nghị làm rõ hơn tài liệu liên quan đến yêu cầu miễn thuế, giảm thuế như thế nào để tránh gây phiền phức cho các doanh nghiệp và các đối tượng được ưu tiên, khuyến khích. Điều 58 được quy định Luật thuế, Pháp lệnh thuế thì tại các luật chuyên ngành cũng có quy định về những điều kiện ưu tiên. Vậy có thể thay là theo quy định của pháp luật hay nếu quy định như thế này thì các điều luật kia mà chúng ta đã thông qua thì chúng ta phải sửa đổi.

Các văn bản liên quan