Trích ý kiến ĐBQH Võ Minh Phương – Tỉnh Lâm Đồng

Thứ Ba 15:32 15-08-2006

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo Quốc hội chủ trì và các đồng chí đại biểu, tôi xin tham gia một số ý kiến về dự án Luật quản lý thuế như sau.
Về các vấn đề chung có mấy ý, một là tôi thấy việc xây dựng Luật quản lý thuế là cần thiết để điều chỉnh các quy định liên quan đến vấn đề thủ tục, hình thức của việc thực hiện thu nộp thuế trong một văn bản chung và sau đó có điều kiện, thì các sắc thuế chúng ta quy định trong hệ thống luật riêng về luật nội dung. Có thể sau này chúng ta sẽ xây dựng một Bộ luật thuế, chính vì vậy các quy định trong dự án luật này nên bao gồm các quy định về thủ tục hình thức là chính.
Thứ hai, trong Dự án Luật này như một số đại biểu đã phát biểu, tôi cũng thống nhất nói rõ tính công khai minh bạch của Hội đồng quản lý thuế và đây là một yêu cầu hết sức quan trọng để thực hiện mục tiêu là thu đúng, thu đủ về thuế để mà nộp ngân sách theo các quy định của các pháp luật về thuế, chống gian lận, thất thu, lạm thu v.v...
Thứ ba, một yêu cầu đặt ra đó là Dự án Luật này nằm trong hệ thống pháp luật chung, đó là luật hình thức, nhưng là trong hệ thống pháp luật chung. Cho nên phải có đối chiếu và phù hợp với các văn bản pháp luật khác. Ví dụ: Trước đây chúng ta đã có một số luật thuế bây giờ tách phần hình thức thủ tục ra ở luật này. Vừa rồi có Luật Hải quan, những vấn đề trong Luật Hải quan về mặt hình thức nó nằm trong Luật này. Rồi các quy định về xử phạt hành chính v.v... Vấn đề điều tra, thanh tra v.v... Nó liên quan đến một số Dự án luật khác nữa. Mối quan hệ giữa Luật này với các luật khác phải có thống nhất và đồng bộ.
Về các vấn đề thảo luận còn khác nhau, tôi có một số ý kiến sau:
Một là xung quanh phạm vi điều chỉnh, ngoài Báo cáo giải trình tôi thấy vấn đề mà miễn giảm thuế và xóa nợ thuế v.v... Theo tôi Luật này quy định như nói ở trên là những vấn đề về hình thức đăng ký, kê khai, nộp thuế, các trình tự miễn giảm, trách nhiệm của người thu, người nộp v.v... Nhưng miễn giảm hay xóa nợ nó thuộc về nội dung. Thế nào được miễn, thế nào được giảm? Trường hợp nào được xoá? Tôi nghĩ đây là những quy phạm thuộc nội dung. Nên chăng tách phần này ra, không nên quy định ở đây, mà nó trong các luật thuế cụ thể. Nếu chúng ta quy định ở đây thì rõ ràng quy định cả vấn đề về thẩm quyền, mức xoá nợ ở đây nó thuộc về nội dung thì không nên quy định ở đây, nó lại mâu thuẫn vì đây là luật hình thức.
Ý thứ hai, về đại lý thuế. Trước hết, tôi thấy nếu nói với tư cách là một tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn cho người nộp thuế, thì đây là một sự cần thiết và có thể mở rộng. Bởi vì các đối tượng doanh nghiệp của chúng ta càng ngày càng nhiều và nhu cầu để có một người đại diện để thực hiện thuế là hợp lý. Ví dụ chúng ta quy định giải thích từ ngữ ở Khoản 1 là đại diện của người nộp thuế, với tư cách là đại diện của người nộp thuế hoặc là người ủy quyền thì nó hợp lý. Nhưng tên gọi là đại lý thuế thì tôi thấy còn hết sức phân vân. Vì lâu nay khái niệm đại lý mang tính chất đại lý cho một doanh nghiệp để thực hiện mua, bán sản phẩm v.v... hay thực hiện một việc gì đó. Nhưng ở đây nếu bằng thuế thì nó dễ suy nghĩ là có sự liên hệ giữa đại lý thuế này với cơ quan thu thuế v.v... Cho nên tôi tán thành nhiều ý kiến như buổi sáng các đồng chí phát biểu, đó là phải ghi rõ, đây là một tổ chức dịch vụ tư vấn, nhưng nói là tư vấn pháp luật thì không chính xác, hay tư vấn nộp thuế, nói rõ là tư vấn nộp thuế và hoạt động theo Luật doanh nghiệp thì ta khẳng định trong luật và có những quy định chi tiết về điều kiện của tổ chức này.
Khoản 5 quy định Bộ Tài chính quản lý hoạt động đại lý thuế này. Tôi thấy không biết quản lý hoạt động đại lý thuế là như thế nào? Nếu nó là doanh nghiệp thì hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và quản lý các hoạt động của doanh nghiệp thì nó theo trách nhiệm quản lý Nhà nước. Vậy đề nghị nói rõ thêm vấn đề đó.
Thứ ba, xung quanh điều tra thuế ở Mục 4, Chương X. Theo tôi nên bỏ mục này, nhiều đại biểu đã phân tích, tôi thấy đối với cơ quan thuế hiện nay về mặt hành chính đã có chức năng kiểm tra và chức năng thanh tra, hiện nay có bộ máy làm nhiệm vụ đó.
Nếu bây giờ quy định ở Mục 4, Chương X theo giải trình của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chỉ là điều tra những trường hợp trốn thuế, gian lận thuế có tổ chức của cá nhân trong nước, nước ngoài.v.v....Với khái niệm này dễ hiểu đây là vi phạm mang tính chất dấu hiệu của tội phạm hình sự rồi, đã là dấu hiệu của tội phạm hình sự chuyển cho cơ quan điều tra, thì nhất thiết phải có bộ máy để làm điều tra thuế hay không? Tôi nghĩ rằng không nên. Cho nên, nếu quy định như thế nó sẽ trùng với điều tra hình sự mà nhiều đại biểu đã có ý kiến.
Thứ ba, cũng nên bỏ bởi thực ra với chức năng là kiểm tra thuế, thanh tra thuế thì hiện nay bộ máy thuế làm không xuể, có trường hợp ấn định thuế là chúng ta phải ấn định thôi chứ không có điều kiện xác minh. Cho nên, kể cả khoán nữa, bây giờ thêm một bộ máy nữa, tăng biên chế và chức năng điều tra ở đây trùng với chức năng điều tra trong tố tụng hình sự.
Tóm lại, tôi đề nghị bỏ mục điều tra thuế.
Vấn đề thứ tư, xung quanh cưỡng chế hành chính về thuế, lúc sáng cũng đại biểu Nguyễn Thị Bắc phát biểu, tôi thấy rằng cưỡng chế hành chính lâu nay chúng ta thực hiện theo Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính, khi có quyết định hành chính, nếu không thi hành thì chúng ta cưỡng chế thi hành, thuế cũng trong bối cảnh chung đó, tôi nghĩ rằng những trường hợp ấn định thuế, có quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, nếu không thi hành thì chúng ta cưỡng chế thi hành theo quy định của trình tự thi hành hành chính thôi, nếu có quy định trong luật này thì quy định những nét chung thôi. Ở đây chúng ta quy định ở Điều 84, Điều 95, các biện pháp cưỡng chế hành chính về thuế, ở Khoản 1 có những cái gọi là biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính, ví dụ như trích tiền từ tài khoản, khấu trừ một phần tiền lương, kê biên tài sản v.v... Nhưng cũng có những chế tài mang tính chất xử lý hành chính, ví dụ như thu hồi giấy phép kinh doanh ở Điểm g, thì cái này là chế tài chứ không phải là cưỡng chế, đó là chế tài xử phạt hành chính hay là những biện pháp tư pháp trong hình sự.
Tôi nghĩ trong trường hợp này nên phân biệt rõ cưỡng chế hành chính, ở đây là cưỡng chế thi hành một quyết định xử phạt vi phạm hành chính, phải rõ như thế, chứ nếu không thì quá ngày là anh đi cưỡng chế người ta, kê biên tài sản của người ta thì rõ ràng cái đó là sai với quy định pháp luật hành chính hiện hành. Trong khi đó hiện nay chúng ta có một quy định là các quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nếu có khiếu nại thì được khiếu nại, kể cả khiếu nại ra tòa hành chính, khi bản án của tòa án tuyên sau đó thi hành quyết định hành chính đã được công bố có hiệu lực. Cho nên phải cân nhắc lại cưỡng chế thuế.
Vấn đề nữa là xung quanh xử lý vi phạm về pháp luật thuế, ở Mục 2, Chương XII có quy định rất chi tiết, tôi thấy có ý kiến như sau: Một là không nên quy định chi tiết như trong các quy định hiện hành ở Mục 2 này, chỉ nên quy định những vấn đề mang tính nguyên tắc của vi phạm về thuế và nguyên tắc về xử lý. Bởi vì quy định như thế này cũng chưa đủ, trong dự thảo này ở Điều 108, Điều 110, Điều 114 đều quy định là "Chính phủ quy định chi tiết thi hành các hành vi về thuế và mức xử phạt về vi phạm hành chính về thuế". Nên chăng chúng ta quy định những vấn đề hết sức nguyên tắc, sau đó những cái cụ thể thì Chính phủ quy định luôn, sau đó đi cụ thể là mức độ như thế nào thì cũng nên quy định cho rõ. Nếu nêu như thế này thì nó không cân đối về các điều luật trong dự án luật này, đồng thời nó không đầy đủ và vận dụng ở đây cũng chưa là đầy đủ như lâu nay từng lĩnh vực chúng ta có một nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong một Nghị định riêng, sau này chúng ta có tập hợp để xây dựng một Bộ luật xử phạt hành chính. Nếu làm rải rác trong này thì nó cũng không hợp lý. Hơn nữa trong Khoản 10, Điều 111 tôi thấy cũng phải cân nhắc cho kỹ. Trong Khoản 10, Điều 111 có quy định "người nộp thuế còn nợ tiền thuế, tiền phạt từ 100 triệu đồng trở lên sau khi đã được cơ quan quản lý thuế yêu cầu nộp tiền thuế, tiền phạt nhưng vẫn cố tình không thực hiện thì bị coi là có hành vi trốn thuế". Nếu quy định như thế thì nó trùng với Điều 161 Bộ luật Hình sự quy định về tội trốn thuế, Điều 161 quy định hành vi trốn thuế từ 50 triệu đồng trở lên dưới 150 triệu đồng, đã bị xử phạt về mặt tiền và xử phạt hình sự rồi. Anh lại coi việc hành vi trốn thuế hoặc nợ tiền thuế 100 triệu đồng trở lên thì bảo là trốn thuế, thì nó lại là vô lý mà lại xử lý hành chính. Tôi thấy hết sức mâu thuẫn chỗ này và nó lại chồng lấn lên Luật Hình sự.

Các văn bản liên quan