Trích ý kiến ĐBQH Nguyễn Thị Bạch Mai – Tỉnh Tây Ninh

Thứ Ba 15:30 15-08-2006

Kính thưa các đồng chí, tôi xin tham gia góp ý vào dự thảo Luật quản lý thuế. Trước hết, ở Chương I quy định những vấn đề chung nhất của dự thảo luật này về quản lý thuế thì chúng tôi cũng nhất trí với 2 ý kiến trước đây phát biểu, đó là đồng chí Đường, đồng chí Trân. Tức là trong Chương I này thì phải nêu một nguyên tắc rất quan trọng trong quản lý thuế, có thể nói rằng đây là một điểm mà chúng ta cần phải đặt ra trong Chương I này.
Về nguyên tắc quản lý thuế, tôi rất đồng tình là phải công khai, minh bạch bình đẳng và trực tiếp. Thật ra trong thời gian vừa qua chúng ta có vấn đề rất lớn trong khi chúng ta thông qua ngân sách Nhà nước hàng năm, thì có vấn đề thất thu thuế. Vấn đề thất thu thuế này là một trong những yếu tố mà chúng ta phải xác định trong nguyên tắc quản lý thuế. Đó là phải đảm bảo sự bình đẳng và công khai minh bạch và trực tiếp trong vấn đề quản lý thuế, kể cả vấn đề thu thuế và nộp thuế là phải trực tiếp. Cho nên đây là một nguyên tắc tôi cho rằng rất quan trọng. Ngoài ra tôi cũng bổ sung thêm một số ý trong nguyên tắc này, đó là về quản lý thuế. Nguyên tắc phải thu, nộp đúng, đủ và kịp thời. Vì hiện nay có thể nói rằng một trong những vi phạm lớn nhất của vấn đề quản lý và thu thuế là thu không kịp thời và có tình trạng lách Luật để kéo dài, trì hoãn thời gian nộp thuế. Có một vấn đề nữa là, ngoài vấn đề của người dân trong Luật thuế, còn vấn đề trình độ quản lý yếu của cán bộ thuế, cơ quan quản lý thuế. Đó là lý do chúng ta bị thất thu thuế thời gian vừa qua. Cho nên phải thu nộp đúng, đủ, kịp thời và một ý nữa là, chống việc thất thu thuế và chống lạm thu thuế đó là nguyên tắc trong quá trình quản lý thuế. Vừa qua chúng ta thất thu thì chúng ta có biện pháp là phải chống thất thu, nhưng bên cạnh đó có vấn đề lạm thu, tức là chúng ta thu quá sự chịu đựng của người dân. Có thể nói rằng vừa qua dân rất kêu về vấn đề chúng ta quản lý thuế và có lúc chúng ta lạm thu, tức là thu quá mức chịu đựng của các hộ kinh doanh của người dân mà có trách nhiệm và nghĩa vụ trong việc nộp thuế, đó là những nguyên tắc tôi cho rằng phải được bổ sung vào trong Chương I này, có thể chúng ta bổ sung tiếp Điều 4 về nội dung quản lý thuế thì trước đó phải là nguyên tắc quản lý thuế, đó là những ý chúng tôi thấy rằng cần bổ sung vào trong Chương I này.
Cũng trong Chương I, Điều 16, tôi đọc trong Điều 16 này, tôi thấy rằng chưa có nêu cụ thể, Điều 16 nêu về việc xây dựng lực lượng quản lý thuế, trong này từ Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3 chúng ta cũng nêu nhiều nội dung, trong những nội dung này tôi thấy định tính nhiều hơn là định lượng, ví dụ vấn đề tiêu chuẩn cán bộ công chức quản lý thuế. Trong này các Khoản a, b, c cũng nêu rất nhiều vấn đề, nhưng chỉ mang tính định tính thôi, còn định lượng về tiêu chuẩn như thế nào đối với cán bộ quản lý thuế thì không rõ.
Tôi so sánh với các luật khác, trong vấn đề tiêu chuẩn thì Quốc hội vừa rồi chúng ta cũng có thảo luận và chúng ta cũng có thông qua về tiêu chuẩn một số cán bộ, trong này cán bộ quản lý, tiêu chuẩn như thế nào, về năng lực, trình độ như thế nào, văn bằng chuyên môn như thế nào phải cụ thể. Trong dự thảo Luật này, trong giải thích của Ban soạn thảo và ý kiến trong giải trình, tôi cho rằng chưa thoả đáng, tức là phải nêu một cách cụ thể về tiêu chuẩn cán bộ, công chức quản lý thuế như thế nào, để khi tuyển dụng vào biên chế hay hợp đồng thì cũng phải có những tiêu chuẩn cụ thể mang tính chuyên môn, chứ không phải bất kỳ một cán bộ nào, ngoài vấn đề phẩm chất chính trị.v.v....đó là những vấn đề mang tính phẩm chất, đạo đức mà còn trình độ, năng lực chỗ này không nói cụ thể. Tôi thấy rằng phải đưa vào đây những vấn đề hết sức cụ thể trong tiêu chuẩn của công chức quản lý thuế như mọi công chức khác, phải có tiêu chuẩn cụ thể.
Điều 18 đại lý thuế. Tôi thấy thuế là một nguồn thu chủ yếu của ngân sách Nhà nước. Nói như đồng chí Tào Hữu Phùng vừa rồi có nói đây là một khoản thu bắt buộc mà mọi tổ chức và cá nhân phải đảm bảo theo luật định, tính chất rất quan trọng. Với một tính chất quan trọng như thế mà chúng ta lại giao cho một tổ chức trung gian, tôi cho rằng không phù hợp. Nếu đã đưa vào nguyên tắc là trực tiếp, thì chúng ta bỏ giai đoạn trung gian. Cho nên theo tôi không nên có đại lý thuế. Đây không phải ý kiến của tôi, mà khi tôi chuẩn bị phát biểu nhiều đồng chí ngồi xung quanh tôi, các đồng chí cũng gửi gắm đề nghị đồng chí nói rõ cái này là không có đại lý thuế, ở đây có 7-8 đồng chí, đồng chí Kim Anh-Trà Vinh, đồng chí Dần-Bắc Kạn, đồng chí Vân Lan-Đà Nẵng, đồng chí Nam-Bình Dương, đồng chí Yến-Bến Tre, một số đồng chí đề nghị bây giờ phải bỏ đại lý thuế. Nhiều đồng chí nói rằng nếu để đại lý thuế như thế này, còn là tư vấn dịch vụ pháp lý nữa như chị Bắc nói là rất khó, kể cả nói rằng nếu cho đại lý thuế hình thành, có khi lại là người nhà, sân sau của các cán bộ thuế, các đồng chí không nói như thế. Cho nên chỗ này chúng ta phải tính toán làm thế nào nó phù hợp thực tiễn Việt Nam và nó tạo điều kiện cho ngành thuế chúng ta tăng cường được trách nhiệm, để tăng được nguồn thu ngân sách Nhà nước một cách có hiệu quả, nếu như hiện nay tôi cho rằng rất băn khoăn trong vấn đề chúng ta nêu ra ở đây là đại lý thuế thì nó rất khó. Đó là Điều 18 ở Chương I.
Về Chương II, Chương II là chương nói về đăng ký thuế. Tôi xin góp ý vào Điều 22. Điều 22 nói về địa điểm nộp hồ sơ đăng ký thuế. Tôi thấy trong này có một cụm từ, tôi đề nghị phải làm rõ, đó là "Tổ chức, cá nhân kinh doanh đăng ký tại cơ quan thuế ", rồi trách nhiệm khấu trừ nộp thuế tại cơ quan thuế, cá nhân đăng ký thuế tại cơ quan thuế. Hiện nay trong thực tiễn có 3 chỗ, một là đội thuế, hai là chi cục thuế, ba là cục thuế, trong Điều 22 thì địa điểm mình đăng ký là ở đâu, tại Đội thuế hay là tại Chi cục thuế hay là tại Cục thuế. Tôi đề nghị trong điều này cũng phải làm rõ, ở đây nói chung là cơ quan thuế thôi thì không biết như thế nào, người dân có thể đến đội thuế để người ta đăng ký hoặc người ta đến Chi cục thuế để người ta khấu trừ nộp thuế hoặc đăng ký thuế tại Cục thuế. Trong này tôi đề nghị phải nói rõ cơ quan thuế là cơ quan nào, bao gồm Đội thuế, Chi cục thuế hoặc là Cục thuế để người dân người ta thực hiện luật người ta cảm thấy dễ dàng hơn, nếu không người ta không biết đến nơi nào vì hiện nay ta có 3 nơi để người dân đến giao dịch trong thực hiện nghĩa vụ thuế đó là Đội thuế, Chi cục thuế và Cục thuế.
Điều 45 Chương V vấn đề nộp thuế, có một điểm chúng tôi cũng đề nghị chúng ta nên bổ sung thêm. Ở Điều 45 nộp thuế trong thời gian giải quyết khiếu nại khiếu kiện, trong hai khoản này có nói về thời gian giải quyết khiếu nại, khiếu kiện của người nộp thuế, trường hợp số thuế nộp lớn hơn phải hoàn trả số tiền nộp thuế thừa. Thời gian trong Khoản 1, Khoản 2 của Điều 45 này thì chưa nêu cụ thể thời gian được hoàn trả số nộp thừa v.v... Tôi đề nghị bổ sung thêm một Khoản 3 trong Điều 45 viết như thế này: "Thời gian hoàn trả số thuế nộp thừa tối đa là 15 ngày, kể từ khi có kết quả giải quyết khiếu nại hoặc phán quyết của Tòa án" ở đây có nêu là thời gian, nhưng không biết là thời gian bao nhiêu ngày, không biết các cơ quan có trách nhiệm bồi hoàn thì sẽ giải quyết trong thời gian bao lâu, để không ảnh hưởng đến người dân. Cho nên, tôi đề nghị chỗ này cũng phải nêu thời gian rất cụ thể, tối đa là 15 ngày sau khi có quyết định giải quyết khiếu nại của cấp có thẩm quyền hoặc là phán quyết của Tòa án, sau 15 ngày phải giải quyết vấn đề này.
Ở Chương VI, Điều 50 là nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp xuất cảnh, nói là cá nhân là người Việt Nam xuất cảnh đi nước ngoài hoặc là người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài trước khi xuất cảnh phải hoàn thành nghĩa vụ thuế, cơ quan quản lý xuất cảnh có trách nhiệm dừng lại việc xuất cảnh của cá nhân, nếu trên trong trường hợp chưa hoàn thành nhiệm vụ thuế theo thông báo của cơ quan quản lý thuế. Nói chung là nội dung này tôi rất nhất trí, nhưng trong thực tiễn điều này khó thực hiện đối với cơ quan quản lý thuế, tại vì người xuất cảnh đi lúc nào thì cơ quan quản lý thuế không biết,cơ quan quản lý thuế không phát hiện được vì không có chức năng quản lý các đối tượng xuất cảnh.
Cho nên, để đảm bảo cho điều này thực hiện trong thực tiễn, thì tôi đề nghị phải có một quy định cụ thể cho người xuất cảnh phải đến nộp thuế ở cơ quan quản lý thuế khi lập các thủ tục xuất cảnh, hoặc là cơ quan xuất cảnh phải thông báo với những người xuất cảnh, yêu cầu họ đến cơ quan quản lý thuế để xác định việc hoàn thành nghĩa vụ thuế của họ trước khi xuất cảnh. Tôi đề nghị chỗ này phải quy định rất rõ để chúng ta thực hiện trong thực tiễn. Một điều cuối cùng, chúng tôi xin nói ở Điều 58 là điều trường hợp miễn thuế và giảm thuế. Tôi thấy Chương VIII có nêu nội dung này và được điều chỉnh tiếp theo 3 điều. Điều 59, 60, 61 nhưng trường hợp nào được miễn thuế, giảm thuế thì không nêu rõ ở đây, chỉ có nêu một điều là được miễn thuế, giảm thuế theo quy định tại các Luật thuế, Pháp lệnh thuế. Xin thưa các đồng chí theo quy định của Điều 152 trong dự thảo này là khi Luật này có hiệu lực thi hành, thì các Luật và Pháp lệnh thuế khác đều bị hủy bỏ. Những điều miễn giảm thuế đang nằm rải rác ở các Luật, các Pháp lệnh thuế hiện hành sao lại không được ghi vào đây. Tôi đề nghị ở Điều 58 trường hợp thuộc diện miễn thuế, giảm thuế phải được ghi cụ thể trong điều này để các điều sau như Điều 59, 60 sẽ được điều chỉnh trên cơ sở đó

Các văn bản liên quan