Trích ý kiến ĐBQH Nguyễn Đình Hương – Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHDG – TN -TN và NĐ

Thứ Ba 15:20 15-08-2006

 
Kính thưa Hội nghị,
Tôi xin được phát biểu một số ý kiến về Luật quản lý thuế:
Thứ nhất, về tên của luật, tôi thấy đồng ý với tên là Luật quản lý thuế, vì ở đây nó bao hàm nhiều nội dung, kể cả người nộp thuế cũng như người thu thuế. Cho nên về tên gọi là chúng tôi thấy là hợp lý.
Thứ hai, ở Điều 1 mục đích quản lý thuế, theo ý kiến của tôi cũng đồng ý với ý kiến của các đồng chí đã phát biểu là điều này có khi nên bỏ, không cần thiết vì:
Thứ nhất, nội dung ở đây nó đã nằm ở trong các điều sau này rồi và mục đích của quản lý thuế của chúng ta chủ yếu là để chống thất thu, gian lận trốn thuế và làm sao vấn đề nguồn thu của ngân sách ngày càng hiệu quả. Cho nên, để đảm bảo tính minh bạch trong quản lý thuế, mà những nội dung này đã nằm trong các điều, khoản vì vậy cũng không nên có nhiều điều khoản mà tính pháp lý ở đây không rõ. Chúng tôi đề nghị bỏ Điều 1.
Thứ hai, về phạm vi điều chỉnh chúng tôi nhất trí ở đây có 2 loại: một loại là phân ra những quy định về quản lý các loại thuế. Thứ hai là các khoản như là lệ phí.
Thứ ba, các hành vi nghiêm cấm, chúng tôi đồng ý trong luật này có thể là không cần thiết phải gom vào một điều cấm, mà có thể nó rải theo các điều cho phù hợp với từng đối tượng thì nó dễ đọc và cũng dễ hiểu hơn.
Đi vào một số điều cụ thể chúng tôi xin đóng góp một số điều:
Thứ nhất là Điều 10, trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân của các cấp trong việc quản lý thuế. Trong điều này, có một khoản Chính phủ quy định thành lập và các hoạt động của Hội đồng tư vấn thuế, mà Hội đồng tư vấn thuế này chủ yếu do các phường, xã. Phần này, chúng tôi nghĩ nên trong luật có thể cụ thể cụ thể chứ không nên để cho Chính phủ quy định hoạt động của Hội đồng này, mà Hội đồng này là chủ yếu cho các phường, xã của các địa phương thì càng phải cụ thể. Đó là điều thứ 10.
Điều 16 và Điều 17, chúng tôi nghĩ không nên dùng từ "xây dựng lực lượng quản lý thuế". Bởi vì trong này có những phần hiện tại lực lượng thuế cần phải thực thi, có những phần cần phải tiếp tục để sau này chúng ta hiện đại hóa lực lượng quản lý. Cho nên Điều 16 chúng tôi đề nghị bỏ chữ "xây dựng" mà coi như điều này là điều lực lượng quản lý thuế, trong này có một số khoản như lực lượng quản lý thuế thì phải trong sạch, vững mạnh, phải được trang bị kỹ thuật hiện đại, hoạt động có hiệu lực và hiệu quả. Bởi vì đó là tiêu chuẩn của quản lý thuế.
Còn Khoản 3 nghiêm cấm công chức quản lý thuế gây phiền hà, khó khăn cho người nộp thuế và liệt kê thêm một số nội dung này thì chúng tôi nghĩ phần này có thể nên thêm một ý là nghiêm cấm các hành vi tham nhũng trong quản lý thuế. Phần này mình thêm được vào thì hiện nay đã có Luật chống tham nhũng, phần nào đấy đưa vào chỗ này chúng tôi nghĩ cũng hợp lý và nó hơi rõ hơn. Đấy là Điều 16.
Nếu Điều 16 này không bỏ chữ "xây dựng" mà dùng chữ "xây dựng" chúng tôi nghĩ nên gộp Điều 16 và Điều 17. Vì Điều 17 mà chúng ta nói hiện đại hóa công tác quản lý thuế. Chỗ này 2 khoản, nhưng khoản này nằm trong khoản 4 hay một ý ở trong điều xây dựng lực lượng quản lý thuế thì nó hợp lý hơn. Đó là Điều 16 và Điều 17.
Điều 18 về đại lý thuế, Khoản 5 điều kiện hành nghề đại lý thuế. Trong này quy định tổ chức kinh doanh có người tư vấn pháp luật ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và có ít nhất 2 nhân viên được cấp chứng chỉ hành nghề về đại lý thuế. Chứng chỉ hành nghề ở đây ghi Bộ Tài chính sẽ quy định, nhưng phần này theo chúng tôi nên cụ thể, ví dụ bằng cấp, nghề nghiệp hoặc cái gì đấy cho rõ thêm, cũng có thể ghi rõ trong điều này, cũng không cần thiết ghi là Bộ Tài chính sẽ quy định về cấp, thu hồi chứng chỉ hành nghề này nữa. Nếu quy định được rõ thì điều này chúng tôi nghĩ nó cũng là một vấn đề cụ thể hơn trong các điều luật.
Điều 30 thời điểm nộp hồ sơ thuế. Ở đây chúng tôi nghĩ có một vài danh từ không cần, trong luật mình có thêm những từ như "Ngày thứ 30 của tháng". Thực ra hiện nay chúng ta chỉ quy định ngày cho tháng và năm, thứ quy định cho tuần. Bây giờ ngày thứ 30 tháng đầu tiên của năm dương lịch, hoặc là năm tài chính, trong khi năm tài chính chúng ta lại chưa quy định. Rất nhiều từ ở đây ghi ngày thứ bao nhiêu, ngày thứ bao nhiêu, ngày thứ 10 chẳng hạn, cái này chúng tôi nghĩ nên bỏ, nên ghi rõ hơn ngày nào trong tháng. Bởi vì ta đã quen dùng thứ theo tuần, ngày theo tháng hoặc theo năm, bây giờ lại thêm một loại danh từ nữa trong luật là ngày thứ, thì có nên như vậy hay không? Vấn đề này chúng tôi chưa rõ ý của Ban soạn thảo, nhưng thấy cách dùng các từ trong luật khác thì chúng tôi nghĩ có thể nên có điều chỉnh cho phù hợp.
Điều 40, Điều 41 địa điểm và hình thức nộp thuế trong này Khoản 4 có ghi trong thời hạn 8 giờ làm việc kể từ khi nhận được tiền thuế của người nộp thuế, cơ quan, tổ chức nhận tiền thuế phải chuyển tiền vào ngân sách Nhà nước. Tôi cho rằng nộp tiền vào ngân sách Nhà nước là chưa chuẩn, phải nộp vào tài khoản ngân sách của kho bạc, chứ ngân sách Nhà nước ở đây là khoản thu chi hàng năm, làm thế nào trong 8 giờ phải nộp ngay vào ngân sách, theo tôi chỗ này nên ghi cụ thể hơn. Ngoài ra, một số điều khoản còn quy định do Chính phủ hoặc Bộ Tài chính quy định thì phần nào có thể quy định một cách cụ thể và chính xác, luật này nên cố gắng quy định. Về cơ bản luật này các đồng chí trong Ban soạn thảo đã tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, trên cơ sở các ý kiến này tôi xin bổ sung thêm một số ý kiến như vậy

Các văn bản liên quan