Trích ý kiến của ĐBQH Hoàng Văn Minh – Tỉnh Nghệ An

Thứ Ba 15:18 15-08-2006

Kính thưa Hội nghị,
Tôi xin được phát biểu một số ý kiến như sau:
Trước hết, tôi xin được phát biểu về nội dung thứ nhất là xóa nợ tiền thuế và tiền phạt. Trong Báo cáo đã nêu rất rõ về lý lẽ các quan điểm. Theo tôi đây là vấn đề thực sự phải cân nhắc:
Thứ nhất về nguyên tắc, thuế do Quốc hội quyết. Các trường hợp miễn giảm thuế đã được Luật thuế quy định. Phạm vi của Luật quản lý thuế là chỉ quy định về trình tự thủ tục thực hiện việc miễn giảm thuế đó, nó phù hợp như vậy. Ở đây không có thẩm quyền để quy định là việc xoá nợ. Tuy nhiên, trong thực tế cũng có thể có những vấn đề cần thiết phải nghiên cứu để có thể giải quyết được tình hình này. Nhưng nếu quy định về xoá nợ tiền thuế, tiền phạt trong Luật quản lý thuế thì lại phải xét rất cụ thể và rất chặt chẽ. Chúng tôi xem trong dự thảo luật về các quy định này ở các Điều 62, 63 thì chúng tôi thấy có những nội dung rất băn khoăn. Chẳng hạn quy định các trường hợp xoá nợ tiền thuế, tiền phạt về vi phạm nộp thuế. Ở đây quy định doanh nghiệp phá sản, doanh nghiệp Nhà nước chuyển đổi sở hữu kết vì quả kinh doanh thua lỗ. Chúng tôi được biết về phá sản đã có luật quy định rồi, còn nói rằng doanh nghiệp Nhà nước chuyển đổi sở hữu kết quả kinh doanh thua lỗ, thì chúng ta có Luật doanh nghiệp đã khẳng định một nguyên tắc rất quan trọng, tức là sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp, không phân biệt các thành phần kinh tế. Doanh nghiệp Nhà nước mà thua lỗ thì được xoá nợ, còn doanh nghiệp khác thua lỗ có được xoá nợ không? Đây là vấn đề thể hiện chính sách nhất quán của Nhà nước ta trong quan điểm hiện nay để bảo đảm sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Vì vậy chúng tôi nghĩ có nên đặt vấn đề này không?
Thứ hai, chúng ta đã quy định miễn giảm về thuế rồi. Tức là trường hợp nào được miễn giảm về thuế đã quy định, đã xét đến những điều kiện trong quá trình kinh doanh của các doanh nghiệp. Hay Khoản 3, Điều 62 quy định người nộp thuế bị thiệt hại tài sản hàng hoá kinh doanh do thiên tai hỏa hoạn, thì được xoá nợ tương ứng với tỷ lệ v.v...
Ở đây nếu quy định như vậy thì vô hình dung chúng ta đặt ra một tiền lệ, tức là về nguyên tắc người nộp thuế khi đã ấn định mức thuế và đến thời hạn nộp thuế thì phải nộp và mức thuế đã được tính toán theo quy định của Luật thuế. Ở đây chỉ có trường hợp, nếu anh kinh doanh bị hỏa hoạn, thiên tai thì được xét miễn giảm thuế. Còn việc nợ thuế ở đây thực chất là anh không nộp, đến một lúc nào đó, có thể do trường hợp rủi ro nào đó thì tự nhiên được xóa nợ và đây là bài học trong thực tiễn của chúng ta, cũng xin phép mạo muội nói một điều, đôi khi chúng ta trong hoạt động quản lý Nhà nước và một số quy định, thì chính làm cho những người tích cực gương mẫu đi đầu lại phải chịu thiệt thòi. Tức là người ta tích cực đóng thuế rất nghiêm túc cho ngân sách, việc nói đến nợ thuế thì không phải nợ. Nhưng người chây ì, không nộp thuế nợ nần, thì đến lúc đó lại được xem xét, xóa nợ. Đấy là những vấn đề trong chính sách thật sự phải quan tâm, cho nên chúng tôi đề nghị nếu có quy định trường hợp xóa nợ thuế và tiền phạt ở trong luật này thì chỉ để lại Khoản 2, đó là cá nhân còn nợ thuế, tiền phạt được pháp luật coi là đã chết, mất năng lực hành vi dân sự mà không có tài sản để nộp thuế, nộp tiền phạt thì chỉ một trường hợp đó. Còn các trường hợp khác không quy định, đấy tôi chưa nói những quy định của chúng ta không khéo lại tạo ra những kẽ hở cho những tiêu cực trong việc xét miễn, nợ thuế và tiền phạt. Đó là nội dung thứ nhất.
Về nội dung thứ hai về điều tra thuế, cách đặt vấn đề chúng tôi thấy rằng trên thế giới cũng có những nước người ta có cơ quan chuyên trách về điều tra thuế, thậm chí có những tòa án về thuế. Nhưng đó là câu chuyện của thế giới, còn câu chuyện của chúng ta thì chúng ta cũng cần phải tính thực tiễn. Vấn đề đặt ra ở đây có phải vì lâu nay chúng ta không có một lực lượng chuyên trách thuế, cho nên tình hình gian lận, trốn thuế tăng lên không. Có phải vì không có một cơ quan điều tra mà có một số vụ việc không điều tra được không? nếu quả thực có thì cũng nên cho Quốc hội biết thông tin này để quyết định. Bởi vì hình thành một chính sách chúng ta phải căn cứ vào chính sách nói chung, nhưng cũng phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, vì không có cái đó mà nó làm cho việc thu thuế của chúng ta lâu nay bị thất thu, vì không có nó cho nên nó làm cho việc gian lận thuế không được điều tra, phát hiện kịp thời và có những vụ lớn, những vụ đó vừa qua có nhiều không và vì không có nó cho nên thất thu có lớn không, nên chăng cũng cần phải có thông tin.
Điều quan tâm nhất của chúng tôi ở đây tôi thấy trên thực tế vừa qua chúng ta đã giao cho chẳng hạn như cơ quan hải quan điều tra một số vụ việc theo luật tố tụng. Nhưng các vụ việc mà cơ quan điều tra của hải quan được chuyển sang để xử lý cũng rất ít. Xin thưa rằng ngay cả Thành phố Hồ Chí Minh, nơi mà có nhiều hàng hóa ra đời như vậy, hay ở Bình Dương nhiều doanh nghiệp như vậy, nhưng có vụ nào đâu, rất ít. Tôi nhớ không chính xác có năm chúng tôi đi nghe giám sát thì chẳng có vụ nào cả. Vậy thì ở đây đặt lại vấn đề nguyên nhân có phải vì vấn đề không giao nhiệm vụ điều tra không hay tại cái gì sâu sa hơn, cần phải được phân tích, đánh giá.
Về quan điểm chúng tôi thấy rằng cần thiết thì chúng ta phải tổ chức và phải tổ chức đủ mạnh, nhưng nếu chưa cần thiết thì chúng ta có nên đặt ra không, để khắc phục tình hình là mỗi khi chúng ta thông qua 1 đạo luật thì lại thêm một cơ quan mới, một lực lượng mới. Nếu không khắc phục tình hình này thì vô hình chung cứ 1 đạo luật ra đời thì lại xuất hiện một lực lượng mới, rất là không nên trong bộ máy hành chính của chúng ta. Chúng tôi đề nghị như vậy, đấy là chưa nói chức năng, nhiệm vụ như thế nào, thẩm quyền đến đâu, tất cả những vấn đề này đều phải rất chặt chẽ, vì nó liên quan đến hoạt động kinh doanh bình thường của các doanh nghiệp và các cá nhân, đây là vấn đề rất lớn trong chính sách của chúng ta.
Cho nên, cũng không thể dễ dàng để quy định bằng một số điều, mà nó phải có trình tự, thủ tục thẩm quyền, có quyền nhưng phải có nghĩa vụ và trách nhiệm, phải được xác định trong luật, nếu không vô hình chung chúng ta tạo ra một kẽ hở, làm phát sinh một tiêu cực mà rồi đây chính chúng ta lại phải loay hoay đi giải quyết khiếu kiện kéo dài và bức xúc, đấy là chưa nói nó ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh bình thường của các doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức.
Vấn đề thứ ba, biện pháp cưỡng chế để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ nộp thuế và tiền phạt. Tất nhiên về chữ nghĩa chúng tôi đề nghị cân nhắc thêm, vì ngay chữ "cưỡng chế" hành chính thuế cũng không đúng, nếu phải viết thì cố gắng diễn đạt nó đầy đủ cho người ta hiểu được.
Nhưng băn khoăn của chúng tôi ở đây là các biện pháp quy định trong dự thảo Luật thì tôi thấy vượt quá thẩm quyền của cơ quan hành chính, đây là vấn đề cần cân nhắc, ví dụ có quy định đến những biện pháp là kê biên tài sản, nói chung có rất nhiều biện pháp mà liên quan đến quyền bất khả xâm phạm về tài sản của công dân đã được Hiến pháp quy định. Chúng tôi hiểu về thuế đã có những tội trốn thuế, nếu mà anh trốn thuế phát hiện không nộp thì xử phạt hành chính, sau khi xử phạt hành chính rồi, cứ tiếp tục trốn thuế thì khởi tố ra Tòa án. Xin thưa rằng, các tội phạm về thuế, về xử lý hình sự cũng rất ít, chỉ có đi qua hình sự rồi, bằng bản án của Tòa án rồi thì mới áp dụng các biện pháp, ví dụ kê biên tài sản, nhà cửa v.v... và thực hiện rất nhiều biện pháp. Nếu chúng ta quy định như thế này, tôi đề nghị cần phải cân nhắc và rất chặt chẽ , nhiều quy định trong này tôi thấy vượt quá thẩm quyền của một cơ quan hành chính bình thường, nhất là liên quan đến vấn đề quyền bất khả xâm phạm về tài sản và những vấn đề liên quan đến tài sản của công dân.

Các văn bản liên quan