VCCI_Góp ý Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định hồ sơ, trình tự, thủ tục xác định dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên
VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 09/2015/TT-BYT quy định về xác nhận nội dung quảng cáo đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế
VCCI_Góp ý Dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp
Kính gửi: Bộ Quốc phòng
Trả lời Công văn số 1798/BQP-PC ngày của Bộ Quốc phòng về việc đề nghị góp ý Dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp[1] (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có ý kiến ban đầu như sau:
- Cấp phép cho doanh nghiệp tham gia vào ngành công nghiệp quốc phòng, an ninh
Điều 24 Dự thảo yêu cầu các doanh nghiệp phải có xác nhận đủ điều kiện nếu muốn tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh. Quy định này cần được xem xét ở các điểm sau:
Thứ nhất, quy định này chưa rõ ràng, chẳng hạn có kinh nghiệm về chuyên ngành kỹ thuật (Điều 24.3.a), được đào tạo, cấp chứng chỉ chuyên môn (Điều 24.3.b); năng lực thiết bị, công nghệ, phương tiện (Điều 24.3.c); đủ nguồn vốn và nhân lực (Điều 24.3.d, 24.4.b, 24.5.b, 24.6.b)…Quy định như vậy có thể sẽ tạo ra khó khăn cho các doanh nghiệp trong quá trình cấp phép.
Thứ hai, quy định theo hình thức cấp phép là chưa phù hợp. Quy định này được suy đoán là nhằm đảm bảo doanh nghiệp có đủ năng lực thực hiện theo hợp đồng, và nhu cầu này là chính đáng. Tuy nhiên, các yêu cầu này nên nằm trong yêu cầu của từng gói thầu. Việc này sẽ đảm bảo các yêu cầu trên cụ thể và được điều chỉnh tùy theo yêu cầu của từng gói thầu. Đồng thời, việc này cũng sẽ đảm bảo khả năng tham gia đa dạng và linh hoạt hơn của khối tư nhân trong các gói thầu quốc phòng, an ninh.
Ngoài ra, hoạt động cung cấp sản phẩm, dịch vụ quốc phòng, an ninh có tính chất nhạy cảm, và do đó yêu cầu về an ninh cũng như độ tin cậy của doanh nghiệp tư nhân tham gia cung cấp. Tuy nhiên, các quy định trên không thể giải quyết được vấn đề này. Thay vào đó, yêu cầu này nên được thực hiện kín (black box) hơn là quy trình cụ thể và bắt buộc tại luật.
Từ những phân tích trên, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định này. Cơ quan nhà nước có thể sử dụng các công cụ như đã nêu, bao gồm đặt ra yêu cầu trong hồ sơ mời thầu, thẩm định kín (black box).
- Chuyển giao công nghệ lưỡng dụng
Điều 58.5 Dự thảo quy định về chính sách ưu đãi của Nhà nước với doanh nghiệp nhận chuyển giao công nghệ lưỡng dụng. Đây là hướng phù hợp để thúc đẩy và hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân tham gia vào hoạt động công nghiệp quốc phòng. Tuy vậy, trong những trường hợp như thế này, một trong các yếu tố quan trọng nhất để doanh nghiệp quyết định đầu tư là tín hiệu chính sách, hay nói cách khác, là sự đồng ý từ cơ quan quốc phòng hoặc an ninh về việc có mua sản phẩm đó hay không. Đương nhiên, sự đồng ý này là sự đồng ý về mặt nguyên tắc, được xác định với tiêu chuẩn kỹ thuật và thời hạn giao hàng. Cách thức này sẽ vừa tạo ra sự chắc chắn, động lực, vừa tạo ra áp lực cho các doanh nghiệp thực hiện dự án. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định theo hướng cho phép cơ quan quốc phòng, an ninh có thể ký kết hợp đồng mua bán với doanh nghiệp kể cả khi doanh nghiệp chưa có sản phẩm (với điều khoản cụ thể hóa như tiêu chuẩn, điều kiện và thời hạn hoàn thành).
- Động viên công nghiệp
Dự thảo quy định về động viên công nghiệp với các cơ sở dân sinh. Đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc một số điểm sau:
Thứ nhất, Điều 37.2.b Dự thảo quy định về sử dụng trang thiết bị do Nhà nước giao ngoài kế hoạch động viên. Tuy nhiên, thủ tục sử dụng ngoài kế hoạch tương đối phức tạp và mất nhiều thời gian khi phải báo cáo cơ quan quản lý, Bộ Quốc phòng và thời hạn trả lời là 30 ngày. Quy trình này không phù hợp trong tình huống doanh nghiệp cần huy động gấp máy móc thiết bị để sản xuất đơn hàng. Để hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia động viên công nghiệp, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi theo hướng rút gọn thủ tục, chẳng hạn doanh nghiệp chỉ cần báo cáo cơ quan trực tiếp quản lý, với thời gian trả lời là 10 ngày.
Thứ hai, Điều 49.2.c Dự thảo quy định doanh nghiệp được ưu đãi tiền thuê đất, tiền sử dụng đất và thuế sử dụng đất. Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều doanh nghiệp dân sinh không thuê đất trực tiếp từ nhà nước, mà thuê đất từ doanh nghiệp khác (như thuê đất trong khu công nghiệp). Do vậy, để đảm bảo chính sách hỗ trợ phù hợp thực tế, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định theo hướng Nhà nước hỗ trợ tiền thuê đất trong trường hợp doanh nghiệp thuê đất từ tổ chức khác. Việc giám sát thực thi chính sách cũng không thực sự quá khó khăn, vì các hợp đồng thuê đất cho doanh nghiệp sản xuất thường có thời hạn lâu dài với giá đất thuê ổn định.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.
[1] Phiên bản Hồ sơ thẩm định ngày 07/7/2023