Trích ý kiến của ĐBQH Nguyễn Đức Dũng – Tỉnh Kon Tum

Thứ Sáu 15:52 01-09-2006

Kính thưa Hội nghị,
Nghiên cứu dự án Luật Công chứng, tôi xin tham gia một số vấn đề sau:
Thứ nhất là về phạm vi điều chỉnh Luật Công chứng, trước hết tôi thể hiện quan điểm của mình là tôi hoàn toàn ủng hộ với Ban soạn thảo. Rõ ràng là hoạt động công chứng và hoạt động chứng thực là 2 hoạt động rất khác nhau, một đằng là hoạt động dịch vụ công do các cơ quan dịch vụ thực hiện, một đằng là hoạt động hành chính do cơ quan hành chính Nhà nước thực hiện. Cho nên, bây giờ là lúc cần thiết chúng ta phải tách nó ra cho rõ ràng. Trước đây khoảng 20 năm khi chúng ta bắt đầu quy định về công chứng, chứng thực lúc bấy giờ công việc cũng rất ít, nó rất mới cho nên chúng ta điều chỉnh hai lĩnh vực này trong một văn bản. Bởi vì một đằng là công chứng, một đằng là chứng thực hình như thấy có một chữ chung cho nên chúng ta cảm thấy nó gần gũi với nhau quá thì chúng ta đưa chung nó vào một văn bản điều chỉnh, và 20 năm qua thì dần dần nó cũng trở thành một thói quen, một nếp nghĩ của người dân.
Không phải chỉ người dân mà các cơ quan quản lý Nhà nước của chúng ta rất nhiều cơ quan cũng không phân biệt nổi công chứng và chứng thực, cho nên có nhiều việc đáng nhẽ không phải công chứng, thì người ta cũng buộc người dân phải đi công chứng. Tôi nói ví dụ sao các văn bằng để đi thi lớp này lớp kia, thực ra sao văn bằng chỉ cần chứng thực thôi nhưng người ta cũng buộc là phải có công chứng Nhà nước, nó rất phiền hà cho dân. Mà anh chứng thực ở Ủy ban đưa lên là người ta không chấp nhận, người ta coi văn bản đó là không hợp pháp, bắt quay trở lại làm công chứng. Cho nên rất nhiều việc đáng nhẽ không phải công chứng cũng đẩy người dân đến Phòng công chứng. Chính vì suy nghĩ như vậy làm cho Phòng công chứng của chúng ta quá tải và gây phiền hà cho dân rất nhiều. Bởi vì dân thì yêu cầu chứng thực rất lớn, như đã tổng kết là đến 97% là việc chứng thực mà việc chứng thực đó, nếu nhận thức không đúng mà cứ đẩy nó vào công chứng thì rõ ràng là quá tải mà quá tải thì sẽ phiền hà. Dân phải chờ đợi xếp hàng hết ngày này qua ngày khác, rồi đủ các thứ sinh ra, thậm chí cả cò công chứng cũng có. Bởi vì do nhu cầu nên sinh ra cả các tiêu cực như vậy.
Cho nên chúng tôi nghĩ rằng hiện nay chúng ta đã xác định rõ hoạt động công chứng là một lĩnh vực hoàn toàn khác và chúng ta cần phải xây dựng một cách chính quy hiện đại hơn và coi như đây là một nghề hoạt động tự do. Tôi nghĩ rằng điều chỉnh riêng mảng công chứng là cần thiết, tôi cho rằng chúng ta cũng nên khắc phục thói quen và chúng ta nhìn nhận vấn đề, chứ nếu không chúng ta cứ việc nọ lẫn sang việc kia làm phức tạp việc quản lý của chúng ta.
Thứ nhất về phạm vi điều chỉnh chúng tôi xin có một số ý kiến như vậy.
Thứ hai, về giá trị thi hành của văn bản công chứng, nhưng chúng tôi nghĩ rằng khi văn bản công chứng có giá trị chứng cứ rồi các bên phải thi hành, nhưng bây giờ một bên không thi hành thì giải quyết bằng cách nào.
Trước đây có quan điểm, có thể là kiện ra Toà án, nhưng nhiều người cho rằng bây giờ có rất nhiều vấn đề các cơ quan khác có thể giải quyết được, tại sao ta phải khởi kiện ra Toà án, nhưng tôi cho rằng có lẽ phải khởi kiện ra Toà án. Bởi vì chỉ có Toà án là cơ quan duy nhất có quyền phán quyết vấn đề này và chính bản án có hiệu lực của Toà án mới giúp cho người ta có thể cưỡng chế thi hành được, chứ không sẽ kéo dài việc tranh chấp ra rất lâu. Ví dụ hoạt động thương mại mặc dù hiện nay chúng ta có quy định có thể qua trọng tài, nhưng phán quyết của trọng tài hiện nay không có hiệu lực bắt buộc thi hành đâu, rồi sau không thi hành cũng lại khởi kiện ra Toà án. Hiện nay phán quyết của trọng tài mang tính chất nếu 2 bên thoả thuận thì tốt thôi, nhất trí tốt thôi, nhưng người ta vẫn không nhất trí cuối cùng lại khởi kiện ra Toà án rất mất thời gian. Cho nên tôi đề nghị giá trị thi hành của văn bản công chứng, nếu có chuyện tranh chấp xảy ra thì nơi duy nhất giải quyết sẽ là Tòa án và như vậy nó đảm bảo sẽ được thực hiện tới cùng, tức anh không thi hành sẽ có cơ quan thi hành án buộc anh phải thi hành, cưỡng chế thi hành. Đấy là vấn đề thứ hai chúng tôi tham gia.
Vấn đề thứ ba, tôi hết sức băn khoăn việc tổ chức các cơ quan công chứng hiện nay theo dự luật thì chúng ta có Phòng công chứng Nhà nước và Văn phòng công chứng. Tôi rất băn khoăn trong điều kiện hiện nay của chúng ta như thế này, xã hội hóa thì đúng rồi nhưng xã hội hóa như thế nào? Nếu chúng ta quy định như thế này thì không biết các Văn phòng công chứng có được thành lập hay không? Thành lập thì hoạt động ra sao? Bởi vì chúng ta quy định các Văn phòng công chứng chỉ hoạt động bằng phí mình thu được và các nguồn thu khác, nguồn thu khác không biết là nguồn thu gì? Nhưng nếu chỉ với phí công chứng hiện nay và với khối lượng công việc như hiện nay chỉ chiếm 3% trong các vụ việc mà hiện nay chúng ta đang thực hiện cả công chứng, chứng thực, lại có hàng loạt các Phòng công chứng Nhà nước nữa thì không biết có ai dũng cảm để đứng ra thành lập Văn phòng công chứng hay không? Bởi vì khi người ta thành lập Văn phòng công chứng người ta cũng tính thành lập thì phải có lợi. Còn nếu "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng" thì những việc như vậy rất khó. Cho nên những vấn đề này phải cân nhắc, nếu không quy định như thế này, thì liệu có khả thi trong thực tiễn hay không? Tôi cho rằng nếu chúng ta hoàn toàn cấm những người làm công chứng này, các Văn phòng công chứng không được hoạt động ở những lĩnh vực khác, có khi người ta vẫn hoạt động ở lĩnh vực khác để người ta lấy kinh phí, người ta làm dịch vụ công, làm dịch vụ công là công chứng, bây giờ ta cấm hoàn toàn không có hoạt động khác thì người ta lấy nguồn kinh phí nào? Nhà nước thì không trợ cấp. Cho nên tôi thấy cần cân nhắc chỗ này, nếu không chúng ta có quy định thì rất được, nhưng thực hiện trong thực tiễn hết sức khó khăn.
Vấn đề thứ tư, về quyền và nghĩa vụ của công chứng viên ở Điều 23 như một số đại biểu phát biểu chúng ta quy định sơ sài quá. Tôi cho rằng cần cụ thể hóa hơn rất nhiều về quyền và nghĩa vụ của công chứng viên. Cái gì là quyền, cái gì là nghĩa vụ cho rõ ràng. Bởi vì nếu anh không thực hiện nghĩa vụ của anh thì sau này sẽ quy kết đến vấn đề trách nhiệm. Cho nên vấn đề ở đây tôi thấy cần quy định cho cụ thể, có như vậy chúng ta mới làm trong sạch đội ngũ công chứng viên của chúng ta.
Hiện nay, có rất nhiều tiêu cực trong vấn đề hoạt động công chứng này, cho nên tôi nghĩ phải quy định quyền và nghĩa vụ cho rõ ràng, nhất là vấn đề trách nhiệm nữa thì càng phải rõ ràng, càng rõ bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu để chúng ta có thể củng cố và xây dựng được hoạt động công chứng của chúng ta nó bài bản hơn.
Cuối cùng, tiêu chuẩn công chứng viên ở Điều 15, hiện nay chúng ta có quy định thời gian công tác pháp luật đối với công chứng viên phải 5 năm. Theo tôi, thời gian như vậy chúng ta quy định cũng hơi dài, tôi cho rằng chúng ta chỉ nên quy định thời gian công tác pháp luật của người công chứng viên là 3 năm thôi, nhưng chúng ta nên bỏ đoạn kể cả thời gian đào tạo và tập sự, hiện nay các văn bản khác đối với các bên tư pháp thì chúng ta cũng không tính thời gian đào tạo tập sự vào thời gian công tác pháp luật. Riêng công chứng chúng ta lại tính vào, nếu tính vào nó cũng tương đương thôi. Nhưng nếu chúng ta không đưa vào thì chúng ta nên quy định là 3 năm cho rõ ràng, còn thời gian đào tạo và tập sự nó khác, thời gian tính riêng ở bên ngoài, như vậy nghe nó ngắn gọn và nó hợp lý hơn, nó cũng thống nhất với các chức danh khác hơn. Tôi xin có một vài ý kiến như vậy.

Các văn bản liên quan