Ý kiến của ĐBQH Lê Thị Nga – Tỉnh Thanh Hoá

Thứ Sáu 15:53 01-09-2006

Kính thưa các đồng chí.

Tôi xin phát biểu về vấn đề bồi thường thiệt hại do hoạt động của công chứng viên gây ra và vấn đề bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp trong hoạt động công chứng. Theo tài liệu của Bộ Tư pháp cung cấp cho đại biểu thì chúng tôi thấy rằng vấn đề bồi thường thiệt hại và mua bảo hiểm trách nhiệm đối với công chứng viên, nó sẽ liên quan nhiều đến bản chất của công chứng và liên quan nhiều đến mô hình tổ chức của công chứng.

Theo tài liệu chúng tôi có, hiện nay trên thế giới chỉ có 3 mô hình công chứng và 3 mô hình này thì bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp và bồi thường nó cũng có khác nhau.

Mô hình thứ nhất, những nước theo hệ thống Ănglôxăcsông thì việc công chứng này là công chứng hình thức, chủ yếu là không có một hệ thống công chứng theo thể chế chỉ có luật sư thực hiện và theo mô hình công chứng này thì trách nhiệm của công chứng viên cũng mờ nhạt.

Mô hình thứ hai là mô hình mà chúng ta đang thực hiện và một số nước Xã hội chủ nghĩa cũ đang thực hiện là mô hình công chứng bao cấp, tức là Phòng công chứng Nhà nước. Theo mô hình này thì việc bồi thường thiệt hại cũng theo bồi thường thiệt hại do công chức gây ra.

Mô hình thứ ba là mô hình công chứng La tinh là theo mô hình công chứng hành nghề tự do và hoàn toàn tự chủ về tài chính. Ở mô hình này thì bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, mua bảo hiểm và ký quỹ được đặt ra và công chứng viên phải chịu trách nhiệm về hành vi công chứng của mình, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Cũng theo tài liệu mà Bộ Tư pháp cung cấp chúng tôi thấy rằng xu hướng trên thế giới hiện nay người ta dần dần chuyển sang mô hình theo công chứng hành nghề tự do như ý kiến của đồng chí Thuận phát biểu. Ở một số nước Xã hội chủ nghĩa cũ hiện nay như Trung Quốc, một số nước như Ba Lan, Cu Ba v.v... cũng đang chuyển dần dần có lộ trình sang mô hình công chứng tự chủ tài chính. Chúng tôi cũng nhất trí với dự luật là chúng ta cũng đang dần dần chuyển sang mô hình đó, có điều chúng ta khác với các nước khác. Tôi thấy điểm khác cơ bản ở đây là những nước như Trung Quốc chẳng hạn người ta yêu cầu đến năm 2010 chuyển hẳn sang mô hình công chứng tự chủ, còn như nước ta nếu theo dự luật này thì vẫn song song tồn tại và chưa biết đến bao giờ là vẫn có cả hai loại vừa bao cấp, vừa tự chủ về tài chính. Việc này chúng tôi sẽ phân tích sau, nó liên quan rất nhiều đến vấn đề bồi thường thiệt hại do công chứng viên gây ra và liên quan nhiều đến tiền của Nhà nước bỏ ra để bồi thường thiệt hại do hành vi của công chứng viên.

Vấn đề bồi thường thiệt hại của công chứng viên ở đây theo chúng tôi cũng phải đặt trong vấn đề bồi thường thiệt hại chung trong pháp luật của Việt Nam.

Thứ nhất là chúng ta có bồi thường thiệt hại của cán bộ, công chức gây ra theo quy định của Nghị định Chính phủ và của Bộ luật dân sự. Trước hết là cơ quan Nhà nước quản lý công chức đó phải bồi thường, sau đó cơ quan có trách nhiệm yêu cầu công chức gây thiệt hại hoàn trả lại một khoản tiền.

Thứ hai là chúng ta có quy định về bồi thường thiệt hại do người của cơ quan tiến hành tố tụng hình sự gây ra cũng tương tự như vậy.

Thứ ba là có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra, thì trước hết pháp nhân cũng phải bồi thường.

Liên quan đến hoạt động bổ trợ tư pháp như luật sư, công chứng, giám định, hiện nay chúng ta có hai cách để quy định về trách nhiệm bồi thường.

Thứ nhất, đối với những người làm hành nghề tự do như luật sư thì việc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp được đặt ra như một hình thức bắt buộc. Hiện nay còn hai loại hình khác là trợ giúp pháp lý và giám định. Chúng ta quy định trợ giúp pháp lý một là nằm trong trung tâm trợ giúp pháp lý ở Nhà nước,

Thứ hai là nằm trong các tổ chức tư vấn pháp luật khác của các đoàn thể thì cũng quy định giống như bồi thường thiệt hại của cán bộ công chức.

Thứ ba, về giám định cũng tương tự như vậy vì những người này đại đa số đều là công chức.

Như vậy liên quan đến hoạt động bổ trợ tư pháp hiện nay chúng ta có hai cách, người nào hoạt động trong đơn vị sự nghiệp của Nhà nước và là công chức thì Nhà nước phải đứng ra bồi thường, sau đó Nhà nước có yêu cầu có nghĩa vụ hoàn trả. Còn đối với hành nghề tự do, người đó phải mua bảo hiểm trách nhiệm. Đối với quy định trong Dự thảo chúng tôi thấy cần phải cân nhắc kỹ đến bồi thường này, vì nó sẽ liên quan đến bản chất của công chứng, liên quan đến mô hình tổ chức và liên quan đến quỹ bồi thường mà quỹ bồi thường hiện nay tôi thấy đây là vấn đề cần phải hết sức cân nhắc.

Hiện nay chúng ta quy định công chứng của chúng ta là công chứng cả nội dung và hình thức. Mà nếu công chứng cả nội dung, kính thưa Quốc hội là nếu thiệt hại xảy ra thì quỹ bồi thường rất lớn. Nếu như chúng ta chưa nói đến bồi thường như đồng chí Thuận đã phát biểu, thời gian qua chúng ta có một đồng chí công chứng viên đã bị tử hình về hành vi công chứng, chính là do công chứng về nội dung.

Ở đây mô hình công chứng hiện nay chúng ta tổ chức theo 3 dạng. Công chứng chuyên nghiệp có Phòng công chứng và Văn phòng công chứng. Công chứng không chuyên nghiệp có cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cũng có thẩm quyền công chứng. Phòng công chứng hiện nay chúng ta quy định đó là đơn vị sự nghiệp có tư cách pháp nhân, có con dấu, có tài khoản và ở đây không nói là sự nghiệp, không nói là có thu hay không có thu. Nếu như hiện nay thì vẫn hoạt động theo cơ chế bao cấp.

Văn phòng công chứng theo chúng ta quy định là công ty hoạt động theo công ty hợp doanh có tư cách pháp nhân công chứng viên hành nghề tự do và vấn đề bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp được đặt ra, theo chúng tôi tổ chức theo 2 mô hình này chúng ta dần dần đi theo xu hướng của thế giới.

Vấn đề ở đây chúng tôi có nhận xét với 2 cách này thì cơ chế bồi thường sẽ có những điểm bất cập.

Thứ nhất, nói về những người yêu cầu công chứng, thì bồi thường sẽ được đảm bảo bởi vì nếu như theo mô hình phòng công chứng bao cấp hiện hành, người ta sẽ bồi thường thiệt hại do cán bộ công chức gây ra, trước hết phòng công chứng phải bồi thường, sau đó Phòng công chứng yêu cầu công chứng viên trả lại một khoản tiền cho Phòng công chứng.

Nếu như theo mô hình Văn phòng công chứng trước hết Văn phòng đó phải đứng ra bồi thường, ở đây thì cụ thể là doanh nghiệp người ta phải bồi thường. Như vậy với cách quy định hiện hành đối với người đi công chứng tôi thấy quyền lợi của người ta đã được đảm bảo.

Nhưng đối với công chứng viên theo tôi cách quy định như thế này sẽ tạo ra sự bất bình đẳng, bất bình đẳng giữa công chứng viên hoạt động tại Văn phòng công chứng và công chứng viên hoạt động tại Phòng công chứng ở chỗ là người ta cùng được bổ nhiệm như nhau, cùng tiêu chuẩn như nhau, cùng điều kiện như nhau. Nếu như anh cố xin vào được Phòng công chứng là tổ chức sự nghiệp của Nhà nước rõ ràng quy định về bảo hiểm trách nhiệm ở trong dự án này không được đặt ra, mua bảo hiểm không được đặt ra, ký quỹ không được đặt ra đối với công chứng viên tại Phòng công chứng Nhà nước.

Bồi thường trách nhiệm ở đây trước hết là Nhà nước phải đứng ra trả, còn với tư cách là người làm công ăn lương thì người ta chỉ có thu nhập chính là lương thôi, thì tôi nghĩ đối với hợp đồng rất lớn không thể nào lấy hết toàn bộ lương của người ta để người ta không còn gì sống. Như vậy, sự bất trắc ở đây, sự thiệt hại ở đây trước hết là thuộc về Nhà nước. Với điều kiện hiện nay khi các giao dịch dân sự kinh tế càng ngày càng lớn mà chúng ta lại quy định công chứng cả về nội dung thì chúng tôi cũng rất băn khoăn không hiểu quỹ bồi thường của Nhà nước sẽ lớn tới mức độ nào.

Vấn đề thứ hai, cơ quan đại diện ngoại giao của nước ngoài cũng nằm trong tình trạng này, nhất là khi chúng ta xác định công chứng là một hoạt động nghề nghiệp tương đối chuyên sâu và mang tính rủi ro cũng rất nhiều, nhất là đối với các loại giấy tờ ở Việt Nam hiện nay, việc giấy tờ không chính xác cũng rất nhiều mà chúng ta lại yêu cầu thời gian công chứng rất là ngắn. Tôi cũng rất băn khoăn về việc thời gian và quỹ bồi thường của Nhà nước phải lớn đến cỡ nào? chúng ta có dự liệu được không? với việc chúng ta cho công chứng về nội dung với chế độ bồi thường như thế này.

Vấn đề thứ hai, ký quỹ hay là mua bảo hiểm, tôi thấy ký quỹ với mua bảo hiểm là hai biện pháp để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Nếu ký quỹ thì thôi mua bảo hiểm, mà mua bảo hiểm thì thôi ký quỹ, tại sao lại yêu cầu người ta vừa ký quỹ, vừa mua bảo hiểm? Chúng tôi cho rằng đây là hai biện pháp đảm bảo thực hiện nghĩa vụ, nếu quy định cùng hai biện pháp này là hai biện pháp chồng lên nhau, cho nên chúng tôi thấy không cần thiết. Một là chúng ta quy định ký, hai là mua bảo hiểm nhưng theo cơ chế hiện nay thì chúng tôi thấy tiến bộ nhất là quy định công chứng viên phải mua bảo hiểm.

Vấn đề thứ ba, cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài, hiện nay chúng tôi thấy với những giao dịch mà liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài thì đương nhiên sẽ liên quan đến người nước ngoài, khả năng bồi thường của Nhà nước sẽ rất là lớn. Chúng tôi theo hướng là càng thu hẹp thẩm quyền của cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài càng tốt và có lẽ chỉ nên cho họ chứng thực là chủ yếu. Tất nhiên với quy định trong dự thảo này, chúng tôi thấy cũng đã thu hẹp những thẩm quyền của cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài như lúc nãy Phó chủ tịch đã đọc.

Tôi thấy ở quy định cũ tại Điều 25 ở Nghị định hiện hành, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có thẩm quyền công chứng các việc quy định tại Điều 21 của Nghị định này. Tức là Điều 21 quy định thẩm quyền công chứng của Phòng công chứng và các việc khác theo quy định của Pháp lệnh lãnh sự, trừ việc giao kết hợp đồng mua, bán, tặng, cho, trao đổi, thế chấp bất động sản tại Việt Nam. Tại Nghị định này người ta chỉ cấm ở tại Việt Nam thôi, như vậy chúng ta đã quy định theo diện hẹp hơn rồi, tôi đề nghị theo hướng càng thu hẹp càng tốt.

Tất cả những vấn đề đó chúng tôi đi đến kiến nghị như sau:

Kiến nghị thứ nhất, nên quy định Phòng công chứng là đơn vị sự nghiệp có thu và được lấy thu bù chi. Phòng công chứng nên lấy tiền thu đó để mua bảo hiểm nghề nghiệp cho tất cả các công chứng viên.

Vấn đề thứ hai, nên quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 35 là Văn phòng công chứng, nếu không mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho công chứng viên thì sẽ bị chấm dứt hoạt động.

Vấn đề thứ ba, chúng tôi đồng ý là từ 7-10 năm thì nên chuyển dần dần và đến khoảng 10 năm nữa thì nên chuyển hẳn sang hoạt động công chứng theo mô hình công chứng tự chủ

Các văn bản liên quan