Trích ý kiến của ĐBQH Nguyễn Thị Hải – Tỉnh Phú Thọ

Thứ Sáu 15:49 01-09-2006

Kính thưa các đồng chí, qua nghiên cứu về Luật công chứng và ý kiến của các vị đại biểu phát biểu truớc tôi, tôi cũng đã có ý nhất trí. Phần chung chúng tôi thấy về phạm vi điều chỉnh cũng như ý kiến của các đại biểu phát biểu trước tôi, đó là chúng tôi cũng rất băn khoăn mặc dù trong luật này cũng đã nói rất rõ còn hai luồng ý kiến khác nhau. Về phía chúng tôi thì chúng tôi cũng băn khoăn nếu như chúng ta chỉ đưa vào điều chỉnh Luật công chứng thì còn phần chứng thực như thế nào? Vì chủ yếu của chúng ta hiện nay là phần chứng thực diễn ra rất nhiều trong nhân dân, như đánh giá là có 97% là chứng thực. Trong luật này chúng ta chỉ điều chỉnh về công chứng, chúng tôi thấy cái mà dân đang cần hiện nay thì chúng ta lại chưa đưa vào luật, nên chúng tôi đề nghị nếu được thì chúng ta nên điều chỉnh trong luật này cả công chứng và chứng thực. Như vậy tên gọi của nó là Luật công chứng và chứng thực, tôi nghĩ là những văn bản như trong này các đồng chí đưa ra thì có thể chúng ta đưa vào một chương đó là chương chứng thực để đáp ứng yêu cầu hiện nay của nhân dân. Và những phân tích của các vị đại biểu trước tôi thì tôi đã nhất trí như vậy.
Đi vào một số điều cụ thể, cũng như ý kiến các vị đại biểu nói trong quy định chung Điều 7 công chứng viên là người có đủ tiêu chuẩn theo quy định của luật này được bổ nhiệm hành nghề công chứng. Chúng tôi thấy nó rất chung chung, nhưng trong Điều 15 thì lại quy định về tiêu chuẩn của công chứng viên rất rõ. Vậy thì nếu chúng ta để Điều 7 thì chúng ta ghi là "công chứng viên là người có đủ tiêu chuẩn theo quy định của Điều 15 luật này", có nên cụ thể như thế để ta dẫn chiếu với Điều 15 ta thấy được tiêu chuẩn của người công chứng viên và được hành nghề công chứng.
Thứ hai, Điều 20, Khoản 3 tôi nhất trí như ý kiến của đại biểu Đủ có nói nếu như hồ sơ chúng ta đã trình lên Bộ trưởng Bộ Tư pháp thì thời gian nó cũng rất lâu. Thứ hai là quy định về thành lập Phòng công chứng cũng giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh. Tôi đề nghị việc này giao cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh có được không? Vì thời gian ngắn hơn và quy trình như vậy cũng là phù hợp, vì quyết định thành lập cũng là bổ nhiệm và thành lập Phòng cũng như Văn phòng, tôi đề nghị nên giao cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
Điều 35 chấm dứt hợp đồng, chúng ta đề nghị nên quy định rõ thời gian. Trong này chúng ta nói chấm dứt hoạt động của Văn phòng công chứng, ở Khoản 2 là đăng báo Trung ương hoặc địa phương về thời điểm dự kiến chấm dứt hoạt động. Chúng ta có nên quy định đăng báo Trung ương mấy số, báo địa phương mấy số không? Bởi vì nếu chúng ta nói đăng, ta chỉ đăng một lần thì có được không? Mà Luật doanh nghiệp quy định rõ đăng báo Trung ương là mấy số hoặc báo địa phương mấy số. Tôi đề nghị chỗ này chúng ta quy định cụ thể hơn. Một vấn đề nữa, trong Điều 68 tôi thấy luật này các đồng chí cũng đưa vào rất mới, đó là đề nghị Chính phủ quy định chi tiết các Điều 12, 14, 57, 59, 60, 61, 62, 63 của luật này. Nhưng chúng tôi xem lại các điều, Điều 57, 59, 60, 61, 62, 63 và Điều 14 tôi thấy chúng ta không có gì để cho Chính phủ quy định . Ví dụ Điều 62 xử lý vi phạm đối với cá nhân, tổ chức hành nghề công chứng bất hợp pháp. Chúng ta quy định gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật hoặc Khoản 1, Khoản 2 đều như thế. Cho nên tôi thấy nếu chúng ta cụ thể được theo quy định của pháp luật thì chung hoặc nếu có thể cụ thể được pháp luật nào thì chúng ta đưa cụ thể. Hay Điều 63 cũng vậy và các Điều 14, 57, 59 chúng tôi cũng thấy không có cái gì để cho Chính phủ phải quy định cụ thể ở đây, chúng tôi cũng băn khoăn chỗ này, đề nghị Ban soạn thảo các đồng chí nghiên cứu. Tôi xin có một số ý kiến như vậy

Các văn bản liên quan