Trích ý kiến của ĐBQH Nguyễn Hữu Nhơn – Tỉnh Đồng Tháp

Thứ Sáu 15:48 01-09-2006

Kính thưa các đồng chí.
Cơ bản tôi tán thành với dự thảo, so với dự thảo lần trước, lần này tiếp thu nhiều vấn đề. Tôi xin phát biểu một số vấn đề quan tâm.
Thứ nhất, quan điểm cá nhân tôi thấy rằng giữa công chứng và chứng thực kế thừa Nghị định 75 của Chính phủ.
Thứ hai là giữa công chứng Nhà nước và công chứng tư. Thứ ba là khả năng của cơ quan công quyền đáp ứng dịch vụ công cho công dân. Các đại biểu phát biểu trước tôi, tôi thấy thực tế có lẽ Ban soạn thảo thông qua chỉ đạo của Chính phủ, tôi nghĩ nếu Chính phủ muốn, chắc có lẽ là được, Quốc hội chắc cũng chấp thuận. Nhưng nhìn lại trong thực trạng các đồng chí thấy trên lĩnh vực công chứng hợp đồng giao dịch trong tổng kết của Chính phủ tỷ lệ rất thấp, nhưng Chính phủ muốn Quốc hội cũng phải chấp thuận. Còn thực tế hiện nay số lượng và khối lượng của chứng thực là áp lực rất mạnh mẽ đối với công chứng, không phải là công chứng hợp đồng giao dịch, hợp đồng giao dịch chỉ ít thôi. Không biết cái này có quan điểm là hòa nhập, hội nhập với quốc tế, phục vụ cho WTO thì tôi không rõ nhưng hiện nay áp lực mạnh mẽ từ dưới cơ sở, xã, phường, thị trấn đến Ủy ban nhân dân, Phòng tư pháp và các Phòng công chứng đều là chứng thật. Trong Nghị định 75 có một điều nghịch lý mà không biết Bộ Tư pháp tham mưu cho Chính phủ như thế nào thì tôi không hiểu nhưng lại những điều dễ làm thì giao cho cấp huyện, còn những cái khó giao cho cấp xã.
Ví dụ điển hình như chứng thực về di chúc giao cho xã, nhưng chứng thực sao những loại văn bản thông thường lại có hạn chế. Tôi nghĩ một số loại văn bản giao dịch thông thường thì nên giao xã phường, thị trấn thì nó đỡ áp lực cho cấp huyện và các phòng công chứng. Như Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện, tôi thấy nó rất giải toả cho áp lực công chứng, còn di chúc rất khó lại giao cho xã, tôi nghĩ di chúc nó là công việc phức tạp giao cho phòng công chứng, Uỷ ban nhân dân huyện hoặc phòng tư pháp. Còn những văn bản dễ dàng chúng ta phải có tính toán để giao cho thẩm quyền và năng lực cơ quan chính quyền địa phương nhất là xã, phường, thị trấn chứng thực các loại văn bản. Như vậy nếu dừng ở đây có một phần công chứng thôi, tôi nghĩ sẽ ra đời sự kế thừa Nghị định 75 này phải có Luật Chứng thực, hoặc pháp luật chứng thực gì đó thì phải nâng lên nữa. Như vậy nó thành 2 mảng.
Một là công chứng và chứng thực, bây giờ chúng ta tách ra rồi, một chân trái và một chân phải, chân phải chúng ta được ưu tiên trước là công chứng, còn lại chân trái chúng ta giao lại cho chứng thực, còn Nghị định 75 còn lại tức "rau răm sẽ ở lại chịu đời đắng cay". Quan điểm cá nhân tôi đặt ra vấn đề đó để Ban soạn thảo cũng như các đồng chí lãnh đạo Quốc hội cũng có suy nghĩ.
Trước đây chúng tôi có đề nghị luật này nếu được 2 mảng này kể cả công chứng và chứng thực thì luật này sẽ đồ sộ hơn, quy mô, phạm vi điều chỉnh nó tương đối có giá trị pháp lý hơn. Chứ còn chúng ta dừng lại ở công chứng này thì luật này thấy nó nhỏ bé, nó chỉ có một mảng công chứng thôi, như vậy nó đáp ứng cho nhu cầu của công chứng chỉ có phần công chứng cho hợp đồng giao dịch thôi. Quan điểm thứ nhất tôi có ý kiến như vậy.
Thứ hai, nó sẽ giống dạng như Luật Luật sư, sẽ có công chứng Nhà nước và công chứng tư, ở đây sẽ xuất hiện công chứng viên hoạt động cho phòng công chứng là hoạt động cho công chứng Nhà nước. Như vậy công chứng Nhà nước được quyền mở Văn phòng công chứng tư, hay không thì trong này không có đề cập. Tại Điều 13, các hành vi bị nghiêm cấm không có nói công chứng viên Nhà nước có quyền được mở phòng công chứng hay không?
Tôi nghĩ nếu luật này không có đưa điều khoản này thì chắc có lẽ mạo nhận cho phép công chứng viên Nhà nước được mở Văn phòng công chứng. Vì trong này các điều khoản tôi đọc thì thấy không có đề cập đến. Nếu luật không có đề cập đến, không cấm thì đương nhiên công chứng viên ở Phòng công chứng Nhà nước được quyền mở phòng công chứng tư, thì nó sẽ có hiện tượng là công chứng Nhà nước và công chứng tư, như vậy sẽ có chứng công và chứng ngoài, nó sẽ có xuất hiện cái đó.
Cho nên, ở đây tại Điều 27 mở Văn phòng công chứng, Phòng công chứng không có đặt vấn đề giữa công chứng Nhà nước và công chứng tư. Đề nghị các vị đại biểu làm rõ và các điều khoản mà Ban soạn thảo có ý đồ hay không để người hoạt động công chứng Nhà nước hiện nay đối với Văn phòng công chứng thì chúng ta cũng cần phải suy nghĩ. Nếu có, nên đưa vào luật điều chỉnh luôn, không cho phép công chứng tư hoạt động Nhà nước mở Văn phòng công chứng, nếu có cho phép thì phải đưa vào các điều khoản trong luật này công chứng viên ở Phòng công chứng được Văn phòng công chứng tư.
Trong một hoạt động của Văn phòng công chứng có Điều 35 là điều cuối cùng quy định chấm hoạt động của Văn phòng công chứng, trong này có 2 khoản, Khoản 1 và Khoản 2, Khoản 3 về thời hiệu và thời gian để chấm dứt có quy định là bắt buộc phải thanh toán, đăng công bố, đăng báo Trung ương, báo địa phương nhưng tôi nghĩ tính thời hiệu và thời gian của hợp đồng giao dịch không phải là một ngày, một bữa. Cho nên có những văn bản hợp đồng giao dịch có giá trị pháp lý rất dài, như vậy Văn phòng công chứng khi chấm dứt hợp đồng phải là bao nhiêu năm, chúng ta phải có quy định thời gian khi chấm là 1 năm hay là 2 năm, hay 3 năm, hay 5 năm, 10 năm vì có những văn bản giá trị pháp luật có khi 20 năm hoặc 30 năm. Văn phòng công chứng này, vì lý do nào đó, ví dụ như tự chấm dứt, hoặc bị lý do nào đó mà thu hồi giấy phép đăng ký hoạt động hành nghề công chứng này, cần phải quy định tính thời hiệu và thời gian chấm dứt hợp đồng, trong này không có quy định thời gian, chỉ nói bỏ ngỏ vậy thôi. Tức là thanh toán các khoản nợ và yêu cầu hợp đồng giữa đôi bên hoặc là đăng trên báo chí, báo Trung ương, báo địa phương. Tôi nghĩ quy định như vậy rất chung chung, rất khó.
Tôi đề nghị thời gian phải là 5 năm hay bao nhiêu, bởi vì văn bản có giá trị hợp đồng nó rất dài và khi phát sinh hậu quả pháp lý của văn bản bây giờ chúng ta không thể ngờ được khi hợp đồng giao dịch nó có phát sinh, nó hàm chứa ẩn trong đó khi đến một thời điểm nào đó thì nó mới có phát sinh. Như vậy khi Văn phòng đó đã chấm dứt hợp đồng thì bàn giao lại cho Văn phòng công chứng khác hoặc chấm dứt hoạt động của văn phòng đó. Tôi đề nghị trong Điều 35 phải có quy định thời gian, nếu không nói rõ thời gian rất khó, sau này hợp đồng giao dịch văn bản pháp lý có phát sinh thì hậu quả sau này ai chịu. Nên tôi đề nghị phải có quy định thời gian.
Cuối cùng, tôi có nảy sinh ra một điều suy nghĩ nữa, tôi có suy nghĩ hiện nay trong quan điểm cải cách hành chính Nhà nước chúng ta là cơ quan công quyền phải có trách nhiệm cung cấp dịch vụ công cho công chúng, đó là trách nhiệm. Hiện nay đối với Phòng công chứng tôi nghĩ, nếu trong cả nước chúng ta và đội ngũ công chứng viên mà không đáp ứng được, tôi đề nghị chúng ta phải có tính toán để tăng cường hoặc đảm bảo những điều kiện gì đó cho các Phòng công chứng. Tôi nghĩ trong thực tế nghe các địa phương báo cáo các Phòng công chứng của Sở Tư pháp, đây là đơn vị sự nghiệp có thu và tự thu, tự trang trải được. Trước đây Nhà nước chỉ cấp một phần sau này tự thu và tự chủ tài chính, trang trải được và có nộp ngân sách cho Nhà nước. Tôi nghĩ vấn đề này chúng ta phải có suy nghĩ, như vậy khả năng của cơ quan công quyền có đủ điều kiện để cung cấp dịch vụ công cho công chúng hay không? Hiện nay đội ngũ công chứng viên hoặc Phòng công chứng của ta không đáp ứng được yêu cầu công chứng cho công chúng thì chúng ta mới có xã hội hóa để mở rộng hay thêm Văn phòng công chứng. Nếu chúng ta có đủ điều kiện cơ quan công quyền có trách nhiệm phục vụ cho công chúng thì chúng ta phải củng cố và tạo mọi điều kiện để cho đội ngũ cán bộ công chứng viên cũng như các phòng công chứng đáp ứng yêu cầu công chứng. Thông qua cơ quan chính quyền các cấp để làm dịch vụ công phục vụ cho công chứng tốt hơn. Tôi thấy như vậy mới đáp ứng là Nhà nước của dân, do dân, vì dân phục vụ, nó cũng đủ điều kiện hay hiện nay chúng ta bất cập về Phòng công chứng hoặc đội ngũ công chứng nên chúng ta mới mở rộng xã hội đối với Phòng công chứng tư.

Các văn bản liên quan