Huy Nam, CV kinh tế và TTCK, TP HCM – Mở hơn chứ sao khép bớt?…

Thứ Hai 10:35 10-07-2006


Luật Đầu tư và Nghị định Luật Đầu tư…
Mở hơn chứ sao khép bớt?...

Huy Nam, CV kinh tế và TTCK, TPHCM

Trong quá trình soạn thảo Luật Đầu tư, đã có nhiều phản ứng khá mạnh đối với mục đích và nội dung của Luật. Và ngay cả sau khi Luật đã được thông qua, cũng chưahết những băn khoăn. Nay, dự thảo Nghị định hướng dẫn luật này lại tiếp tục gợi lên lo âu về khả năng môi trường làm ăn sẽ kém động viên, bị ảnh hưởng không tốt… Theo hiểu biết cá nhân và trên tinh thần xây dựng, xin nêu lên một số ý kiến, tuy chủ yếu là cho Nghị định, nhưng không tránh khỏi phải nhắc lại một số nội dung chưa hợp lý trong Luật Đầu tư. Góp ý này gồm hai phần, phần đầu là nhận định chung và phần sau đi vào cụ thể.

1. Những nhận định chung:

-         So sánh môi trường kinh doanh trước khi và sau khi có LĐT và Nghị định LĐT: Doanh nghiệp có khổ hơn? Xin bắt đầu bằng chút bănkhoăn… Đứng ở góc độ doanh nghiệp, cụ thể là các doanh nghiệp đã tổ chức và hoạt động theo Luật Doanh Nghiệp (LDN) 1999 để nhìn về tương lai khi họ phải thực hiện cùng lúc LDN 2005 và Luật Đầu tư  (LĐT), thì liệu họ sẽ nhận được sự thông thoáng hơn hay lại phức tạp? Sở dĩ lo là bởi nếu trước đây doanh nghiệp chỉ ‘xin’ đăng ký kinh doanh (ĐKKD) thì nay phải thêm ‘xin’ đăng ký đầu tư, sẽ mất công, thêm việc…

-         LĐT và Nghị định LĐT có làm hạn chế LDN? Nếu không phân định hợp lý và cụ thể về phạm vi điều chỉnh thì e rằng sẽ dễ xảy ra tình trạng luật dẫm lên luật, đầu này thoáng đầu kia có thể phiền hà. Cùng một nội dung và đối tượng có thể có nhiều ‘đầu quản lý’, hay cùng một đầu nhưng trùng lặp, nhiêu khê thủ tục…

-         Ta muốn quản cái gì? LĐT và Nghị định LĐT diều chỉnh gì? Bình thường, việc đầu tư là một quyết định mạo hiểm của cá nhân hay doanh nghiệp. Khi họ thực hiện các quyết định đó thì họ sẽ phải cần đến phương tiện hoạt động, phải có tư cách, phải thành lập thực thể, thông qua các định chế doanh nghiệp… Những thứ này đã được chế định hết rồi (LDN, Luật chứng khoán…). Quản lý là ta quản những thứ này, chứ sao lại quản cái ‘tinh thần doanh nghiệp’, cái ‘dám nghĩ dám làm’ (đầu tư), điều này có hạn chế sự hưng phấn ra làm ăn hay mở rộng (?) 

-         Các nội dung đề nghị LĐT và Nghị định LĐT cần chú trọng. Vậy Luật Đầu tư và Nghị định có nên chỉ đặt nặng các quy định về ưu đãi, khuyến khích hay hỗ trợ. Cạnh đó là các cơ chế hoạt động có tính ‘thời vụ’ hay giai đoạn (không tổ chức thực thể theo LDN), các trường hợp hay lĩnh vực bị hạn chế, bị cấm …(?). Và như vậy đối tượng điều chỉnh không phải chỉ nặng về phía doanh nghiệp mà quan trọng không kém là các cơ quan thực thi luật để khơi dậy đầu tư (?).

-         Sự bất hợp lý, kém thuyết phục khi nhà nước quá chú trọng ‘quản chặt dự án’ Dự án đầu tư dù sao cũng chỉ là ‘dự án’, là phương án dự trù, là dự tính ‘bột, bơ, đường, sữa’ hay còn gì nữa chưa tính hết, thêm bớt ra sao chưa biết được… chứ đâu phải đã ‘bánh’ mà ta quản chặt (?). Liệu người làm bánh có được tự do thêm bớt để ‘làm cho được’ bánh, để ‘cứu’ bánh, để bánh ngon hơn, rẻ hơn… Nghĩa là ‘dự án’ của họ luôn cần ‘điều chỉnh’ mà nếu quên ‘xin phép’ thì có sẽ bị phiền (?).

-         Việc ‘xin, cho’ có tái diễn và tình trạng ‘tiền kiểm’ có sống lại? Khó có dự án nào mà chính xác, nếu không muốn nói là đấy chỉ là thủ tục giải trình để tham khảo hay có khi chỉ là hình thức để đối phó. Vậy nên Luật Đầu tư Nước ngoài trước đây không còn coi trọng ‘luận chứng’, Luật Doanh nghiệp 1999 không còn đòi phải ‘cho xem tiền’ khi thành lập. Bây giờ có thêm Luật Đầu tư, chưa rõ mục đích thuyết phục là gì nhưng qua nội dung của Luật và Nghị định, có thể thấy việc ‘xin, cho’ có cơ tái diễn và tình trạng ‘tiền kiểm’ có đất sống lại.

-         Sự phức tạp trong các nội dung xin Giấy CNĐT và rắc rối điều chỉnh. Việc phải ‘xin’ Giấy chứng nhận đầu tư, phải xin thẩm định, phải ‘triển khai thực hiện dự án theo đúng qui mô, mục tiêu, nội dung, địa điểm, vốn, hình thức, tiến độ đã cam kết’ (Chương VI Nghị định LĐT); rồi sau đó lại còn phải xin ‘điều chỉnh’ theo các quy trình khác nhau nếu có sự thay đổi liên quan đến qui mô, mục tiêu, nội dung, địa điểm, vốn, hình thức đầu tư, tiến độ đã cam kết (Chương VI Mục III), mà thay đổi là điều khó tránh, thì e rằng lúc nào doanh nghiệp cũng bị ‘ám ảnh’ bởi thủ tục ‘xin, cho’, lo sợ bị kiểm tra, hay thậm chí có thể bị làm khó… 

-         Quy định về “điều chỉnh đầu tư” có đáng lo? Có sẽ như cái ‘án treo’ suốt đời đối với DN? Các tình huống gây phức tạp ở các mức ngưỡng: Trong thực tế, chính quy định về “điều chỉnh đầu tư” sẽ gây lắm khó khăn và phức tạp cho doanh nghiệp.

Căn cứ các nội dung và yêu cầu phải điều chỉnh theo Nghị định thì một doanh nghiệp, ví dụ cụ thể là doanh nghiệp nước ngoài và loại trong nước từ 15 tỷ đồng được thành lập trên cơ sở dự án sau 1-7-2006, sẽ bị cái ‘án treo’ phải xin điều chỉnh dự án suốt đời. Trong đó có nhiều nội dung (như địa điểm, vốn, hình thức đầu tư…) phải làm hai lần hồ sơ, một cho Giấy chứng nhận đầu tư và một cho Giấy ĐKKD. Ngoài ra, do Dự thảo buộc phải điều chỉnh khi có bất cứ thay đổi lớn nhỏ nào (kể cả ‘tiến độ’) so với ‘dự án đã được duyệt’, nên nếu lỡ quên thì việc bị ‘hỏi thăm làm khó’ sẽ là chuyện hợp pháp!

Chưa hết, tại các ngưỡng buộc phải ‘đăng ký’ hoặc ‘thẩm tra’ mới kịch tính. Đó là ở các mức 15 tỷ đồng và 300 tỷ đồng. Ví dụ, một dự án sản xuất mấp mé dưới 300 tỷ đồng sẽ không bị thẩm tra đầu tư. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, giả định đã có sự tính toán thiếu, giá cả tăng (và hằng trăm lý do khác) đưa đến việc vốn đầu tư dự án vượt quá 300 tỷ đồng, thì liệu dự án có bị buộc dừng lại để xin điều chỉnh và thẩm tra? Trường hợp vừa đưa vào hoạt động mà phải bổ sung thêm một số hạng mục hay phương tiện, ví dụ xe đưa đón công nhân, bếp ăn, nhà trọ… làm cho dự án vượt quy mô 300 tỷ thì sao?

Bản thân sự định giá hay công tác thẩm tra thẩm định sẽ còn là vấn đề khác…

-         Việc yêu cầu nhà đầu tư nước ngoài khi thành lập doanh nghiệp phải có dự án, phải chứng minh tài chánh (dù không ấn định mức cụ thể) có thể chẳng có mấy ý nghĩa nếu nhà đầu tư chỉ muốn mở một quán cà phê, một cơ sở sửa xe… (không thuộc danh mục đầu tư có điều kiện). Đó lại có thể là bước dọn đường cho các toan tính lớn thì đã có sao (?) Vậy ta đưa điều này vào Luật liệu nó có hiệu lực gì tích cực cho việc gạn lọc, có làm giảm cảm tình mời gọi, có mâu thuẫn hay ảnh hưởng gì đến nhiều đoạn khác ta nhắc đi nhắc lại chuyện ‘không phân biệt đối xử’(?)

-         Nói chung các Chương VI và Chương VII  trong Nghị định qui định về “Quy trình, thủ tục đầu tư trực tiếp” và “Quản lý Nhà nước về đầu tư” vừa quá chi tiết vừa chỉ chung chung, lại nặng nề. Có khi không quy định sẽ tốt hơn, nếu các nội dung đó đã thuộc chức năng nhiệm vụ, đã có các cơ sở pháp lý khác điều chỉnh. Quy định sẽ rối hơn nếu nhỡ giữa các điều luật có sự mâu thuẫn, cài thế, hoặc vô hiệu nhau. Đọc hai chương này người ta có cảm giác Luật muốn củng cố tinh thần ‘kế hoạch tập trung’, thể hiện rõ nhất ý này là ở Khoản 1 Điều 83 của Nghị định: “Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động đầu tư trong phạm vi cả nước, chỉ đạo xây dựng và thực hiện chiến lược, ban hành chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch, đầu tư phát triển theo ngành, lĩnh vực và vùng kinh tế.

-         Sự cần thiết phối hợp với LDN khi soạn LĐT và Nghị định. Nếu việc soạn thảo Nghị định (và có lẽ cả LĐT dù là chuyện đã rồi) mà không có sự phối hợp, không ăn khớp với LDN, thì e rằng việc thực hiện LDN, với mục đích tạo ra một sân chơi bình đẳng và thông thoáng, sẽ bị hạn chế, không phát huy hết ‘công suất’ của LDN như mong đợi..

-         Có thể bỏ thủ tục ‘xin, cho’ trong ưu đãi đầu tư? Có thể chỉ cần chứng minh hoặc giải trình ‘đủ điều kiện’ là được? Quy định ưu đãi trong Chương III của Nghị định, với các Phụ lục và Danh mục… là cần. Nhưng bên cạnh sự cần thiết nên cân nhắc về độ hấp dẫn trong ưu đãi, mong đợi về sự cải thiện trong việc thực hiện khuyến khích chưa có gì mới hơn so với Luật khuyến khích đầu tư năm 1998. Vẫn là chuyện ‘phải xin mới được cho’, thậm chí phải xin hai lần (Điều 22 Nghị định), thay vì chỉ cần chứng minh hoặc giải trình ‘đủ điều kiện là được’ như mong đợi. Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy Luật khuyến khích đầu tư 1998 dù có nhiều văn bản hướng dẫn, nhưng do chúng quá phức tạp nhiêu khê, nên không mấy doanh nghiệp quan tâm. Nhiều doanh nghiệp còn ‘không biết’ hay không biết phải làm thế nào mới được, nên  thôi. Doanh nghiệp xin được thì lại thường bị tốn kém và hao hụt… Nôm na vẫn là tình trạng ‘luật thì ưu đãi khuyến khích, nhưng việc hành luật chắc sẽ còn hành ưu đãi khuyến khích’…
 
2. Nhận định trực tiếp vào một số nội dung cụ thể:

Dưới đây xin nêu một số nội dung chưa rõ ràng trong Nghị định, các quy định kém động viên khuyến khích, những vấn đề liên quan đến kỹ thuật, có thể khó thực hiện hoặc sẽ gây bối rối trong thực thi.

-         Điêu 6: (Thành lập tổ chức kinh tế và thực hiện dự án đầu tư). Với quy định tại Khoản 2 và 3b thì có vẻ đầu tư nước ngoài luôn phải theo một thủ tục riêng chứ không nhập vào được với Luật DN (?).

“2. Nhà đầu tư nước ngoài lần đầu đầu tư vào Việt Nam phải có dự án đầu tư để được cấp Giấy chứng nhận đầu tư; Giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

3. Đối với nhà đầu tư nước ngoài đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư tại Việt Nam:
a) Trường hợp có dự án đầu tư mới mà không thành lập pháp nhân mới thì chỉ thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định của Nghị định này;

b) Trường hợp có dự án đầu tư mới gắn với việc thành lập pháp nhân mới thì thực hiện thủ tục thành lập tổ chức kinh tế theo quy định tại khoản 2 của Điều này

-         Điều 7: (Thành lập tổ chức kinh tế 100% vốn của nhà đấu tư), Theo Khoản 2 thì đây là loại hình gì (theo LDN)?

“Doanh nghiệp thực hiện đầu tư 100% vốn nước ngoài đã thành lập tại Việt Nam được hợp tác với nhau và/hoặc với nhà đầu tư nước ngoài để thành lập doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài.

-         Điều 11: (Đầu tư theo hình thức ….mua cổ phần, sáp nhập và mua lại doanh nghiệp), quy định như Khoản 3b thì việc xác nhận “thị phần 30%” liệu có đơn giản?

“Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài sáp nhập, mua lại doanh nghiệp tại Việt Nam mà có thị phần của nhà đầu tư nước ngoài hơn 30% trên thị trường trong năm thực hiện giao dịch sáp nhập, mua lại thì nhà đầu tư phải gửi cho cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư ý kiến bằng văn bản của cơ quan quản lý cạnh tranh để xem xét cấp Giấy chứng nhận đầu tư

-         Điều 12: (….. Công ty cổ phần có vốn đầu tư nước ngoài). Quy định như Điều này (chưa rõ để làm gì) nhưng cũng xin được nêu lên để doanh nghiệp trong nước lưu ý mà ‘phòng tránh’ hay ‘tận dụng’ nếu cần.

“Công ty cổ phần có vốn đầu tư nước ngoài là công ty được thành lập, tổ chức hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Công ty cổ phần có vốn đầu tư nước ngoài phải có ít nhất một sáng lập viên là nhà đầu tư nước ngoài. Công ty cổ phần có vốn đầu tư nước ngoài có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đầu tư”

-         Điều 22: (Thủ tục thực hiện ưu đãi đầu tư)

Vẫn sẽ ‘xin, cho’ nhiêu khê, như Khoản 1 “Đối với dự án đầu tư trong nướcthuộc diện không phải đăng ký đầu tư và dự án thuộc diện đăngký đầu tư quy định tại Điều 45 của Luật Đầu tư, nhà đầu tư căn cứ vào đốitượng hưởng ưu đãi và điều kiện hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định củaNghị định này và pháp luật có liên quan để xác định ưu đãi và làm thủ tục hướng dẫn cụ thể của cơ quan nhà nước có thẩm quyền

Lại phải ‘xin, cho’ hai lần, như Khoản 1 và 4:  “Trường hợp nhà đầu tư có yêu cầu xác nhận ưu đãi đầu tư thì làm thủ tục đăng ký đầu tư, cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư ghi ưu đãi đầu tư vào Giấy chứng nhận đầu tư”; và “Căn cứ vào ưu đãi quy định trong Giấy chứng nhận đầu tư, đối tượng hưởng ưu đãi và điều kiện hưởng ưu đãi thực tế mà nhà đầu tư đáp ứng, nhà đầu tư làm thủ tục theo quy định pháp luật có liên quan để cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc ưu đãi cho nhà đầu tư

-         Điều 45: (Chấm dứt hoạt động dự án đầu tư). Điều này có thể có liên quan đến pháp lý doanh nghiệp. Nếu vậy thì quy định về ‘chấm dứt hoạt động dự án đầu tư’ có bao quát hay dự liêu thêm nội dung ‘chấm dứt hoạt động và giải thể doanh nghiệp’?

-         Điều 47: (Chuyển nhương vốn). Quy định như Khoản 1 có thể xem là một ví dụ về thủ tục trùng lặp và thêm phức tạp: “Nhà đầu tư có quyền chuyển nhượng vốn của mình và thực hiện thủ tục đăng ký thành viên, đăng ký cổ đông trong sổ đăng ký thành viên, sổ đăng ký cổ đông theo quy định của Luật Doanh nghiệp và pháp luật có liên quan”. Vaứ “Nhà đầu tư phải thông báo cho cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư về việc chuyển nhượng vốn để điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư”.

Tương tư là Điều 48 (Chuyển nhượng dự án)

-         Điều 51: (Kho bảo thuế) Điều này thiết nghĩ không cần thiết đưa vào. Nên để các luật lệ chuyên ngành chế định để tránh sự so le hay hiểu lệch.

-         Điều 58: (Nội dung đăng ký đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư).Nếu Mẫu Giấy chứng nhận đầu tư nước ngoài (có nội dung như Nghị định) mà đồng thời là Giấy chứng nhận ĐKKD thì liệu về mặt kỹ thuật có ổn so với LDN?

1. Mẫu Đăng ký đầu tư và mẫu Giấy chứng nhận đầu tư do Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định áp dụng thống nhất trên phạm vi toàn quốc.

2. Giấy chứng nhận đầu tư bao gồm những nội dung chủ yếu sau:

a) Tên, địa chỉ của nhà đầu tư;

b) Địa điểm thực hiện dự án đầu tư; diện tích đất sử dụng;

c) Mục tiêu, quy mô dự án đầu tư;

d) Tổng vốn đầu tư;

đ) Thời hạn, tiến độ thực hiện dự án đầu tư;

e) Xác nhận các ưu đãi và hỗ trợ đầu tư (nếu có)” 

-         Điều 61: (Thủ tục đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư trong nước). Trường hợp nhà đầu tư trong nước phải xin Giấy CN đầu tư thì Giấy này có thay cho Giấy ĐKKD không? Nếu không thì tại sao?

-         Điều 78: (Nội dung Hợp đồng liên doanh) Quy định là cho hai bên (liên doanh TNHH). Nếu thành lập công ty cổ phần thì ‘Hợp đồng’ sẽ phải thế nào?

-         Điều 80: (Thủ tục góp vốn, mua cổ phần, sáp nhập, mua lại DN đối với đầu tư trực tiếp). Xin góp hai ý: 1) Việc phân biệt ‘đầu tư trực tiếp’ và ‘đầu tư gián tiếp’ (thực ra gọi là ‘đầu tư tài chánh’ sẽ đúng hơn) là rất tương đối, và hai dạng này hầu như không có ranh giới để mà chế định. 2) Quy định “mua cổ phần… theo hình thức đầu tư trực tiếp” là không vững lý. Đã vậy lại còn quy định mua xong “phải đăng ký kinh doanh… theo LDN” lại lạc luật (khác với LDN). 

-         Điều 81: (Thủ tục chuyển đổi hình thức đầu tư của DN có vốn đầu tư nước ngoài). Các quy định như của Nghị định liệu có lộn sân với các nguyên tắc pháp lý của LDN, có thể tạo rối rắm hay phức tạp về thủ tục nếu không có sự thống nhất giữa các văn bản luật. Nên quy về một mối sẽ hay hơn.

Có lẽ cần phải xác định lại điều gì thuộc luật nào điều chỉnh. Hai Luật vừa cần có sự rõ ràng vừa cần có sự phân vai và/hoặc bổ sung. Luật Đầu tư (và Nghị định) cần thiết phải là một ‘nửa tốt hơn’ (better half) của Luật Doanh nghiệp. Như vậy khi ‘ráp lại’ mới mạnh hơn. Đây là sự cần thiết để nền kinh tế nước nhà có điều kiện bật lên sức sống.

(Huy Nam)
 

Các văn bản liên quan