Hiệp hội đầu tư xây dựng năng lượng góp ý Dự thảo 16 NĐ hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư

Thứ Hai 14:41 10-07-2006


HIỆP HỘI ĐẦU TƯ XÂY DỰNG NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM
Số 64/HHNL-BKT
V/v: góp ý xây dựng Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư


CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
      Hà Nội, ngày 5 tháng 7 năm 2006

Kính gửi: Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

              Theo đề nghị của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Công văn số 1687/PTM-PC ngày 27 tháng 6 năm 2006 về việc đóng góp ý kiến nghiên cứu Dự thảo Nghị định, đối chiếu với hướng dẫn về thể thức và kỷ thuật trình bày văn bản của Bộ Nội vụ - Văn phòng Chính phủ tại Thông tư số: 55/2005/TTLT-BNV-VPCP ngày 06 tháng 5 năm 2005, Hiệp hội Đầu tư Xây dựng Năng lượng Việt nam xin góp ý như sau:

            I/ Về từ ngữ dùng trong dự thảo Nghị định:

            1/ Tên gọi: “Nghị định quy định hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư” đề nghị không nên dùng từ “hướng dẫn”, vì “hướng dẫn” chỉ dùng cho Thông tư hoặc công văn, còn Nghị định là một loại thể thức văn bản pháp lý phải thực hiện chứ không thể là hướng dẫn.

            2/ Giải thích từ ngữ:

            a/ Tại điều 11 khoản 3 điểm b câu cuối có cụm từ: “…cơ quan quản lý cạnh tranh”, là một khái niệm mới nhưng chưa được giải thích từ ngữ. Vì theo nhận thức của chúng tôi lâu nay cơ quan quản lý nhà nước là cơ quan chức năng, là công cụ của chính quyền làm nhiệm vụ quản lý hành chính, hướng dẫn thực hiện các chế độ, chính sách, điều chỉnh chế độ chính sách, không phải đơn vị làm kinh tế, kinh doanh, sản xuất nên không mang đặc tính cạnh tranh.

            b/ Trong dự thảo Nghị định có dùng cụm từ: “kho bảo thuế” tại điều 51, cụm từ này chưa được giải thích từ ngữ tại điều 2 của Nghị định, nên có thể có nhiều người khó hiểu.

            c/ Trong dự thảo Nghị định có một số chỗ dùng động tàu: “cho” tại điều 11 trong trường hợp gửi hồ cơ cho cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư là không phù hợp. Vì nếu “cho” có nghĩa là một sự ban phát, có xin mới cho, nhưng trong trường hợp này nhà đầu tư có nghĩa vụ phải gửi đến cơ quan chức năng có thẩm quyền để giải quyết.

            II/ Nội dung các điều trong dự thảo Nghị định:

            1/ Tại điều 4: Đề nghị không nên dùng động từ “làm bằng” mà nên thay là “sử dụng”, cụ thể câu này nên sửa như sau: “Hồ sơ dự án đầu tư và các văn bản chính chức gửi các cơ quan Nhà nước Việt Nam sử dụng bằng tiếng Việt”.

            2/ Tại điều 40 khoản 5: “…việc tham gia ý kiến về pháp luật, chính sách liên quan đến đầu tư phải được thực hiện ngay trong quá trình soạn thảo”. Qui định này chúng tôi thấy chưa ổn, vì trong thực tế các quy định của pháp luật, các thông tư hướng dẫn khi soạnt hảo có thể có điểm chưa lường trước, nhưng khi thực hiện mới phát hiện những vướng mắc hoạt điều bất hợp lý thì cần được phản ánh, tham gia để bổ sung sửa đổi.

            3/ Tại điều 44 khoản 3 điểm dự thảo: “Nhà đầu tư thông báo Cơ quan quản lý đầu tư về lý do và thời hạn tạm ngừng thực hiện dự án đầu tư”.

            Qui định như vậy chưa chặt chẽ và thiếu tính pháp lý, vì nếu chỉ qui định vậy thì việc thông báo có thể bằng một câu nói, một cú điện thoại mà không ai ghi nhận lại làm căn cứ. Vì vậy, đề nghị nên sửa lại như sau: “Nhà đầu tư thông báo bằng văn bản đến cơ quan nhà nước quản lý đầu tư về lý do và thời hạn tạm ngừng thực hiện dự án đầu tư”

            4/ Tại chương VI:

            a/ Mục I: các điều 52, 53, 54, 55, 56 qui định “thẩm quyền chấp thuận và cấp giấy chứng nhận đầu tư”

            nêu rõ thẩm quyền các cấp như: Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế. Trong chương này chúng tôi không thấy nói đến vai trò của Bộ quản lý kinh tế ngành.

            b/ Mục III: Tên gọi: “Thủ tục điều chỉnh đầu tư”

            Đề nghị bỏ “thủ tục” vì trong nội dung của mục này không chỉ là thủ tục mà có cả nội dung của đầu tư, vì vậy đề nghị sửa lại tên gọi của mục này là: “ điều chỉnh đầu tư”

            5/ Về điều khoản thi hành Nghị định: được quy định tại điều 100 là từ 01/7/2006 chúng tôi thấy có hai vấn đề:

            * Luật Đầu tư được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI, kỳ họp thứ 8 thông qua từ ngày 18 tháng 10 năm 2005 có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2006. Như vậy, đáng lẽ Nghị định này đã được ban hành chậm nhất là tháng 6 năm 2006 để các nhà đầu tư, các cơ quan quản lý nhà nước có điều kiện triển khai thực hiện, nhưng đến nay mới lấy ý kiến tham gia là quá chậm.

            * Về ký hiệu niên hạn ngày, tháng ghi trong văn bản pháp qui phải ghi đầy đủ chứ không gạch như dự thảo. Cụ thể là: “nghị định này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2006”

            Trên đây là một số ý kiến của Hiệp hội Đầu tư Xây dựng Năng lượng Việt Nam xin gửi đến Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nghiên cứu tổng hợp.


Nơi nhận:
-         Như trên
-         Lưu: VP, BKT


T/M BAN CHẤP HÀNH HIỆP HỘI ĐẦU TƯ XÂY DỰNG NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM
CHỦ TỊCH
 
 
Trần Viết Ngãi


 

 

 
 
 
 
 

Các văn bản liên quan