Công ty Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển góp ý DT 11

Thứ Ba 10:28 20-06-2006
Công ty bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và phát triển
 
1. Khoản 1 Điều 2 đã liệt kê khá đầy đủ các loại tài sản được coi là vốn đầu tư nhưng thực tế cũng không thể liệt kê hết được, do vậy Ban soạn thảo đã quy định điểm i, khoản 1 điều 2 là “các tài sản và quyền có giá trị kinh tế khác nhau theo quy định của pháp luật và quy định trong các điều ước quốc tế là thành viên”. Một câu hỏi đặt ra là “giá trị thị phần” có được coi là một loại tài sản góp vốn không?. Bởi vì “giá trị thị phần” được hiểu là giá trị được tạo ra cho nhà đầu tư khi nhà đầu tư có uy tín và sản phẩm của nhà đầu tư đó chiếm lĩnh phần trăm nhất định trên thị trường. Ví dụ như: Khi một nhà đầu tư nước ngoài đến Việt nam muốn liên doanh với một doanh nghiệp Việt nam để cùng nhau kinh doanh sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường Việt Nam, trong khi đó, sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam đã có uy tín và chiếm lĩnh phần lớn thị trường Việt Nam. Trên thực tế, đã có một số nhà đầu tư (bên Việt Nam) góp vốn bằng “giá trị thị phần”. Để đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư, nhà nước nên công nhận “giá trị thị phần” được coi là một trong những tài sản góp vốn để góp vào vốn đầu tư.

2. Khoản 3 Điều 8
nên quy định rõ là: “Doanh nghiệp thực hiện đầu tư dưới các hình thức liên doanh được thành lập trên cơ sở hợp đồng liên doanh, có tư cách pháp nhân theo pháp luật Việt Nam, được thành lập và hoạt động động kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đầu tư”.

3
.  Điều 15, 16,  của Nghị định, về lĩnh vực ưu đãi đầu tư, thực chất là Nghị định muốn qui định rõ, chi tiết theo các điều 27, 28 của Luật đầu tư mà các nhà đầu tư rất cần biết, nhưng không cần trải ra mấy điều như Nghị định, mà chỉ cần quy định  tại  01 điều là đủ.

4. Khoản 1, 2, 3 Điều 18 cùng quy định đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư

Nên gộp lại thành 01 điều khoản nhằm đảm bảo tính khoa học, ngắn gọn, dễ hiểu của Điều Luật. Có  thể quy định như sau:  “ Nhà đầu tư thực hiện các dự án đầu tư mới, đầu tư mở rộng quy mô, nâng cao công suất, năng lực kinh doanh, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm ô nhiễm môi trường trong hoặc ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế được hưởng ưu đãi đầu tư trên cơ sở Danh mục lĩnh vực và địa bàn ưu đãi đầu tư theo quy định của Nghị định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.”

5. Khoản 1 Điều 9 của Nghị định quy định khái niệm “Hợp đồng hợp tác kinh doanh”

Quy định như sau: “Hợp đồng hợp tác kinh doanh là văn bản ký kết giữa các nhà đầu tư (sau đây gọi tắt là các bên hợp doanh) để tiến hành đầu tư, kinh doanh, trong đó quy định trách nhiệm và phân chia kết quả kinh doanh cho mỗi nhà đầu tư mà không thành lập pháp nhân mới”. Trong khi đó, Khoản 16 Điều 3 Luật Đầu tư đã quy định: “Hợp đồng hợp tác kinh doanh (sau đây gọi tắt là hợp đồng BCC) là hình thức đầu tư được ký giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm mà không thành lập pháp nhân” Như vậy, khi đọc hai điều luật này, người đọc có thể thấy rằng đây là 2 khái niệm khác nhau đối với cùng một sự việc, cũng là Hợp đồng hợp tác kinh doanh thì Luật quy định là “hình thức đầu tư được ký giữa các nhà đầu tư”, còn Nghị định lại quy định là “văn bản ký kết giữa các nhà đầu tư”. Mặc dù cả hai khái niệm trên đều đúng, tuy nhiên xét về mặt bản chất, thì nội dung của 2 điều luật trên đều thể hiện rằng các nhà đầu tư ký kết một thỏa thuận để hợp tác kinh doanh mà không thành lập pháp nhân và thỏa thuận đó gọi là hợp đồng. Do vậy, trong Luật và Nghị định đều phải có sự thống nhất về khái niệm, tránh những trường hợp hiểu khác nhau, đồng thời nếu Luật đã quy định rồi thì Nghị định không quy định lại nữa.

6. Điều 42 của Nghị định quy định cụ thể Nghĩa vụ và trách nhiệm của nhà đầu tư, tuy nhiên điều luật này đã không quy định rõ việc thực hiện các nghĩa vụ này cụ thể như thế nào và chỉ nhắc lại hầu hết những nội dung của Điều 20 Luật Đầu tư.

Ngoài ra, trong điều 42 Nghị định chỉ có thêm khoản b và khoản c là nội dung mới. Như vậy việc quy định lại nghĩa vụ của nhà đầu tư tại khoản 1 điều 42 và điểm a khoản 2 là không cần thiết. Nếu cần bổ sung những nghĩa vụ cụ thể hơn so với Luật Đầu tư thì quy định bổ sung thêm, ví dụ như điểm b, c khoản 2 điều 42 của Nghị định. Về mặt phân biệt “nghĩa vụ” và “trách nhiệm” của nhà đầu tư là không cần thiết vì thực tế thì “trách nhiệm” cũng đồng nghĩa với nghĩa vụ phải thực hiện một công việc do nhà nước yêu cầu đối với nhà đầu tư.            

7. BIC nhận thấy dự thảo quy định điều 79 còn chưa rõ ràng, không phù hợp và thừa so với nội dung điều 11.

Nếu theo Điều 79, nhà đầu tư khi mua cổ phần, sáp nhập với doanh nghiệp …. phải giải trình cho cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư tức là xin phép cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư…” . Trên thực tế, việc mua bán cổ phần là quyền của các nhà đầu tư với nhau miễn là tuân theo qui định pháp luật, vấn đề mua lại doanh nghiệp cũng là sự thoả thuận giữa các nhà đầu tư với nhau, thể hiện quyền hạn của nhà đầu tư, vấn đề sáp nhập doanh nghiệp cũng là quyền hạn của các doanh nghiệp với nhau.  Khi nhà đầu tư thực hiện việc sáp nhập, mua lại doanh nghiệp mà có thị phần lớn hơn 30% thì phải có ý kiến cơ quan cạnh tranh. Như vậy, việc nhà đầu tư mua bán cổ phần, sáp nhập doanh nghiệp chỉ nên quy định như điều 11 là vừa đủ.  

8. Về nội dung giấy đăng ký, chấp thuận đầu tư ghi trong các phụ lục kèm theo Nghị định thiếu thực tế, cụ thể:

- Phần mục tiêu và phạm vi hoạt động của dự án, yêu cầu liệt kê cả năng lực sản xuất đến từng loại sản phẩm, trên thực tế có nhiều loại công nghệ có thể cho ra nhiều loại sản phẩm hoàn toàn khác nhau, nên nếu có kê thì giá trị của lời kê đó là vô nghĩa, mà nếu ghi theo đơn vị tấn, tạ thì chẳng biết để làm gì.            -
Về tiến độ thực hiện dự án, mà yêu cầu dự kiến đến cả ngày thì giá trị thực tế của nó chẳng có ý nghĩa gì, nên nếu đòi hỏi phải ghi thì người ghi cũng không phải suy nghĩ mà cứ ghi, nếu vậy thì giá trị pháp lý của qui định sẽ không còn, nên xem lại có phải “nhà nước” với khái niệm quản lý phải làm đến như thế không? - Trang 51, mẫu GCH -2 ở điều 1, nói về đăng ký thành lập DN 100% vốn nước ngoài, nhưng trang sau lại là DN liên doanh, đề nghị xem lại.
Trên đây là những ý kiến đóng góp về dự thảo lần thứ 11 c ủa Nghị định quy định hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư.


Q.GIÁM ĐỐC 
    
Phạm Quang Tùng

 

Các văn bản liên quan