Hiệp hội Dệt may Việt Nam góp ý DT 11

Thứ Ba 10:48 20-06-2006

Hiệp hội Dệt May Việt Nam có một số ý kiến như sau:

            1. Về định nghĩa “Tài sản đầu tư” nêu tại Điều 2 của Dự thảo Nghị định, theo chúng tôi chỉ nên đưa ra định nghĩa khái quát, không nên đưa ra danh sách liệt kê dài dòng nhưng không đầy đủ khiến cho nội dung của định nghĩa bị hạn chế. Ví dụ điểm e, mục1 của điều 2 nêu về Quyền sở hữu trí tuệ nhưng  không thấy đề cập đến các thành phần khác thuộc Quyền sở hữu trí tuệ  như bằng phát minh, quyền tác giả, bí mật thương mại…

            Các hình thức tổ chức hoạt động kinh doanh đã được quy định tại Luật Doanh nghiệp, vì vậy, theo chúng tôi cũng không cần thiết phải đưa ra định nghĩa về “Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài” để tránh cách hiểu có sự phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp có nguồn vốn góp khác nhau trong môi trường kinh doanh vốn tuân theo quy luật chung.

            2. Đối với việc áp dụng pháp luật và điều ước quốc tế (Mục 3, Điều 3), nên có quy định linh hoạt hơn, trong trường hợp cần khuyến khích đầu tư, nếu pháp luật có quy định ưu đãi hơn so với Điều ước Quốc tế mà Việt Nam tham gia nhưng không xung đột hiệu lực với điều ước đó thì vẫn có thể áp dụng như quy định của pháp luật trong nước.

            3. Đối với việc đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, sáp nhập, mua lại doanh nghiệp, theo chúng tôi không nên quy định như mục 3, điều 11. Để tránh tình sáp nhập, mua lại doanh nghiệp có khả năng dẫn đến tình trạng độc quyền, lũng đoạn thị trường, có thể quy định như mục 3 đã nêu nhưng áp dụng chung cho cả nhà đầu tư trong và ngoài nước, như vậy sẽ là công bằng, tránh được cách hiểu có sự phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

            4.  Vẫn với tinh thần không phân biệt đối xử và thống nhất với ý kiến  đã trình bầy tại mục 1 trên đây, theo chúng tôi nên bỏ điều 12 Dự thảo Nghị định quy định về Đầu tư theo hình thức Công ty Cổ phần có vốn đầu tư nước ngoài. Việc hạn chế lĩnh vực hoạt động đã có quy định tại điều 17 Dự thảo.

            5. Để đảm bảo vai trò định hướng, điều tiết đầu tư, phát triển kinh tế của Nhà nước, khuyến khích đầu tư vào những vùng, miền, lĩnh vực ưu tiên, theo chúng tôi, không nên xoá bỏ ưu đãi đầu tư dựa trên tiêu chí xuất khẩu đối với khu chế xuất, ưu đãi giữa khu Công nghiệp và ngoài khu Công nghiệp.

            6. Đối với việc Thuê Công ty Quản lý (Điều 46), đây là một nội dung thể hiện quyền tự chủ trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Trong bối cảnh Việt Nam tích cực hội nhập quốc tế, việc pháp luật công nhận quyền thuê Quản lý của nhà đầu tư là phù hợp với xu hướng và môi trường kinh doanh quốc tế hiện đại, như vậy quy định như Điều 46 Dự thảo là hợp lý.

            7. Về việc thanh lý dự án đầu tư quy định tại Điều 49 do nhà Đầu tư thực hiện như trong Dự thảo là hợp lý.

            8. Nên có quy định trong Nghị định về Thanh tra, kiểm tra hoạt động đầu tư nhằm đảm bảo hiệu quả đầu tư, sớm phát hiện sai phạm.

            9. Đối với danh mục lĩnh vực khuyến khích đầu tư, Hiệp hội Dệt May kiến nghị bổ sung sản xuất nguyên phụ liệu ngành dệt may thay cho điểm 24, khoản II, phụ lục A và bổ sung “đầu tư nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất hàng dệt may”  vào danh sách các lĩnh vực khuyến khích đầu tư.

Chủ tịch Hiệp hội

Lê Quốc Ân

Các văn bản liên quan