Trích ý kiến của ĐBQH Nguyễn Xuân Hướng – Tỉnh Hà Tĩnh

Thứ Ba 08:37 05-09-2006

Kính thưa các đồng chí, chúng tôi xin có mấy ý kiến nhỏ sau.

Thứ nhất, phải nói dự thảo lần này so với dự thảo lần thứ 10 có những điểm khác rất lớn, nó gọn nhẹ và xúc tích. Đúng là luật khung cho tất cả các hội như thế này chúng ta thấy nhiều điểm phù hợp. Sau Điều 1 chúng tôi đề nghị nên có mục giải thích từ ngữ như đại biểu Mai Anh vừa rồi phát biểu, vì hiện nay ở Trung ương có 360 Hội, nhưng quy lại chỉ có 4 dạng: thứ nhất là tổ chức chính trị xã hội, thứ hai là tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp, thứ ba là tổ chức xã hội, thứ tư là tổ chức xã hội nghề nghiệp. Đến bây giờ nhiều người cũng chưa hiểu thế nào là tổ chức chính trị xã hội, xã hội nghề nghiệp, chính trị xã hội nghề nghiệp và có một số từ trong luật này cũng phải giải thích để cho mọi người rõ hơn. Chúng tôi nghĩ nên có mục giải thích từ ngữ.

Về phạm vi điều chỉnh, lần này đưa ra 3 phương án, chúng tôi tán thành phương án 1 vì phương án 2 nói Hội là gì, Mặt trận Tổ quốc có phải hội hay không? Tôi nghĩ theo như Điều 1 định nghĩa về Hội thì Mặt trận Tổ quốc không phải là hội, hội phải có tổ chức, có hội viên còn Mặt trận có tổ chức, nhưng lại là thành viên chứ không phải là hội viên, thế thì không phải là hội rồi. Cho nên, đưa Mặt trận Tổ quốc vào chỗ này chúng tôi thấy không phù hợp.

Còn phương án 3 chúng tôi nghĩ không nên nữa, không nên để Hội a, Hội b mà như trùng với phương án 1 và Khoản 2, Điều 5, chúng tôi nghĩ như thế này vừa mềm dẻo và cũng vừa có đầy đủ trách nhiệm đối với các Hội tổ chức chính trị xã hội. Ví dụ như Hội Đông y chúng tôi hiện nay có 7 vạn hội viên, trong cả nước có 7 vạn hội viên, 7 vạn hội viên của chúng tôi có 5.000 hội viên là Phật giáo, Công giáo, Cao đài hòa hảo, bên kia họ cũng hội cả thôi, các Giáo hội đều là hội cả, Phật giáo cũng là hội, Công giáo cũng là hội. Hội này điều chỉnh theo kiểu này, hội khác điều chỉnh theo kiểu khác. Một cụ lương y vừa là công giáo vừa là chủ tịch Hội đông y ở xã, khi cụ ngồi chỗ này của người cao tuổi thì điều chỉnh khác, thậm chí các bà nữ lại là Hội Liên hiệp phụ nữ điều chỉnh khác, sang Hội đông y thì luật khác điều chỉnh, tôi cho thế này không thống nhất. Cho nên như phương án 1 và có thêm Khoản 2, Điều 5, chúng tôi nghĩ đầy đủ và nó mềm dẻo nhưng cũng chấp nhận được và như thế hội ta nói chung trong cả nước là hội phải có luật chung. Chúng tôi thấy về phạm vi điều chỉnh xin đề nghị như vậy.

Thứ hai, tại Điều 6, Khoản 2, ở đây nói tên không trùng lặp với tên gọi của hội đã được thành lập hợp pháp. Chúng tôi đề nghị không những trùng tên gọi, mà trùng lĩnh vực hoạt động. Bởi vì cũng có ý kiến cho rằng nếu trong một lĩnh vực có 2 - 3 hội cùng thành lập mà để hoạt động trong lĩnh vực có sự cạnh tranh. Cạnh tranh ở đây nói gì thì nói là lợi nhuận, vì lợi nhuận mà cạnh tranh, chứ còn cái khác có lý gì để cạnh tranh cả. Ở trên chúng ta đã dùng không vì lợi nhuận, thì không nên thêm mục là "không nên trùng lặp với lĩnh vực hoạt động". Tôi nghĩ nếu trùng lặp rồi có nhiều chuyện xảy ra, tôi e rằng Bộ Nội vụ là cơ quan quản lý Nhà nước các hội sẽ phải xử về các hội tranh giành nhau về lĩnh vực hoạt động, tranh giành nhau về ảnh hưởng trong lĩnh vực hoạt động. Cho nên chúng tôi đề nghị Khoản 2, Điều 6, nên thêm vào "không trùng lặp tên gọi, nhưng cũng không trùng lặp cả lĩnh vực hoạt động".

Điều 7, chúng tôi đề nghị Khoản 5, nên quản lý Nhà nước hoạt động hợp tác quốc tế của hội, chúng tôi đề nghị là Nhà nước thống nhất quản lý hợp tác quốc tế về hoạt động của hội, vì như thế này: hội chúng tôi là Hội đông y, hiện nay có cái gì cũng là Ban đối ngoại của Trung ương Đảng, từ xin đi nước ngoài, đón các đoàn nước ngoài vào Việt Nam, tất cả những hoạt động đối ngoại đều xin Ban đối ngoại Trung ương Đảng. Bây giờ thống nhất lại là bên kia có quản nữa hay bên Bộ Nội vụ quản hay cả hai bên cùng quản, rồi có những cái phức tạp xảy ra. Chúng tôi đề nghị nên bên Đảng quản, bên Nhà nước quản thì chỉ một bên quản thôi, chứ không nên đưa vào luật này bên Đảng thì Ban Đối ngoại lại quản nữa, cho nên cũng gây phức tạp, chúng tôi thấy chỗ này nên sửa như thế.

Điều 8, Khoản 2 chúng tôi đề nghị thế này, Bộ Nội vụ đã thay mặt Chính phủ quản lý hội thì quản lý tất cả, quản lý Nhà nước về hội thì quản lý tất cả, không nên một số nội dung, còn những nội dung khác thì ai quản. Nói gì thì nói, muốn hay không muốn là Nhà nước phải quản lý hội, điều đó là điều chúng ta phải khẳng định với nhau, chứ không thể để hội muốn làm gì thì làm. Tất nhiên có pháp luật điều chỉnh, nhưng Bộ Nội vụ nên ghi câu chung là quản lý Nhà nước về hội, chứ không nên nói là quản lý một số nội dung.

Khoản 3, chúng tôi đề nghị đối với các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi, quyền hạn của mình, có trách nhiệm để hội tham gia thực hiện chương trình dự án, đề tài nghiên cứu khoa học, tư vấn phản biện và cung cấp dịch vụ công là được, còn thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật trong ngành, lĩnh vực của mình thì chúng tôi đề nghị không nên thiết kế vào đây, vì tôi nghĩ có những luật khác điều chỉnh, ví dụ Hội đông y chúng tôi hoạt động, bây giờ có gì sai phạm thì trước hết có Ban kiểm tra của hội, hội viên của hội mà kiện cái gì thì Ban kiểm tra của Trung ương hội phải giải quyết là việc đầu tiên. Việc thứ hai là có các luật khác điều chỉnh, ví dụ anh hành nghề sai thì có Luật dược điều chỉnh, Luật bảo vệ sức khỏe nhân dân điều chỉnh. Nếu người nào hành nghề y dược tư nhân mà vi phạm thì có Pháp lệnh hành nghề y dược tư nhân điều chỉnh. Hay ví dụ khiếu nại, tố cáo thì có Luật khiếu nại, tố cáo điều chỉnh, chúng tôi nghĩ không nên đặt vấn đề thanh tra, kiểm tra vào đây nữa thêm nặng nề mà chúng tôi nghĩ cũng không phù hợp với tình hình hiện nay. Hơn nữa ở Điều 7, Khoản 6 đã nói rồi, thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, xử lý vi phạm sai phạm về Luật hội, chúng tôi nghĩ để trên Điều 7 là được rồi và Điều 8 không nên thiết kế vào đây nữa.

Ý kiến thứ tư, Điều 16, chỗ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy chứng nhận đăng kỳ thành lập hội và công nhận Điều lệ hội đối với hội hoạt động trong phạm vi của tỉnh. Việc này vừa rồi chúng tôi đã có mắc mớ rồi, trước đây hội chúng tôi có 4 cấp từ Trung ương cho đến xã, phường. Trước đây điều lệ quy định cho tất cả từ Trung ương đến xã phường, Đại hội XI vừa rồi Bộ Nội vụ duyệt điều lệ thì điều lệ lần này chỉ để Trung ương thôi, còn xã phường, tỉnh huyện thì để cho dưới tự chủ. Hiện nay đang có sự xáo trộn ở dưới, có tỉnh đề nghị theo điều lệ của Trung ương mà hoạt động, có tỉnh thì đồng ý cho làm quy chế, nhưng cũng có tỉnh người ta bảo không. Có một tỉnh hôm qua chúng tôi vừa làm công văn trả lời là khi hội đưa quy chế sang trình bày để Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt, có tỉnh đưa điều lệ sang trình bày để phê duyệt thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh nói một câu như sau: Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo toàn dân chỉ có một điều lệ từ Trung ương đến địa phương, hội anh là cái gì mà anh đòi thành lập điều lệ của tỉnh này riêng. Cho nên chưa phải tỉnh nào cũng hiểu và cũng không đồng ý giải quyết vấn đề chấp nhận cho tỉnh hội có điều lệ để hoạt động. Đây cũng là một vấn đề chúng tôi thấy cần phải cân nhắc, là quản lý Nhà nước về hội ở Uỷ ban nhân dân tỉnh là được rồi, còn về chỗ điều lệ tôi nghĩ hội nào có nhiều cấp nên để cho Trung ương thống nhất chung một điều lệ để hoạt động cho thuận lợi. Còn hội chỉ có ở cấp Trung ương thì không nói rồi, hay hội chỉ đến cấp tỉnh thì không nói rồi, nhưng chúng tôi là hội có 4 cấp hội thì có những cái cần phải xem xét.

Về tài chính của hội, lần này có vấn đề bỏ đi chúng tôi thấy còn băn khoăn tại Khoản b là tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài theo quy định của pháp luật. Ở đây có điều là trước đây có nói là được ngân sách Nhà nước tài trợ, chúng tôi nghĩ nên giữ vấn đề này, vì ngoài 6 tổ chức chính trị xã hội ra còn có một số tổ chức hội, tổ chức hội được Nhà nước tài trợ. Tôi nghĩ nên để câu này ở đây, vì trong Luật Ngân sách có nói là các tổ chức xã hội nghề nghiệp được Luật Ngân sách tài trợ theo quy định của pháp luật. Bên nào cũng quy định, cuối cùng người ta không biết dựa vào đâu để tài trợ.

Các văn bản liên quan