Trích ý kiến của ĐBQH Nguyễn Nghiễm – Tỉnh Bình Phước

Thứ Ba 08:36 05-09-2006

Kính thưa Hội nghị,
Về Dự án Luật về Hội, qua theo dõi và nghiên cứu cũng như lắng nghe ý kiến dư luận xã hội, tôi thấy rằng đây là một Dự thảo Luật mà được đông đảo các tầng lớp quần chúng nhân dân quan tâm, đặc biệt là các đoàn thể chính trị xã hội có rất nhiều ý kiến. Qua thảo luận tại kỳ họp lần thứ 9 vừa rồi, tôi thấy có rất nhiều vấn đề mà còn có ý kiến khác nhau. Nhưng qua báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì bản thân tôi thấy có rất nhiều những vấn đề được đặt ra tại kỳ họp thứ 9 đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban soạn thảo các đồng chí đã giải trình làm rõ. Tôi rất trí với rất nhiều những nội dung trong Báo cáo giải trình cũng như dự thảo luật gồm 7 chương và 34 điều, tôi cho rằng gọn và rõ. Dưới đây tôi xin được phát biểu ý kiến và bày tỏ chính kiến của mình đối với một số vấn đề mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý chúng ta cần tập trung thảo luận.
Trước hết, về phạm vi điều chỉnh của luật, tôi đồng ý với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ban soạn thảo, Luật về hội không những có nhiệm vụ điều chỉnh và cụ thể hóa Điều 69 của Hiến pháp về quyền lập hội của công dân mà nó còn phải quy định về trình tự, thủ tục lập hội, những vấn đề chung về tổ chức và hoạt động của hội, cũng như quản lý Nhà nước về hội. Do đó tôi đồng ý với Ban soạn thảo là lấy tên Luật về hội, tôi nghĩ tên này hợp lý và nó rất rõ, nó bao hàm được các nội dung của dự thảo luật.
Vấn đề thứ hai, đối tượng áp dụng, trong kỳ họp thứ 9 vừa rồi có thể có rất nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội đặt ra xung quanh các đối tượng áp dụng của dự án luật này và tại Báo cáo giải trình lần này Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có đưa ra 3 phương án về đối tượng áp dụng. Cá nhân tôi cũng nhất trí như nhiều đại biểu phát biểu trước tôi là đồng ý với phương án 1, tức là luật này quy định về tổ chức hoạt động của hội và quản lý Nhà nước về hội có tư cách pháp nhân và Khoản 2 thì hội không có tư cách pháp nhân sẽ hoạt động theo quy định của Chính phủ.
Khoản 3 quy định về hội doanh nghiệp của nước ngoài thành lập tại Việt Nam theo quy định của Chính phủ.
Về lý lẽ như giải trình của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Ban soạn thảo tôi cho rằng phương án này nó phù hợp với định nghĩa về hội tại Điều 1 và nó cũng phù hợp với những điều có liên quan tại Điều 4 và Điều 5. Nó cũng phù hợp với tình hình thực tiễn và tổ chức hoạt động của hội nước ta hiện nay. Do đó tôi nhất trí với phương án 1.
Từ quy định về đối tượng áp dụng của phương án 1 thì một vấn đề đặt ra tôi và một số đại biểu băn khoăn có cái suy nghĩ, nếu như theo quy định tại Điều 1 về hội và phương án 1 về đối tượng áp dụng, vì vậy nhiều đại biểu có băn khoăn về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, rồi các đoàn thể chính trị xã hội, còn tôi lại có thêm một suy nghĩ vậy Đảng cộng sản Việt Nam có phải là hội hay không và có là đối tượng luật này điều chỉnh hay không? Vì theo quy định tại Điều 1 tôi thấy: "Hội là tổ chức tự nguyện bao gồm những người có cùng nhu cầu, mục đích, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Hội, hội viên và cộng đồng, góp phần phát triển đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh" Tôi nghĩ rằng Đảng Cộng sản Việt Nam cũng không ngoài mục đích này và một số các quy định về tổ chức và hoạt động, vấn đề tài sản, vấn đề kinh phí hoạt động, có những điều mà tôi rất suy nghĩ. Nhân đây, tôi đề nghị với Ban soạn thảo, với Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm rõ thêm về vấn đề này. Tôi biết cùng với tôi, có một số đồng chí cũng đã có những suy nghĩ như thế này.
Vấn đề thứ ba, về hội viên liên kết, xung quanh vấn đề này, tại Điều 18 đã quy định về hội viên chính thức, ở đây dự thảo luật không có quy định các đối tượng này mà sẽ do Chính phủ quy định. Về các hội viên liên kết, qua Báo cáo giải trình tôi cho rằng mục đích của các cá nhân, tổ chức Việt Nam, cá nhân ở nước ngoài muốn trở thành hội viên liên kết trong các Hội của Việt Nam cũng như mục đích của các hội khi kết nạp hội viên này tôi thấy nó chưa rõ lắm và về địa vị pháp lý của các hội viên này cũng không rõ ràng.
Về quy định hội viên liên kết ngay trong luật này tôi nghĩ nếu chúng ta quy định không cụ thể, không chặt chẽ, không qua con đường hội viên liên kết tôi e rằng sẽ dẫn tới bị lợi dụng và đặc biệt trong tình hình hiện nay tôi thấy như ý kiến của một số đại biểu phát biểu trước tôi là quy định về hội của chúng ta phải chặt chẽ, ngoài các hội viên chính thức rồi tôi nghĩ rằng không nên quy định hội viên liên kết theo quy định trong luật này.
Ngoài ra tôi xin được phát biểu thêm một số ý kiến vào các điều cụ thể.
Về Điều 2 có 3 khoản, Khoản 1 quy định: công dân có quyền lập hội, ra nhập hội, ra khỏi hội theo quy định của luật này và các luật khác có liên quan.
Khoản 2 quy định: Nhà nước tôn trọng và bảo đảm quyền lập hội của công dân tạo điều kiện cho hội hoạt động và phát triển.
Hai khoản này tôi thấy quy định như thế là rõ và chặt chẽ. Nhưng riêng Khoản 3 tổ chức và hoạt động của hội phải tuân theo Hiến pháp và pháp luật. Tôi thấy Khoản 1 quy định về công dân, Khoản 2 quy định về Nhà nước bảo đảm quyền lập hội, Khoản 3 quy định phải tuân theo Hiến pháp và pháp luật. Nhưng tại Điều 4 quy định về nguyên tắc tổ chức hoạt động của hội, cũng có quy định ở Khoản 5 quy định tuân thủ Hiến pháp và điều lệ hội. Tôi đề nghị Điều 2 chỉ nên có 2 khoản, Khoản 1 và Khoản 2, còn Khoản 3 thì chúng ta thu hút về Khoản 5, Điều 4, tức là về nguyên tắc tổ chức hoạt động của hội thì nó phù hợp hơn. Bởi vì tên của Điều 2 là đảm bảo quyền lập hội. Khoản 1 và Khoản 2 thể hiện rất rõ về bảo đảm quyền lập hội. Còn Khoản 3 tôi đề nghị nên thu hút nó xuống Khoản 5, Điều 4 thì nó đúng hơn, hợp lý hơn. Điểm c, Khoản 3, Điều 27 quy định quá thời hạn 12 tháng không tổ chức đại hội hết nhiệm kỳ, quy định như thế này tôi cho rằng nó hơi cứng. Bởi vì tổ chức đại hội nhiệm kỳ nó phụ thuộc rất nhiều vào ban lãnh đạo của hội, mà ban lãnh đạo của hội các đồng chí thấy có khi rất nhiều việc. Tôi đề nghị nếu không có lý do chính đáng thì chúng ta mới quy định cái này, còn nếu có lý do chính đáng thì tôi đề nghị chúng ta nới lỏng cái đấy.

Các văn bản liên quan