Trích ý kiến của ĐBQH Nguyễn Đình Lộc – Thành phố Hồ Chí Minh

Thứ Ba 08:33 05-09-2006

Kính thưa các đồng chí, chúng tôi hôm nay được nghe phần giải trình, phần phát biểu về một số vấn đề của dự án luật này. Nghe cũng thấy nhiều, đến 18 vấn đề, tuy luật thì rất ít lời, có 34 điều thôi, nhưng tôi biết luật này có ý nghĩa rất lớn. Trước khi phát biểu ý kiến của mình chúng tôi cũng có điều băn khoăn về việc sửa này. Chúng tôi cho rằng ở Điều 1 sửa như vậy đã thỏa đáng chưa, từ đó đặt ra vấn đề là chức năng, vai trò của hội hiện nay như thế nào. Ở đây chúng ta nói rằng hội lập ra không vì mục đích lợi nhuận, tôi không hiểu điều này. Xã hội ta bây giờ lợi nhuận là vấn đề trung tâm, vì nhiệm vụ trung tâm hiện nay của chúng ta là xây dựng kinh tế. Nói xây dựng kinh tế không chỉ để cho có kinh tế mà kinh tế phát triển, muốn phát triển thì phải có lợi nhuận, lợi nhuận của từng người dân một và lợi nhuận của cả xã hội, cũng vì lợi nhuận mà người ta tham gia vào những tổ chức nhất định.
Ở đây chúng ta lại nói không vì mục đích lợi nhuận, tôi không hiểu được. Nếu như nói không vì mục đích vụ lợi thì nghĩa khác, nhưng nói không vì mục đích lợi nhuận thì rõ ràng không phải. Người nông dân cầm cây lúa cắm xuống đất đã phải nghĩ vấn đề lợi nhuận rồi, nó có mang lại lợi ích cho mình không? Nếu tôi tham gia một hội nào đấy, nếu không vì lợi nhuận tôi không tham gia. Tất nhiên có những hội chơi, hội những người uống bia, hội những người đi du lịch và có cả hội của những người đồng tính nhưng đó không phải là những hội cơ bản. Hội cơ bản bây giờ là hội tập hợp những người sản xuất lại trong cùng 1 hội vì dân ta có câu "Buôn có bạn, bán có phường". Buôn, bán có phường, có bạn đấy là vì mục đích lợi nhuận. Vấn đề là chúng ta chống lợi nhuận bất hợp pháp, chống vụ lợi mờ ám.
Cho nên tôi nghĩ không đặt một lợi ích, lợi nhuận rõ ràng luật này chưa thể hiện được nhiệm vụ cơ bản của xã hội ta hiện nay. Vì người ta làm việc gì thì cũng phải tính lợi nhuận, hơn nữa trong điều kiện xã hội ta còn đang quá độ bước vào cơ chế thị trường người dân còn rất bỡ ngỡ, nhất là làm ăn với nước ngoài hết sức lúng túng, có bao nhiêu vấn đề thua lỗ thế mà ở đây đơn thuần chúng ta chỉ nói là vì bảo vệ quyền lợi ích. Tôi cho rằng chưa đầy đủ, chính bây giờ các hội phải bày vẽ cho người dân làm ăn thực hiện cho được phương châm là đối với những người đó phải "cầm tay chỉ việc" cho họ, nếu chúng ta nghĩ chỉ bảo vệ chung chung thế thôi, thì không được, không chỉ vì mục đích bảo vệ mà còn cả mục đích tăng trưởng, mở rộng lợi ích đó. Cho nên, chúng tôi thấy phải xác định lại cho rõ hội bây giờ không giống như trước đây nữa, hội bây giờ là hội làm ăn, hội bây giờ là vì mục đích phát triển của xã hội, muốn phát triển xã hội thì từng người dân và cả xã hội phải có lợi nhuận và nhiều việc phải hướng dẫn cho dân. Cho nên chúng tôi dùng những hình thức này chúng ta thấy có vẻ hơi cũ một chút nó chưa phản ánh được tình hình mới bây giờ. Đó là vấn đề thứ nhất mà chúng tôi muốn phát biểu.
Vấn đề thứ hai, chúng tôi đang băn khoăn không biết chúng ta đã đến lúc cần đặt vấn đề đó không? Đó là từ sau đại hội X đến nay mới có mấy tháng, nhưng vấn đề đang thu hút sự quan tâm rất nhiều của các nhà khoa học, nhất là khoa học xã hội đó là xã hội công dân. Xã hội công dân đó là một hình thức liên hiệp của tất cả những người vì những mục đích, vì những lợi nhuận trực tiếp, mà đặc điểm của xã hội công dân là gì? Đó không phải theo ngành dọc, những tổ chức này chủ yếu theo ngành dọc mà có mặt bằng ngang thế này, rất nhiều những tổ chức rồi đây sẽ ra đời mà bây giờ đang ra đời, không phải ngẫu nhiên bây giờ chúng ta nhiều hội như thế, sắp đến rất nhiều hội nữa ra đời. Vậy thì chúng ta đặt vấn đề đó ở đây như thế nào? Chúng ta đang nói nhiều đến các đoàn thể mà có tính chất cổ điển rồi và chúng ta cho đấy là vấn đề cần phải quan tâm, nhưng không thấy rằng sắp đến thì người dân sẽ tập hợp lại những người cùng lợi ích, cùng có mong muốn phải tập hợp lại thành những tổ chức, thành một hội, thái độ chúng ta đối với họ như thế nào, ở đây hầu như không đề cập đến nếu có thì nói rất xa.
Cho nên chúng tôi thấy không xác định cho rõ ý nghĩa, chức năng của hội hiện nay và ý nghĩa của luật này thì chúng ta sẽ đi theo con đường cũ. Tất nhiên cũng có ý kiến nói rằng vì mục đích lợi nhuận ở đây thì không phải vì mục đích lợi nhuận của hội viên, của thành viên mà của bản thân hội đó. Hội đó để tồn tại cũng phải có hình thức nhất định trong hoạt động dịch vụ, tại sao mình bắt người ta tự túc, bắt người ta phải tự quản, bắt người ta phải tiến tới tự chủ về tài chính mà không có hình thức nào cả, ngoài đóng góp của thành viên thì làm thế nào được. Vấn đề anh không vì mục đích vụ lợi, nói đến vụ lợi tức là mục đích mờ ám thì chúng ta phải ngăn ngừa, chứ đây chúng ta nói mục đích lợi nhuận thì rất khó hiểu.
Chúng tôi thấy trước hết phải xác định cho rõ ý nghĩa của luật này, đưa ra để tạo ra cơ sở pháp lý cho những hoạt động nào của cấp hội, nhằm vào mục đích giải trí, chơi bời hay mục đích tập hợp lại lực lượng để ổn định, đẩy mạnh sản xuất, làm cho xã hội chúng ta về năng suất lao động, về tăng trưởng kinh tế ngày càng cao. Chúng tôi thấy rõ vấn đề mà chúng tôi rất băn khoăn.
Chúng ta thấy rằng chúng ta cứ băn khoăn nhiều về mấy tổ chức như Mặt trận, như các đoàn thể đối với chúng ta hiện nay đã rõ rồi. Chúng ta nên đặt họ vào đâu, lý do mà một số tổ chức đó như Mặt trận đã có luật rồi thì lý do đó không cơ bản, vì chúng ta xác định rằng luật này là Luật hội, luật khung của tất cả các hội, rồi đây từng hội một có những luật riêng của nó, nhưng đây là luật khung chung cho tất cả các hội, chúng ta lấy lý do là các hội đó có luật rồi, luật đó chỉ là luật cụ thể của từng hội một thôi. Bây giờ cần có luật khung cho tất cả, nếu Mặt trận muốn vận dụng quy định nào đây trong luật này thì có được vận dụng không hay là bảo anh ở ngoài cuộc xin mời anh ra.
Tôi nghĩ rằng cần phải tính hết chỗ đó, chúng ta thường nói với nhau là luật chung và luật riêng, luật chung là phải bao gồm tất cả những cái gì chung cho những cái riêng, nhưng luật riêng có thể có những cái riêng của nó, nhưng không vì thế mà không thấy được mối liên hệ cơ bản giữa hai luật đó với nhau. Tất nhiên tôi ngồi với đồng chí Vũ Xuân Hoà thì chúng tôi cũng phân tích rằng không biết Mặt trận ta bây giờ là một hội như thế nào, tính chất của hội như thế nào, nó có phải phi Chính phủ không, đột nhiên tôi lại nghĩ đến chữ "Á", nó là "Á hội" hay là "Á Chính phủ" xin lỗi nó "Á Chính phủ". Không phải là phi chính phủ, không phải là Chính phủ mà nó Á Chính phủ, có phải như thế không? Nhưng nó vẫn mang tính chất hội.
Hôm trước tôi cũng trao đổi qua với các đồng chí ở Mặt trận, Mặt trận ta bây giờ không nên tập trung vào những hội lớn như thế này, mà phải hướng về cơ sở, rồi đây sẽ ra đời hàng loạt tổ chức có tính chất quần chúng mà chỉ ở mặt bằng ngang thôi, không dọc với Trung ương. Thái độ của Mặt trận chúng ta có tập hợp họ hay không, hay chúng ta cứ loay hoay với mấy tổ chức lâu nay đã thành cổ điển rồi. Tập hợp lực lượng sắp đến Mặt trận phải bao quát hết toàn dân, vậy những người sản xuất họ đứng ở đâu? Đây là điều chúng tôi thấy rằng chúng ta cứ băn khoăn nhiều về tính chất của Mặt trận, rồi đưa nó ra, đưa nó vào, mà không thấy được mục đích sắp đến của việc tập hợp lực lượng toàn dân như thế nào thông qua sản xuất, thông qua những hình thức lợi nhuận thì rõ ràng là chậm chân của Mặt trận. Cho nên nói đến Mặt trận hiện nay không chỉ nghĩ ban hành một luật cho vài ba năm tới, mà phải tính đến rằng rồi đây khi Nhà nước pháp quyền thực sự ra đời, rồi đây khi xã hội công dân thực sự ra đời thì khi đó tính chất của Mặt trận hoàn toàn khác và phải nghĩ ngay đến chuyện tập hợp những lực lượng đó, đừng để một lực lượng nào bên ngoài Mặt trận, đó mới chính là mục đích sâu xa của Mặt trận, không phải Mặt trận chỉ chọn 1 số đối tượng, còn những tổ chức khác thì gạt ra ngoài, trong trường hợp đó nó không phù hợp với tính chất đại đoàn kết của chúng ta. Cho nên chúng tôi thiết tha đề nghị cân nhắc kỹ nhiệm vụ sắp tới của Mặt trận, đồng thời phải tính đến những cái thể chế sắp đến sẽ ra đời.

Các văn bản liên quan