Trích ý kiến của ĐBQH Nguyễn Minh Thuyết – Tỉnh Lạng Sơn

Thứ Ba 08:22 05-09-2006

Kính thưa các đồng chí.
Về cơ bản tôi nhất trí với bản dự thảo Luật về hội và Báo cáo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trong ngày hôm nay. Chúng tôi cũng như đồng chí Đinh Văn Oanh thấy báo cáo đó cũng rất chặt chẽ và cũng tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu trong kỳ họp trước.
Thời gian có hạn nên tôi chỉ xin góp ý về những điều đề nghị Ban soạn thảo cùng với cơ quan thẩm tra của Quốc hội cân nhắc thêm thì tôi có 8 ý kiến như sau:
Ý thứ nhất, liên quan đến Điều 1 định nghĩa về Hội, dĩ nhiên luật này nó hơi khác với luật khác, thường các luật khác bao giờ mở đầu bằng Điều 1 về phạm vi điều chỉnh. Luật này mở đầu ngay là định nghĩa thì chúng ta cũng chấp nhận một đặc biệt như vậy. Nhưng chúng tôi thấy trong phần định nghĩa về hội chúng tôi lại không tán thành việc đưa hội không có tư cách pháp nhân vào đây. Ví dụ như Hội đồng hương, Hội đồng tế, đồng môn v.v... mình đưa vào đây thì chúng tôi xin báo cáo như sau:
Thứ nhất là nó không đúng với định nghĩ về hội nêu ở Khoản 1, Khoản 1 có nói đến bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội, hội viên và cộng đồng. Vì nhiều khi Hội đồng môn, đồng tế này nó không bảo vệ gì cả, cũng không góp phần bảo vệ đất nước, nếu xét cho cùng cũng có thể nói như thế, thực ra những hội này nó tự nguyện đến với nhau cho nó vui thôi, chứ người ta cũng không vì mục đích như vậy, nó không đúng với định nghĩa. Theo tôi nếu như mình đưa những đối tượng này vào định nghĩa về hội chỉ vì lý do nó tên là hội, tôi cho lại không ổn. Bởi vì nếu nói tên là hội thì có nhiều cái tên là hội, nhưng thực chất nó không đúng định nghĩa về hội, nó không phải về hội. Thậm chí có nhiều cái núp dưới danh nghĩa là hội, nhưng là hoạt động thứ khác, hoạt động tôn giáo chẳng hạn nó lại sang phạm vi điều chỉnh luật khác nó không phải là hội. Thậm chí như trong miền Nam chúng ta gọi là hụi, nói cho đúng nó cũng là hội, nhưng nó không phải là hội, tên là hội nhưng không phải là hội. Có những hội không phải tên là hội, nhưng nó lại chính là hội, ví dụ Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh có tính chất của hội, đúng với định nghĩa về hội, chúng tôi xin đề nghị nên cân nhắc, nên bỏ chỗ này ra vì đã có pháp luật khác điều chỉnh rồi, những tổ chức như thế này khi họ tập hợp nhau hoạt động, thì đã có Luật An ninh quốc gia, đã có những pháp luật về trật tự an toàn xã hội điều chỉnh rồi. Cho nên, theo chúng tôi không nhất thiết đưa vào đây, mình đưa vào đây tức là mình thừa nhận và mình lại khuyến khích người ta tổ chức những hội tự phát như vậy. Theo tôi, chính đấy là một kẽ hở pháp luật nên cẩn thận.
Vấn đề thứ hai, cũng là ý kiến thứ nhất, nhưng liên quan đến chuyện 3 phương án, liên quan đến các tổ chức như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Đoàn thanh niên cộng sản, Hội phụ nữ và Hội cựu chiến binh, chúng tôi cũng tán thành về cơ bản là phương án 2, tức là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là một tổ chức khác hẳn, là một liên minh chính trị, tổ chức này tham gia vào việc quản lý đất nước hoàn toàn không giống các tổ chức khác, Mặt trận Tổ quốc giới thiệu những người ứng cử đại biểu Quốc hội, có quyền rất là lớn trong việc điều hành, giám sát về quản lý Nhà nước.
Theo chúng tôi là không nên đưa Mặt trận Tổ quốc vào phạm vi điều chỉnh luật này, nhưng còn những tổ chức khác theo chúng tôi nên đưa vào phạm vi điều chỉnh của luật này, ví dụ Tổng Liên đoàn Lao động, Hội phụ nữ, Hội nông dân, Hội cựu chiến binh, bởi vì nếu lấy lý do đây là những Hội tương đối đặc biệt, chúng ta có liên minh công nông, binh, trí. Ở đây anh em ta cũng bảo thế thì Liên hiệp Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Liên minh của trí thức, nếu mình đã thực hiện những hội kia có đặc thù thì cũng phải thừa nhận liên minh của trí thức này có những đặc thù. Theo tôi các hội khác, các tổ chức khác ngoài Mặt trận Tổ quốc, nên thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này. Nhưng ở đây có vấn đề là một số tổ chức đã có luật riêng quy định rồi, ví dụ Tổng liên đoàn lao động Việt Nam thì có Luật công đoàn thì phải như thế nào. Theo tôi những tổ chức này hoạt động theo Luật về hội và pháp luật có liên quan còn luật này là luật lớn nhất về Hội, cho nên phải theo luật này. Luật này mới ra phải theo luật này và những quy định khác của pháp luật mà trái với luật này về các tổ chức đó thì cần phải sửa hoặc cần phải theo luật này, theo tôi không nên theo những luật khác. Đây là liên quan đến điều áp dụng pháp luật ở Điều 5. Nếu chúng ta nói là khi các luật khác có quy định về hội khác với luật này thì phải theo luật khác, tôi cho không đúng, vì đây là luật lớn nhất của Hội rồi, cần phải theo luật này. Những cái gì không đúng của các luật trước đây như Luật Công đoàn chúng ta cũng cần phải chỉnh sửa theo những quy định của luật này. Nhưng chúng tôi tin không có vấn đề gì không đúng cả.
Vấn đề thứ ba, chúng tôi xin phát biểu ý kiến điều kiện trở thành hội, về điều này chúng tôi đề nghị nên gọi là điều kiện lập hội hơn là điều kiện trở thành hội và điều kiện này chúng tôi chỉ thấy một điều là chúng ta quy định để bỏ ngỏ cho Chính phủ, theo tôi không nên.
Khoản 4, Điều 6, quy định có số người đăng ký tham gia hội tối thiểu theo quy định của Chính phủ. Chúng tôi xin báo cáo với các đại biểu, trên thực tế khi thành lập hội chỉ có 5 - 7 ông, 10 ông là Ban vận động thành lập hội, lúc đấy đã lấy được ý kiến của ai đâu, lúc ấy Nhà nước cũng chưa có quyết định công nhận mình cho lập hội thì mình đi mình xin ý kiến rộng rãi như thế có hợp pháp không? Trên thực tế chỉ có Ban vận động thành lập thôi, còn nếu bây giờ chúng ta quy định phải có bao nhiêu chữ ký của những người sẵn sàng tham gia nhập hội thì mới được lập hội, thì theo chúng tôi nên quy định ngay ở đây, không nhất thiết cái gì cũng phải để cho Chính phủ, nếu để như thế phải chờ đợi qúa lâu mà thực sự không cần thiết. Cần phải 1000 người hay 2000 người tham gia, xin đề nghị ghi vào luôn.
Vấn đề thứ tư, chúng tôi xin có ý kiến về quản lý Nhà nước, chúng ta thấy ở Điều 7 theo chúng tôi quy định như vậy cũng là đầy đủ rồi, nhưng riêng về Khoản 5 là quản lý Nhà nước về hoạt động của hội, theo tôi khoản này lại trùng với Khoản 1 rồi, Khoản 1 ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật. Trong chuyện tổ chức văn bản quy phạm pháp luật anh đã quản lý toàn bộ các hoạt động của hội, trong đó có quản lý về hợp tác quốc tế. Bây giờ mình lại quản lý nốt, mình lại ghi rõ 1 điều như thế này vừa trùng với Điều 1, thứ hai là tôi thấy mình quản lý chặt quá. Bởi vì quản lý về hoạt động hợp tác này chính là quyền của hội, mà mình quản lý Nhà nước nếu người ta làm sai thì mình chỉnh sửa, mình giúp đỡ, tạo điều kiện cho các hội người ta tổ chức mở rộng quan hệ quốc tế. Theo chúng tôi không nên ghi vào đây.
Về câu chữ Khoản 2 chúng tôi xin đề nghị sửa lại một chút, nếu nói "đăng ký việc thành lập hợp nhất" mà lại là nội dung quản lý Nhà nước thì không phải. Nội dung quản lý Nhà nước là tiếp nhận đăng ký hay vào sổ đăng bạ, còn đăng ký thì hội đó phải đăng ký. Chúng tôi đề nghị thêm một khoản nữa là phải có một quyền nữa là quyền đình chỉ hoạt động của hội nếu hội vi phạm pháp luật. Chúng tôi đọc hết luật này chúng tôi thấy không có khoản nào đình chỉ, giải thể hội là do hội tự giải thể. Nhưng nếu người ta hoạt động vi phạm pháp luật, xâm phạm an ninh quốc gia thì mình phải có quyền đình chỉ hoạt động của hội, ở các nước người ta cũng làm như vậy, mình có đưa khoản này, vào chúng tôi thấy cũng không sợ thiếu dân chủ.
Ý kiến thứ năm, về trách nhiệm quản lý Nhà nước. Theo chúng tôi không nên đưa các Bộ, các ngành vào đây. Theo chúng tôi chỉ có quy định:
Thứ nhất là Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước trong phạm vi cả nước.
Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý về hội theo sự phân công của Chính phủ. Đã có chữ "theo sự phân công" là rõ lắm rồi, chúng tôi đề nghị bỏ chữ "một số". Bộ Nội vụ quản lý một số nội dung quản lý Nhà nước, chưa có luật nào viết như thế này.
Thứ ba, về Bộ, cơ quan ngang Bộ chúng tôi hiểu ở đây có một số vấn đề đặc thù của xã hội ta, ví dụ một số hội là thuộc các ban của Đảng quản lý, chứ không phải là thuộc các Bộ, chúng tôi đề nghị những trường hợp đặc thù thì do Chính phủ quy định, tốt nhất là mình viết như thế chứ không nên đề tất cả các Bộ vào đây, và cuối cùng Bộ nào lại có Hội trực thuộc Bộ ấy, tôi thấy như thế nó quá cồng kềnh. Chỉ cần Bộ Nội vụ và Ủy ban nhân dân tỉnh, nhưng ở đây có một vấn đề liên quan đến Điều 16 rất khó thực hiện, chỗ này mình có quy định là Bộ Nội vụ cấp giấy chứng nhận thành lập hội, lập trong cả nước, còn Ủy ban tỉnh cấp giấy chứng nhận cho những hội hoạt động trong tỉnh, thì chúng tôi xin nói là hoạt động Hội nó hơi khác, khó có thể phân biệt được, có một loại Hội Mía đường Quảng Ngãi tôi lấy ví dụ thế, có thể có nhiều anh thích ở các tỉnh khác gia nhập thì hoạt động của người ta vẫn là trên phạm vi cả nước. Chỗ này mình phải quy định là: "Ủy ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm quản lý những Hội, cấp giấy chứng nhận cho Hội và có trụ sở chính ở tỉnh" Theo chúng tôi không nên phân biệt phạm vi cả nước và phạm vi tỉnh như thế này cũng không đơn giản như vậy. Một vấn đề nữa chúng tôi xin đề nghị là chú ý thủ tục thành lập Hội, nếu như cơ quan quản lý Nhà nước không cho thành lập Hội thì người ta có được quyền khiếu nại không, cái này phải ghi rõ. Sau khi người ta khiếu nại bao nhiêu ngày thì cơ quan phải giải quyết, nếu không giải quyết thì phải ra quyết định hành chính, người có quyền khởi kiện ra Toà án hành chính.

Các văn bản liên quan