Trích ý kiến của ĐBQH Đinh Văn Oanh – Tỉnh Nghệ An

Thứ Ba 08:19 05-09-2006

Tôi thấy trong bản tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cũng như Ban soạn thảo rất đầy đủ và cũng khá chặt chẽ. Về cơ bản tôi tán thành tất cả những ý kiến đã tiếp thu và đã thể hiện trong dự thảo.

Tôi xin phát biểu để khẳng định sự ủng hộ của mình đối với dự thảo này.

Thứ nhất, tên gọi của luật, tôi tán thành như dự thảo là Luật về hội, vì như chúng ta thấy không chỉ thành lập mà phải quản lý Nhà nước về cả nội dung hoạt động của hội như thế nào. Trong tình hình hiện nay rất nhiều hội có thể thành lập, nhưng hoạt động của hội như thế nào thì chúng ta không quản lý được. Do vậy, chúng ta phải quy định trình tự thủ tục thành lập nội dung hoạt động của hội và những điều phải cấm để chúng ta đảm bảo ổn định xã hội, chứ không rất nhiều hội thành lập ra rồi lợi dụng chiêu bài khác làm rối loạn xã hội là không nên. Cho nên, theo tôi Luật về thành lập hội chính xác hơn, đầy đủ hơn.

Thứ hai, khái niệm về hội, chúng tôi tán thành dự thảo, hội hoàn toàn là những người tự nguyện tổ chức lại với nhau để thành lập tổ chức theo nguyện vọng, mục đích riêng của từng hội viên đó. Như trong Điều 1 này, cũng phản ánh khá đầy đủ bản chất của hội như thế nào, gồm có những người tự nguyện, có cùng nhu cầu, mục đích, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên và cộng đồng. Ở đây, chữ "cộng đồng" cũng hơi rộng.

Trước hết, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp hội viên của họ đã, nhiều hội bảo vệ lợi ích phù hợp với lợi ích của cộng đồng, nhưng cũng có những hội viên không phải bảo vệ tất cả lợi ích của cộng đồng đâu.

Còn góp phần phát triển đất nước vì mục tiêu chung, tôi thấy hoàn toàn thoả đáng, phân ra là hội có tư cách pháp nhân, hội không có tư cách pháp nhân là hoàn toàn chính xác. Bởi vì thực tiễn hiện nay ở cơ sở có rất nhiều hội được chính quyền ở tỉnh cho phép thành lập, ở Trung ương được Trung ương cho phép thành lập và có đầy đủ tư cách pháp nhân với cách là một chủ thể độc lập, tự chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của mình trước Nhà nước, trước cộng đồng và toàn xã hội. Rất nhiều hội cũng được thành lập, nhưng hoạt động của nó không thường xuyên và không chặt chẽ, không có điều lệ, chỉ có những quy ước, đôi khi thỏa thuận bằng miệng hoặc bản quy ước của tập thể đó, không ai công nhận như một điều lệ của hội đó.

Theo tôi hội này không có đủ tư cách pháp nhân. Khái niệm về hội tôi tán thành như ở Điều 1.

Ý kiến thứ ba, về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng.

Về phạm vi điều chỉnh tôi tán thành như dự thảo là luật này chỉ điều chỉnh những hội có đủ tư cách pháp nhân, còn hội không đủ tư cách pháp nhân thì ta không điều chỉnh. Bởi vì rất nhiều hoạt động của hội không có tư cách pháp nhân là chúng ta cũng không điều chỉnh hết được. Ví dụ Hội chơi Tem, Hội đồng hương, Hội đồng môn, hội do sở thích của những cá nhân là những sở thích riêng của họ, chúng ta không thể điều chỉnh hết ở đây được. Do vậy, chúng ta chỉ điều chỉnh các hội có đủ tư cách pháp nhân, là chủ thể độc lập trong quan hệ pháp luật và có nghĩa vụ đăng ký thành lập tổ chức v.v.... tất cả những cái đó chúng ta quản lý được. Đó là về phạm vi điều chỉnh.

Thứ hai, về đối tượng áp dụng, tôi tán thành phương án 3 là luật này quy định về tổ chức hoạt động của hội và quản lý Nhà nước về hội có tư cách pháp nhân. Khoản 2 là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam v.v..... hoạt động theo quy định của pháp luật có liên quan là hoàn toàn chính xác. Vì chúng ta thấy Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội là chỗ dựa của Đảng, là nền tảng chính trị của Đảng, do Đảng ta thành lập và lãnh đạo, Đảng ta cử cán bộ sang lãnh đạo các đoàn thể này.

Chúng ta biết lịch sử của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội được thành lập rất sớm, nhưng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiền thân của nó là Hội phản đế đồng minh được thành lập ngày 18/11/1930, chỉ 7, 8 tháng sau khi Đảng ta thành lập. Đây là những tổ chức rất đặc biệt, là chỗ dựa của Đảng để thực hiện các nhiệm vụ chiến lược của Đảng. Do vậy nó khác hoàn toàn những hội quy định trong dự luật này, được giao rất nhiều nhiệm vụ quan trọng mà Đảng ta phải dựa vào Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội mới hoàn thành được. Nếu như quy định ở đây thì hội không thể thực hiện những nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao, tôi thấy phương án 3 là phương án tôi tán thành và ủng hộ. Suy cho cùng về bản chất mà nói Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể này phải có luật riêng điều chỉnh thì mới thỏa đáng được.

Hội không có tư cách pháp nhân hoạt động theo quy định của Chính phủ. Hiệp hội doanh nghiệp của nước ngoài thành lập và hoạt động tại Việt Nam theo quy định của Chính phủ nó cũng hoàn toàn chính xác. Rất nhiều hội như trong tôn giáo chẳng hạn, trong tôn giáo có hội đoàn, thiên chúa giáo thì phải hoạt động theo quy định của Chính phủ, chúng ta đã có Pháp lệnh về tôn giáo.

Về thủ tục thành lập hội, tôi tán thành phải có Ban vận động thành lập hội và tiêu chuẩn của những người vận động này. Bởi vì những người vận động này hết sức quan trọng là tiền thân của hội và nòng cốt của hội sau này, là những người dự thảo điều lệ mục đích của hội, cho nên Ban vận động này và các sáng lập viên phải có đủ tiêu chuẩn là những công dân mẫu mực, phải có nghiệp vụ chuyên môn, phải có những sở thích hay có những sở trường hoạt động phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước và của cộng đồng. Còn người sáng lập viên không đủ tiêu chuẩn, không phải là công dân mẫu mực hoặc những người có chuyên môn nghiệp vụ như thế dễ lệch lạc, có thể hướng dẫn hội thành hội không bình thường, hoạt động không theo tôn chỉ mục đích, mong muốn của chúng ta, do vậy phải có tư tưởng cụ thể. Đó là một số ý kiến tôi thấy cần tham gia, còn tất cả các ý kiến khác chúng tôi tán thành như Dự thảo.

Các văn bản liên quan